Văn học là nơi tái hiện lại cuộc sống con người, và khởi nguồn của sáng tác nghệ thuật

Văn học là nơi tái hiện lại cuộc sống con người, và khởi nguồn của sáng tạo nghệ thuật chính là cuộc sống, người viết là người tái hiện lại hiện thực ấy trong tác phẩm của mình qua một quá trình dài chọn lọc, tích lũy những kiến thức về cuộc sống đời thực, con người. 

Đỗ Thu Nga
15:00 06/10/2022 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Mỗi một tác phẩm mà các nhà văn, nhà thơ viết lên đều bắt nguồn từ những cảm hứng nghệ thuật vô tận, những cảm hứng ấy được tác giả lấy ra từ chính hiện thực cuộc sống của con người. Chính bởi thế, mà mỗi tác phẩm ta đọc, thường sẽ luôn gắn liền với cuộc sống xung quanh, gắn với cuộc đời, số phận của từng số phận, với cảm xúc cá nhân của người viết. Văn học là nơi tái hiện lại cuộc sống con người, và khởi nguồn của sáng tạo nghệ thuật chính là cuộc sống, người viết là người tái hiện lại hiện thực ấy trong tác phẩm của mình qua một quá trình dài chọn lọc, tích lũy những kiến thức về cuộc sống đời thực, con người. 

Cuộc sống là muôn hình vạn trạng, là cung bậc cảm xúc mà ta phải trải qua. Mỗi tác giả là một phong cách, một quá trình đi tìm cảm hứng cho riêng mình. Nguyễn Du vì thương xót cho số phận và tài năng của Tiểu Thanh, đã viết tác phẩm ''Độc Tiểu Thanh kí'', hay nhà văn Nguyễn Huy Tưởng đã sẻ chia, cảm thông trước nỗi đau bị phá hủy đi tác phẩm tuyệt vời của Vũ Như Tô trong tác phẩm ''Vĩnh biệt Cửu Trùng Đài'', hay tiếng đàn của Lor-ca đã trở thành nguồn cảm hứng sáng tác cho bài thơ ''Đàn ghi ta của Lor-ca" của nhà thơ Thanh Thảo. Cả ba bài thơ ấy đều được sáng tác từ nỗi lòng thương xót, thấu hiểu cho số phận, nghịch cảnh của nhân vật, nỗi xót xa mà tác giả dành cho nhân vật ấy, cũng có thể nói chính các nhân vật trong các tác phẩm đã tạo nên nguồn cảm hứng sáng tạo nghệ thuật của tác giả.

''Quá trình sáng tạo nghệ thuật chân chính bao giờ cũng là một quá trình kép: vừa sáng tạo ra thế giới, vừa kiến tạo nên bản thân mình''. Đúng vậy! Sáng tạo nghệ thuật không phải là ngày một ngày hai, mà nó còn là cả một quá trình đi tìm khởi nguồn cho tác phẩm của mình. Một nhà văn nếu như chỉ ngồi yên một chỗ thì chẳng thể nào tạo nên một tuyệt tác, ghi dấu trong lòng người đọc, một nhà thơ nếu chỉ nghĩ gì viết này mà không có cảm xúc, không có cảm hứng thì tác phẩm trở nên thật nhạt nhẽo. Văn học không giống các môn khoa học khô khan, trong khuôn khổ, văn học là một môn nghệ thuật, có chức năng nhận thức, khám phá cuộc sống, con người của hiện thực, của cảm xúc, của những định hướng về tương lai. Nghệ thuật là lĩnh vực của sự độc đáo do đó yêu cầu văn chương phải luôn vận động thay đổi mình trở nên mới mẻ từ thời đại này sang thời đại khác. “Thế giới” chính là những sáng tạo của tác giả dựa trên nền tảng hiện thực và thể hiện tư tưởng thẩm mĩ cũng như phong cách nghệ thuật của nhà văn. 

Trong tác phẩm ''Vợ chồng A Phủ'', nhà văn Tô Hoài là người đã tiếp xúc, được gặp gỡ trò chuyện cùng nhân vật Mị ngoài đời thực, nghe bà kể lại cả cuộc đời của mình từ nhỏ tới lúc tham gia cách mạng. Cảm thông cho số phận của bà, Tô Hoài đã viết lên tác phẩm ''Vợ chồng A Phủ'', vừa là để sẻ chia, cảm thông cho một kiếp người bị đày đọa, vừa thể hiện sự căm phẫn với bọn giai cấp thống trị miền núi, đồng thời cũng thể hiện được nỗi thống khổ của người dân lao động miền núi Tây Bắc. "Vợ chồng A Phủ'' là tác phẩm mang đậm những giá trị triết lý, cảm xúc sâu sắc. Những chuyến đi thực tế của Tô Hoài, là những chuyến đi tìm hiểu ngọn ngành về mọi thứ như phong tục, địa lý, truyền thống… để từ đó tác phẩm phản ánh lên hoàn cảnh cuộc sống của những con người lao động miền Tây Bắc. Mel Robson từng nói “Tôi nghĩ điều quan trọng cần nhớ là làm nghệ thuật là một hành trình chưa bao giờ kết thúc. Bản thân nghề nghiệp đã là một trong quá trình thăm dò và thử nghiệm. Nó bao gồm rất nhiều câu hỏi tự vấn và tự kiểm tra”. Là một nhà văn, nhà thơ, họ luôn phải tự đi tìm kiếm cảm hứng cho bản thân, tạo ra những chất riêng cho mình cũng như tác phẩm để không nhầm lẫn đi đâu được. Như Nguyễn Tuân, ông đi tìm cái độc lạ ở con sông chưa từng được ai khai phá, diễn tả lại hình dáng, tính cách của con sông bằng những ngôn từ, hình ảnh mà chưa ai từng nghe đến trong tác phẩm ''Người lái đò sông Đà''. Hay câu chuyện ''Vợ nhặt'' của nhà văn Kim Lân, tuy hai nhân vật trong chuyện chỉ là hai nhân vật gây dựng nhưng qua hai nhân vật ấy, ông thể hiện được phong cách nghệ thuật của bản thân, thể hiện nỗi lòng xót thương cho số phận người dân nước ta chết đói, chết khát, gầy gò trong nạn đói năm 1945. Chính tác giả, phải là người cảm nhận những hình ảnh ấy bằng cái nhìn đời thực của mình, từ đó biến nó thành một cái nhìn sâu sắc, đi sâu vào từng khía cạnh của cuộc sống, qua suy nghĩ, lăng kính của một nhà văn để viết lên tác phẩm.

Quay lại ba tác phẩm tiêu biểu mà ta thấy rõ khởi nguồn cho cảm hứng sáng tạo của tác giả, "Độc Tiểu Thanh kí'' của Nguyễn Du, ''Vĩnh biệt Cửu Trùng Đài'' của Nguyễn Huy Tưởng và ''Đàn ghi ta của Lor-ca" của Thanh Thảo. Cả ba tác phẩm ấy ta đều thấy ánh lên trong đó là những dòng cảm xúc tuôn trào mãnh liệt, là sự nuối tiếc cho một tài năng đáng được xem trọng của tác giả dành cho nhân vật, cũng như sự thành kính, tôn trọng cuối cùng mà nhân vật xứng đáng được nhận. Chính việc tác giả tự tìm hiểu, tự cảm nhận, tự mình tìm đến hoàn cảnh ấy mới biết, và mới có cảm hứng để viết lên tác phẩm giống như một sự sẻ chia, đồng cảm vậy. 

Tiểu Thanh được biết đến là một cô gái sinh ra trong thời nhà Minh ở Trung Quốc. Thông minh hơn người, từ nhỏ đã thông hiểu mọi bộ môn nghệ thuật, cầm kỳ thi họa, phong tự lộng lẫy hơn người. Năm mười sáu tuổi, cô được gả làm vợ lẻ cho Phùng Sinh - một công tử nhà gia thế, nhưng vì vợ cả hay ghen, tính tình lại cay độc, ép Tiểu Thanh phải ra riêng, sống một mình trên Cô Sơn, gần Tây Hồ. Nàng vì đau buồn mà sinh bệnh qua đời ở tuổi mười tám. Mọi nỗi đau, cảm xúc, tâm trạng, sự đơn độc của nàng đều được viết lại, gửi gắm vào thơ ca nhưng lại bị vợ cả đem đốt hết, chỉ còn một ít may mắn sót lại. Người ta thương cho số phận của nàng, nên cho in những bài thơ còn sót lại và đặt cho nó là ''Phần dư tập''. Cũng vì thương xót cho người con gái tài năng bạc phận ấy, Nguyễn Du đã viết lên bài thơ này. 

''Tây hồ hoa uyển tẫn thành khư,

Độc điếu song tiền nhất chỉ thư"

(Độc Tiểu Thanh kí Nguyễn Du)

Nguồn cảm hứng chính của Nguyễn Du là những người phụ nữ có tài có sắc nhưng bạc mệnh. Đây là một bài thơ được rút ra từ ''Thanh Hiên thi tập'', viết trong một lần đi sứ sang Trung Quốc. Ông may mắn được đọc một số ít những bài thơ còn sót lại của Tiểu Thanh, từ đó đồng cảm với người con gái ấy và viết lên bài thơ này. Cũng giống như tập thơ ''Truyện Kiều'', Nguyễn Du cũng viết về người con gái có cả sắc lẫn tài nhưng lại bị số phận vùi dập, mất đi tình yêu của đời mình, sống một cuộc sống tha hương. Ngồi trong lầu Ngưng Bích, nàng không ngừng dằn vặt bản thân:

''Tưởng người dưới nguyệt chén đồng

Tin sương luống những rày trông mai chờ''

(Kiều ở lầu Ngưng Bích - Trích Truyện Kiều Nguyễn Du)

Hay nỗi lòng cay đắng của Vũ Như Tô khi chứng kiến cảnh tòa kiến trúc đồ sộ, nguy nga của mình bị phá hủy chỉ trong phút chốc vì cơn thịnh nộ của dân làng. Chính sự tham lam, độc ác của tên vua chúa, bóc lột nhân dân đến cùng cực chỉ để xây dựng một công trình đồ sộ, biết bao người phải bỏ mạng. Vì lẽ đó mà nhân dân căm phẫn, thù hận Vũ Như Tô mặc dù người gây ra là tên vua, thời xưa người ta thường nói ''Trung quân ái quốc'', đặt vua lên đầu, vua nói cấm cãi dù sai hay đúng, điều đó đã tạo nên một bi kịch đẫm máu của Vũ Như Tô. Qua câu chuyện đó, Nguyễn Huy Tưởng đã sáng tác một tác phẩm kịch hay ''Vĩnh biệt Cửu Trùng Đài'' nói về bi kịch của Vũ Như Tô, nguyện chết cùng tác phẩm của mình ''Đốt thực rồi! Đốt thực rồi! Ôi đảng ác! Ôi muôn phần căm giận! Trời ơi! Phú cho ta cái tài làm gì! Ôi mộng lớn! Ôi Đan Thiềm! Ôi Cửu Trùng Đài!''. Hay sự tiếc nuối, lòng thành kính tôn trọng mà Thanh Thảo dành cho Lorca qua bài thơ "Đàn ghi ta của Lorca''. Tiếng đàn của Lorca không chỉ đơn thuần là một tiếng nhạc tầm thường mà đó là tiếng đàn của nghệ thuật, tiếng đàn của lá đầu cách mạng, biểu trưng cho phong trào tư bản, phong trào cách mạng mà Lorca thể hiện qua bản đàn của mình. Mở đầu cho bài thơ của mình, Thanh Thảo có trích dẫn lại lời nói của Lorca trước khi rời khỏi nhân thế ''Khi tôi chết hãy chôn tôi với cây đàn''. Đây là câu nói đã thể hiện rất rõ nhân cách của Lorca, đó là lời trăng trối cuối cùng của Lorca, thể hiện tình yêu say đắm của ông với âm nhạc, với tiếng đàn Tây Ban Nha nhưng cũng đồng thời qua đó, ông thể hiện cả tình yêu đất nước. Nhưng Lorca không phải là người sinh ra chỉ để nói những điều đơn giản. Ông muốn bộc lộ một điều sâu sắc: Rồi sẽ đến một ngày nào đó, thi ca của mình sẽ án ngữ, ngăn cản những người đến sau trong sáng tạo nghệ thuật. Ông đã căn dặn cần phải biết chôn nghệ thuật của Lorca để đi đến những sáng tạo vượt qua ông, đem đến cho đất nước Tây Ban Nha một nền nghệ thuật mới. Có nghĩa rằng hãy xem những thành quả của ông, xem ông là mục tiêu để phấn đấu vượt qua chứ không phải là một bức tường rào chắn, không dám vượt lên trên những điều lớn lao ông đã làm cho một nền cách mạng. Bởi vì ''tiếng đàn'' của ông là nghệ thuật, mà đã là nghệ thuật thì người đi sau phải sáng tạo hơn người đi trước, phải vượt quá ý chí của người tiền bối. Thật quả là một tư tưởng lớn lao và vĩ đại của Lorca. Đó cũng chính là điều đã khiến nhà thơ Thanh Thảo phải thán phục, dành cho ông sự tôn trọng thành kính, viết lên tác phẩm về ông và tiếng đàn:

''không ai chôn cất tiếng đàn

tiếng đàn như cỏ mọc hoang

giọt nước mắt vầng trăng

long lanh trong đáy giếng''

(Đàn ghita của Lorca - Thanh Thảo)

Bài thơ ánh lên sự đồng điệu của hai tâm hồn nghệ sĩ, sự đồng cảm sâu sắc của nhà thơ Thanh Thảo với người nghệ sĩ đã giương ngọn cờ đầu cho phong trào dân tộc, cùng tấm lòng yêu nước, yêu tự do của Lorca.

Qua những tác phẩm ấy, ta thấy được, mỗi tác giả, mỗi tác phẩm đều chứa đựng những sáng tạo nghệ thuật riêng nhưng khởi nguồn của những sáng tạo ấy đều có chung là từ lòng yêu người, thấu hiểu, thông cảm đan xen là sự nuối tiếc, xót xa cho người tài nhưng bạc phận. Mỗi nhà văn, nhà thơ đều tìm cho mình những nguồn cảm hứng riêng, có người thì tìm cảm hứng của mình từ cảnh vật xung quanh như Nguyễn Tuân (Người lái đò sông Đà 1960), có người thì tìm cho mình cảm hứng từ cuộc đời của con người như Nguyễn Du (Truyện Kiều 1814-1826), Tô Hoài ( Vợ chồng A Phủ 1953) hay là cảm hứng từ hiện thực cuộc sống như Ngô Tất Tố (Tắt đèn 1937), Nam Cao (Chí Phèo 1941), hay tình yêu như Xuân Diệu (Vội vàng 1938), Xuân Quỳnh (Sóng 1967). Và không chỉ là trong những tác phẩm tiêu biểu kia mới hiện hữu rõ cái sáng tạo nghệ thuật độc đáo của tác giả, mà ở bất cứ tác phẩm nào ta cũng thấy được chất sáng tạo ẩn chứa trong đó.

Tóm lại, khởi nguồn cho sáng tạo nghệ thuật chính là vạn vật của sự sống xung quanh, và vai trò của của nhà văn chính là cảm nhận rồi đưa nó đến với người đọc. Vì lẽ, văn học chính là hiện thực cuộc sống, văn học gắn liền với sự sống của con người. Nhà văn nhìn cuộc sống dưới lăng kính của một nhà văn, nhà thơ, khai thác sâu vào từng khía cạnh mà người đọc chưa thể nhìn hay tìm thấy trong cuộc sống đời thường. Đem đến những cảm xúc chân thực, đưa người đọc từ cảm xúc này đến cảm xúc khác, những bước ngoặt đầy bất ngờ. Tạo cho người đọc một cái nhìn hoàn mĩ về cuộc sống. Đó cũng là một phần của sáng tạo nghệ thuật văn học.

Không có tác phẩm nào lại lặp đi lặp lại cùng một khuôn mẫu, nó sẽ khiến cho người đọc cảm thấy thật nhàm chán. Đã là văn học, là nghệ thuật thì phải biết tìm ra cái mới, luôn thay đổi nó theo năm tháng, theo từng thời đại. “Sự lặp lại sẽ giết chết tư duy sáng tạo” – Scarlett Thomas.

Xem thêm: Chân dung nhà văn tiêu biểu của văn học nước nhà về mảng “văn học xanh”

songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận