Vì sao Thái hậu Từ Dũ khuyên vua Tự Đức trọng dụng Phạm Phú Thứ?

Chính nhờ lời răn dạy của Thái hậu Từ Dũ mà vua Tự Đức không mất đi một vị quan tài giỏi, thanh liêm như Phạm Phú Thứ.

Đỗ Thu Nga
10:00 29/05/2022 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Phạm Phú Thứ (1821 - 1882) trước tên là Phạm Hào (khi đỗ Tiến sĩ thì được vua Thiệu Trị đổi thành Phú Thứ), tự Trúc Đường, biệt hiệu Giá Viên. 

Ông sinh ở làng Đông Bàn, huyện Diên Phước, phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam (nay là thôn Nam Hà, xã Điện Trung, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) trong gia đình Nho phong, tổ năm đời của ông họ Đoàn, gốc Bắc Thành. Cha ông là Phạm Phú Sung, mẹ ông là Phạm Thị Cẩm (người làng Trừng Giang, và là con gái một ông đồ).

Nhà nghèo, mẹ mất sớm, nhưng nhờ thông minh, chăm chỉ, và từng được Tùng Thiện Vương (Miên Thẩm) dạy dỗ, nên ông Thứ sớm có tiếng là người học giỏi.

Năm 1842, Triều đình mở khoa thi, Phạm Phú Thứ năm đó 21 tuổi, qua 3 kỳ thi Hương, thi Hội, thi Đình đều đỗ. Trải qua các chức vụ khác nhau, đến năm 1845 thì ông xin cáo lui về quê vì cha mất.

Vi-sao-Thai-hau-Tu-Du-khuyen-vua-Tu-Duc-trong-dung-Pham-Phu-Thu-0
Chân dung ông Phạm Phú Thứ

Đến năm 1849, dưới thời vua Tự Đức, ông được chuyển qua Viện Tập hiền làm chức Khởi cư trú (thư ký ghi lời nói và hành động của vua), rồi sang tòa Kinh diên (phòng giảng sách cho vua).

Dù chỉ giữ chức quan nhỏ trong triều nhưng thấy vua ham chơi, lơ là việc triểu chính, Phú Thứ liền dâng tấng phê bình: "Lễ đại đình ít thấy ra triều thị, nhạc nội uyển kèn trống suốt cả đêm, nhà Kinh Diên lâu không tới giảng, chốn triều đình lâu không ban hỏi, thần tử ở bốn phương phủ huyện cũng lâu không thừa chỉ thanh vấn. Lại nói: Thái y phương thuốc điều hòa, thực cũng quá ư nghệ thuật, quân dần dâng sớ thỉnh an, vì tình khuất cả lời nói" (Theo Đại Nam liệt truyện).

Vua Tự Đức năm ấy mới 21 tuổi, lên ngôi được 3 năm. Vua còn trẻ nên có tính ham chơi, đột nhiên bị phê bình nên tức giận. Dù triều thần xin tha cho Phú Thứ nhưng vua vẫn quyết tước bỏ hết chức quan của ông, bắt đi làm lính khổ sai cắt cỏ ngựa ở trạm Thừa Nông (phía nam Huế).

Trong khi nhiều đồng môn thân tín, bạn bè lo cho số phận của ông thì Phạm Phsu Thứ vẫn vui vẻ, lúc rảnh rang lại đi câu cá, ngắm cảnh làm thơ. Ông làm quen thêm với một số danh sĩ, làm tập thơ "Nông giang thi lục". Ông có biệt danh là "Nông giang điếu đồ", nghĩa là người câu cá trên sông Nông.

Lại nói chuyện vua Tự Đức cách chức Phú Thứ, Thái hậu Từ Dũ biết được liền vời con đến hỏi: "Ông Phạm dâng sớ khuyên con, ông ta được cái gì?". 

Vua đáp: "Dạ, ông ấy không được gì cả. Nhưng con thấy làm bề tôi mà trách vua với lời lẽ nặng nề như thế là phạm thượng".

Vi-sao-Thai-hau-Tu-Du-khuyen-vua-Tu-Duc-trong-dung-Pham-Phu-Thu-8
Tranh vẽ vua Tự Đức

Bà Từ Dũ lại hỏi:"Thế từ khi bị giáng làm lính, ông ta có tỏ lời oán hận gì không?".

Vua Tự Đức đáp: "Con không nghe chuyện ấy. Nhưng biết rằng, ông ta mỗi chiều thường thả thuyền trên sông ngắm cảnh làm thơ ngâm vịnh".

Lúc này bà Từ Dũ mới răn dạy con rằng: "Thế người này đáng trọng lắm! Dâng sớ trách như vậy vì thương vua, vì muốn vua lo việc nước tốt hơn. Thương vua, giúp vua lại bị nạn mà không một lời than vãn, đành cam chịu thế càng tỏ trung thành. Đó là bậc trượng phu không vui ở chức tước được người trên trọng hay khinh mà vui ở việc làm chân chính. Con nên nghĩ lại!".

Vua Tự Đức lúc ấy mới nghe ra, thấy lời mẹ dặn dạy là đúng. Năm 1852, vua cho vời Phạm Phú Thứ về, khôi phục hàm Biên tu (tức chức vụ lúc ban đầu khi thi đỗ). Nhờ có lời dạy của mẹ mà vua không đánh mất một vị quan tài giỏi. Từ đó, Tự Đức cũng xem trọng Phạm Phú Thứ hơn.

Phạm Phú Thứ sau đó làm quan ở các nơi, nơi đâu ông cũng chăm lo cho dân chúng, đồng thời có nhiều biểu tấu canh tân đất nước.

Xem thêm: May mắn như danh tướng Ông Ích Khiêm: 2 lần được đồng liêu 'giải cứu', nhẹ nhàng biến nguy thành an

songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận