Tình trong trang chữ, văn trong trang đời
Tình trong trang chữ, văn trong trang đời qua những quan niệm, lý luận sâu sắc của các nhà văn, nhà thơ.
????. “Có lẽ, cái phương châm cầm bút “Văn dĩ tải đạo” không chỉ của các nhà nho và của đa số các cây bút phương Đông mà xem ra có ở hầu hết các đại danh ở mọi vùng đất. Tại sao thế? Có lẽ đó là những chớp lóe va chạm của sự mở rộng cái tôi trên con đường đi tìm cái đẹp, cái kỳ diệu, cái đáng sống. Nó vừa là quá trình hướng nội, vừa là quá trình hướng ngoại. Kinh Phật viết: “Dẫu như mắt người có như cánh hoa sen xanh đặt trên mặt Phật, thì khi người mở mắt ra là lúc người nhìn vào thiên hạ và khi người nhắm mắt lại là khi người nhìn vào chính thân thể người vậy” (“Đạo và đời, lý tưởng và cuộc sống”, nhà thơ Phạm Tiến Duật).
????. “Ta phải đóng góp vào cái phần rất lớn của ta là tiếng nói Việt Nam. Đó là cái hương hỏa, là kho báu cha ông để lại, phải đóng góp và phát triển. Lao động nghệ thuật là phải có sáng tạo. Dù chỉ “tí tị”. Một ngày một chữ, một tháng một câu, một năm một trang cũng là đóng góp. Thí dụ tiếng Việt có một vạn từ, mình thêm một vạn linh một từ là có phần đóng góp. Sáng tạo còn ở khía cạnh cũng bấy nhiêu từ nói lại nhưng tìm một cách nói để tiếng ấy sinh động hơn” (Nguyễn Tuân).
????. “Tôi là một người viết bé nhỏ, viết về những điều bé nhỏ, viết để chia sẻ với lòng mình và trong chừng mực nào đó, nếu nhận được sự quan tâm của bạn đọc, bạn viết thì đó là điều rất đáng quý. Vì thế, nếu có nhận xét là văn của tôi rủ rỉ, nhẹ nhàng với những điều bình dị của cuộc sống thì cũng dễ hiểu. Và tôi cảm ơn lời nhận xét đó.
Thế giới chúng ta đang sống thật nhiều thứ hấp dẫn, thật nhiều niềm đam mê và cũng thật nhiều bất ổn, họa và phúc đôi khi như trở bàn tay. Thế nên, là người “Ở trọ phố phường”, tôi chỉ mong ước một cuộc sống bình dị, với những niềm vui nỗi buồn đời thường. Tôi vun vén cho điều ấy, qua công việc hàng ngày ở cơ quan ở gia đình, và qua cả trang viết. Còn “tầm thường” và “nhạt nhẽo” ư? Khi mình viết bằng sự rung động của tâm hồn, với những câu văn như chắt từ gan ruột thì tôi tin rằng tôi chạm được vào cảm xúc của người đọc”.
(Nhà báo, tác giả Anh Thư trong Trò chuyện cùng Người Hà Nội)
????. “Văn chương nghệ thuật phải đi đến tận cùng, tận cùng cảm xúc, tận cùng số phận của nhân vật, tận cùng cả những tình huống, chi tiết... Nhưng, văn chương cũng nên dừng ở chỗ đáng dừng để bạn đọc còn tự mình nghĩ tiếp, viết tiếp trong suy nghĩ, tâm tưởng chăng?... Khi đọc xong một tác phẩm văn chương nghệ thuật, hoặc chỉ là thỏa mãn cảm giác tò mò, hoặc trôi tuột đi, hoặc còn đọng lại những suy nghĩ, day dứt, băn khoăn về cuộc đời, về số phận con người, về nhân tình thế thái...” (Xuyên Cầm)
????. “Lao động nghệ thuật phải làm cho người ta thấy cụ thể. Làm cho người ta thấy đường nét, hình khối, mùi vị… Mình phải làm cho người ta thấy cái thơm của câu văn vì đó là cái thơm của cuộc đời” (Nguyễn Tuân).
????. “Có lẽ đối với một người viết, có người đọc thơ, cùng mình chia sẻ những cảm xúc ở những vần thơ, cũng giống như gặp được một người có thể sẵn sàng lặng lẽ ngắm hoàng hôn cùng mình. Ấy đã là mối duyên lành thực đẹp giữa tác giả và độc giả rồi” (Phong Linh).
????. “Người đọc tìm đến nhà thơ, là để đòi hỏi một cách sống, không phải chỉ hỏi lý tưởng như với một nhà triết học, mà hỏi cách cảm xúc, cách thương, cách nhớ, cách giận, cách ghét như với một người yêu” (Chế Lan Viên).
????. Những phong thư anh gửi cho hư vô đều bị trả về
Dù tem vẽ các vĩ nhân, thần thánh.
Chi bằng anh đưa cho cô hàng xóm ở hàng rào bên cạnh
Viết cho người độc giả bình thường gần gụi đọc thơ anh.
(Thơ cao cả, Chế Lan Viên)
????. Niềm khắc khoải tri âm giữa nhà thơ và bạn đọc:
“Tuổi tên là phù vân
Ông chỉ mong ta bền một chữ tâm
Nhỏ một giọt sương người trên khoé mắt
Cái Nguyễn chờ là giọt lệ hồi âm”.
(Lệ hồi âm).
Bạn đọc cần những bài thơ như tâm hồn thứ hai của họ.
Ngoài tâm hồn họ ra, họ cần thêm một tâm hồn.
Sao anh tả cảnh, tả nhà, tả ao, tả phố…
Để thêm anh vào họ rồi, cho họ trăm thứ rồi, họ vẫn cô đơn.
(Thơ và bạn đọc, Chế Lan Viên)
????????. “Trong đời sống thường nhật, một người luôn có hoài bão, luôn có ước mơ thì trong văn học của anh ta thế nào cũng tìm thấy chất lý tưởng. Một trong những lý do thành công của trùng điệp các thế hệ nhà văn Việt Nam là nhiệt độ của lòng yêu nước đã làm nên sự nồng nàn trên mỗi trang văn” (Phạm Tiến Duật).
(Nguồn: Thưởng Thức Sách)
Xem thêm: Vài lưu ý quan trọng khi làm phần thi nghị luận xã hội
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận