Thương 2 đứa trẻ mỏi mòn đợi cơm từ thiện của người bố bệnh nặng
Trong những ngày tháng bị bệnh tật hành hạ, anh Trường chỉ lo lắng cho 2 đứa con thơ. Anh lo nếu mình nằm xuống thì 2 đứa trẻ sống ra sao, chúng còn quá nhỏ?
Trời tối nhập nhèm, 2 anh em Lô Anh Đức (6 tuổi) và Lô Đức Trí (4 tuổi) trú tại bản Tèo (xã Châu Cường, huyện Quỳnh Hợp, tỉnh Nghệ An) vẫn ngồi trước hiên nhà ngóng đợi bố về. Hôm nay, bố có lịch chạy thận dưới thành phố nên đã đi từ sáng sớm. Đoán biết giờ này bố sắp về đến nhà nên anh em Đức ngồi đợi.
"Giờ này bố sắp về tới nhà rồi. Anh em cháu đợi để được ăn suất cơm bố mang từ thành phố về. Cơm thành phố ngon vì có cá, có thịt. Cơm ở nhà toàn măng và nước mắm thôi", hướng ánh mặt đầy hi vọng về phía đầu ngõ, bé Đức vô tư chia sẻ.
Khi thoáng thấy dáng bố từ đầu ngõ, Đức và Trí reo hò, chạy vội ra đói và không quên hỏi nay có "cơm thành phố" không? Dù mới chạy thận xong, vượt chặng đường hàng trăm km về, mệt và đuối sức nhưng anh Lô Văn Trường (34 tuổi, bố của Đức, Trí) vẫn cố gắng chia phần cơm hộp mang từ thành phố về cho 2 con.
Chỉ sau vài ba phút, anh em Đức - Trí đã ăn hết phần "cơm thành phố" một cách ngon lành. Chúng đâu biết đó là suất cơm từ thiện cho bệnh nhân nghèo mà bố nhận được, không ăn, dành phần cho các con.
Anh Trường tâm sự, suốt 5 năm qua, đều đặn tuần 3 lần anh phải chạy thận dưới Bệnh viện đa khoa TP Vinh (cơ sở 2). Nhà cách thành phố hơn 150km nhưng không có tiền thuê trọ nên khi đến đợt chạy thận, anh dậy từ sáng sớm, bắt xe khách xuống thành phố để kịp chờ chạy thận.
Chạy thận xong, dù mệt, choáng váng, cơ thể đau nhức nhưng anh vẫn cố gắng bắt xe nhanh chóng trở về nhà với các con.
"Chạy thận xong rất mệt nhưng tôi vẫn cố gắng về vì không có tiền thuê phòng trọ. Ở nhà còn bố mẹ già và 2 con nhỏ. Vợ đi làm xa nhưng nhiều tháng nay không còn liên lạc cho bố con tôi nữa rồi. Mỗi lần thấy tôi xuống thành phố, 2 đứa con vui mừng lắm, cứ dặn bố mang cơm về cho chúng ăn. Chúng còn nhỏ dại lắm, đã biết gì đâu", anh Trường chia sẻ.
5 năm trước, anh Trường thấy tay chân phù nề bất thường, tê buốt, cơ thể mệt mỏi nhưng vì hoàn cảnh khó khăn nên không đi khám. Khi đang phụ hồ trong công trình xây dựng gần nhà thì anh bị sốt cao, chóng mặt, đi không vững. Người nhà đưa đi cấp cứu mới phát hiện anh bị suy thận giai đoạn cuối và phải chạy thận đến bây giờ để duy trì sự sống.
Mấy năm đầu chạy thận, cuộc sống có vất vả nhưng gia đình vẫn êm ấm, hòa thận. Dù mắc bệnh nhưng những ngày không đi chạy thận anh vẫn cố đi bóc vỏ keo thuê, kiếm thêm thu nhập.
Những ngày không có ai thuê làm thì anh lại cơm đùm, cơm nắm vào rừng hái măng, tìm mật ong, kiếm thêm tiền để xuống thành phố chạy thận, vừa phụ vợ trang trải sinh hoạt trong gia đình.
"Gần một năm nay, vợ tôi bảo vào miền Nam làm thuê kiếm tiền phụ chồng chữa bệnh, con cái học hành. Thời gian đầu, cô ấy thi thoảng vẫn liên lạc, hàng tháng gửi về 700.000 đồng nói cho 2 con học hành. 4 tháng nay, tôi không còn liên lạc được với cô ấy nữa, nhắn tin cũng không thấy trả lời.
Không biết cô ấy còn về với bố con tôi nữa không. Thân tôi thế này không dám trách gì vợ. Cô ấy cũng đã vất vả vì tôi suốt nhiều năm rồi. Xa tôi, cô ấy mới có cuộc sống tốt hơn, đỡ vất vả. Chỉ tội 2 đứa con còn quá nhỏ, bố mẹ già yếu. Tôi bệnh tật không thể chăm lo cho gia đình, con cái nữa rồi", anh Trường trải lòng.
Theo anh Lô Văn Hà, Trưởng bản Tèo, xã Châu Cường, anh Trường từng là trụ cột trong gia đình, phụng dưỡng cha mẹ già và 2 con nhỏ. Từ ngày anh bị bệnh suy thận, cuộc sống gia đình lâm vào cảnh khó khăn, là hộ nghèo đặc biệt trong xã. Bệnh tật nhưng anh vẫn cố gắng đi làm để kiếm tiền chạy thận. Bố mẹ anh Trường dù gần 70 tuổi nhưng vẫn đi làm thuê để kiếm tiền chạy chữa cho con.
Gần 70 tuổi, sức khỏe yếu nhưng hàng ngày ông Lô Văn Hồng và bà Lô Thị Quỳ (bố mẹ anh Trường) vẫn cố gắng đi bóc vỏ keo thuê. Tiền công 100.000 đồng/người/ngày nhận được, họ không dám chi tiêu mà đưa cho con trai. Mâm cơm của gia đình thường chỉ có đĩa rau luộc và măng muối hái được từ trong rừng.
"Người ta chạy thận còn có tiền mua thuốc uống hàng ngày, con tôi thì không. Thuốc bảo hiểm cấp được viên gì thì uống cầm chừng sự sống vậy thôi. Cũng may có chủ xe khách biết được hoàn cảnh, họ giảm cho 2/3 giá xe nên con trai tôi mới có cơ hội chạy thận, duy trì sự sống đến bây giờ. Số nợ tôi vay chạy chữa cho con đã lên đến 50 triệu đồng, không biết đến bao giờ mới trả được. Giờ nhìn bệnh con ngày càng nặng, vợ chồng tôi già yếu cũng chẳng ai dám cho vay thêm nữa", bà Quỳ lo lắng.
Bà Quỳ chỉ mong trời thương, cho con trai bà sống thêm một thời gian nữa để 2 đứa cháu nội có chỗ dựa tinh thần.
Nghĩ đến chặng đường dài đầy khó khăn phía trước, đến con trai đầu sắp tới bước vào lớp 1 chưa có tiền mua sách vở, đến khoản nợ đè lên đôi vai gầy của bố mẹ già yếu, anh Trường lại thêm áp lực.
"Tôi không biết mình có thể sống được bao lâu nữa, mỗi sáng còn thức dậy, còn nhìn thấy cha mẹ và 2 con là tôi biết mình còn sống. Chỉ cầu mong được sống thêm một thời gian nữa để được bên cạnh 2 con. Chúng còn nhỏ dại thế này, tôi sao đành yên lòng nhắm mắt", ôm 2 đứa con vào lòng, anh Trường chia sẻ.
Mọi sự giúp đỡ xin gửi về:
Anh Lô Văn Trường
Địa chỉ: Bản Tèo, xã Châu Cường, huyện Quỳ Hợp, Nghệ An.
Hoặc STK của anh Trường: 51010001687096, ngân hàng BIDV.
ĐT: 0373262530.
(Ảnh và bài: Dân trí)
Xem thêm: Hoàn cảnh khó khăn của nữ sinh nghèo là thủ khoa khối D01 của Thanh Hóa
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận