Gia đình 4 thế hệ không bóng đàn ông, bà nội oằn mình làm trụ cột: "Chỉ ước mỗi sáng có gói mì tôm cho các cháu ăn, mà bà không làm nổi"

Tai ương dồn dập ập đến khiến những người đàn ông trong nhà mãi mãi ra đi, bà Thủy trở thành trụ cột. Một mình bà làm thuê làm mướn nuôi mẹ già và các cháu còn thơ dại.

Đỗ Thu Nga
10:45 07/06/2022 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Bà Lương Thị Thủy (SN 1966, dân tộc Thái, trú tại thôn Quang Hùng, xã Thanh Phong, huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa) là người phụ nữ số khổ. Nói không quá thì bà là người khổ nhất nhì vùng này. Gia đình bao nhiêu năm vẫn không thoát khỏi diện hộ nghèo, khó khăn trong việc tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản.

Ngày xưa khi mới lập gia đình, bà Thủy cũng mơ về một mái ấm nhỏ tràn ngập tiếng cười đùa. Vợ chồng cố gắng làm ăn để cho các con có cuộc sống tốt đẹp, tương lai sáng ngoài. Thế nhưng, ước mong ấy lại chẳng thể thực hiện được.

Thuong-gia-4-the-he-khong-bong-dan-ong-ba-noi-oan-minh-lam-tru-cot-7
Một mình bà Thủy phải gánh cả gia đình, chưa có ngày nào được nghỉ ngơi

Theo Tri thức trẻ, con trai bà Thủy mất do tai nạn điện giật. Năm 2017, chồng bà cũng qua đời do bệnh tật. Từ đó, chỗ dựa duy nhất của bà chính là hai vợ chồng người con thứ hai.

Cả gia đình sống chật vật, chen chúc trong căn nhà xập xệ. Người con trai thương mẹ tuổi cao, cố gắng làm lụng, vay mượn để dựng lại căn nhà thoáng hơn, kiên cố hơn. 

Nhà vừa làm xong thì tai ương lại ập đến. Con trai bà Thủy đổ bệnh và mất tại bệnh viện vào năm 2018 khi chưa được sống 1 ngày bình yên nào trong căn nhà mới. 

Thuong-gia-4-the-he-khong-bong-dan-ong-ba-noi-oan-minh-lam-tru-cot-6
Đây là căn nhà con trai bà xây dựng nhưng chưa một lần được ở

Khi cả hai người con trai mất thì hai cô con dâu của bà Thủy cũng đi bước nữa, tìm kiếm hạnh phúc của riêng mình. Hiện bà Thủy một mình nuôi 3 cháu nội và mẹ chồng đã 90 tuổi.

Ở cái tuổi này, nhẽ ra phải được nghỉ ngơi, sum vầy bên con cháu nhưng bà Thủy lại phải nai lưng ra làm lụng, vắt kiệt sức chạy ăn từng ngày, mong mẹ chồng và các cháu không bị đứt bữa. Không những thế, hàng tháng, bà Thủy còn phải lo chạy vạy trả lãi ngân hàng và số nợ 40 triệu đồng mà con trai vay hồi dựng nhà. 

Một ngày mưu sinh của bà Thủy thường bắt đầu từ tờ mờ sáng với việc đưa cháu gái đi gửi, xong lại đi làm thuê đến tối mịt mới về. Bà con chòm xóm biết hoàn cảnh của bà Thủy ai cũng thương nhưng không giúp được gì nhiều vì ở vùng này ai cũng khó khăn.

Thuong-gia-4-the-he-khong-bong-dan-ong-ba-noi-oan-minh-lam-tru-cot-8
Cứ về đến nhà là bà Thủy lại lao vào dọn dẹp, chăm sóc mẹ già, cháu thơ dại

Nhà bà Thủy chỉ có một chút đất đồi cằn cỗi, lúc trồng sắn, lúc lại trồng mía nhưng chẳng ăn thua, giờ bà lại quay ra trồng keo. Ngoài ra, bà thủy còn có 2 sào ruộng để cấy cày nhưng hàng tháng vẫn thiếu gạo ăn. Thành thử, bà phải thường xuyên đong gạo, chạy ăn từng bữa.

Thu nhập trung bình mỗi ngày đi làm thuê của bà Thủy khoảng 50.000 đồng đến 80.000 đồng, có hôm chỉ kiếm được 40.000 đồng."Người thuê cũng thương, biết hoàn cảnh nên tạo điều kiện cho công việc để làm còn có đồng này đồng nọ, chứ bình thường tuổi này rồi, không ai còn thuê mình nữa. May có người thuê nên lúc kiếm được bút, lúc thì kiếm được quyển sách, quyển vở cho các cháu đi học", bà Thủy tâm sự.

Đi một vòng quanh nhà bà Thủy, nhìn trước ngó sau cũng chẳng thấy có gì đáng giá cho lắm. Bà Thủy nói, không có tiền mua trâu bò, chỉ có mấy con gà và 2 con chó làm bạn. 

"Như bà bây giờ không được phép ốm các cháu ạ. Vì ốm ra đấy thì cố và 3 cháu nội sẽ đói. Nhiều lúc thương các cháu, chỉ ước mỗi buổi sáng, có gói mì tôm cho các cháu ăn đi học mà bà cũng không làm nổi", bà Thủy buồn rầu nói.

Thuong-gia-4-the-he-khong-bong-dan-ong-ba-noi-oan-minh-lam-tru-cot-9

Những người hàng xóm trong thôn Quang Hùng chia sẻ, nhiều năm trước, gia đình bà thủy thường ốm đau, bệnh tật nên quyết định chuyển ra rìa làng sinh sống. Sống ở dưới chân lèn (lèn đá), giữa những đồi keo. Nên giờ muốn đi vào đây, phải qua một con suối. Mùa hè nước chảy hiền hòa nhưng mùa mưa lũ thì như con thú dữ.

Mỗi ngày, hai đứa cháu của bà thủy là em Vi Thị Liên (SN 2009) và Vi Thị Loan (SN 2011) phải chở nhau đi học trên chiếc xe đạp cọc cạch được người ta cho từ lâu. Vì đường đi khó nên hai chị em phải gửi xe ở làng để đi bộ về nhà. 

Thuong-gia-4-the-he-khong-bong-dan-ong-ba-noi-oan-minh-lam-tru-cot

Dù còn bé nhưng hai đứa trẻ rất hiểu chuyện, Liên nói, thương bà nội vất vả nhưng chưa thể làm gì để  phụ bà kiếm tiền nuôi hai em và bà cố. Việc duy nhất em có thể làm được là khi đi học về lại rủ em ra ruộng hoặc đi quanh vườn hái rau dớn về thổi cơm. Hôm nào hai chị em bắt được ốc thì nhà có bữa cải thiện, không thì cứ ăn rau dại triền miên.

Ngoài nỗi lo cơm áo cho các cháu và mẹ chồng, bà Thủy còn lo về số nợ 40 triệu đồng không biết trả bằng cách nào. Có bán mảnh đất cắm dùi của cả gia đình thì ở nơi xa xôi, hẻo lánh thế này cũng chẳng ai mua. 

Nhưng với bà Thủy, cái mà bà buồn nhất là các cháu không có được gia đình đủ bố mẹ. Mỗi khi các cháu hỏi về bố mẹ, bà chỉ biết lặng im. "Có lần con bé Loan nó hỏi, 'như chúng cháu, người ta gọi là mồ côi à bà' mà thấy đau đứt ruột. Thương lắm, cứ mong sao có sức khỏe để lo cho các cháu, mà chả biết trời cho được đến khi nào", bà Thủy rơi nước mắt nói về cuộc sống hiện tại.

Xem thêm: Xót xa cảnh vợ ung thư chăm chồng bại liệt, con cái nợ nần chồng chất

songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận