"Vợ chồng A Phủ" và 3 mẫu mở bài hút người đọc
"Vợ chồng A Phủ" là tác phẩm ấn tượng của nhà văn Tô Hoài và đây cũng là tác phẩm trọng tâm trọng tâm khi ôn thi tốt nghiệp.
Tô Hoài là nhà văn đạt kỷ lục về số lượng tác phẩm văn học Việt Nam hiện đại. Nêu trước Cách mạng Tháng Tám, ông nổi tiếng với truyện đồng thoại "Dế mèn phiêu lưu ký" thì trong kháng chiến chống Pháp ông được biết đến nhiều với tập "Truyện Tây Bắc". Trong đó, linh hồn của tập truyện là "Vợ chồng A Phủ".
Tác phẩm "Vợ chồng A Phủ đi sâu phản ánh số phận tủi nhục, cay đắng của người dân miền núi dưới chế độ thực dân phong kiến chúa đất bằng giọng văn bàng bạc chất thơ. Tác phẩm để lại nhiều giá trị, nhiều góc nhìn sâu sắc mà những người ra đề thi có thể tận dụng.
Với những bạn học sinh đang ôn thi nước rút thì đừng nên bỏ qua 3 mẫu mở bài ngắn gọn và ấn tượng dưới đây về tác phẩm này nhé:
MỞ BÀI 1
Mỗi con người chỉ có một lần được sinh ra, một lần chết đi và một cuộc đời để sống. Nhưng may mắn thay ta có cho nhau trên cõi đời này hàng vạn trang sách. Đó là kho tàng chứa đựng sự sống của biết bao câu chuyện, bao nhân vật còn mãi với thời gian. Mỗi lần đắm chìm vào những trang sách đó, ta được hòa mình, trải nghiệm và sống thêm một cuộc đời mới trong thế giới kỳ diệu của văn chương. Một trong những câu chuyện tôi được đi qua có "Vợ chồng A Phủ" của Tô Hoài. Tác phẩm để lại cho tôi nhiều ấn tượng về Mị - một cô gái vùng cao rực rỡ như những loài hoa ngát hương của núi rừng Tây Bắc. (Vấn đề cần nghị luận).
MỞ BÀI 2
Tổ quốc Việt Nam cong cong nhỏ xinh là mảnh đất lành cho năm mươi tư dân tộc anh em cùng chung sống. Cũng bởi vậy, mỗi tỉnh thành, mỗi vùng miền lại có những bản sắc văn hóa độc đáo riêng. Nhà thơ Hoàng Cầm đã gửi lại trái tim mình nơi mảnh đất kinh Bắc:
"Em ơi! Buồn làm chi
Anh đưa em về sông Đuống
Ngày xưa cát trắng phẳng lì"
Ca dao xưa cũng bay bổng khắp mọi nẻo đường để rồi dừng chân nơi xứ Huế mộng mơ:
"Ở đây có nước sông Hương
Có cây núi Ngự có đường Nam Giao
Bồng bồng sáu nhịp cầu cao
Thờ ơ bóng mát nơi nào cũng xanh"
Riêng với nhà văn Tô Hoài, ông có ấn tượng sâu sắc với con người và văn hóa vùng cao Tây Bắc. Cũng chính nơi địa đầu tổ quốc này là nguồn cảm hứng cho ông viết lên "Vợ chồng A Phủ", những trang văn thấm đẫm tình người và tình đời (Vấn đề nghị luận).
MỞ BÀI 3
Nếu ai đó hỏi tôi về một nhà văn bình dị, gần gũi với người nông dân và nông thôn Việt Nam, câu trả lời chính là Kim Lân - cha đẻ của đồng quê Bắc Bộ. Nếu có ai đó hỏi tôi về một nhà văn được mệnh danh là phù thủy ngôn từ thi tôi xin chỉ đó là Nguyễn Tuân - thợ rèn con chữ. Còn nếu hỏi tôi về một tác giả chinh phục độc giả mọi lứa tuổi đồng thời là người đầu tiên khai phá mảng đề tài về con người vùng cao Tây Bắc thì đó là Tô Hoài. Với ông: "Viết văn là một quá trình đấu tranh để nói ra sự thật. Đã là sự thật thì không tâm thường, cho dù phải đập vỡ những thần tượng trong lòng người đọc". Chính bởi quan niệm thẳng thắn, chân thành đó trong nghệ thuật, "Vợ chồng A Phủ" đã ra đời và ở lại trong khu vườn văn học Việt Nam như một bông hoa rực rỡ, tỏa ngát giá trị hiện thực và nhân đạo sâu sắc. (Vấn đề cần nghị luận).
Xem thêm: So sánh chi tiết "A Sử trói Mị" (Vợ chồng A Phủ) và "gã đàn ông đánh vợ" (Chiếc thuyền ngoài xa)
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận