Thương con nhiều lắm nhưng mẹ... cạn tiền rồi!
Mấy hôm nay, mẹ hết sạch tiền, trong phòng trọ nhỏ chỉ còn lại rổ cà pháo héo và mấy trái mướp đắng úa vàng. Bé con đi chạy thận về chẳng có gì để tẩm bổ chỉ cầm hơi bằng bát cơm với cà pháo...
Hai mẹ con chị H Ruên Êban (người dân tộc Ê Đê) hiện đang trú trong một căn phòng trọ chỉ rộng khoảng 8m2 sát Bệnh viện Nhi đồng 2. Căn phòng này kín bưng, ngột ngạt và tối tăm.
Trong phòng chỉ có một chiếc giường xếp nhỏ, vài đồ sinh hoạt như bếp ga mini, quạt máy. Chị tâm sự, để tiết kiệm, ngoài những bữa được cho phần ăn từ thiện, chị thường nấu cơm ở phòng trọ. Mẹ con chị ăn uống cũng đơn giản lắm, vài con cá khô, quả trứng, nắm rau... ấy là thành bữa.
Chị H Ruên Êban nói vậy thôi chứ ai cũng biết, gia đình chị nghèo quá, đâu có tiền để mua những đồ ăn ngon tẩm bổ. Sống cũng phải tằn tiện để chắt bóp từng đồng cho cô con gái H Dung chữa bệnh.
Mấy bữa nay, chị hết sạch tiền, đồ ăn chỉ còn lại rổ cà héo và trái mướp đắng úa vàng người ta bán rẻ cho. Chị chẳng lo cho thân mình, chị chỉ thương con gái ốm yếu, không được ăn đồ tử tế để hồi sức.
Theo những hình ảnh báo Vietnamnet chia sẻ, cô bé H Dung nhìn chẳng giống 1 đứa trẻ 8 tuổi. Dáng người nhỏ thó, làn da đen nhẻm, đôi chân vòng kiềng. Thế nhưng, điều gây ấn tượng nhất ở con là đôi mắt to tròn, sáng lấp lánh mỗi khi cười.
Chị H Ruên Êban nói rằng, trước đây con hay cười lắm, hồn nhiên, vui tươi. Thế nhưng từ lúc phát bệnh, đau đớn khiến con dần thu mình, nhút nhát hơn.
H Dung có biểu hiện bệnh từ khi 5 tuổi. Cơ thể con xanh xao, tinh thần uể oải. Vợ chồng chị H Ruên đã đưa con đi khám ở cơ sở y tế địa phương, bác sĩ nói con bị thalassemia (bệnh tan máu bẩm sinh) dẫn đến thiếu máu. Cứ vài tháng con lại phải lên viện để truyền máu, nhưng sức khỏe vẫn không tiến triển. Cô bé còi cọc, đen đúa.
Sức khỏe của cô bé cứ như vậy đến tận tháng 5/2019, khi đi khám ở TP Hồ Chí Minh mới chẩn đoán ra bệnh suy thận mãn giai đoạn cuối. Đến nay, sau quãng thời gian dài ở bệnh viện chăm con, chị H Ruên liên tục cảm thán, tự trách: "Giá như biết bệnh của con sớm hơn, có lẽ đã duy trì thêm được vài năm nữa". Bệnh được phát hiện trễ khiến họ trở tay không kịp.
Bác sĩ cũng đã tư vấn cho chị H Ruên về các phương pháp điều trị cho con. Trong đó, bệnh pháp tối ưu nhất là ghép thận. Nhưng chi phí lên đến tận 500 - 700 triệu. Đây là số tiền vượt quá sức của gia đình chị.
Sau khi suy nghĩ đắn đo, gia đình chị chọn cho con gái thẩm phân phúc mạc. Đối với phương pháp này, mỗi tháng con vào bệnh viện tái khám, lấy thuốc và dịch truyền, sau đó điều trị ở nhà.
Gia đình chị ở tận Đắk Lắk, quãng đường từ nhà vào bệnh viện vô cùng gian nan và tốn kém nhưng chị H Ruên muốn tận dụng những thời gian rảnh để đi làm mướn, phụ chồng kinh tế.
“Chúng tôi chỉ có ít đất rẫy trồng cà phê, thu nhập không đủ ăn nên trước đó vợ chồng tôi phải làm mướn mới đủ tiền mua gạo. Đến lúc con bệnh, tôi vẫn muốn tranh thủ đi làm, dù chỉ được vài chục nghìn đồng cũng đủ tiền sinh hoạt hằng ngày”, người mẹ Ê đê trải lòng.
Theo Vietnamnet, thẩm phân phúc mạc được khoảng 1 năm thì cơ thể cháu H Dung không còn đáp ứng được nữa, buộc phải chuyển sang chạy thận định kỳ. Hai mẹ con chị H Ruên phải khăn gói vào thành phố ở trọ, khó khăn, nợ nần cũng vì thế mà chồng chất lên nhau.
Chị H Ruên tính cộng tiền trọ, tiền chạy thận, thuốc men, xét nghiệm COVID-19, ăn uống... Mỗi tháng 2 mẹ con ở thành phố chắt bóp hết mức cũng khoảng 6 - 7 triệu đồng,
Để con được tiếp tục chữa bệnh, đã không ít lần chị H Ruên ra ngoài đi kiếm việc làm thêm. Thế nhưng, từ ngày dịch bùng đến nay, người ta chẳng mướn chị nữa.
Giờ đây, gánh nặng kinh tế đè lên vai chồng chị - anh Y Ken Ayun. Chồng chị ở quê đi làm mướn, thu nhập bấp bệnh không thể lo xuể cho gia đình. Để có tiền gửi cho vợ trang trải trong thành phố, anh Y Ken phải bán bớt đất, vay mượn khắp nơi. Đến nay nợ nần chồng chất, kiệt quệ không còn chỗ vay.
Việc chạy thận thường xuyên khiến cơ thể cô bé H Dung ngứa ngáy, bứt dứt. Nếu không ăn uống đảm bảo dinh dưỡng, cơ thể sẽ yếu ớt hơn. Bên cạnh đó, căn phòng trọ chật chội khiến cô bé có nhiều đêm mất ngủ...
Nhìn con trằn trọc quay bên nọ lăn bên kia mà chẳng ngủ được, chị H Ruên thương con lắm. Lúc ấy, chị chỉ biết nén nước mắt, vỗ về cho con ngủ để đỡ mệt...
Mọi sự giúp đỡ mẹ con chị H Ruên xin gửi về:
Phòng Công tác xã hội Bệnh viện Nhi đồng 2 hoặ chị H Ruên Êban hoặc anh Y Ken Ayun; Địa chỉ: Buôn Ju, xã Ea Tu, TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk; Điện thoại: 0362665423.
(Theo Khánh Hòa/Vietnamnet)
Xem thêm: Nếu không còn mẹ, con phải sống thế nào giữa cuộc đời này?
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận