Đại án ăn hối lộ lớn lịch sử phong kiến Việt Nam: Vua Tự Đức xử lý ra sao?

Vua Tự Đức vốn được sử sách ca tụng là vị vua nhân từ, thế nhưng, ông cực "dị ứng" với tham nhũng, hối lộ. Trong thời gian trị vì, ông từng xử phạt rất nặng những viên quan nhận hối lộ.

Đỗ Thu Nga
09:00 25/01/2022 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Vua hiền ghét cay ghét đắng tham quan

Tự Đức (1829-1883) tên thật là Nguyễn Phúc Hồng Nhậm, lên ngôi đổi thành Nguyễn Phúc Thì. Ông là vị hoàng đế thứ 4 của nhà Nguyễn. Ông là vị vua trị vì lâu dài nhất của nhà Nguyên, trị vì từ năm 1847 đến 1883. Ông được truy tôn miếu hiệu là Nguyễn Dực Tông. 

Theo sử sách, vua Tự Đức là người nhân từ, có đức, có tài và luôn hết lòng vì muôn dân. Đặc biệt, nhà vua ghét cay ghét đắng quan tham. Trong thời kỳ trị vì của mình, ông có những động thái quyết liệt trong việc chống tham nhũng, làm sạch bộ máy chính quyền để nhân tân tin tưởng, có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Ông luôn yêu cầu quan lại phải chăm lo thực hiện tốt bổn phận và giữ đúng phép tắc thanh liêm.

Vào năm Kỷ Dậu (1849), vua Tự Đức ra chỉ dụ: “Trẫm nghe rằng quan sung sướng thì dân càng khốn khổ. Trên được lợi ích thì dưới chịu thiệt thòi. Cũng bởi những kẻ lộng phép mà làm càn, như xử án thẩm hình dụng tâm thay đổi để sách nhiễu hối lộ, hoặc giả ý đốc sưu thuế rồi nhúng tay vào việc bớt xén, hoặc bắt dân đóng góp, bóc lột nặng nề làm riêng cho mình, đem biếu đãi nịnh nọt để dọn đường tiến thân, xưa nay những mối tệ nạn đó không sao kể xiết”.

Vua-Tu-Duc-xu-ly-the-nao-voi-dai-an-nhan-hoi-lo-lon-nhat-lich-su-9
Vua Tự Đức

Dưới con mắt của vua Tự Đức lúc bấy giờ, "những kẻ nghèo khổ, lều tranh rách nát, ngay đến vật dụng trong nhà cũng thiếu thốn, thì lấy đâu mà cung đốn quan nha để khỏi bị phiền phức... Thử nghĩ xem, từ thuở khai thiên lập địa, hạt gạo, sợi tơ nếu không nhờ quân lính mà có thì tất ở dân mà ra vậy. Nên nhớ, bao nhiêu tài sản đều là máu mỡ con dân của trẫm…

Cổ nhân có câu gây được mối lợi không bằng giảm bớt đi một việc. Công việc khẩn yếu ngày nay chẳng gì bằng khoan hình, giảm chính, quan lại thanh liêm, ngõ hầu có thể ngồi khoanh tay mà thiên hạ cũng yên ổn, thịnh trị”.

Từ thực trạng xã hội thời bấy giờ, vua đã nghiêm cẩn nhận trách nhiệm và chân thành khuyên răn các bề tôi của mình: "Trẫm vẫn quan niệm sâu xa rằng giữ nghiệp đã thành không dễ, mà lo kế thuật trị nước càng khó khăn, phải sửa điều nhân, yêu thương muôn dân, tu chỉnh cách cai trị.

Về phần các khanh nên chăm lo bổn phận, theo đúng phép tắc thanh liêm. Đó là điều rất mong mỏi của trẫm vậy. Giao cho quan Ngự sử và Án sát, bất luận quan lại trong triều ngoài nội. Nếu xét thực tình đúng như vậy thì lập tức tại triều nêu đích danh, để đem ra nghiêm phẩm rồi trừng phạt cho nghiêm phép nước”.

Đại án nhận hối lộ lớn nhất lịch sử phong kiến Việt Nam

Dưới thời vua Tự Đức, một vụ án nhận hối lộ lớn nhất đã bị phát hiện và xử lý. Cụ thể, vào tháng 12/1854, thương nhân Trung Quốc tố giác một số quan lại của triều đình nhà Nguyễn nhận hối lộ của các thuyền buôn ngoại quốc.

Khi vừa nhận được thông tin, vua Tự Đức lập tức phái quan Quản viện đô sát dẫn đầu một đoàn thanh tra đến Quảng Nam để điều tra nội tình. Nếu sự tình đúng như vậy thì sẽ đưa ra xét xử công khai, nghiêm khắc.

Kết quả điều tra của Quản viện đô sát phát hiện vụ nhận hối lộ lớn với sự liên quan của nhiều quan lại có chức vụ cao. Dù vậy, tất cả những người phạm tội đều bị xử lý nặng.

Vua-Tu-Duc-xu-ly-the-nao-voi-dai-an-nhan-hoi-lo-lon-nhat-lich-su-6
Tranh minh họa

Cụ thể, 17 người bị xử tội giảo giam hậu (bắt thắt cổ chết nhưng còn tạm giam đợi lệnh), 25 người bị kết án lưu đày, 12 người bị kết án làm lao dịch, 8 người bị phạt đánh gậy và cách chức.

Trong vụ án này còn phát hiện Tham tri Bộ Hộ là Phan Tĩnh, Đào Trí Phú (nguyên Bố chính), Phan Bật (nguyên Đốc) cùng nhau nhận tiền lậu thuế, chia nhau 60 lạng bạc. Tổng đốc Trần Tri, Hộ đốc Bắc Ninh là Nguyễn Quốc Hoan, Bố chính Bình Định là Nguyễn Hữu Độ bị khép vào tội Thất sát (không giám sát). Tri phủ Điện Bàn là Nguyễn Bá Đôn bị tước bỏ tên trong sổ làm quan do sách nhiễu vòi hối lộ, nhận tổng cộng 12 lạng bạc. Quan án sát Đặng Kham vì nhận hối lộ hai lạng bạc mà bị thu lại bằng sắc, xoá tên trong sổ làm quan.

Vua Tự Đức chỉ dụ, trong vụ án này, 8 người bị khép vào tội lưu trở lên mà tuổi 70-80, mang bệnh thì cho giảm tội, cắt chức. Ai trả hết tiền đã nhận từ nhà buôn Trung Quốc thì sẽ được giảm tội. Với số lượng người bị kết án lớn, trong đó 17 người bị xử tội chết, đây được coi là một trong những vụ án nhận hối lộ quy mô lớn và mức phạt nghiêm khắc nhất trong lịch sử thời phong kiến.

Xem thêm: Góc khuất sau ngai vàng: Chuyện "huynh đệ tương tàn" và sự cố "răng cắn lưỡi" của vua Tự Đức

songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận