Trắc nghiệm yêu văn học: Trước khi bán thân cho Mã Giám Sinh, Thúy Kiều nhờ Thúy Vân chuyện gì?
Gia đình xảy ra biến cố, Thúy Kiều buộc phải bán thân cho Mã Giám Sinh lấy tiền cứu cha và em trai. Trước đêm ra đi, Thúy Kiều đã nhờ Thúy Vân điều gì?
"Cậy em, em có chịu lời; Ngồi lên cho chị lạy rồi sẽ thưa" là lời Thúy Kiều nói trước khi nhờ cậy Thúy Vân điều gì?
A. Thay mình chăm sóc cha
B. Thay mình kết duyên với Kim Trọng
ĐÁP ÁN: B - THAY MÌNH KẾT DUYÊN VỚI KIM TRỌNG
Truyện Kiều là tác phẩm vĩ đại nhất của Nguyễn Du. Truyện Kiều đã nâng vị trí tác giả lên hàng đại thi hào dân tộc, đã và đang đặt ra, gợi mở bao vấn đề về nội dung, nghệ thuật trong đông đảo độc giả, giới nghiên cứu hàng trăm năm nay.
Nhân vật chính trong tác phẩm này là nàng Thúy Kiều. Thúy Kiều là cô gái mang vẻ đẹp sắc sảo, vượt trội hơn cả cô em Thúy Vân. Vẻ đẹp của Kiều khiến hoa, liễu phải "ghen", "hờn". Với việc khắc họa chân dung như vậy, tác giả dự báo về số phận hồng nhan bạc mệnh, éo le và nghiệt ngã của Thúy Kiều.
Theo diễn biến của Truyện, vào ngày tiết thanh minh, chị em họ Vương rủ nhau đi chơi xuân, thấy nấm mồ của kỹ nữ Đạm Tiên không ai thăm viếng, Thúy Kiều khóc thương cho người bạc mệnh.
Sau đó, nàng gặp Kim Trọng - một trang phong lưu tài tử, hai bên chưa nói một lời nào đã thấy quyến luyến, xao động. Kim Trọng tìm cách gặp, nhà ở cạnh Thúy Kiều rồi chờ đợi hàng tháng ròng. Khi gặp lại Kiều, hai bên thổ lộ tâm sự, từ đó yêu nhau.
Mối tính đầu đang độ đằm thắm thì xảy ra chuyện tai ương, đúng lúc Kim Trọng về Liêu Dương hộ tang chú thì phía nhà Kiều gặp gia biến. Vương ông bị vu oan, quan lại không xét thực hư, cho nha lại đến cướp phá nhà Kiều, bắt Vương ông và Vương Quan đánh đập tàn nhẫn; phải có ba trăm lạng hối lộ thì mới được tha. Trong nhà không còn gì, Kiều buộc phải bán mình chuộc cha.
Việc bán mình đã thu xếp xong, Kiều ngồi trắng đêm nghĩ đến thân phận và tình yêu, rồi nàng nhờ Thúy Vân thay mình kết duyên với Kim Trọng. Đoạn trích từ câu 723 đến 756 được đưa vào giảng dạy trong chương trình Văn học, Ngữ văn lớp 10, lấy tên là Trao duyên.
Cậy em, em có chịu lời
Ngồi lên cho chị lạy rồi sẽ thưa
Giữa đường đứt gánh tương tư
Giao loan chắp mối tơ thừa mặc em
Kể từ khi gặp chàng Kim,
Khi ngày quạt ước, khi đêm chén thề
Sự đâu sóng gió bất kỳ
Hiếu tình có lẽ hai bề vẹn hai?
Ngày xuân em hãy còn dài,
Xót tình máu mủ, thay lời nước non.
Chị dầu thịt nát xương mòn,
Ngậm cười chín suối hãy còn thơm lây.
Đoạn trích đã thể hiện bi kịch tình yêu, thân phận bất hạnh và nhân cách cao đẹp của nàng Kiều. Đồng thời cho thấy tài năng miêu tả nội tâm nhân vật của Nguyễn Du. Bình giảng về câu "Cậy em, em có chịu lời", nhà nghiên cứu Lê Bảo trong sách Giảng văn Văn học Việt Nam (Nhà xuất bản Giáo dục, 1998) cho rằng, đó là một giọng điệu đắn đo.
Tác giả viết: "Cân nhắc, đắn đo là phải, bởi đây là việc hệ trọng, nhưng lẽ ra nó chỉ có thể là một việc riêng. Nhưng bây giờ, nó không thể còn là riêng được nữa và điều nhờ cậy còn lớn hơn chính người nhờ cậy. Một chút bối rối ở con người vốn rất bình tĩnh, tự tin, phảng phất ở nhịp điệu, ở việc dùng từ. Có đến hai từ em ở câu đầu và sự rườm rà động tác ở câu tiếp nối Ngồi lên cho chị lạy rồi sẽ thưa, thể hiện tất yếu của việc không muốn làm mà vẫn phải làm".
Xem thêm: Trắc nghiệm yêu văn học: "Nhà văn của những người cùng khổ" là ai?
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận