Vẻ đẹp trẻ thơ trong "Chiếc thuyền ngoài xa"

Nhà văn đã đem đến trang văn thật nhiều nỗi âu lo day dứt và dành trọn niềm tin yêu của mình cho thân phận những đứa trẻ miền biển…

Đỗ Thu Nga
10:00 23/12/2023 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Nguyễn Minh Châu là “người mở đường tinh anh, tài năng và đi được xa nhất trong công cuộc đổi mới của văn học đầu thế kỉ XX” (Nguyên Ngọc).Bằng lối văn tự sự - triết lí, vừa kể chuyện vừa nghiền ngẫm, với thứ ngôn từ dung dị đời thường mỗi trang viết của ông đều thấm đẫm chiêm nghiệm sâu sắc về nghệ thuật và cuộc đời. 

Là cây bút tiên phong ở thời điểm “trở dạ” của lịch sử đất nước, Nguyễn Minh Châu luôn day dứt mối quan hoài thường trực về số phận con người, gửi gắm cái nhìn thấu suốt và đầy lo âu về nhân phẩm của con người trước sự băng hoại của hoàn cảnh. Ông từng quan niệm “Cuộc đấu tranh vì quyền sống của mỗi người sẽ gian nan và khó khăn gấp vạn lần quyền đấu tranh cho quyền sống của một dân tộc”.

Chiếc thuyền ngoài xa là truyện ngắn xuất sắc của Nguyễn Minh Châu. Truyện kể về những nghịch lý trong một gia đình hàng chài ven biển miền Trung. Qua câu chuyện, người đọc cảm nhận được trái tim nhân hậu của nhà văn. Đó là niềm tin yêu, sự trân trọng trước vẻ đẹp của tuổi thơ, của tình mẫu tử, sự can đảm, bao dung của người phụ nữ. Tất cả những vẻ đẹp đó đều là hạt ngọc khuất lấp ẩn giấu đằng sau cái vỏ lấm láp, đời thường và lam lũ.

Truyện đem đến cho người đọc ám ảnh về thân phận cảnh ngộ bi kịch của người đàn bà hàng chài, về những uẩn khúc trong tâm can người chồng vũ phu và cả nỗi xót xa cho vẻ đẹp trẻ thơ bị đánh cắp ở những đứa con trong gia đình ấy. Trong hàng chục đứa con chen chúc nhau trên một thuyền chật chội với cảnh sống của gia đình diêm dân miền biển nay đây mai đó. “Cuộc sống cứ lênh đênh khắp cả một vùng phá mênh mông. Cưới xin, sinh con đẻ cái, hoặc lúc nhắm mắt cũng chỉ trên một chiếc thuyền. Xóm giềng không có. Quê hương bản quán cả chục cây số trời nước chứ không cố kết vào một khoảnh đất nào”, Nguyễn Minh Châu dành những trang viết của mình để miêu tả thằng Phác và người chị gái Phác. Hai nhân vật để lại ám ảnh khắc khoải khôn nguôi cho người đọc. 

????.

Trong cảm nhận của Nguyễn Minh Châu, những đứa trẻ miền biển có ngoại hình thật đặc biệt. Thằng Phác dường như đã quen với cái mặn mòi, nắng gió của biển cả sóng khơi. Phác với mái tóc cháy nắng “những món tóc vàng hoe có chỗ đỏ quạch như mớ lưới tơ đã bợt bạt”, là “mùi nước mặn che lấp gần hết khuôn trán nhỏ và cặp mắt đầy vẻ ngây thơ, lúc này chả khác nào cặp mắt của một chú hổ con từ miền rừng vừa lạc về”. Chị gái Phác, đứa trẻ trạc 12, 13 tuổi một “thiếu nữ mảnh dẻ trong tấm áo cánh màu tím nhạt” với bộ dạng “mềm mại và nhanh như một con vượn đen tuyền trong bộ quần áo đen ướt rượt bó sát vào mình”. Và ấn tượng hơn nữa là đôi mắt trẻ thơ “một cặp mắt đen của chiếc thuyền mới đóng”. Những chi tiết miêu tả ngoại hình nhân vật của nhà văn tưởng chừng như rất nhỏ nhặt nhưng lại có sức ám ảnh lớn lao với độc giả.

ve-dep-tre-tho-trong-chiec-thuyen-ngoai-xa-9

Thằng Phác là nhân vật duy nhất có tên trong tác phẩm, được nhà văn Nguyễn Minh Châu giới thiệu như là nạn nhân của tấn bi kịch gia đình. Đứng trước sự tối tăm, đói nghèo, thất học, và chứng kiến cảnh cha đánh mẹ như cơm bữa với “năm ngày một trận nặng, ba ngày một trận nhẹ” cùng với sự cam chịu, nhẫn nhục của mẹ, Phác đã mất đi sự hồn nhiên, trong trẻo của trẻ thơ.

Người đàn bà hàng chài, người mẹ khốn khổ bất hạnh luôn tìm mọi cách để che chắn cho tâm hồn non trẻ của những đứa con thơ, lo sợ những trận đòn khủng khiếp kia có thể làm tổn thương tinh thần những núm ruột thân yêu của mình. Thương Phác và lo cho tính cách tưởng như đúc ra từ gã đàn ông sẽ phát triển một cách đáng sợ trong môi trường bạo lực, người đàn bà đã gửi Phác lên rừng nhờ bố mình nuôi đã nửa năm nay. Sợ các con nhìn thấy những đòn roi đáng sợ từ người chồng, người đàn bà hàng chài đã xin chồng được lên bờ, ở chỗ khuất để chồng đánh. Nhưng mọi sự che chắn ấy cuối cùng bất thành. Bằng tình yêu nông nổi của một đứa trẻ chưa biết nghĩ, Phác đã gây ra tội ác khủng khiếp với cha, đã lao vào đánh cha như cái cách cha đánh mẹ nó.

“Bóng một đứa con nít lao qua trước mặt tôi. Tôi vừa kịp nhận ra thằng Phác - thằng bé trên rừng xuống vừa nằm ngủ với tôi từ lúc nửa đêm. Thằng bé cứ chạy một mạch, sự giận dữ căng thẳng làm nó khi chạy qua không nhìn thấy tôi. Như một viên đạn trên đường lao tới đích đã nhắm, mặc cho tôi gọi nó vẫn không hề ngoảnh lại, nó chạy tiếp một quãng ngắn giữa những chiếc xe tăng rồi lập tức nhảy xổ vào cái lão đàn ông”.

Thằng bé lầm lì như một người câm, lao nhanh như một viên đạn trên đường băng và tấn công cha nó. Tất cả những uất ức, căm giận bùng nổ thành những động tác dứt khoát, mạnh mẽ như “dướn”, “giằng”, “quật”... Dường như tình thương mẹ và nỗi căm hận bố đã được thằng bé dồn tất cả vào cái thắt lưng kia. Đọc những câu văn này, người đọc xót xa trước một cuộc sống hoang dã, tối tăm, không còn pháp lý, đạo lý tối thiểu của con người. Người đọc còn sợ hãi cho sức mạnh u tối của lòng căm hận. Thằng Phác, thằng bé còn quá nhỏ cho một tội ác quá lớn.

Kết thúc cảnh tượng kinh hoàng và hãi hùng kia là cảnh Phác đứng ngơ ngác cô độc giữa bãi biển hoang sơ với tiếng sóng ồ ồ vào cõi im lặng, trên tay thằng bé vẫn cầm chiếc thắt lưng. Chiếc thắt lưng mà cha vừa đánh mẹ, con vừa đánh bố, chiếc thắt lưng chứa đựng những đau khổ không thể vơi dịu, những tội ác không thể dung thứ. Đứa trẻ đứng ngơ ngác một mình cô độc bên chiếc xe tăng hỏng và không ai trả lời cho nó tất cả những cảnh tượng vừa diễn ra. Thế nhưng, Nguyễn Minh Châu đem đến cho người đọc một hồi chuông cảnh tỉnh về thực tế: Bạo lực chiến tranh đã kết thúc nhưng bạo lực gia đình vẫn từng ngày từng giờ giết chết, ăn mòn nhân phẩm mỗi con người. Nó khiến những đứa trẻ thơ đi chệch đường ray, quỹ đạo trong sự thảng thốt bất lực và tuyệt vọng của người lớn.

????.

Những đứa trẻ mà Nguyễn Minh Châu miêu tả qua những trang truyện thật bất hạnh và đáng thương. Chúng là những nạn nhân khổ đau của bi kịch gia đình. Khi gia đình, hai tiếng gọi thân thương của tuổi thơ lẽ ra phải là nơi chúng được sống trong những phút giây hạnh phúc, khi có đủ đầy tình thương yêu, sự bao bọc, chở che của cha, của mẹ. Thì giờ đây, gia đình lại là hiện thân của bão tố, bạo lực. Nơi những con người vẫn đang hành hạ, xâu xé, quần tụ bên nhau bằng sự uất ức, hằn học và chịu đựng.

Hệ quả của tấn bi kịch gia đình đó là những đứa trẻ như thằng Phác. Từ một thằng bé thông minh, nhanh nhẹn, thân thiết với Phùng, đã từng “nép vào sườn tôi ngủ say như chết sau khi nó cặn kẽ giải thích cho tôi nghe cuộc sống của những giống chim trên rừng, trước mùa thu, trước mùa giá rét rất lâu, chúng đã nháo nhác rời tổ xây trên các lùm cây dẻ um tùm để làm những cuộc di cư”. Phác là đứa trẻ thông minh, nhanh nhẹn, am hiểu về biển cả, gió khơi… Vậy mà, cũng đứa trẻ ấy, sau khi Phùng biết câu chuyện gia đình nó, chính Phác đã hằn học, thù ghét, xa lánh anh.

Phác trở thành một chú sói con, tự bao quanh mình một thứ vỏ bọc ghê gớm của sự lầm lì, câm lặng. Thằng bé không cho Phùng lại gần: “Mấy ngày sau thằng Phác đối xử với tôi như một kẻ hoàn toàn xa lạ, như chưa bao giờ trò chuyện, ngủ chung với tôi. Mỗi lúc bắt gặp tôi khoác chiếc máy ảnh đi trên bãi cát, nó vẫn nhìn tôi bằng con mắt âm thầm giấu kín đầy một sự thù ghét - và tôi hiểu rằng tất cả lỗi lầm của tôi chính là ở chỗ tôi đã trót có dịp biết được tất cả mọi việc trong nhà nó, cái thằng trẻ con lạ kỳ nhất trần đời”, “cái chú chó sói con ấy, thì đến là quá quắt, thằng bé thông minh và dễ thương đã hoàn toàn biến thành một đứa trẻ độc ác và mất dạy, nó hét lên trước mặt tôi bằng giọng the thé đầy giận dữ: Hãy cút đi! Cút đi!”...

Cùng với Phác, Nguyễn Minh Châu còn dành những câu văn miêu tả đứa con của người đàn bà hàng chài là người chị gái. Đứa trẻ trạc chừng 14, 15 tuổi. Nhân vật xuất hiện ba lần trong chiều dài thiên truyện. Lần một khi đứa trẻ nhảy xuống chiếc thuyền lao theo mẹ nhưng lại sợ hãi khi bị đóng đinh, ghim chặt bởi tiếng quát của người cha: “Ngồi im đấy, động đậy, tao giết cả chúng mày bây giờ”.

Lần thứ hai, đứa trẻ xuất hiện khi hớt hải đuổi theo thằng Phác. Người chị gái sợ hãi giằng lấy con dao từ tay đứa em trai nhằm giữ cho em thoát khỏi cơn cuồng nộ. Cảnh hai đứa trẻ vật nhau trên bãi cát khiến người kể chuyện là nghệ sĩ Phùng không hiểu chuyện gì đang xảy ra nhưng rồi anh kinh ngạc thì ra chúng đang giành nhau con dao găm sáng loáng. Con dao là hung khí mà đứa em trai mang theo để định tấn công cha nó.

Lần thứ ba đứa trẻ xuất hiện khi ngồi trên chiếc thuyền thúng bên ngoài bờ phá để chờ mẹ ở cửa tòa án. Đứa trẻ lặng lẽ cay đắng chờ mẹ, chia sẻ với mẹ những bất hạnh và chịu đựng mà mẹ chúng đang nếm trải. Đứa trẻ được Nguyễn Minh Châu gọi là “thiếu nữ áo tím”, một người con gái hiếu thuận, hiểu biết: Vừa thấu hiểu cho cha, vừa xót thương cho mẹ, vừa kịp căn ngăn tội ác khủng khiếp của em trai.

Bi kịch gia đình cũng khiến cho chị gái Phác - đứa trẻ với “nhan sắc đang độ trẻ con như đúc từ trời biển trong suốt, nên thơ” mà Phùng vẫn không tin là được “tách ra từ da thịt của một người đàn bà hàng chài xấu xí và đau khổ” trở nên khác với những đứa trẻ cùng trang lứa. Cô bé chững chạc, già trước tuổi, luôn tìm mọi cách để căn ngăn em trai gây ra tội ác với cha mình. Đứa trẻ ấy là hiện thân của sự già dặn, chín chắn, của những chịu đựng thương tổn của tuổi thơ...

Nếu đọc Hai đứa trẻ của Thạch Lam, độc giả ngậm ngùi cho hai chị em Liên, hai mầm cây mọc lên giữa một mảnh đất cọc cằn, thiếu ánh sáng, sinh khí. Ở đó, mỗi ngày tuổi thơ của chúng phải chứng kiến sự lặp lại đến đơn điệu mỏi mòn một nhịp sống buồn tẻ, nơi mà hai đứa trẻ khát khao nhúng mình trong kí ức đã mất bằng việc chờ đoàn tàu đêm đi qua. Còn với Chiếc thuyền ngoài xa, người đọc lại ám ảnh bởi một tuổi thơ con trẻ bị đánh cắp sự hồn nhiên bởi những việc làm của người lớn. Cần làm gì đây để trả về cho những đứa trẻ tâm hồn trong veo, ngây thơ, trong sáng như chính độ tuổi của chúng?

????.

Nhưng hơn hết đằng sau những trang truyện đẫm nước mắt và nỗi xót xa kia, người đọc trân trọng trước tấm lòng của Nguyễn Minh Châu dành cho con người. Có nỗi xúc động nào bằng tình yêu thương mà Phác dành cho mẹ “Ở với ông ngoại, thằng bé sướng hơn ở trên thuyền với bố mẹ. Nhưng hễ rời ra là nó trốn về. Thằng bé tuyên bố với các bác ở xưởng đóng thuyền rằng nó còn có mặt ở dưới biển này thì mẹ nó không bị đánh”. Một đứa trẻ cao chưa đến ngực người lớn nhưng lại tự xác lập cho mình một nhiệm vụ cao cả: Làm vệ sĩ để bảo vệ mẹ trước đòn roi vũ phu của bố. Hẳn đó là đứa trẻ có tính cách mãnh liệt và tình thương bao la dành cho mẹ.

Đọc truyện, người đọc còn xúc động cho tình mẫu tử thiêng liêng. Còn gì khắc khoải hơn cảnh tượng người đàn bà hàng chài ngồi trên bãi cát khóc lóc van xin thằng Phác hãy dừng lại tội ác đối với cha chúng... Những ngón tay của Phác, trước đó đã giằng chiếc thắt lưng để đánh cha, bây giờ lại khẽ sờ trên khuôn mặt khốn khổ của mẹ nó, như cố lau đi giọt nước mắt đã lăn xuống những nốt rỗ chằng chịt. Bàn tay trẻ thơ chỉ dám khẽ sờ lên khuôn mặt mẹ mình vì chỉ sợ sẽ làm nỗi đau của mẹ sưng tấy thêm. Trong bàn tay ấy, chất chứa biết bao yêu thương mà Phác dành cho mẹ nó... Thì ra bên trong sự lầm lì, câm lặng của những đứa trẻ miền biển là tính cách cứng cỏi, là tâm hồn trẻ thơ luôn gồng mình lên chống chọi với thương tổn trong đời nhưng rất giàu tình cảm và cũng yếu đuối như chính trẻ thơ.

Khép trang sách lại, người đọc vẫn còn ám ảnh khôn nguôi về những gương mặt trẻ thơ xuất hiện trong Chiếc thuyền ngoài xa. Nguyễn Minh Châu đem đến cho ta thật nhiều nỗi âu lo day dứt về thân phận những đứa trẻ miền biển. Nhưng ông cũng dành trọn niềm tin yêu của mình cho chúng. Niềm tin yêu mà nếu không phải là một nhà văn chân chính luôn hướng đến con người thì sẽ không bao giờ ông làm được. Bởi lẽ “Nhà văn tồn tại ở trên đời có lẽ trước hết là vì thế: Để làm công việc giống như kẻ nâng giấc cho những người cùng đường, tuyệt lộ, bị cái ác hoặc số phận đen đủi dồn con người ta đến chân tường, những con người cả tâm hồn và thể xác bị hắt hủi và đọa đầy đến ê chề, hoàn toàn mất hết lòng tin vào con người và cuộc đời để bênh vực cho những con người không có ai để bênh vực”... (Nguyễn Minh Châu).

(Bài viết Vẻ đẹp trẻ thơ trong “Chiếc thuyền ngoài xa”, Tác giả: Bùi Thị Cẩm Hằng - Giáo viên Trường THPT Chuyên Hà Tĩnh, Báo Giáo dục và Thời đại)

Xem thêm: So sánh chi tiết "A Sử trói Mị" (Vợ chồng A Phủ) và "gã đàn ông đánh vợ" (Chiếc thuyền ngoài xa)

songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận