Vài lưu ý quan trọng về câu hỏi phụ nghị luận văn học

Học sinh cần lưu ý lệnh phụ một số tác phẩm trong chương trình Ngữ văn lớp 12 như sau:

Đỗ Thu Nga
15:00 19/06/2024 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

NGƯỜI LÁI ĐÒ SÔNG ĐÀ

- Phong cách nghệ thuật Nguyễn Tuân:

+ Mỗi trang viết của Nguyễn Tuân cho thấy sự độc đáo, tài hoa, uyên bác trên nhiều lĩnh vực khác nhau: Âm nhạc, hội họa, điện ảnh, võ thuật, quân sự...

+ Là nhà văn suốt đời đi tìm cái đẹp, Nguyễn Tuân luôn miêu tả thiên nhiên ở góc độ thẩm mỹ, còn con người thì ở phương diện tài hoa, nghệ sĩ. Sau cách mạng, tinh thần dân tộc và lòng yêu nước được phát huy mạnh mẽ trong tác phẩm của ông. Cái đẹp của người tài hoa có thể tìm thấy trong nhân dân trên mọi lĩnh vực.

+ Nguyễn Tuân có đóng góp lớn cho sự phát triển của ngôn ngữ văn học Việt Nam. Ông có kho từ vựng phong phú, có khả năng tổ chức câu văn xuôi đầy giá trị tạo hình, giàu nhạc điệu và có đóng góp lớn cho thể loại tùy bút.

- Nhận xét cách xây dựng hình tượng Sông Đà:

+ Để miêu tả vẻ đẹp của Sông Đà, Nguyễn Tuân đã quan sát từ nhiều góc nhìn khác nhau: từ trên cao xuống; từ rừng ra sông; giữa lòng sông ra hai bờ.

+ Sử dụng nhiều biện pháp tu từ: so sánh, ẩn dụ, nhân hóa, phép điệp, liệt kê, so sánh... kết hợp với liên tưởng, tưởng tượng khiến Sông Đà như một sinh thể gợi hình, gợi cảm, cá tính.

+ Nhà văn kết hợp tri thức của nhiều lĩnh vực khác nhau: âm nhạc, hội họa, điện ảnh, quân sự, võ thuật... qua đó thể hiện tình yêu thiên nhiên vùng Tây Bắc và quê hương đất nước.

- Nhân vật ông lái đò là "thứ vàng mười đã qua thử lửa":

+ "Thứ vàng mười đã qua thử lửa" - từ dùng của Nguyễn Tuân - để chỉ vẻ đẹp tâm hồn của những con người lao động và chiến đấu trên vùng sông núi hùng vĩ và thơ mộng.

+ Ý kiến khẳng định thành công của Nguyễn Tuân trong việc khám phá và xây dựng vẻ đẹp hình tượng ông lái đò trong cuộc sống lao động bình dị.

AI ĐÃ ĐẶT TÊN CHO DÒNG SÔNG

- Nhận xét cách nhìn mang tính phát hiện về dòng sông của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường:

+ Nhà văn phát hiện dòng sông giống như một người con gái mang trong mình nhiều phẩm chất và vẻ đẹp tâm hồn: Vừa mạnh mẽ sôi nổi, vừa đằm thắm, dịu dàng. Nhà văn phát hiện dòng sông giống như một cô gái Di-gan, một bà mẹ phù sa của một vùng văn hóa xứ sở.

+ Hoàng Phủ Ngọc Tường khám phá ra "phần đời" mà dòng sông không muốn bộc lộ: Vẻ đẹp ở thượng nguồn với cảnh sắc thiên nhiên phong phú và đa dạng.

+ Dòng sông được miêu tả với nhiều góc nhìn từ góc nhìn địa lý đến góc nhìn văn hóa. Gắn thủy trình của dòng sông với lịch sử hình thành của nền văn hóa xứ sở. Phải là một con người có vốn tri thức sâu rộng về địa lý, lịch sử, văn hóa, đặc biệt là phải có một tình yêu thiết tha, mãnh liệt với dòng sông Hương, với thành phố Huế, với quê hương xứ sở, nhà văn mới có được góc nhìn mới mẻ, độc đáo đến vậy.

VỢ CHỒNG A PHỦ

- Giá trị nhân đạo:

+ Tô Hoài bày tỏ lòng cảm thông đối với những số phận bất hạnh lao khổ, bị đày đọa, bị tước mất quyền sống đó là Mị và A Phủ.

+ Tố cáo bọn chúa đất vùng cao đã chà đạp lên quyền sống của con người, biến họ thành kẻ nộ lệ không hơn không kém.

+ Phát hiện, trân trọng, nâng niu với những về vẻ đẹp tâm hồn, phẩm chất cao đẹp của người lao động vùng cao.

+ Chỉ ra con đường giải thoát cho nhân vật từ tự phát đến tự giác, giúp họ vươn lên từ nơi tăm tối đến ánh sáng của tự do, công lí.

VỢ NHẶT

- Giá trị nhân đạo:

+ Kim Lân có cái nhìn sâu sắc và tấm lòng nhân hậu trước khát vọng của con người: Tràng, bà cụ Tứ, thị.

+ Tố cáo tội ác tày trời của bọn thực dân Pháp, phát xít Nhật đã gây ra nạn đói khiến dân ta rơi vào tình cảnh khốn cùng.

+ Niềm tin tình yêu cuộc sống sẽ thắng được chết chóc sẽ thay đổi được cuộc sống.

+ Kết thúc mở hướng dẫn đường cho con người tìm thấy cái đích của hạnh phúc và thôi thúc họ hành động.

vai-luu-y-quan-trong-ve-cau-hoi-phu-nghi-luan-van-hoc-9

- Nhận xét tình huống truyện:

+ Tác phẩm Vợ nhặt đã xây dựng được tình huống truyện độc đáo có những nét khác thường, bộc lộ được nhiều vấn đề khiến độc giả phải chú ý tìm hiểu và suy nghĩ. Tình huống truyện được thể hiện ngay ở nhan đề tác phẩm: vợ được nhặt như người ta nhặt một cái rơm cái rác bên đường. Tiếp đến là Tràng: Nghèo, xấu xí, thô kệch lại là dân xóm ngụ cư có vợ trong nạn đói khiến cho xóm ngụ cư và cả bà cụ Tứ, mẹ Tràng ngạc nhiên và ngay cả Tràng cũng không tin đó là sự thật.

- Tình huống này đã làm cho tác phẩm có nhiều mặt giá trị: Giá trị hiện thực của tác phẩm là tố cáo tội ác của bọn thực dân, phát xít và tay sai gây nên nạn đói khủng khiếp năm 1945 với trên hai triệu đồng bào bị chết đói. Trong hoàn cảnh ấy, giá trị của con người thật rẻ rúng. Giá trị nhân đạo sâu sắc của tác phẩm: Tình người và lòng ham sống, bản chất lạc quan của người lao động trong hoàn cảnh khốn cùng.

CHIẾC THUYỀN NGOÀI XA

- Cách nhìn nhận cuộc sống và con người của nhà văn:

+ Nhìn con người, cuộc sống một cách toàn diện, trên nhiều phương diện.

+ Sau chiến tranh, cuộc sống con người vẫn còn nhiều những khó khăn, gian khổ: cái nghèo, cái đói chi phối cuộc sống của con người. Từ đó đề ra một vấn đề trong xã hội: Giải quyết triệt để, mang tính chất toàn xã hội với các bi kịch của cuộc sống con người.

HỒN TRƯƠNG BA, DA HÀNG THỊT

- Nhận xét về triết lý nhân sinh của nhà văn gửi gắm thông qua vở kịch:

+ Khát vọng hướng thiện của con người và tầm quan trọng của việc tự ý thức, tự chiến thắng bản thân trước những thói hư, tật xấu, những điều tầm thường trong cuộc sống.

+ Khi con người phải sống trong môi trường dung tục thì cái dung tục sẽ ngự trị, sẽ dần dần thắng thế, lấn át và sẽ tàn phá những gì trong sạch, đẹp đẽ, cao quý vốn có.

+ Cuộc sống là đáng quý, được sống là một điều đáng trân trọng nhưng sống là chính mình là điều hạnh phúc nhất. Muốn vậy, ta phải sống hài hóa giữa thể xác và tâm hồn, giữa bên trong và bên ngoài, giữa hành động và suy nghĩ.

Xem thêm: NLXH 200 chữ: Viết đoạn văn về ý nghĩa của việc thay đổi góc nhìn

songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận