Nhà văn Nguyễn Tuân: Người lái đò trên dòng sông chữ nghĩa

Cái đẹp và tài hoa được Nguyễn Tuân tìm thấy ngay trong nhân dân, trong đời sống thường nhật và trên mọi lĩnh vực. "Người lái đò sông Đà" là một minh chứng tiêu biểu.

Đỗ Thu Nga
5 giờ trước Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Cách mạng tháng 8 tới mang theo làn gió mới cho nền văn học Việt Nam, cùng với đó là sự chuyển biến về tư tưởng, nhận thức của những văn nghệ sĩ. Và Nguyễn Tuân cũng không nằm ngoài ảnh hưởng ấy, khi thái độ khinh bạc, bi quan với hiện tại, tương lai và lẩn tránh về quá khứ đã bị thế chỗ bằng sự phát huy cao độ tinh thần dân tộc và lòng yêu nước. Cái đẹp tài hoa giờ đây cũng được ông tìm thấy ngay trong nhân dân, trong đời sống thường nhật, trên mọi lĩnh vực. Và “Người lái đò sông Đà” là một minh chứng tiêu biểu cho phong cách Nguyễn Tuân thời kì này.

Nhắc tới Nguyễn Tuân là ta nhắc đến một văn nhân tài hoa, uyên bác. Đó đồng thời cũng là biểu hiện cao độ của chữ “ngông” trong phong cách của ông, thể hiện qua cách nhà văn biến mỗi trang văn thành một “tờ hoa”, mỗi sự vật, sự việc đều soi dưới góc độ thẩm mỹ: “Con sông Đà tuôn dài tuôn dài như một áng tóc trữ tình”. Thiên nhiên hoang sơ giờ đây đã biến thành một tuyệt tác nghệ thuật của tạo hóa, vừa kì vĩ vừa nên thơ, vừa quyến rũ lại rất đỗi mơ mộng. Sông Đà trong câu chuyện của ông như người cố nhân lâu rồi ko gặp: nào là nắng tháng ba Đường thi; rồi “trông con sông vui như thấy nắng giòn tan sau kì mưa dầm, vui như nối lại chiêm bao đứt quãng”; lúc ngồi trên thuyền thì sông “như một tình nhân chưa quen biết”. Rồi nhà văn còn tìm thấy sự đồng cảm với cái “ngông” của thiên nhiên khi miêu tả nét riêng của Sông Đà: thế chảy độc đáo, nghịch ngược, không giống ai… . Con sông ấy ko chỉ thơ mộng mà còn những phút giây trở nên hung bạo, mang một vẻ đẹp dữ dội, hùng vĩ: Khúc thượng nguồn lắm thác, nhiều ghềnh, độ dốc lớn, nước chảy xiết; rồi còn âm thanh “Nước xô đá, đá xô sóng, sóng xô gió, cuồn cuộn luồng gió gùn ghè suốt năm như lúc nào cũng đòi nợ xuýt”… Tả sông mà người ta tưởng như Nguyễn Tuân đang tả người, và cũng chính nhờ sông kia mà nhà văn bộc lộ được ra con mắt thẩm mỹ độc đáo, sâu sắc của mình.

nha-van-nguyen-tuan-nguoi-lai-do-tren-dong-song-chu-nghia-9

Để tăng thêm sức đọng cho cái tài hoa ấy, Nguyễn Tuân đã vận vào con sông tất cả vốn kiến thức uyên bác của mình, nào là sự hiểu thấu đến tường tận đường đi, nước bước của những khúc thượng nguồn, vách đá, hút nước, thạch trận… rồi đến cả ko gian chung quanh với màu nắng, tiếng còi sương, bờ sông hoang dại… như một nhà địa lý thực thụ. Ko chỉ tiếp cận thiên nhiên, mà ngay cả với con người, đặc biệt là con người lao động, Nguyễn Tuân cũng quyết đi tìm, khám phá đầy trân trọng chất “vàng mười” trong tâm hồn họ. Mà cụ thể ở đây, chính là người lái đò – người anh hùng, nghệ sĩ như trong những thiên sử thi thời trước. Ko chỉ có tài, nắm bắt được từng hành vi của thần sông, thần đá với quy luật phục kích nơi ải nước hiểm trở, mà còn tỏ ra đầy dung cảm, oai nghiêm trong trận đối địch với lũ thạch trận. Lực lượng của chúng thì hùng hậu, đông đảo, dữ dằn với những đá hậu, đá tướng, đá tiền vệ; còn ông thân cô thế cô nhưng cũng chằng nhún nhường, hết khiêu khích lại như một đại tướng lão luyện, dày dặn kinh nghiệm trận mạc mà tiến vào trận địa, lần lượt vượt qua từng trùng vây. Còn Nguyễn Tuân như một người thư ký tường thuật một cách trung thành trận chiến đó. Ông vận dụng hết thảy vốn kiến thức uyên bác của nhiều lĩnh vực: võ thuật, thể thao, quân sự… cùng trí tưởng tượng phong phú để biến câu chuyện bình thường thành bản trường ca về người nghệ sĩ anh hùng.

Nguyễn Tuân vốn chẳng ưa những gì bằng phẳng, nhợt nhạt mà luôn có cảm hứng mạnh mẽ với những thứ lạ thường dữ dội, mãnh liệt. Phải chăng chính vì lẽ đó mà trong thiên tùy bút, những gì Nguyễn miêu tả đều mạnh mẽ, ác liệt, tác động mạnh tới mọi giác quan? Nào là “mùa xuân dòng xanh ngọc bích chứ Sông Đà không xanh màu xanh canh hến của Sông Gâm Sông Lô. Mùa thu nước Sông Đà lừ lừ chín đỏ như da mặt người bầm đi vì rượu bữa, lừ lừ cái màu đỏ giận dữ ở một người bất mãn bực bội gì mỗi độ thu về.” Hay âm thanh sống động của dòng thác: Ban đầu cất lên tiếng như đang “oán trách”, “van xin”, “khiêu khích”, “giọng gằn mà chế nhạo”. Thế rồi bất ngờ âm thanh được phóng to hết cỡ, các nhạc khí bừng bừng thét lên khúc nhạc của một thiên nhiên đang ở đỉnh điểm của một cơn phấn khích mạnh mẽ và man dại: “nó rống lên như tiếng một ngàn con trâu mộng đang lồng lộn giữa rừng vầu rừng tre nứa nổ lửa … rừng lửa cùng gầm thét với đàn trâu da cháy bùng bùng…”… Quả thực, đó là kết tinh sau những quan niệm mà ông từng đề ra cho mình: “đi để thay đổi thực đơn cho giác quan”.

Nguyễn Tuân – người lái đò trên dòng sông chữ nghĩa. Người nghệ sĩ ấy lượn trên những con sóng cổ, tự nhuốm vào thuyền mình cái đậm đà của hương vị cổ điển với những chữ Hán Việt đắc địa: lặng tờ, bờ tiền sử, nỗi niềm cổ tích, thơ ngộ… Những con sóng chữ thì cứ biến chuyển, co duỗi nhịp nhàng mang cái nhạc điệu trầm bổng đưa ta về cái yên ả của dòng hạ lưu: “Dòng Sông quãng này lững lờ như thương nhớ những hòn thác đá xa xôi để lại trên thượng nguồn Tây Bắc. Và con sông như đang lắng nghe những giọng nói êm êm của người xuôi…”. Song hành với nhịp văn là hình ảnh: những mường tượng về “đá bờ sông dựng thành vách” cao hun hút, những “chẹt lòng sông Đà như một cái yết hầu” dữ dằn, ghê gớm… chỉ bằng ngôn từ mà ta cảm giác như được tận mắt chứng kiến, tất cả đều nhờ tài năng của ông đò Nguyễn Tuân

(Theo Đặng Ngọc Huyền Anh - THPT Chuyên Bắc Ninh)

Xem thêm: Ôn thi tốt nghiệp: Bút pháp đối lập trong Người lái đồ sông Đà

songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận