Lý Cao Tông - vị vua mê phượt, lấy bán quan buôn ngục làm chính sự, thấy trộm vờ như không biết

Sử chép, Lý Cao Tông rất ham của cải lợi lộc, lấy việc bán quan buôn ngục làm chính sự. Ông cũng chính là người bắt đầu làm mất triều Lý sau khoảng 160 năm qua 6 đời vua.

Đỗ Thu Nga
07:00 20/10/2021 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Đăng cơ nhờ may mắn

Lý Cao Tông (6 tháng 7 năm 1173 – 15 tháng 11 năm 1210) là vị hoàng đế thứ bảy của nhà Lý, cai trị từ năm 1175 đến năm 1210. Thời kỳ của ông đánh dấu sự suy tàn không thể vực dậy của nhà Lý hay còn gọi là Cao Tông Trung Suy.

Lý Cao Tông tên thật là Lý Long Trát (hay Lý Long Cán), sinh tại kinh thành Thăng Long. Ông là con thứ 6 của vua Lý Anh Tông, mẹ là bà Đỗ Thụy Châu. 

Lý Cao Tông là người được truyền ngôi một cách may mắn nhất trong các vị vua triều Lý. Chuyện kể rằng, một hôm Lý Anh Tông bế Long Trát, cậu bé 2 tuổi thấy vua cha đội mũ liền khóc đòi, vua chưa kịp tháo mũi ra đưa thì càng khóc to hơn, lúc cầm được mũ thì lại cười....

vi-vua-nao-cua-nha-ly-lay-ban-quan-buon-nguc-lam-chinh-su-7
Lý Cao Tông đăng cơ nhờ sự may mắn

Thế nhưng hành động trẻ con này lại khiến cho Lý Anh Tổng tưởng đó là điềm lạ, xứng đáng ở ngôi vị cao nhất. Vậy nên vào năm 1174, Lý Anh Tông truất ngôi Thái tử vốn thuộc về Lý Long Xưởng trao lại cho Lý Long Trát. Khi ấy, Long Xưởng quả thực mắc nhiều khuyết điểm, bị hạ xuống làm dân thường. Bên cạnh đó, Lý Anh Tông còn dặn dò, ủy thác cho Tô Hiến Thành phải giúp đỡ Long Trát.

Năm 1175, Lý Anh Tông băng hà, Thái tử Long Trát khi ấy mới 3 tuổi. Bà Chiêu Linh Thái hậu vẫn muốn lập con trưởng của mình là Long Xưởng làm hoàng đế bèn đem đút bạc cho vợ Tô Hiến Thành. Nhưng Tô Hiến Thành nhất định không nghe mà cứ thuận theo di chiếu của tiên đế lập Long Trát lên làm vua. Long Xưởng bị đuổi khỏi cung, Chiêu Linh Thái hậu bị giam lỏng. Long Trát đăng cơ lấy niên hiệu là Lý Cao Tông. 

Vì vua mới 7 tuổi nên trước lúc lâm chung, Tô Hiến Thành đã tiến cử Trần Trung Tá với Đỗ Thái hậu để giúp vua. Thái hậu dù khen nhưng vẫn không nghe theo lời, lấy Đỗ An Di là em trai của bà làm phụ chánh. Và có lẽ đó là mầm mống khiến suốt 35 năm trị vì, sự nghiệp và công trạng của Lý Cao Tông để lại cho hậu thế gần như chẳng có gì.

Mê... phượt

Sử sách chép rằng, khi còn nhỏ, Lý Cao Tông là người ngoan lành. Song khi trưởng thành và trực tiếp cai quản đất nước thì lại sinh ham mê săn bắn, chính sự pháp luật không rõ ràng, vơ vét của nhân dân xây nhiều cung điện, bắt trăm họ xây dựng, phục dịch nên lòng dân không an, nạn trộm cướp nổi lên khắp nơi. Cao Tông tuy giữ được ngôi nhưng không phải là minh quân. 

Đặc biệt, vua thích vi hành nhưng không phải là quan tâm đến muôn dân mà là để thỏa trí tò mò, sự ham vui chơi của bản thân, như lời Đại Việt sử ký toàn thư thuật lại: Vua ngự đi khắp núi sông, phàm ngự đến đâu mà có thần linh đều cho phong hiệu và lập miếu để thờ (…) vua xây dựng không ngớt, ngao du không chừng mực.

vi-vua-nao-cua-nha-ly-lay-ban-quan-buon-nguc-lam-chinh-su-0
Tượng vua Lý Cao Tông

Cũng vì cái thói thích ngao du ấy mà có lần vua gặp cảnh bất bình nhưng người tự coi mình là con trời lại làm ngơ. Vào năm Bính Dần (1206) niên hiệu Trị Bình Long Ứng năm thứ hai theo ghi chép của Đại Việt sử lược, việc ấy xảy ra ngay tại kinh thành, khi vua 37 tuổi.

Năm đó, trong nước loạn lạc đã nổi lên như trấu, mà vua thích đi chơi, nhưng đường xá không thông được. Vua bèn sai làm hành cung Ứng Phong, Hải Thanh ở đầm Ứng Minh. Hàng ngày cùng bọn cung nữ vui đùa. 

Lại lấy thuyền to làm thuyền ngự, lấy các thuyền bé chia làm hai đội, sai bọn cung nữ, phường tuồng chèo thuyền, vua dẫn bọn tả hữu bắt chước nghi vệ thiên tử như khi vua ngự. Lại còn ấy sáp ong bọc những tấm lụa và các thứ hải vật thả xuống ao rồi sai người lội xuống mò lên giả làm đồ vật dưới Long Cung đem dâng. Bá quan văn võ thấy vua rong chơi vô độ đều sợ hãi không dám nói.

Thấy trộm lại vờ như không biết

Thời vua Lý Cao Tông, triều chính suy yếu trầm trọng, loạn lạc nổi lên khắp nơi do người đứng đầu triều đình xa hoa trụy lạc. Để có tiền ăn chơi, Lý Cao Tông trở thành vị vua đầu tiên và duy nhất của triều Lý công nhiên cho mua quan bán tước; tệ tham nhũng, hối lộ trong những năm cuối ở ngôi của ông diễn ra tràn lan.

Sách Đại Việt sử ký toàn thư viết: "Vua thì thích làm tiền, các quan phần nhiều bán quan chức, buôn hình ngục…".

Còn sách Đại Việt sử lược cho biết: "Vua rất ham của cải lợi lộc, lấy việc bán quan buôn ngục làm chính sự. Hai người nào mà tranh nhau ruộng đất, sản vật, hễ một người đem dâng nạp rồi thì vua chẳng hỏi tình lý phải trái thế nào đều tịch thu sung công cả. Vì thế mà kho đụn của nhà nước của cải chất như núi, còn bách tính thì kêu ca, oán thán".

Sử chép: "Vua chơi bời không điều độ, hình chính không rõ ràng, giặc cướp như ong, đói kém liền năm, cơ nghiệp nhà Lý từ đấy suy kém" (Đại Việt sử ký toàn thư).

vi-vua-nao-cua-nha-ly-lay-ban-quan-buon-nguc-lam-chinh-su-1
Lý Cao Tông ăn chơi vô độ

Lý Cao Tông chỉ nghĩ đến mình còn chẳng quan tâm dân chúng đang sống ra sao. Sử chép, vào năm Bính Dần (1206) trong nước mất mùa, đói kém xảy ra khắp nơi khiến người chết rất nhiều còn vua thì vẫn rong chơi vô độ, xây đền đài không ngớt, nghe ngoài cung nhiều việc nhiễu nhương vẫn không để tâm lo lắng.

Có một lần vua ngự giá đi dạo trên đường hoàng thành bỗng nghe thấy phía dưới chân tường xảy ra vụ cướp trắng trợn giữa ban ngày. Người mất của kêu la mong mọi người giúp đỡ nhưng vào thời buổi loạn lạc, người hay sợ kẻ gian nên chẳng ai dám làm gì.

Tiếng gào khóc cứ thế càng thảm thiết hơn, một đại thần trong đoàn hộ giá thấy cả vua và các quan đều chỉ chú tâm ngoạn cảnh mà lờ đi vờ như không nghe thấy tiếng kêu ai oán của dân mới tâu rằng: "Nay trộm cướp ngày càng nhiều, khắp nơi chúng ngang nhiên làm bậy. Xin bệ hạ cho người đi lùng bắt, dẹp bọn thảo tặc để dân chúng được nhờ".

Lý Cao Tông nghe bẩm báo xong không nói gì, phất tay áo ra hiệu cho đoàn rước tiếp tục đi đến điểm vui chơi khác. 

Sách Đại Việt sử ký toàn thư có ghi lại ngắn gọn việc này như sau: "Bấy giờ vua xây dựng không ngớt, ngao du không chừng mực, hàng ngày cùng cung nữ dạo chơi làm vui, nghe ngoài thành có trộm cướp, lờ đi giả cách không biết".

Cái kết

Năm 1208 đói kém làm cho người chết đói hàng loạt. Trong lúc ấy vua vẫn rong chơi vô độ, xây đền đài không ngớt, nghe ngoài thành có trộm cướp thì lờ đi như không hay biết... Do chính sự rối ren, lòng dân oán hận, nhiều cuộc khởi nghĩa của nông dân và ly khai của các hào trưởng địa phương nổ ra liên miên.

Đến năm 1209,  vì nghe lời Phạm Du, Lý Cao Tông giết Phạm Bỉnh Di. Tướng của Bỉnh Di là Quách Bốc nghe tin đó, đem binh phá cửa Đại Thanh, Cao Tông chạy trốn. Quách Bốc liền tôn hoàng tử nhỏ là Thầm lên làm vua.

vi-vua-nao-cua-nha-ly-lay-ban-quan-buon-nguc-lam-chinh-su-3
Lý Cao Tông thọ 38 tuổi

Lý Cao Tông chạy về Tam Nông nương nhờ nhà Hà Vạn - một thủ lĩnh dân tộc thiểu số có thể lực. Thái tử Sảm cùng mẹ là nguyên phi Đàm Thị và hai em gái chạy về Hải Ấp, Thái Bình dưới quyền cai quản của Trần Lý.

Trần Lý và Tô Trung Từ mang quân về kinh thành dẹp Quách Bốc và cuối năm 1209, Quách Bốc bị dẹp, đón vua Cao Tông về cung.

Ngày 28 Nhâm Ngọ, năm Canh Ngọ (tức 15/11/1210), Cao Tông mất ở cung Thánh Thọ, ủy thác cho Đỗ Kính Tu việc triều đình. Cao Tông thọ 38 tuổi.

Xem thêm: Lý Thánh Tông - 1 trong 3 đấng minh quân nhà Lý tạo ra thời kỳ "trăm năm thịnh thế"

songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận