Con người với khát vọng nhân văn trong truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư [P1]: Cái nhìn về chiến

Truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư ẩn chứa khát vọng nhân văn trong cái nhìn về chiến tranh. Chiến tranh là nỗi đau mỗi khi nhắc lại chỉ làm vết thương không lành kín miệng...

Đỗ Thu Nga
12:00 18/11/2024 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Thế kỷ XX trên mảnh đất đau thương này, chiến tranh đã mang lại biết bao đau thương, bất hạnh cho dân tộc Việt Nam. Hơn ba mươi lăm năm đã đi qua, ký ức về một thời chiến tranh vẫn cứ khắc khoải trong lòng người về những cảnh tang thương chết chóc. Văn học trước Đổi Mới, chiến tranh là một bản hùng ca của cả bốn mươi thế kỷ cùng ra trận, với âm vang hùng tráng của khúc khải hoàn ca, của những binh đoàn trùng trùng nối nhau ra tiền tuyến, của những chàng trai cô gái lên đường phơi phới bước chân. Đất nước đứng lên của Nguyễn Ngọc, Người mẹ cầm súng của Nguyễn Thi, Dấu chân người lính của Nguyễn Minh Châu, Chiếc lược ngà của Nguyễn Quang Sáng, Mẫn và Tôi của Phan Tứ, Nắng đồng bằng của Chu Lai… Tất cả tạo nên một dàn hợp xướng thể hiện sức mạnh, ý chí của cộng đồng của dân tộc… Trong thập niên 80 của thế kỷ XX, những nhà văn vốn đi ra từ cuộc chiến mà tiên phong là Nguyễn Minh Châu với Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành, Cỏ lau đã có góc nhìn mới hơn về cuộc chiến, về số phận riêng lẻ của con người. Tiếp bước Nguyễn Minh Châu, Chu Lai, Bảo Ninh… đã cảm nhận được mặt trái của chiến tranh, đằng sau ánh hào quang của chiến công. Chiến tranh không chỉ hủy hoại con người về thể xác mà còn hủy hoại cả tâm hồn con người. Sức mạnh tàn phá của bom đạn không chỉ hủy diệt sự sống mà hủy diệt cả nhân tính con người. Những vết thương hữu hình, vô hình cứ lưu trú trong tâm khảm thành hội chứng chiến tranh. Khi hòa bình vãn hồi, một số người lính trở về mang thêm vết thương của con người không hội nhập được với cuộc sống thực tại, họ trở nên lạc loài xa lạ ngay trên quê hương mình, ngay trong cuộc sống đời thường mà các tác phẩm như Ăn mày dĩ vãng, Nỗi buồn chiến tranh, Tướng về hưu… đã thể hiện nỗi trăn trở ưu tư, những khát vọng nhân văn đẹp đẽ.

Ngay cả trong văn học đô thị miền Nam trước 1975, các nhà văn tiến bộ đều lên án chiến tranh. Con thú tật nguyền của Ngụy Ngữ đã khắc họa số phận con người khắc nghiệt trước chiến tranh, con người bất mãn, uất ức muốn phá nát cái xã hội đen tối của đô thị miền Nam thời Mỹ chiếm đóng, và những con người là những con thú tật nguyền: “…Không còn gì nữa hết. Con vật nguy hiểm chui lên từ lỗ nẻ nào đó đã chết. Nhân loại bớt một kẻ thù. Thằng Bình sứt đã rụng về cội, đã bình yên dưới bốn viên đá xi măng…” [1, trang 176], hay sự tàn khốc của chiến tranh biến con người trở thành những con thú hoang máu lạnh: Đứa con loài bò sát của Huỳnh Ngọc Sơn, Người bắt ruồi của Nguyễn Hoàng Thu… luôn là nỗi đau dằn xé, ám ảnh con người. Và khát vọng nhân văn đẹp đẽ nhất là cái nhìn con người về chiến tranh, là đề tài lớn của văn học Việt Nam sau 1986. Văn học hiện đại ít khai thác những hào quang của cuộc chiến mà quan tâm thân phận con người sau chiến tranh. Người lính trở về còn gì? Được gì? Làm gì? Và mất gì?... Võ Thị Hảo với Người sót lại của Rừng Cười, viết về những cô gái đã hy sinh anh dũng trên chiến trường, và người may mắn sống sót trở về lại trở thành kẻ đáng thương hại. Cái nhìn về chiến tranh của Võ Thị Hảo không là những hào quang, không bằng những tấm huân huy chương mà bằng niềm đau thương mất mát, hy sinh của những cô gái đáng lẽ họ phải được hưởng hạnh phúc: “Sẽ không bao giờ mình quên được những người đã nhìn thấy ở rừng Cười. Có lẽ cảnh chết chóc còn dễ chịu hơn! Ôi! Thế là sau chín năm ở chiến trường, tôi đã nhìn thấy ở Rừng Cười cái cười méo mó man dại của chiến tranh. Việc chiến tranh lôi những người phụ nữ vào cuộc chiến thật là khủng khiếp. Tôi sẵn sàng chết hai lần cho họ khỏi lâm vào cảnh ấy” (Việt Nam thư quán).

con-nguoi-voi-khat-vong-nhan-van-trong-truyen-ngan-nguyen-ngoc-tu-9

Chiến tranh dưới mắt mình của Nguyễn Ngọc Tư là dấu ấn thời gian, là ánh hồi quang trong nỗi nhớ của Ngọn đèn không tắt vẫn cứ cháy hoài ngọn lửa truyền thống. Tiếp thu văn học truyền thống, nhưng truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư không khai thác chất liệu sử thi, những câu chuyện về đề tài chiến tranh diễn ra trong hồi ức của một thời kỳ đã qua như một kỷ niệm đẹp, một dấu ấn nhè nhẹ mà sâu lắng đi vào nỗi nhớ. Ngọn đèn không tắt là không vẽ lại những trận đánh long trời lở đất trên Cồn, không tái hiện những cảnh bắn giết tàn ác mà chỉ nhè nhẹ nhắc nhở mọi người: “Ông nói cho nó biết sở dĩ bùn xứ nó mặn là vì có rất nhiều xương máu của chú bác cô dì đã đổ xuống, trong đó đương nhiên là có máu của Thầy, của mấy anh em khởi nghĩa” [2, trang 8,9]. Và có lẽ đó là những dòng đậm nhất nói về chiến tranh theo cách sử thi. Chiến tranh trong ký ức của Ông ngoại cũng chỉ là vài dòng kể: “Hồi ngoại ở Trường Sơn, ngoại có cậu lính hát rất hay, bọn ngoại đi săn nai về liên hoan khi về đến, cậu ấy chết trên tay ngoại. bởi cơn sốt rét rừng, lúc ấy cậu ta vừa tròn mười chín” (Việt Nam thư quán). Chiến tranh trong vẻ đẹp hồi ức về Tư Đờ (Nỗi buồn rất lạ), một du kích xã lì lợm, nổi tiếng, luôn được mọi người yêu thương, rồi sau hòa bình trở về làm Giám đốc: “Coi chừng sống trong cuộc sống toàn máy lạnh, làm cho máu người ta lạnh đi” [2,  trang 38]. Nguyễn Ngọc Tư luôn ý thức tự hào dân tộc, trân trọng những thành quả cách mạng mà thế hệ đi trước đã hy sinh máu xương mình để giành được. Trân trọng quá khứ là nét đẹp truyền thống là văn hóa của dân tộc. Truyện ngắn Người mẹ vườn cau nhẹ nhàng thánh thót nhưng sao cứ chất chứa ưu tư trong lòng độc giả về một số người khi được sống trong đời sống sung túc lại quên đi những nơi đã chắt chiu nuôi dưỡng mình trong chiến tranh gian khổ. Truyện ngắn đầy chất nhân văn, mang hơi thở hoài niệm nhè nhẹ, sâu lắng.

Chiến tranh là nỗi đau mỗi khi nhắc lại chỉ làm vết thương không lành kín miệng. Truyện ngắn Mối tình năm cũ, vì yêu thương vợ, vì không muốn nhìn thấy vợ mình cứ thỉnh thoảng ôm xấp thư cũ của người yêu là liệt sĩ, rồi khóc lặng lẽ. Ông Mười đã đem đốt những lá thư ấy mặc cho biết bao lời trách móc, giận hờn, ngay cả khi đoàn làm phim về liệt sĩ Nguyễn Thọ, ông nhất định không cho vợ tham gia, mặc dù rất nhiều người đề nghị. Cho mãi đến khi đoàn làm phim chuẩn bị quay về, cảm kích trước chân tình của đạo diễn Trần Hưng, Ông Mười đồng ý đưa dì Thắm đi đến chỗ liệt sĩ Nguyễn Thọ hy sinh để quay cảnh cuối của bộ phim về người anh hùng. Tại đây, dì Thắm nghẹn ngào nức nở khi nhìn thấy tấm ảnh tư liệu quý giá được gởi từ bên Mỹ về “Trên những tấm hình trắng đen cũ kỹ hiện lên một hình người nằm cạnh cây súng đã gẫy (nghe nói chính anh ta đã đập sau khi bắn đến viên đạn cuối cùng). Một vuông ngực vỡ toác. Đôi mắt và đôi tay bị bọn ác ôn băm nát. Cái lồng ngực từng chứa một trái tim đỏ thắm, đôi mắt đã từng nhìn người yêu chan chứa, đôi tay đã từng iu ấp một đôi tay… Dì Thắm run rẩy nhìn những bức hình, hức lên một tiếng rồi rũ xuống như tàu chuối héo” [3, trang 81, 82]. Và rồi chỉ còn là nước mắt khôn nguôi. “Cho đến khi ông Mười xuất hiện, ông bảo, “Mấy chú làm ơn dừng lại một chút” rồi cầm cái khăn rằn lau nước mắt cho dì Thắm, dì như trẻ con, lau khô rồi nước mắt lại trào ra. Ông Mười vẫn nhẫn nại chậm chiếc khăn lên khuôn mặt chớm già của dì, không nói gì hết, khuôn mặt bi sì của ông hơi dúm lại, dường như ông cũng đau lắm, xót lắm” [3, trang 82]. Thông điệp của Nguyễn Ngọc Tư chính là đừng mổ lại vết thương chiến tranh. Con người đừng lạnh lùng, đừng xem nhẹ nỗi đau riêng tư của cá nhân. Tập thể với sức mạnh cộng đồng cũng không thể đè nén nỗi niềm riêng tư con người. Xin đừng để những lời tự hào, chúc tụng mà quên những giọt nước mắt đớn đau riêng lẻ.

Ký ức chiến tranh còn lại nỗi đau thương mất mác không gì có thể đền bù, trong niềm vui chung vẫn có nỗi đau riêng. Nguyễn Ngọc Tư trân trọng quá khứ hào hùng của một dân tộc đã chiến đấu cho nền độc lập tự do, song tác giả cũng không muốn khơi gợi vết thương riêng tư sâu kín của cá nhân con người. Không thể lấy giọt nước mắt đau khổ của con người để làm giá trị tôn vinh nghệ thuật. Đó là khát vọng nhân văn đẹp đẽ.

Chuyện vui điện ảnh là một vở bi hài kịch. Niềm vui được tham gia đóng một vai trong phim làm chú Sa sướng đến ngây ngất mà hơn nữa là tiền thù lao có thể để giúp đỡ mẹ con chị Thư. Một bộ phim về đề tài chiến tranh. Chú Sa vào vai thằng Cón, một kẻ “cưỡng hiếp vợ một cán bộ đằng mình đang mang thai. Tới chừng biết đứa trẻ kia không phải con mình, hắn xé đôi đứa nhỏ ngay trên giường đẻ, trước mặt người mẹ, cầm bằng giết chết chị ta. Phim bạo liệt, trần trụi” [4, trang 31]. Và cũng chính vai diễn ấy, bà con xóm Cựa Gà xa lánh chú. Hôm đài truyền hình chiếu bộ phim “Chiến tranh”, cả hẻm nôn nao chờ xem. Nhưng khi xem xong những tình cảm yêu thương dành cho chú đã tiêu tan, những đứa bé đã khóc thét khi gặp chú ngoài đường, ngay cả mẹ con chị Thư vốn có tình cảm riêng tư với chú tìm cách xa lánh chú. Hình ảnh trong bộ phim gợi lại sự tàn khốc của chiến tranh đã hủy hoại nhân cách con người, bộ phim khơi gợi lại nỗi đau đã chìm lắng. Nỗi đau của nhiều người từng là nạn nhân của chiến tranh. Phải chăng Chuyện vui điện ảnh, Nguyễn Ngọc Tư kêu gọi đừng khơi lại vết thương chiến tranh, đừng khơi gợi những cảnh tàn bạo, vì nó làm tổn thương tinh thần các em thơ. Điều ánh lên trong câu chuyện là tâm hồn con người chưa vô cảm với cái ác, một tín hiệu rất đáng trân trọng, đầy ấp tình người.

Truyện ngắn Vết chim trời lại là bi kịch của cuộc chiến trong một gia đình. Hai anh em ở hai bên bờ chiến tuyến. Ký ức chiến tranh tưởng đã lãng quên trong tiềm thức mọi người bỗng trỗi dậy trong lòng người mẹ già sau một giấc ngủ trưa: “Nhưng mà bà nội đã khóc, và buổi trưa kia đã vĩnh viễn bị tiếng khóc đóng đinh vào”, “Cả nhà bị dựng ngược, lăng xăng quay lấy một bà già đang khóc. Trời ơi, sao má khóc vậy? Ủa, nội ơi, nội bị làm sao? Má ơi, má đau chỗ nào? Bà nội lắc đầu, vẫn khóc, nước mắt vừa lau xong nước mắt lại tràn trụa, dỗ hoài không nín, cả nhà bất lực ngó nhau, ngờ vực, ai trong chúng ta đã làm bà nội khóc? Vừa lúc ấy thì bà nội nín, bà nắm lấy tay cha, hụp hửi: - Sao bây bắn thằng Út Hơn của má?” [5, trang 8, 9]. Đó là lời nói đau đớn, nghiệt ngã từ tâm thức dồn nén. Không phải là anh bắn em, mà là hai anh em đứng bên hai bờ cuộc chiến và kẻ còn người mất. Nguyễn Ngọc Tư cũng không tái hiện cuộc chiến mà chỉ khai thác một góc cạnh bi kịch của gia đình sau chiến tranh tạo nên một vết hằn trong suy nghĩ của hai đứa trẻ.

Người năm cũ cũng là một góc phản ánh bi kịch của tình yêu trong chiến tranh. Hai người yêu nhau nhưng quan điểm giai cấp, thành phần gia đình đã không cho phép họ đến với nhau: “Nhưng cháu còn trẻ, cháu có hiểu không? Chiến tranh vốn đầy bắt trắc. Nó để lại cho tôi một niềm đau, lâu quá rồi mà còn đau hoài” [4, trang 147]. Dẫu ra đời sau chiến tranh, Nguyễn Ngọc Tư cũng bộc lộ ưu tư về chiến tranh, về nỗi đau sâu kín về những mất mát tổn thất, song vẫn ánh lên cái nhìn đầy nhăn văn. Trong tản văn Chuyện cục keo của Nguyễn Ngọc Tư là cái nhìn đầy nhân văn xung quanh cái chết của em bé ba tuổi trong cuộc chiến. Em bé theo mẹ và những người phụ nữ đồng đội trong đội biệt động thành đánh Ty cảnh sát thị xã Cà Mau. Và em bé đã chết. Những người hy sinh ấy được phong tặng anh hùng, liệt sĩ, được truy tặng Huân chương chiến công hạng nhì, chỉ có đứa bé bị quên lãng trong nấm mồ chung mang tên mẹ. “…Con thích ăn kẹo dừa. Bé không thích trách móc oán giận, không kể công, đòi hỏi, không kêu lên lỗi tại ai, như người lớn. Chuyện nhỏ teo như… cục kẹo mà người lớn cứ cải nhau. Thương làm sao những tâm hồn người lớn đã từ lâu tuyệt chủng ngọt ngào” [6, trang 13].

Chiến tranh đã lùi xa nhưng nỗi đau vẫn âm ỉ trong lòng người về những đau thương mất mác về một thời bom đạn. Tự hào về mảnh đất anh hùng, về những người con ưu tú của dân tộc nhưng xin đừng khơi lại vết thương chiến tranh vì nó sẽ làm tổn thương tâm hồn con người. Đó chính là bức thông điệp mà Nguyễn Ngọc Tư muốn gởi gắm trên những trang viết về đề tài chiến tranh.

(Còn tiếp)

Xem thêm: Bàn về chức năng "chữa lành" của văn chương qua nhận định của Nguyễn Ngọc Tư

songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận