Tử tế không kể giàu nghèo: Thoát bạo bệnh, làm việc thiện để trả ơn đời
Trong cơn "thập tử nhất sinh", ông Nguyễn Văn Nùng (Hai Nùng, 68 tuổi) được nhiều người giúp đỡ , chính vì thế, sau khi khỏe lại ông đã dốc lòng làm từ thiện để trả ơn đời.
Đến KV.5, P.Ba Láng, Q.Cái Răng (TP. Cần Thơ), hỏi thăm bà con về ông Hai Nùng thì ai cũng biết, bởi ông làm từ thiện suốt hơn 30 năm qua. Từ làm đường, xây cầu đến hỗ trợ sửa chữa nhà cho người có hoàn cảnh khó khăn…, hoạt động nào ông cũng tham gia. Đặc biệt, căn nhà ông đang ở trở thành địa chỉ quen thuộc cho người nghèo đến nhận gạo.
Nói về cơ duyên làm thiện nguyện, ông Hai Nùng kể: "Tôi từng trải qua cơn bệnh thập tử nhất sinh. Khi đó, các con còn nhỏ, kinh tế gia đình khó khăn. Trong cơn bĩ cực, tôi may mắn được nhiều người giúp đỡ để an tâm trị bệnh. Đến lúc khỏe mạnh, tôi nguyện hễ còn sống ngày nào và còn sức khỏe thì sẽ làm từ thiện để trả ơn cuộc đời, giúp đỡ những người khó khăn hơn mình. Năm 1990, tôi bắt đầu hành trình thiện nguyện cho đến nay".
Ban đầu, ông Nùng đi theo những người làm từ thiện khác để học hỏi kinh nghiệm và kết nối, giới thiệu những hoàn cảnh nghèo cần được giúp đỡ tại địa phương. Dần dần, ông tự đứng ra vận động. Thấy ông chân thành, nhiệt huyết, nhiều nhà hảo tâm hết lòng tin tưởng và sẵn lòng giúp đỡ những cảnh đời khó khăn do ông giới thiệu. Lúc đầu, ông hỗ trợ bà con trong khu vực, sau đó mở rộng ra các địa phương khác.
"Trong cơn bĩ cực, tôi may mắn được nhiều người giúp đỡ để an tâm trị bệnh. Đến lúc khỏe mạnh, tôi nguyện hễ còn sống ngày nào và còn sức khỏe thì sẽ làm từ thiện để trả ơn cuộc đời, giúp đỡ những người khó khăn hơn mình", Ông Nguyễn Văn Nùng (Hai Nùng), Q.Cái Răng, TP.Cần Thơ.
Hằng năm, ông Nùng tổ chức tặng gần 30 tấn gạo cho người nghèo, đồng thời vận động tặng tập vở cho học sinh, tham gia làm cầu, đường, hỗ trợ sửa chữa nhà, xin xe lăn cho người khuyết tật… "Chi phí cho các hoạt động hỗ trợ mỗi năm cũng vài trăm triệu đồng, chủ yếu là tặng gạo, nhu yếu phẩm. Thấy bà con khó khăn, đôi khi đứt bữa, nhà dột mỗi lúc trời mưa, tôi chịu không nổi nên ai đến xin gạo tôi cũng cho, có khi đem đến tận nơi cho mỗi nhà từ 10 - 20 kg", ông kể.
Vợ chồng ông Nùng có 5 người con. Hiện, tất cả đều có việc làm ổn định nên thường đóng góp kinh phí cho ông làm từ thiện. Ông Nguyễn Văn Chín Trường, Trưởng KV.5, cho biết ông Hai Nùng là người có uy tín với địa phương và nhiều nhà hảo tâm nên việc vận động đạt hiệu quả, giúp đỡ được nhiều bà con nghèo.
Ông Nguyễn Văn Hết (62 tuổi, ngụ KV.5) cho biết: "Gia đình khó khăn, tôi làm mướn quanh năm vẫn thiếu trước hụt sau. May nhờ có ông Hai Nùng hết lòng giúp đỡ. Hễ hỏi thăm, biết tôi hết gạo là ông kêu qua nhà ông lấy. Nhờ đó, suốt mấy chục năm qua, tôi không tốn tiền mua gạo, tích cóp tiền sửa chữa lại căn nhà để yên tâm sinh sống". Với trường hợp của bà Tám Trắm (60 tuổi, ngụ KV.5) cũng nhận được sự hỗ trợ gạo trường kỳ từ ông Nùng. Gia đình khó khăn, không có đất, phải ở nhờ nhà người thân. Dù tuổi cao, bà Trắm vẫn phải đi làm thuê để trang trải cuộc sống. Nhờ ông Nùng động viên, hỗ trợ gạo và các loại nhu yếu phẩm nên bà đỡ chật vật hơn.
Với những đóng góp cho địa phương, ông Nùng được Sở VH-TT-DL TP.Cần Thơ tuyên dương gương "Người tốt, việc tốt tiêu biểu năm 2018". Năm 2022, ông được Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ tặng bằng khen về thành tích xuất sắc trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Ngoài ra, ông còn được tặng nhiều giấy khen về thành tích tiêu biểu trong phong trào xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh và phong trào Hội Chữ thập đỏ của địa phương.
(Theo Thanh Niên)
Xem thêm: Tử tế không kể giàu nghèo: Ông Tám Dữ chạy xe ôm lấy tiền mua vật liệu đi vá đường
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận