Thêm một số bài viết hay về tác phẩm "Vợ nhặt"

Kim Lân sáng tác không quá nhiều nhưng tác phẩm nào cũng thấm đẫm hơi thở của thời đại và mang triết lý nhân sinh sâu sắc, tiêu biểu nhất là "Vợ nhặt".

Đỗ Thu Nga
15:00 22/04/2024 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

VẺ ĐẸP TÂM HỒN CỦA NGƯỜI VỢ NHẶT

“Hãy yêu văn chương, hãy yêu một nghệ thuật còn ròng ròng sự sống, một nghệ thuật chân đứng vững trên mặt đất còn thấm đẫm mồ hôi và khét mùi thuốc súng; một cái đẹp khỏe khoắn, không khéo léo phấn son mà một mặt, tươi như vừa nảy lên từ một bàn tay hóa công nào”. Cái thứ nghệ thuật vi diệu bao gồm cả văn chương xuất hiện mấy ngàn năm nay chính là món quà mà người nghệ sĩ mang đến cho cuộc đời và cũng là nơi chốn để họ kí thác biết bao tâm tư, tình cảm, tư tưởng sâu sắc, thôi thúc người đọc khám phá. Và phải chăng, những giá trị ấy được kết tinh trong hình tượng nhân vật được phản ánh trong tác phẩm. Không nằm ngoài quy luật ấy, hình tượng người vợ nhặt trong truyện ngắn cùng tên của Kim Lân được khắc họa chân thực, đặc biệt trong lần gặp thứ hai với Tràng; từ đó gợi bao suy ngẫm về sự tác động của hoàn cảnh đến nhân phẩm con người.

Kim Lân là một gương mặt xuất sắc của văn học Việt Nam hiện đại, ông viết không nhiều nhưng đã có những tác phẩm được coi là kiệt tác. Sở trường của Kim Lân là viết truyện ngắn. Cuộc sống và con người ở làng quê Việt Nam đồng bằng Bắc Bộ là đề tài chính trong những sáng tác của Kim Lân, cũng là một truyện ngắn xuất sắc của văn xuôi hiện đại. Tiền thân của “Vợ nhặt” là một chương sau tiểu thuyết “Xóm ngụ cư” viết ngay sau 1945. Tới 1954, Kim Lân dựa vào một phần cốt truyện cũ để viết “Vợ nhặt”. Do đó, tác phẩm không chỉ là quá trình suy ngẫm, gọt giũa về cả nội dung, nghệ thuật mà còn mang âm hưởng lạc quan của thời đại mới trong thời điểm đất nước được giải phóng sau năm 1954. Dưới ngòi bút tài hoa của Kim Lân, hình tượng nhân vật vợ nhặt hiện lên rõ nét từ đó gợi lên bao suy ngẫm về sự tác động của hoàn cảnh đến nhân phẩm con người.

Vợ nhặt là một nhân vật đặc biệt- một người không tên tuổi, không quê quán họ hàng xuất hiện giữa chợ tỉnh như một kiểu người phổ biến trong nạn đói năm 1945. Ngoại hình rách rưới thảm hại, tính cách sỗ sàng, trơ trẽn, nanh nọc chua ngoa. Thị sẵn sàng bán danh dự, đổi nhân cách lấy bốn bát bánh đúc, thị chấp nhận “miếng ăn là miếng nhục” để được sống. Cái đói cơ hồ ám ảnh trong trang viết của Kim Lân, cái đói đẩy người đàn bà đến tận cùng sự liều lĩnh: Tràng nói đùa- thị tưởng thật. Thị chấp nhận cho không, biếu không bản thân mình cho người đàn ông xa lạ. Nhưng dù cận kề cái chết, thị vẫn luôn bám lấy sự sống bằng mọi giá, đó chính là vẻ đẹp của lòng khát sống, dám sống mãnh liệt trong nguồn đàn bà ấy.

Grandi đã từng khẳng định: “Không có nghệ thuật nào là không hiện thực”. Ai đó đã từng ví văn học và cuộc sống như thần Ăngtê và Đất mẹ. Thần trở nên vô địch khi đặt hai chân lên Đất mẹ, cũng như văn học chỉ cường tráng và dũng mãnh khi gắn liền với hiện thực đời sống. Đặt trong hiện thực tàn khốc của nạn đói 1945 “người chết như ngả rạ… không khí vẩn lên mùi ẩm thối của rác rưởi và mùi gây của xác người”, người vợ nhặt xuất hiện trong tác phẩm như một biểu tượng thê thảm của nạn đói và trước hết, nạn đói đã tàn phá nhân hình của thị. “Vợ nhặt” được xây dựng trên bối cảnh của năm Ất Dậu, cái năm vẫn được nhiều người lớn tuổi quen gọi là năm đói. Cái nạn đói của năm Ất Dậu không bao giờ quên được ấy có lẽ là tai họa thảm khốc nhất của một dân tộc mà số phận vốn đã lắm tai nhiều họa. Và cũng chính vì sự tàn khốc ấy mà thị bị hủy hoại về nhân hình. Lần trước gặp Tràng, thị còn hồn nhiên “liếc mắt, cười tít”, đon đả với anh nhưng đến lần thứ hai thì chính Tràng cũng ngạc nhiên về sự thay đổi của thị. Thị hiện lên như một con ma đói: “chiếc nón rách tàng, bộ quần áo rách tả tơi như tổ đỉa” tạo ra sự tương hợp xót xa với “khuôn mặt như lưỡi cày xám xịt”, với “bộ ngực gầy lép” và “hai con mắt trũng hoáy”. Chính cái nghiệt ngã của nạn đói năm Ất Dậu đã khiến thị trở nên tiều tụy đến vậy.Thi sĩ Bàng Bá Lân đã ghi lại cảnh đói khát ấy bằng những lời thơ đầy ám ảnh:

“Năm Ất Dậu tháng ba còn nhớ mãi

Giống Lạc Hồng cực trải lắm đau thương!

Những thây ma thất thểu đầy đường

Rồi ngã gục không đứng lên vì đói!”

them-mot-so-bai-viet-hay-ve-tac-pham-vo-nhat-9

Không chỉ là hình dáng bên ngoài, đến cả vẻ dịu dàng, nữ tính thiên bẩm của người phụ nữ ở Thị cũng bị cái đói bóp méo đến thảm hại. Thị đanh đá, táo bạo đến mức trơ trẽn, thậm chí vứt bỏ liêm sỉ. Nạn đói đã tàn phá cả nhân tính của thị. Cái đói day dứt, ám ảnh, hủy hoại cả nhân cách con người một cách xót xa. Hơn một lần, Kim Lân miêu tả vẻ “cong cớn: có khối cơm trắng với giò đấy”… để tỏ ra mình khôn ngoan, không bị mắc lỡm bởi câu hò có hình ảnh thật hấp dẫn về “cơm trắng với giò”- nhưng chính cái việc tỏ ra khôn ngoan ấy lại làm hiện ra những hy vọng thảm hại về miếng ăn. Nhưng trong lần thứ hai gặp lại này, thị lại “cong cớn” gạt phăng miếng trầu xã giao, lễ nghĩa để kiếm bốn bát bánh đúc mong lấp đầy cái dạ dày trống rỗng. Thị đã buông ra những lời nói có phần trơ trẽn sống sượng gợi ý Tràng để được ăn. Thị xỉa xói Tràng vì đói khát: “Điêu, người thế mà điêu…”, “cong cớn” gạt miếng trầu cũng vì đói khát: “ăn gì thì ăn, chả ăn giầu…”, sung sướng khi nhận thấy khả năng được mời ăn dù vẫn không dám tin là thật: “Ăn thật nhá…”. Bất chấp lý trí, cái đói vẫn xui khiến thị hi vọng về miếng ăn có thật ở một người đàn ông xa lạ, vẫn khiến người đàn bà đói khát ấy “đon đả” cùng ánh “mắt sáng lên” khi được mời ăn, động tác “cắm đầu ăn một chặp bốn bát bánh đúc liền chẳng chuyện trò gì…” - đó là hình ảnh chua xót, thảm hại của một người đàn bà đã bị cái đói huỷ hoại. Cách kết thúc bữa ăn cũng rất hồn nhiên theo kiểu đói: “cầm dọc đôi đũa quệt ngang miệng, thở”, vừa có vẻ khoái trá, vừa có vẻ tiếc rẻ. Rồi, với câu nói “tưởng là nói đùa” của Tràng: “Này nói đùa chứ có về với tớ thì ra khuân hàng lên xe rồi cùng về”, “thị về thật” mà không một điều kiện ràng buộc nào. Giữa lúc mà “Người chết như ngả rạ” thì người đàn bà này đã bị đẩy đến chỗ cùng đường liều lĩnh rồi. Ai biết được chẳng bao lâu nữa Thị cũng sẽ là một giữa bao nhiêu cái xác “nằm còng queo bên đường”? Cái đói như con ác thú mà bọn Pháp, Nhật nuôi tạo đã ngốn lấy thị, hút đi bao nhiêu là sinh khí, phẩm giá, lòng tự trọng, để rồi nhả ra là con người bé mọn, dường như vô nghĩa mang tên “vợ nhặt”. Từ dáng điệu, đến cử chỉ đến cách ăn nói đối đáp, Thị vừa cong cớn, vừa thô lỗ và sỗ sàng. Thị đã nhịn đói nhiều ngày và bị cái đói hành hạ đến chết đói là điều cầm chắc là cần được ăn để sống. Thị cần có nơi nương tựa để khỏi chết đói của bản chất tốt đẹp của người con gái đã bị nạn đói, khi cái đói khủng khiếp cướp mất đi, che lấp đi họ thật đáng thương! Thị có khác gì người ăn mày nọ không:

“Ăn mày là ai? Ăn mày là ta!

Đói cơm rách áo hóa ra ăn mày!”

Sự đói khát đã huỷ hoại nhân cách của thị một cách xót xa: một người đàn bà phải vứt bỏ những ý tứ, phép tắc xã giao, nhưng sĩ diện, xấu hổ, bấu víu vào một câu hò đùa để kiếm miếng ăn thật; phải gạt phăng miếng trầu lễ nghĩa để chọn bốn bát bánh đúc mong lấp đầy cái dạ dày trống rỗng; phải vứt bỏ cả lễ giáo và sự thận trọng, bám vào câu đùa tầm phơ tầm phào, thị đã trở thành vợ theo, vợ nhặt- người được lấy về do một hành động ngẫu nhiên, thờ ơ, không chủ tâm, được nhặt về như cỏ rác. Ôi chao là xót xa, tủi hổ! Thị như đứa con hoang mà chính sách bóc lột tàn bạo của những kẻ thống trị đã sản sinh rồi vứt ra đầu đường xó chợ trong cuộc sống tha phương cầu thực, mặc kệ sự sống chết, may mắn được anh cu Tràng- một chàng trai ngụ cư nghèo, xấu xí, nhưng đôn hậu, vui vẻ và tốt bụng “nhặt” về. Có bao giờ con người bị “mất giá” như thế này chăng? “tấm lụa đào phất phơ giữa chợ” ít ra còn đổi được vài đồng, đằng này, thị theo không Tràng… Ừ thì theo không! Ừ thì bé mọn! Lẽ nào lại khoanh tay chờ chết!? Người đàn bà mà Tràng “nhặt” về ấy, tưởng như là vô nghĩa, tưởng như còn là gánh nặng: “thóc gạo này đến cái thân mình cũng chả biết có nuôi nổi không, lại còn đèo bòng”, vậy mà lại có sức mạnh diệu kỳ làm cho vẻ mặt đăm chiêu, lo lắng ngày thường của Tràng trở nên “phấn khích” đến lạ.

Miếng ăn làm cho con người ta trở nên chao chát,chỏng lỏn; cái đói làm cho con người không còn biết đến thể diện; sự gào thét của cái bụng rỗng khiến con người trở nên trơ trẽn làm sao! Thái độ và hành động của thị trước miếng ăn làm ta xót xa đến rơi nước mắt. Nhưng trong cái điêu tàn và rữa nát, trong sự bủa vây của cái chết, sự sống vẫn không ngừng trỗi dậy, vươn lên. Từ thoi thóp, leo lét, có lúc nó mãnh liệt như có phép màu. Người vợ nhặt cũng chính là nhân vật được Kim Lân gửi gắm niềm tin vào bản chất tốt đẹp của con người ngay khi bị đẩy xuống đáy vực của đói khát. Ngay khi miêu tả người đàn bà phải lăn xả vào Tràng để kiếm miếng ăn, Kim Lân vẫn làm hiện ra nỗi xấu hổ, khổ sở của một nhân cách bị vùi dập vì đói khát ngay trong cách nói cố tỏ ra đáo để: khi được Tràng mời ăn, Thị “đon đả: ăn thật nhá! ừ ăn thì ăn chứ sợ gì?”- việc phủ định cái sợ lại cho thấy thị đang sợ hãi, đang xấu hổ, đang tự trấn an chính mình, và khi con người còn biết sợ, biết nhục thì cũng có nghĩa họ chưa bị hủy hoại hoàn toàn lòng tự trọng, chưa mất hết ý thức về liêm sỉ. Kim Lân đã phát hiện bản chất tốt đẹp của thị và thể hiện nó như cách “nâng giấc cho những người cùng đường tuyệt lộ”, bởi ông quan niệm : "Khi viết về nạn đói người ta thường viết về sự khốn cùng và bi thảm. Khi viết về con người năm đói người ta hay nghĩ đến những con người chỉ nghĩ đến cái chết. Tôi muốn viết một truyện ngắn với ý khác. Trong hoàn cảnh khốn cùng, dù cận kề bên cái chết nhưng những con người ấy không nghĩ đến cái chết mà vẫn hướng tới sự sống, vẫn hy vọng, tin tưởng ở tương lai. Họ vẫn muốn sống, sống cho ra con người".

Những tác phẩm kinh điển bao giờ cũng chở đi được những tư tưởng lớn của thời đại trên đôi cánh của hiện thực. Hiện thực đó phải chăng chính là hoàn cảnh sống của nhân vật, để từ đó nhân vật bộc lộ những nét tính cách riêng biệt. Và cũng chính hoàn cảnh sống ấy tác động rất lớn đến nhân phẩm con người. Đặt trong bối cảnh nạn đói năm Ất Dậu, cái đói, cái chết cất lên trong “tiếng quạ gào từng hồi thê thiết trên mấy cây gạo ngoài bãi chợ”, trong tiếng hờ khóc tỉ tê” của những gia đình vừa chôn cất người thân. Rồi nó “vẫn thành mùi ẩm thối của rác rưởi và mùi gây của xác người”, “mùi đốt đống rấm- đốt những vật dụng của người vừa chết bốc lên khét lẹt”. Dưới ngòi bút của Kim Lân, chúng ta không chỉ “rùng mình” mà còn khiếp sợ, xót thương, ngột ngạt, tưởng chừng không sống nổi. Văn chương hay chính đây đích thực cuộc đời đang hiện về? Từng màu sắc, âm thanh, mùi vị… Một cảnh điêu tàn, rữa nát. Cái chết lan tràn, bao phủ. Đêm đen buông xuống. Đời người, kiếp nhân sinh giống như một đống tro tàn lạnh ngắt. Và sống trong chính hoàn cảnh nghiệt ngã ấy, nhân cách của thị dường như cũng dần nguội lạnh. Thị như một biểu tượng thê thảm của nạn đói, nạn đói đã huỷ hoại nhân hình thị, khiến thị hiện lên tiều tuỵ, nhếch nhác đến tột cùng. Và cũng chính cái đói, cái khổ, cuộc sống cơ cực đã dần huỷ hoại thị về nhân tính. Thị chao chát,chỏng lỏn; cái đói làm cho con người không còn biết đến thể diện; sự gào thét của cái bụng rỗng khiến con người trở nên trơ trẽn làm sao. Giá trị và nhân cách con người bị hạ giá thê thảm khi chỉ cần một câu hò bâng quơ, bốn bát bánh đúc, câu nói đùa tầm phơ tầm phào, thị đã trở thành vợ theo, vợ nhặt của Tràng. Như vậy, có thể nói môi trường sống, hoàn cảnh sống ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự hình thành nhân cách con người, chi phối lớn đến suy nghĩ, hành động của chúng ta. Tuy nhiên, hoàn cảnh cũng tạo ra con người, trong hoàn cảnh khốn cùng, con người vẫn tỏa sáng bản chất tốt đẹp vốn có, như cái cách mà Kim Lân đã phát hiện vẻ đẹp le lói trong nhân cách của thị và thể hiện kín đáo trong tác phẩm của mình.

Cuộc đời ban truyền nguồn nhựa sống mãnh liệt cho văn chương và văn chương nở hoa làm đẹp cuộc đời. Là người bơm “chất máu” của hiện thực vào những đóa hoa ấy, Kim Lân đã dụng công chắp bút trong việc xây dựng hình tượng nhân vật, đặc biệt là nhân vật thị trong lần gặp Tràng thứ hai. Thị là biểu tượng thê thảm của nạn đói, bị huỷ hoại về nhân hình và nhân tính nhưng ở thị còn sáng lên vẻ đẹp về khát vọng sống mà nhà văn Kim Lân từng cho rằng: “ Khi đói, người ta không nghĩ đến con đường chết mà chỉ nghĩ đến con đường sống. Dù ở trong tình huống bi thảm đến đâu, dù kề bên cái chết vẫn khao khát hạnh phúc, vẫn hướng về ánh sáng, vẫn tin vào sự sống và vẫn hi vọng vào tương lai, vẫn muốn sống, sống cho ra con người”.

Để tác phẩm nào cũng là hạt vàng rơi ra từ vạt áo người nghệ sĩ, hình tượng nhân vật nào cũng truyền tải tư tưởng, tình cảm của tác giả một cách sâu sắc, mãnh liệt thì tác phẩm ấy phải mang vẻ đẹp về hình thức nghệ thuật. “Vợ nhặt” của Kim Lân đặc biệt là đoạn trích được coi là một kiệt tác bởi nghệ thuật xây dựng tình huống truyện độc đáo, nghệ thuật miêu tả và phân tích tâm lí nhân vật tinh tế, nghệ thuật ngôn từ sắc sảo… từ đó góp phần làm nên chủ đề tư tưởng của tác phẩm, thể hiện tài năng của tác giả.

Mỗi tác phẩm văn học đề rọi vào tâm trí bạn đọc một thứ “ánh sáng riêng không thể xoá nhoà” và phải chăng thứ ánh sáng ấy trong trang viết của Kim Lân chính là hình tượng người vợ nhặt- biểu tượng thê thảm của nạn đói 1945. Sự xuất hiện của thị trong thiên truyện đã góp phần làm nên chủ đề, giá trị tác phẩm, đồng thời khẳng định tài năng của Kim Lân và gợi trong lòng bạn đọc bao suy ngẫm về tác động của hoàn cảnh sống đến nhân cách con người. 

TÂM TRẠNG CỦA TRÀNG TRONG BUỔI SÁNG ĐẦU TIÊN KHI CÓ VỢ, TỪ ĐÓ NHẬN XÉT VỀ SỰ THAY ĐỔI CỦA NHÂN VẬT

Văn học lấy khởi đầu từ đâu nếu không phải những cảnh ngộ của đời sống, mảnh đời kia sẽ đứng trên trang sách bằng cách nào nếu không được nâng bởi chữ nghĩa, hòn lương tri nóng bóng trong họ cất cao lên nhờ đâu nếu không có đôi cánh của trái tim luôn quặn thắt vì đời ở người cầm bút, và cuối cùng chuyên cơ ngôn từ sẽ đáp xuống nơi nào nếu không phải mảnh đất mang tên triết lí nhân sinh. Thắc mắc trong tôi cứ ngày một nhiều mà chưa có lời giải đáp cho đến một ngày tôi lạc vào miền đất của môn nghệ thuật đầu tiên. Ở đó tôi bắt gặp một anh nông dân nghèo khổ nhưng thắm thiết tình người, dám vượt dậy từ tăm tối đói khát để mơ ước về một mái ấm gia đình. Nhìn kỹ mới biết ấy là anh cu Tràng trong truyện ngắn “Vợ nhặt” của nhà văn Kim Lân, nhân vật đã có những diễn biến tâm lí đầy xúc động vào buổi sáng đầu tiên khi có vợ. Từ trang tâm trạng của anh du khách văn chương ngạc nhiên trước những đổi thay đáng ghi nhận của nhân vật ở phần cuối tác phẩm.

Là một cây bút truyện ngắn xuất sắc của văn học Việt Nam hiện đại, Kim Lân gây ấn tượng với người đọc bởi dấu ấn riêng biệt trong những thú “phong lưu đồng ruộng”. Tìm về trang viết Kim Lân, độc giả dễ dàng bắt gặp cái thế giới của những người thường dân nghèo hèn, khổ đau trong xã hội cũ. Tuy nhiên văn nhân cho rằng: họ là những con người chịu nhiều thiệt thòi. Nên ông muốn viết để đòi quyền sống và quyền tự do cho họ. Nhân vật trong sáng tác Kim Lân dù trong bất cứ hoàn cảnh nào vẫn không đánh mất đi bản chất tốt đẹp của mình, vẫn thật thà, chất phác, vẫn thông minh, hóm hỉnh và đặc biệt vẫn luôn hưởng về sự sống, hướng về tương lai. So với những tác giả văn học đương thời như Tô Hoài hay Nguyên Hồng, “con đẻ của đồng ruộng” sáng tác không nhiều. Ông là minh chứng cho mẫu nhà văn “quý hồ tinh bất quý hồ đa”, mang trong mình sự kỹ lưỡng, cẩn trọng và nghiêm túc khi làm nghề.

Ấy vậy mà để điểm lại bốn tác phẩm văn xuôi xếp vào loại gần như "thần bút", người ta không thể không kể tới kiệt tác “Vợ nhặt” của Kim Lân. Tiền thân của truyện ngắn này là tiểu thuyết “Xóm ngụ cư” viết ngay sau Cách mạng tháng Tám. Nhưng do thất lạc bản thảo, tới năm 1954, Kim Lân mới dựa vào một phần cốt truyện cũ để viết “Vợ nhặt”. Tác phẩm vì thế không chỉ là kết quả của quá trình suy ngẫm, gọt giũa cả về nội dung và nghệ thuật mà còn mang âm hưởng lạc quan của thời đại mới. Thiên truyện miêu tả sức sống kì diệu, bản chất tốt đẹp của con người ngay giữa những tháng ngày tăm tối nhất của nạn đói năm 1945.

Nếu người thầy của văn nhân là Nam Cao để cho Chí Phèo bước vào tác phẩm cùng tiếng chửi đời đầy phẫn uất trong men say thì Kim Lân đã tạo những ấn tượng đầu tiên về nhân vật Tràng qua bức chân dung sơ sài của tạo hóa với “cái lưng to như lưng gấu hai con mắt nhỏ tí, gà gà đắm vào bóng chiều, hai bên quai hàm bạnh ra, rung rung làm cho cái bộ mặt thô kệch của hắn lúc nào cũng nhấp nhỉnh những ý nghĩ gì vừa lý thú, vừa dữ tợn”. Hơn nữa y còn được giới thiệu là dân ngụ cư – thứ dân vốn bị coi khinh và chịu nhiều thiệt thòi trong xã hội cũ. Cuộc sống bấp bênh, long đong trong đói nghèo. Cả gia tài của hai mẹ con Tràng chỉ là một ngôi nhà vắng teo đứng “rúm ró trên mảnh vườn xung quanh lổn nhổn những búi cỏ dại”. Thật chẳng sai khi nhà phê bình văn học Vương Trí Nhàn nhận xét về nghệ thuật tạo dựng nhân vật trong sáng tác văn nhân rằng: “Kim Lân là nhà văn của lớp người đầu thừa đuôi thẹo”. Nhưng dường như “những mẫu người đầu thừa đuôi thẹo ấy đã gửi một đại diện của họ vào văn học”. Việc văn nhân đặt nhân vật vào giữa những tháng ngày tăm tối nhất của nạn đói, thời điểm người ta lo chắt chiu từng hạt gạo, để bẩy lên tấm lòng sáng rực giữa trời đen của Tràng khi hào phóng chi tiền mời người đàn bà xa lạ “một chặp bốn bát bánh đúc”. Tấm lòng nhân hậu của y mở rộng để sẵn sàng cưu mang những mảnh đời rách nát hơn cả mình. Thậm chí ngòi bút Kim Lân xoáy sâu vào lòng người đọc ấn tượng về niềm khao khát hạnh phúc mãnh liệt trong anh. Một người đàn ông can đảm gạt bỏ nỗi ám ảnh về miếng cơm, manh áo để tiến tới hạnh phúc thiêng liêng nhất ở tuổi trưởng thành. Sự kiện lấy vợ đã tạo ra bước ngoặt lớn trong cuộc đời anh, mang đến trong anh những cảm xúc rất người. Và sau tất cả người ta nhận thấy sự chuyển biến lớn lao trong tâm trạng Tràng vào buổi sáng hôm sau. Chợt nhớ thuở trẻ thơ ta bất ngờ về cái vươn vai mạnh mẽ thành hình hài khổng lồ của Gióng thì khi trưởng thành ta lại thấy xúc động về cuộc cách mạng tâm hồn trong một con người. Người đàn ông mấy ngày trước vẫn còn vui đùa với trẻ con nay đã mang trong mình những suy nghĩ chín chắn. Phải chăng cái quyết định gắn hai mảnh đời khốn khó lại với nhau của Kim Lân không chỉ đem tới những thay đổi về vị trí trong gia đình mà còn mang tới những thay đổi về ý thức bổn phận, trách nhiệm trong anh.

Nhà văn Nguyễn Khải đọc chữ nghĩa Kim Lân rồi cất lời tán thưởng gọi ông là “thần viết” một phần bởi bút lực Kim Lân “sâu lắng, cẩn trọng, tỉ mẩn, luôn luôn cố gắng để đi tới tận cùng những nỗi niềm, tâm trạng của từng con người, từng số phận riêng để từ đó góp một tiếng nói riêng vào trang sử chung về tâm tư, tình cảm của con người Việt Nam, của văn học Việt Nam hiện đại”. Diễn biến tâm trạng anh cu Tràng trong buổi sáng đầu tiên khi có vợ là một sự cẩn trọng như thế trong ngòi bút Kim Lân. Trang tâm trạng của Tràng vào buổi sáng hôm sau biến ảo diệu kì, phong phú những cảm xúc. Trên hành trình của sự đổi thay ấy, người ta thấy điểm khởi đầu tâm trạng trong anh rơi vào nốt ngân của niềm hạnh phúc. Nhà ngôn từ đã thật tỉ mỉ cắt nghĩa cho độc giả thấy niềm hạnh phúc thật đáng yêu ở chàng trai mới cưới – một sự sung sướng đến ngỡ ngàng, không dám tin việc mình có vợ là thật. Trở dậy sau giấc ngủ dài, Tràng thấy thật khoan khoái, dễ chịu: “Trong người êm ái lửng lơ như người vừa ở trong giấc mơ đi ra”. Lạ lùng thay câu văn tự sự lại mang đậm cách gieo vần của thơ ca. Một loạt vần “ơ” bắt với nhau trong dòng cảm xúc rất thơ, rất người của Tràng. Những tưởng sự “êm ái” kia là do sự nghỉ ngơi mang đến, sự “lửng lơ” kia được tạo ra do chiêm bao từ cơn mê. Nhưng không đó là chất men say của tình yêu khiến anh lâng lâng, bồng bềnh trong hạnh phúc. Một cảm xúc thật khác lạ chưa từng xuất hiện trước đây trong y “nó ôm ấp, mơn man khắp da thịt Tràng, tựa hồ như có bàn tay vuốt nhẹ trên sống lưng”. Chất điện của tình yêu dường như khiến người ta rơi vào những thứ cảm xúc chẳng thể cắt nghĩa, nhưng không thể không thôi khao khát. Cảm xúc ấy phải chăng giống như Xuân Diệu từng bộc bạch:

“Từ lúc yêu nhau, hoa nở mãi

Trong vườn thơm ngát của hồn tôi”

Tràng thấy mình hạnh phúc như đang ở trong mơ và không thể tin rằng nó có thực: “Việc hắn có vợ đến hôm nay hắn vẫn còn ngỡ ngàng như không phải”. Ngẫm thử mới thấy việc Tràng có vợ đâu khác gì một giấc mơ. Câu chuyện nên vợ nên chồng của thị với Tràng tưởng đùa mà hóa thật, chuyện thật mà lại như đùa. Bởi xưa người ta muốn lấy vợ phải cần sính lễ và thủ tục cưới xin. Đến trong cảnh đói kém, nghèo nàn Dần được người ta rước về cũng có lấy hai mươi đồng bạc cưới và bữa cơm của hai bên gia đình. Vậy mà Tràng lại lấy vợ chỉ bởi một câu hò vu vơ, một lời tầm phơ tầm phào và bốn bát bánh đúc. Chuyện trọng đại của đời người nhưng diễn ra thật chóng vánh. Hai chữ “ngỡ ngàng” vì thế là một phát hiện rất tinh tế của “thần bút” Kim Lân. Thậm chí diễn đạt “ngỡ ngàng” ấy còn hoàn toàn hợp lý bởi một kẻ ngờ nghệch, “hơi dở” tưởng chừng “ế” nhưng lại có một người đàn bà chịu theo không về. Một dòng tâm trạng rất thật của Tràng, nhưng mang sức tố cáo mạnh mẽ hướng vào xã hội thực dân. Chính chúng đã gieo bao sự khổ cực, đói kém, bao gánh nặng của cơm áo khiến người nông dân không dám nghĩ tới hôn nhân, không dám tin vào hạnh phúc, dù hạnh phúc đang ở trong tầm tay.

Có được một vị trí mới trong gia đình giúp cho Tràng quan tâm hơn ngôi nhà mình. Y bỗng chợt nhận ra những thay đổi “mới mẻ, khác lạ” trong không gian sống của mình. Giống như Chí thấy cuộc đời ngoài kia tươi vui với “mái chèo đuổi cá”, với “tiếng chim hót ngoài kia vui vẻ quá” sau bát cháo giàu tình thương của thị Nở, Tràng để ý tới “nhà cửa, sân vườn hôm nay đều được quét tước, thu dọn sạch sẽ gọn gàng. Mấy chiếc quần áo rách như tổ đỉa vẫn vắt khươm mươi niên ở một góc nhà đã thấy đem ra sân hong. Hai cái ang… đã kín nước. Đống rác mùn… đã hót sạch”. Nói về sự thay đổi ấy trong một lần trả lời phỏng vấn, Kim Lân chia sẻ “Cuộc sống thay đổi thực dù không nhiều với gia đình ấy”. Nhưng “một nếp sống khác bắt đầu xuất hiện”. Đó có phải chính là bàn tay săn sóc của mẹ và vợ y nên nhà cửa trở nên gọn gàng, ngăn nắp, không còn cần Tràng phải ngượng ngùng chữa cháy “Không có người đàn bà, nhà cửa thế đấy!”. Cảnh vật thật ra vẫn vậy chỉ là ngày thường Tràng chẳng bao giờ để ý. Sáng hôm nay nhờ sự chuyển biến lớn lao trong nhận thức, anh cu Tràng không còn đó những vô tâm, hời hợt nữa. Đôi mắt anh giờ đang quan sát tỉ mẩn về thế giới xung quanh. Đó là sự thay đổi vượt bậc về cái nhìn của người đàn ông ấy.

Nếu xem “văn chương là lịch sử tâm trạng con người” thì cây bút Kim Lân đích thực sâu sắc trong muôn vàn “ý nghĩ” ấy. Nhà văn nhanh chóng để ống kính mình bắt kịp từng đổi thay của nhân vật trong cây đàn muôn điệu. Không chỉ để nhân vật của mình có những đổi mới về cách nhìn mà Kim Lân còn đem chất xúc tác “mới mẻ” về nhận thức trong chính nhân vật, làm lóe lên những dòng cảm xúc hạnh phúc trong anh. “Nếp sống” mới xuất hiện khiến Tràng cảm nhận được không khí đầm ấm, vui vẻ của gia đình mà “thấm thía cảm động”. Người đem tới làn gió ấy chính là thị. Cô vợ đảm đang “quét lại cái sân, tiếng chổi từng nhát kêu sàn sạt trên mặt đất”. “Cái âm thanh ấy, ngày thường Tràng cũng nghe nhưng chưa bao giờ gợi cảm như thế. Người vợ mới muốn quét mạnh tay để tạo ra những âm thanh rộn rã khẳng định sự có mặt của mình trong ngôi nhà.” Và người mẹ của hắn đang “lúi húi giẫy những búi cỏ mọc nham nhở”. Tất cả dường như muốn sửa sang cho sáng sủa căn nhà để mong chờ một tương lai tươi sáng hơn. Một khung cảnh bình dị nhưng khiến Tràng “thấm thía cảm động”. Phải chăng phải sống quá lâu trong sự trống vắng, trong toan tính về miếng ăn, trong cơ cực, tủi nhục khiến Tràng chưa bao giờ nghĩ về những hạnh phúc giản đơn như vậy. Nay có được hắn càng thấy nâng niu, trân trọng trước dòng ánh sáng ấm áp trong cuộc đời.

Hạnh phúc tưởng chừng nhỏ bé kia nhưng lại mang đôi cánh cất cao cái hồn con người. Trên muôn nẻo tâm trạng, nhà cầm bút dõi theo từng bước chân nhân vật để rồi ông nhận thấy: anh cu Tràng từ ngõ hẻm trong thờ ơ, coi ngôi nhà như một chỗ ngủ tạm, trú chân nay bỗng bước lên con đường mênh mông của niềm “thương yêu gắn bó” với tổ ấm nhỏ của mình. Miêu tả ấn tượng trong Tràng về trạng thái tâm hồn ấy Kim Lân dùng hai chữ “lạ lùng”. Hạnh phúc vốn là niềm mong ước, là trạng thái thường trực trong con người đặc biệt là hạnh phúc gia đình thân thuộc. Nhưng Tràng thấy “lạ lùng” bởi đó là thứ cảm giác chưa từng có. Thật tội nghiệp nhưng cũng thật đáng quý. Tội nghiệp cho kiếp người bị dìm trong bể đói, đáng quý trước biến đổi lớn lao trong con người Tràng. Giờ đây, y nhận thức được mình “đã có một gia đình” và “hắn sẽ cùng vợ sinh con đẻ cái ở đấy”. Không phải chỉ "có vợ", mà lần này, hắn có hẳn một "gia đình". Chính người đàn bà theo không kia lại là sợi dây kết nối các thành viên trong gia đình và thị là một hạt nhân không thể thiếu để làm vẹn tròn hai tiếng thiêng liêng, gần gũi ấy. Nói về vai trò của người vợ trong gia đình Andre Maurois khẳng định: "Không có gia đình, người đàn ông trở nên cô độc với toàn thế giới, run rẩy trong giá lạnh". “Tôi sẵn sàng đánh đổi toàn bộ sự nghiệp nếu biết ở đâu đó trong ngôi nhà kia, có một người vợ luôn chờ tôi về ăn bữa tối”. Thế mới thấy tâm hồn Tràng đã nở hoa như thế nào từ khi gặp thị. Hắn biết chỉ nay mai thôi thị sẽ cùng hắn thổi vào thế giới kia đầy ắp những tiếng cười. Con cái của họ sẽ ra đời, không chỉ là người ruột rà nối dõi của gia đình mà sẽ là niềm vui tuổi già của bà mẹ già và là động lực sống lớn lao cho vợ chồng Tràng. Họ sẽ dựng xây “tổ ấm che mưa che nắng” trong ngôi nhà ấy. Ngôi nhà giờ không phải là nơi chỉ có hai mẹ con hắn với cuộc sống mưu sinh sáng đến tối không hề gặp mặt. Mà bây nó là nơi quây quần, nơi nương tựa và là nơi để trở về sau bao bão táp, phong ba của cuộc đời. Ngôi nhà hắn đã sống bao ngày, hôm nay khi nhìn nó qua lăng kính tình yêu Tràng thấy thật thiêng liêng. Phải chăng như Chế Lan Viên từng viết “Tình yêu làm đất lạ hóa quê hương”. Tại mảnh đất mẹ con anh chọn để tha hương, Tràng cùng mẹ và người đàn bà sẽ có một khởi đầu mới. Niềm ao ước về cuộc sống tốt đẹp hơn khiến cho y có “một nguồn vui sướng, phấn chấn đột ngột tràn ngập trong lòng”.

George Sand từng tâm sự: “Thiên hướng của người nghệ sĩ là đưa ánh sáng vào trái tim con người”. Nhận thức được “văn chương là một thứ đạo làm người” Kim Lân đã chiếu nguồn “ánh sáng” rọi vào những kiếp nghiệt ngã trong tác phẩm của mình. Dù đặt “nhân vật kề nanh vuốt của cái chết”, nhà văn vẫn tỉnh táo để kéo con người khỏi sa vào vũng lầy nhơ nhuốc. Ông vẫn miệt mài vun xới vườn ươm tâm hồn nhân vật. Anh cu Tràng ngờ nghệch trong buổi sáng hôm sau bỗng vươn vai trở thành người đàn ông có trách nhiệm với gia đình. Anh ý thức được những bổn phận và nghĩa vụ của người trụ cột gia đình. Là một người con, một người chồng và sau này sẽ còn là một người cha, Tràng biết “hắn có bổn phận phải lo lắng cho vợ con sau này”. “Hắn thấy hắn nên người”. Hai chữ “nên người” đánh dấu cả sự trưởng thành trong suy nghĩ của Tràng. Nếu trước đây Tràng chỉ là một anh con trai to về thể xác, bé về tâm hồn thì sau sự kiện lấy vợ Tràng không chỉ có vẻ chững chạc của người đàn ông mà còn có cái chín chắn trong suy nghĩ. Anh nhận thức được trọng trách mình phải gánh vác, ý thức được mình sẽ cần phải làm gì. Và chắc chắn Tràng hơn ai hết sẽ trăn trở xem làm sao để mang tới sự ổn định, no ấm cho gia đình mình. Ý nghĩ ấy ngay lập tức đã được cụ thể hóa thành hành động cụ thể “hắn xăm xăm chạy ra giữa sân, hắn cũng muốn làm một việc gì để dự phần tu sửa căn nhà”. Đàn ông nói là làm. Ấy mấy là bậc nam nhân. Chỉ hai chữ “xăm xăm” thôi nhưng thợ chữ tạc vào bao trách nhiệm, bao yêu thương y dành cho gia đình. Sự sốt sắng, sự cố gắng và phấn đấu ấy rồi mai này sẽ được đền đáp xứng đáng. Vậy là Tràng đã trưởng thành, trở thành người đàn ông chèo chống gia đình, có ý thức, trách nhiệm, luôn muốn làm tròn bổn phận của mình.

Trong cuốn “Từ điển văn học” tác giả Trần Hữu Tá có khái quát về truyện ngắn sau Cách mạng của Kim Lân: ông “vẫn tiếp tục viết về làng quê Việt Nam… về những cảnh tội nghiệp, cuộc sống khốn khó đến cùng cực của người nông dân dưới chế độ cũ và sự đổi đời của họ nhờ Cách mạng”. Tại đoạn kết truyện, văn nhân ghi nhận cảm xúc “tiếc rẻ vẩn vơ” của Tràng khi nghe vợ kể chuyện người ta đi phá kho thóc Nhật cùng sự vận động tích cực của niềm tin về một ngày mai tươi sáng trong anh. Khi tiếng trống thúc thuế ngoài đình vang lên dồn dập, Tràng “thần mặt ra nghĩ ngợi”, đây là điều hiếm có đối với anh xưa nay. Trong ý nghĩ của Tràng vụt hiện ra cảnh “những người nghèo đói ầm ầm kéo nhau đi trên đê Sộp” để cướp kho thóc Nhật và “đằng trước là lá cờ đỏ to lắm”. Tràng nhớ tới cảnh ấy mà “lòng ân hận, tiếc rẻ vẩn vơ”. Tâm trạng anh bỗng chốc trở nên xao động. “Cái ao đời phẳng lặng” nơi anh như vừa được ném vào viên sỏi khiến nó sóng sánh cực mạnh, soi xuống thấu đáy, lộ ra khát khao mãnh liệt đang trào dâng trong Tràng. “Đám người đói và lá cờ đỏ” cứ đeo bám dai dẳng trong óc anh. Rồi đây anh sẽ làm gì với gia đình nhỏ bé mà anh vừa khởi sự? Ba con người ấy sẽ tồn tại như thế nào? Họ sẽ cùng nhau vượt qua dịch đói ra sao?... Tác giả không đưa ra bất kì một giải pháp nào mà để nhân vật tự lo liệu lấy. Đồng thời ông cũng mở ra những liên tưởng kỳ thú để người đọc tự lấp đầy trang trắng. Nhìn về chiều biến thiên tích cực phải chăng Tràng đã thức tỉnh, và ngộ ra chân giá trị của sự sống: giữa khoảng cách cận kề của cái đói và cái chết, giữa mơ hồ, mong manh của hạnh phúc, người ta chỉ có thể nắm giữ được tình người và mạng sống khi tìm ra chân lý của cuộc đời. Và ánh sáng ấy chỉ có ở con đường Cách mạng, lối thoát ấy chỉ hiện ra ở cánh cửa của Đảng. Và một ngày nào đó chính Tràng sẽ hòa mình vào đám người đang đói, được giác ngộ đi theo Việt Minh để tìm về tương lai tươi sáng hơn.

“Yếu tố đầu tiên của văn học là ngôn ngữ, công cụ chủ yếu của nó và cùng với các sự kiện, các hiện tượng của cuộc sống là chất liệu của văn học”. Nhờ có “lớp vỏ” hình thức mà văn chương của Kim Lân nói chung và bức tranh tâm trạng anh cu Tràng nói riêng cứ tự nhiên như thế len lỏi vào tâm hồn con người. Trước tiên phải kể đến biệt tài xây dựng tình huống truyện độc đáo của Kim Lân. Văn nhân đặt nhân vật của mình vào tình huống nhặt vợ éo le trong đói nghèo để làm “đòn bẩy” nâng khát khao hạnh phúc, sự chuyển biến trong ý thức, hành động của anh cu Tràng nhằm hướng về ngày mai tươi sáng. Đồng thời nhờ duyên nợ với thôn quê và những con người lam lũ đói nghèo đã giúp Kim Lân khắc họa thành công tâm trạng anh cu Tràng trong buổi sáng hôm sau với ngôn ngữ văn chương “ròng ròng sự sống”, mang đậm hơi thở làng quê nhưng lại chính xác trong từng vị trí. Người đọc như cùng hồi sinh với nhân vật Tràng trong buổi sáng hôm sau qua giọng đệm “trầm sáng như giọng cổ tích” với nét giọng chủ đạo là yêu thương, ngợi ca để cất cao niềm khát vọng trong người nông dân nghèo khổ. Đặc biệt “thần bút” tuân thủ chặt chẽ nguyên tắc xây dựng nhân vật của mình “chính mình là người khác, mình hóa thân vào người khác” để lách sâu vào dòng suy nghĩ lâng lâng vì hạnh phúc cùng những biến đổi trong hành động của nhân vật. Nhờ đó những nốt ngân trong tâm trạng Tràng cứ rung lên từng âm rõ rệt xoáy sâu vào lòng người vùng trời sự sống.

Trên chặng đường theo chân Tràng, tại điểm dừng trong buổi sáng hôm sau, người đọc xúc động vì những cảm xúc rất người ở y. Từ trang tâm trạng của Tràng trong buổi sáng đầu tiên có vợ, người quan sát thấy rõ sự thay đổi ngoạn mục ở nhân vật này. Nơi “ngưỡng cửa của khốn khó”, Tràng đã “chứng tỏ được số phận và tích cách của mình” – một con người dũng cảm trong khó khăn. Anh từ một “đứa trẻ” vô tâm trở thành một người đàn ông trưởng thành trong suy nghĩ. Từ một con người “hơi dở” chỉ biết cười ngặt nghẽo trước bọn trẻ trong xóm nhỏ này biết mở rộng trái tim để cảm thông và thương xót cho người khác. Vốn là người con ngờ nghệch khi nô đùa với lũ trẻ, chẳng mặc đến cửa nhà nay Tràng đã biết quan tâm và có trách nhiệm với gia đình. Không chỉ vậy anh còn mang bước chuyển đổi lớn lao của thời đại mới – thời đại cách mạng. Tràng mở đầu truyện ngắn “Vợ nhặt” bằng dáng đi “ngật ngưỡng” trên con đường về xóm chợ xác xơ của những kiếp ngụ cư tội nghiệp trong buổi chiều chạng vạng và cũng kết thúc thiên truyện ấy vào buổi sớm mai với hình ảnh mới lạ về đoàn người đói vùng lên dưới lá cờ đỏ tung bay phấp phới. Kim Lân đã biến Tràng từ một người đi bên lề của cuộc đấu tranh đến những bước chân chập chững nghĩ suy về con đường cách mạng và những hình dung đẹp đẽ về một cuộc sống mới ổn định, no ấm. Đồng thời ngòi bút Kim Lân cũng “đi tới tận cùng những nỗi niềm tâm trạng” để cắt nghĩa sự thay đổi đáng ngợi ca này của nhân vật. Nhìn lại hành trình “nhặt vợ” của Tràng và đặc biệt là những suy nghĩ của anh trong buổi sáng hôm sau người ta thầm tán thưởng liều thuốc kỳ diệu của tình yêu. Chính tổ ấm hạnh phúc đã tác động tới trái tim vốn chai sạn ở Tràng, đem tới niềm tin mới cho người đàn ông đang đứng trên bờ vực của cái chết. Từ sự “lớn dậy” ấy của anh, ngòi bút nhân đạo Kim Lân muốn dành những lời có cánh cho người lao động nghèo: “Trong sự túng đói quay quắt, trong bất cứ hoàn cảnh khốn khổ nào, người nông dân ngụ cư vẫn khao khát vươn lên trên cái chết, cái thảm đạm, để mà vui, mà hy vọng… Khi đói người ta không nghĩ đến con đường chết mà chỉ nghĩ đến con đường sống. Dù ở trong tình huống bi thảm đến đâu, dù kề bên cái chết vẫn khao khát hạnh phúc vẫn hướng về ánh sáng, vẫn tin vào sự sống và vẫn hy vọng ở tương lai, vẫn muốn sống, sống cho ra người”.

Dòng diễn biến tâm trạng của Tràng trong buổi sáng hôm sau là cả quá trình Kim Lân cất công vực dậy cái đẹp từ chốn cùng tăm tối. Trong bức tranh tâm trạng ấy độc giả không chỉ nhìn thấy cái tài năng thần tình của người cầm bút mà còn thấy trân quý biết bao tấm lòng mang nặng với đất với người nơi nông thôn nghèo khó. Cuộc sống có nhiều nỗi niềm nặng nề của cảnh con riêng, phận ngụ cư giúp trái tim nhân đạo Kim Lân thấu hiểu và đồng cảm hơn ai hết tình cảnh khốn khổ, đói nghèo của đồng bào ta, khiến văn nhân quặn thắt khi họ chẳng dám tin hạnh phúc đang hiện hữu quanh mình. Và cũng chính vì thế ông đã dốc sức để cắt nghĩa những nỗi niềm trong họ để rồi vui mừng reo lên khi nhìn thấy trong hành trình cảm xúc của anh cu Tràng vào buổi sáng hôm sau một vùng sáng đẹp – đại diện cho hình tượng người nông dân chất phác, thật thà dù có kề bên cái chết vẫn khao khát hạnh phúc, vẫn thèm khát sự sống, vẫn hướng về tương lai. Nhà văn thể hiện niềm tin yêu vào những phẩm chất tốt đẹp của con người. Đồng thời qua những suy nghĩ của Tràng ở cuối truyện, văn nhân muốn hướng con người tới ánh sáng đổi đời, tới con đường Cách mạng tuy khí thế của nó vẫn còn hơi yếu ớt. Nhưng đó cũng là điều đáng trân trọng ở Kim Lân khi ông không để nhân vật của mình chết trên ngưỡng cửa của sự trở về như trong cái nhìn bế tắc của Nam Cao. Và qua những thay đổi rất người ở Tràng, tôi cũng muốn mượn mấy câu văn của Nguyễn Khải để nói tới bức thông điệp mà Kim Lân gửi gắm: “Sự sống nảy sinh từ cái chết, hạnh phúc hiện hình từ trong những hy sinh, gian khổ, ở đời này không có con đường cùng, chỉ có những ranh giới, điều cốt yếu là phải có sức mạnh để bước qua những ranh giới ấy”.

Kim Lân bảo: “Tôi đến với văn học, ban đầu là từ sự say mê, ham thích. Những truyện ngắn đầu tay của tôi như “Đứa con người vợ lẽ”, “Người kép già”, “Cô Vịa” là những truyện ngắn viết về đề tài xã hội. Đó là những câu chuyện về bản thân tôi, tâm tư và số phận của tôi cũng như những người gần gũi trong làng xóm của tôi”. Sự say mê với thế giới đậm mùi khói bếp và rơm rạ quanh mình khiến cho những áng văn Kim Lân sao chân thực, gần gũi mà xúc động đến lạ kỳ. Từng trang sách đong đầy bóng dáng đồng bằng Bắc Bộ nơi ông không chỉ có cái nhìn thấu đáo về hiện thực mà còn mang tấm lòng của một nhà văn suốt đời đi tìm cái cao thượng trong mỗi một con người. Những nghiêm túc và cẩn trọng của Kim Lân trong nghề khiến lớp bụi thời gian chẳng thể tìm được khe hở nào để lọt qua, để xóa nhòa. Ngược lại những kiệt tác của văn nhân cứ ngày một trong, một sáng và đẹp hơn dưới tia nắng cuộc đời.

GIỌT NƯỚC MẮT CỦA BÀ CỤ TỨ

Nhà văn Kim Lân được mệnh danh là “con đẻ của đồng ruộng””, là nhà văn “một lòng đi về với đất, với trời, với những giá trị thuần hậu nguyên thủy của con người Việt Nam”. Dù xuất hiện vào cuối giai đoạn văn học hiện thực 1930-1945, nhưng Kim Lân lại mang màu sắc khác biệt với các tác giả đi trước. Điển hình và cũng là xuất sắc nhất của ông trong giai đoạn này là truyện ngắn “Vợ nhặt” được in trong tập “Con chó xấu xí”, năm 1962. Tác phẩm là bức tranh chân thực về nạn đói năm 1945, là sự ngợi ca tình người, tình mẫu tử; trân trọng khát vọng sống, khát vọng hạnh phúc của những người nông dân nghèo. Nhân vật bà cụ Tứ trong truyện ngắn này là đại diện cho vẻ đẹp của người nông dân, người mẹ Việt Nam truyền thống. Tuy không được miêu tả chi tiết về chân dung và ngoại hình nhưng qua chi tiết hai lần bà rơi nước mắt khi Tràng dẫn người vợ nhặt về ra mắt, ta phần nào hiểu được về chân dung và số phận người mẹ nông dân ấy, đồng thời cảm nhận sâu sắc và thêm trân trọng biết bao tình yêu con vô bờ của bà.

Từ nhỏ, do nhà nghèo, Kim Lân đã phải bôn ba khắp nơi, làm nhiều công việc khác nhau như thợ sơn guốc, khắc tranh bình phong… để mưu sinh. Có lẽ vì thế, hơn ai hết, ông thấu hiểu được nỗi vất vả, sự khổ cực của những người dân lao động nghèo. Ông bắt đầu sự nghiệp của mình ở thể loại truyện ngắn và đến năm 1945, ông viết tiểu thuyết “Xóm ngụ cư”. Nhưng sau này do mất bản thảo, Kim Lân đã dựa trên cốt truyện cũ để sáng tác truyện ngắn “Vợ nhặt”, một tác phẩm mang sức nặng tư tưởng của cả cuốn tiểu thuyết. Với biệt tài viết truyện độc đáo, mới lạ, nhà văn đã khắc họa thành công từng nhân vật, từ đó làm sáng lên vẻ đẹp tâm hồn của những người nông dân. Kim Lân không chỉ thành công trong việc tạo dựng mạch cảm xúc, diễn biến tâm lý của nhân vật mà ông còn rất xuất sắc trong việc xây dựng các chi tiết nghệ thuật. Chi tiết hai lần bà cụ Tứ khóc: “Bà lão cúi đầu…qua cơn đói khát này hay không” và “kể có ra… thương quá” khi Tràng đưa cô vợ nhặt về ở giữa tác phẩm thực sự là điểm sáng thẩm mỹ cho truyện ngắn “Vợ nhặt”.

Chi tiết được coi như “hạt bụi vàng của tác phẩm”. Đó là túi Tiên, chứa đựng cảm xúc, tư tưởng và cái tôi riêng của nhà văn. Chi tiết giọt nước mắt của bà cụ Tứ không chỉ là sự xót thương của Kim Lân cho những con người với số phận bé mọn, lay lắt, mỏng manh mà còn là sự tố cáo xã hội thực dân nửa phong kiến lạc hậu thời bấy giờ. Đây thực sự là điểm nhấn nghệ thuật của tác phẩm.

Bà cụ Tứ là một bà mẹ nghèo, già nua, “lẩm nhẩm tính toán” theo thói quen của người già. Bà là dân ngụ cư và sống cùng với con trai tên là Tràng. Hình ảnh bà cụ Tứ xuất hiện lần đầu ở giữa tác phẩm, trong một buổi chiều chạng vạng. Bà hiện lên với dáng đi “lom khom”, chậm chạp, vừa đi vừa “ho húng hắng”. Từ chân dung, ngoại hình của bà, ta cũng thấy như hiện ra trước mắt cuộc đời của một người phụ nữ tần tảo, yêu thương con vô bờ và đã chai sạn vì những khổ đau, nhọc nhằn trong quá khứ.

Truyện ngắn ‘Vợ nhặt” lấy bối cảnh là nạn đói năm 1945, giữa thời buổi đói khát đến quay quắt, khi con người đang phải đối diện với cái chết, anh Tràng nghèo khổ, xấu xí, ngờ nghệch lại tình cờ “nhặt” được vợ. Trong buổi chiều nắng heo hắt, tối sầm vì đói khát và chết chóc, Tràng đưa cô “vợ nhặt” về nhà. Trước tình huống éo le ấy, bà cụ Tứ đã có những cách ứng xử khéo léo và cả một dòng chảy suy nghĩ phức tạp.

Khi lần đầu gặp gỡ cô vợ nhặt, đứng từ ngoài nhà mà ngó vào trong, bà không thể không bất ngờ khi thấy có cô gái đứng đầu giường con trai bà. Hàng loạt câu hỏi hiện ra trong bà và phải đến khi Tràng thưa chuyện, bà mới vỡ lẽ. Lúc này, trong lòng người mẹ, bao suy nghĩ ào ạt ập tới. Nhưng rốt cuộc, bà lão cũng chỉ “cúi đầu nín lặng”. Bà không chỉ vỡ lẽ mà còn “ngậm ngùi”, “hiểu ra bao nhiêu cơ sự”. Hành động đó của bà là một sự ứng xử khéo léo, độ lượng mà bao dung. Người mẹ đã tế nhị giữa hai người con, đặc biệt là người dâu mới, gỡ bỏ những éo le, tủi nhục trước tình huống nên vợ nên chồng đầy sự chắp vá, bấu víu này. Bà cụ Tứ đã hiểu ra mọi chuyện và dù không nói ra thành lời, bà đã chấp nhận người dâu mới. Đây là trái tim của một người mẹ nhân hậu, hết lòng yêu thương con và là trí tuệ của một người từng trải. Trong nội tâm của bà cụ Tứ lúc này, nỗi ai oán, xót thương, nỗi lo lắng dành cho các con dâng trào. “Chao ôi, người ta dựng vợ gả chồng cho con là lúc trong nhà ăn nên làm nổi, những mong sinh con đẻ cái nở mặt sau này. Còn mình thì…”. Câu nói này đã chất chứa bao nỗi tủi hổ, mặc cảm và oán trách bản thân vì đã không làm tròn trách nhiệm người mẹ của bà. Bà xót thương cho con trai mình với biết bao sự thiệt thòi. Đan xen với sự xót xa, oán trách, tủi hổ ấy là nỗi lo dâng đầy dành cho các con của người mẹ này. “Biết rằng chúng nó có nuôi nổi nhau sống qua được cơn đói khát này không?”.

Chữ “lo” ở đây không chỉ gắn với Tràng, con trai bà, mà còn cả người con dâu nữa. Đây là lần đầu tiên bà nhắc đến người con dâu nhưng bà đã nhân hậu, vị tha, coi cô cũng như con ruột mình và cũng lo lắng cho cô. Lòng người mẹ đã thật chân tình nói lên sự yêu thương, xót xa cho số phận ngặt nghèo của hai con và vừa mong, vừa lo hai con có đùm bọc nhau, cưu mang nhau được qua “cơn đói khát” này không. Lúc này, tất cả những cảm xúc đang chất chứa trong lòng tích lại thành những dòng nước mắt và “rỉ xuống” qua kẽ mắt “kèm nhèm” của bà cụ Tứ. Đây là biểu hiện của nỗi đau khổ, tủi phận, là nỗi lo lắng dành cho hai con canh cánh trong lòng. Giọt nước mắt đã “rỉ xuống” ấy có lẽ còn là sự vui mừng, giọt nước mắt của hạnh phúc khi trong tình cảnh ngoặt nghèo này, con trai bà vẫn có được vợ. Kim Lân đã rất tinh tế khi miêu tả dòng nước mắt của bà cụ Tứ. Nó chỉ “rỉ xuống” chứ không tuôn rơi vì dường như cả cuộc đời của người mẹ tảo tần đã trải qua biết bao khổ đau để bà phải khóc cạn nước mắt của mình. Thế nên, giọt nước nước mắt rỉ xuống lúc này, phải chăng cũng là cảm xúc lắng đọng của gần một đời người đã qua nơi bà? Chân dung và số phận của bà còn được khắc họa qua hình ảnh “kẽ mắt kèm nhèm”. Sự vất vả, khổ cực của bà cụ Tứ có lẽ được thể hiện chân thực và đầy đủ nhất qua chi tiết này, khi người phụ nữ nông dân ấy trải qua đầy những khổ hạnh của cuộc đời. Phải yêu thương con đến nhường nào, người mẹ này mới có thể “rỉ xuống” những giọt nước mắt hiếm hoi của cuộc đời mình? Quả không sai khi nói dòng nước mắt là biểu hiện của tình mẫu tử thiêng liêng, tình yêu với những đứa con vô điều kiện và là biểu hiện của một tấm lòng bao dung, vị tha. Bằng bút pháp nửa trực tiếp và hiện thực tâm lí, kết hợp với giọng văn chậm, đều, ngôn từ giản dị, phù hợp với nhân vật và đặc biệt là sự tinh tế, sắc sảo để thấu hiểu tâm lý con người, Kim Lân đã phác họa chân thực và rõ nét hình ảnh bà cụ Tứ: từng suy nghĩ, cử chỉ của bà đều toát lên dáng vẻ, sự trải đời của bà lão nông dân, dù nghèo khổ nhưng luôn lo lắng, yêu thương con.

Sau khi nói rằng sẽ chấp nhận chuyện hôn nhân éo le của hai con, bà cụ Tứ đã an ủi, động viên vợ chồng Tràng. Dù cuộc hôn nhân này dựa trên sự bấu víu, chắp vá, nhưng bà cụ Tứ vẫn dành sự trân trọng, yêu thương cho người con dâu “nhặt” được này. Bà nhắc đến chuyện làm mâm cỗ cưới để cúng tổ tiên, ra mắt mọi người. Người mẹ này mong ước có thể đường đường chính hính xác nhận với mọi người đây là con dâu của bà, vợ của Tràng. Bà cho người phụ nữ tầm phơ, tầm phào này một mái ấm, một vị trí trong cuộc đời, và trong cả gia đình nhỏ này nữa. Mong muốn chân tình này cho thấy người mẹ nghèo thật sâu sắc, tinh tế và vô cùng bao dung, nhân hậu. Bà chỉ mong sao hai con yêu thương, sống hạnh phúc với nhau. “Cốt làm sao chúng mày hòa thuận là u mừng rồi”.

Thế nhưng, niềm vui chẳng được bao lâu, bà lại bị bủa vây bởi những nỗi lo, sự mặc cảm về số phận “Chúng mày lấy nhau lúc này u thương quá”. Không chỉ là nỗi lo lắng trong đầu như ở đoạn trên mà lúc này đây, bà đã phải thể hiện nỗi lo, nỗi xót thương đến đứt ruột và thốt lên “u thương quá”. Bao cảm xúc như được dồn nén hết trong chữ “thương” để rồi giọt nước mắt của bà lại một lần nữa tuôn rơi. Nhưng không còn chỉ là “rỉ xuống” nữa mà trở thành “chảy xuống ròng ròng”. Nước mắt cứ thế chảy ra mà bà không thể kìm nén được. Hình ảnh này đã thể hiện sự xót xa dâng trào cùng nỗi lo trong lòng người mẹ. Bà không chỉ thương mà còn thấy có lỗi với con. Thân là mẹ nhưng lại không thể lo nổi cho con một mâm cỗ cưới, một đám cưới đàng hoàng. Trước chuyện hệ trọng cả cuộc đời của con trai mình, bà đã không thể làm gì để giúp các con vun vén hạnh phúc. Trong lòng bà ngập tràn niềm hờn tủi. Không còn là ngôn ngữ nửa trực tiếp mà đoạn văn này được Kim Lân sử dụng ngôn ngữ kể, tả rất đời thực. Tuy thế, ông vẫn xây dựng được thành công dòng chảy tâm lý cũng như nét tính cách của nhân vật này. Bà cụ Tứ hiện lên không chỉ với vẻ đẹp tâm hồn mà con tính cách mộc mạc chân thật của người mẹ.

Có thể nói, thông qua hai chi tiết ta thấy được nổi bật lên tình yêu con vô hạn. Trước tình cảnh éo le ấy, bà đã rất tế nhị, cố nén đi nỗi xót xa, tủi hờn để gỡ bỏ những tủi nhục khó nói trong tình huống nên vợ nên chồng của hai con. Nhưng rốt cuộc, nỗi lo lắng, sự xót thương bị đẩy lên đỉnh điểm và bà phải “rỉ xuống” những dòng nước mắt. Người mẹ gạt sự tủi hờn ấy và an ủi, động viên vợ chồng Tràng. Nhưng với sự ai oán, mặc cảm, nỗi lo số phận lại quay lại, đeo bám bà. Giờ đây, bà không còn nén được nữa và dòng nước mắt “chảy xuống ròng ròng” như một giọt nước tràn ly. Giọt nước mắt của người mẹ nghèo này chính là hiện thân của tình mẫu tử thiêng liêng, lòng bao dung, sự hi sinh nhưng cũng là sự bất lực của người mẹ khi không thể làm tròn trách nhiệm với con.

Thông qua những giọt nước mắt của bà cụ Tứ, Kim Lân còn tố cáo hiện thực chiến tranh thảm khốc đã đẩy con người đến những tình cảnh thê lương. Bà cụ Tứ là điển hình của người phụ nữ Việt Nam truyền thống với những phẩm chất tốt đẹp: bao dung, vị tha, giàu tình thương yêu và tinh thần lạc quan. Vẻ đẹp của nhân vật một lần nữa khẳng định chủ đề tư tưởng của tác phẩm: trong cái đói xơ xác, khi con người chỉ nghĩ đến sự đói khái, cái chết đang đến gần, thì tình yêu thương, sẻ chia, đùm bọc, niềm khát khao hạnh phúc gia đình, niềm hi vọng vào tương lai vẫn luôn rực cháy.

Qua hai chi tiết nghệ thuật, tác giả đã khéo léo gửi gắm tâm tư, tình cảm của mình dành cho nhân vật. Qua đó, tư tưởng nhân đạo sâu sắc, sự đồng cảm, sẻ chia và niềm tin của Kim Lân với nhân vật lại càng ngời sáng. Bằng ngòi bút hiện thực và trái tim nhân hậu của mình, Kim Lân đã miêu tả được chân thực và cảm động cuộc đời và số phận của con người Việt Nam trong nạn đói khủng khiếp năm 1945. Không đi vào miêu tả chi tiết ngoại hình, tính cách của bà cụ Tứ, nhưng bằng dòng chảy nội tâm, bằng dáng vẻ cử chỉ, hành động, ta thấy được hình ảnh bà hiện lên chân thực và sắc nét, mang dáng dấp của người phụ nữ lao động lớn tuổi với những vẻ đẹp tâm hồn của người mẹ. Chi tiết giọt nước mắt đã cho ta thấy sự am hiểu, tinh tường của Kim lân trong nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật. Nhà văn đã xây dựng rất thành công tình huống éo le, độc đáo và những chi tiết nghệ thuật đặc sắc, điểm sáng thẩm mỹ của tác phẩm.

M. Gorki từng nói: “Chi tiết nhỏ làm nên nhà văn lớn”. Kim Lân quả xứng đáng là một nhà văn lớn của nền văn học Việt Nam, khi chỉ từ những chi tiết nhỏ bé mà sâu sắc, ông đã đặt cả một tài năng và tấm lòng nhân đạo của mình vào đó. Cùng với đó, thành công của truyện ngắn “Vợ nhặt” còn phải kể đến việc Kim Lân đã gây ấn tượng mạnh với độc giả bằng lối kể chuyện lôi cuốn, ngôn từ giản dị, phù hợp với mọi lứa tuổi. Có lẽ vì thế cho đến nay, “Vợ nhặt” vẫn để lại dư âm khó phai mờ trong lòng người đọc của nhiều thế hệ.

Xem thêm: Bàn về ngôn ngữ đối thoại của các nhân vật trong "Vợ nhặt"

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận