NLXH dành cho HSG Ngữ văn: Tự do của con người
Đề bài: Trong cuốn “Tuyên ngôn con người tự do”, Simon Soloveichik chia sẻ: tự do của con người là “sự tự do thoát khỏi mọi áp bức, cưỡng ép từ bên ngoài” và “sự tự do bên trong”. Quan điểm trên gợi cho anh/chị suy nghĩ gì về sự tự do của con người?
Cách mạng Pháp tư sản Pháp – cuộc cách mạng được coi là “dành cho cả loài người” đã đặt ra một khẩu hiệu nổi tiếng đến tận ngày nay: “Tự do – Bình đẳng – Bác ái”. Dường như, trong những giá trị mà con người hướng đến, hai chữ “tự do” luôn là một giá trị mang tầm phổ quát hơn cả. Trong cuốn sách “Tuyên ngôn con người tự do”, Simon Soloveichik chia sẻ: tự do của con người là “sự tự do thoát khỏi mọi áp bức, cưỡng ép từ bên ngoài” và “sự tự do bên trong”. Tôi cho rằng đây là một suy nghĩ sâu sắc về tự do.
“Tự do” được hiểu một cách giản dị là việc con người có thể suy nghĩ và hành động theo ý muốn của mình, không phải chịu sự tác động hay ép buộc từ các yếu tố khác. Simon đã tư duy về những “yếu tố khác” ấy ở cả hai mặt: bên ngoài và bên trong. Với ông, tự do trước hết là “sự tự thoát khỏi mọi áp bức, cưỡng ép từ bên ngoài”. Đây là một cách định nghĩa quen thuộc. Tự do trước hết là việc đảm bảo mỗi người đều có quyền tự quyết định và hành động theo ý muốn của mình mà không phải chịu sức ép hay hạn chế từ người khác. Tuy nhiên, với Simon, những yếu tố có khả năng tác động đến tự do của con người không chỉ đến từ bên ngoài. Sự tự do, đôi khi, còn là khả năng vượt thoát những kìm kẹp từ bên trong. Đó là tự do của tinh thần, tự do kiểm soát cảm xúc, suy nghĩ và hành động của chính mình, tự do lựa chọn và tạo dựng cuộc sống mình mong muốn.
Nói đến tự do là nói đến việc không “bị” kiểm soát, bởi vậy tư duy của chúng ta thường dễ thiên lệch về việc chống lại những yếu tố bên ngoài. Tuy nhiên, cái kiểm soát khả năng “suy nghĩ và hành động theo ý muốn” của con người không chỉ đến từ bên ngoài, mà còn đến từ bên trong. Đó có thể là bản năng, là những ham muốn tự nhiên của con người hay những nếp suy nghĩ quen thuộc. Bởi những điều đó chính là một phần bản thân mỗi người, hoặc đã quen thuộc, bình thường đến mức ta tưởng đó chính là mình nên ta thường không nhận ra sự uy hiếp của nó. Nhận định của Simon đã gợi ra trong chúng ta suy ngẫm về tự do thực sự. Hoá ra, tự do thực sự không chỉ là chống lại sự kiểm soát từ bên ngoài, mà còn là chống lại những sự kiểm soát ẩn tàng ngay trong bản thân mình.
Theo tôi, yếu tố bên trong đầu tiên làm hạn chế tự do cá nhân của con người chính là nỗi sợ. Con người mang tập quán bầy đàn nên thường sợ một mình, sợ cô đơn, sợ bị cô lập xua đuổi bởi chính đồng loại của mình. Chúng ta đều sợ lạc đàn, sợ trở thành kẻ dị biệt trong cộng đồng, từ đó tạo ra thói quen nghĩ và làm giống người khác. Từ trong tiềm thức, mỗi suy nghĩ và hành động mà chúng ta thực hiện đều đã ẩn chứa sự cân nhắc đến sự phán xét từ người khác. Từ cách chúng ta lựa chọn kiểu tóc và màu áo của mình mỗi ngày đến cách chúng ta nói chuyện, ứng xử với người khác, về bản chất, đều tuân theo những quy tắc nhất định để ta không trở nên dị biệt. Chính nỗi sợ đó vô hình chung đã hạn chế tự do của con người. Đây là nhà tù tư tưởng kiên cố nhất và đáng sợ nhất, bởi nó xuất phát từ bên trong của chính con người. Nó không chỉ hạn chế sự phát triển của một cá nhân mà còn kìm kẹp sự phát triển của cả xã hội. Mọi sự thay đổi sẽ không diễn ra nếu người ta không cho mình khác biệt. Đó là sự ngưng đọng tư duy của từng người dẫn đến sự ngưng đọng tư duy của toàn xã hội, làm cho xã hội đó không thể phát triển đi lên, làm cho lịch sử ngưng đọng, tạo ra những giai đoạn lịch sử đen tối như đêm trường trung cổ kéo dài 10 thế kỉ ở phương Tây và xã hội phong kiến ngàn năm không đổi khác ở phương Đông. “Sợ khác người” là bức tường chặn đứng mọi sự phát triển.
Bản năng tự nhiên cũng là một yếu tố thử thách đối với tự do tinh thần của con người. Đây thậm chí còn là thử thách khó vượt qua hơn cả nỗi sợ. Bản năng là những phản ứng tự nhiên của con người trước những tác động của cuộc sống. Yêu thích những gì dễ chịu, vui sướng khi được khen ngợi hay tức giận khi bị xúc phạm đều là những phản ứng thuộc về bản năng. Tuy nhiên, phải chăng hành động theo bản năng, thích gì làm nấy là biểu hiện của tự do thực sự? Tôi cho rằng, tự do thực sự còn là khi ta có thể chống lại cả những gì bản năng thôi thúc nhất để suy nghĩ và hành động theo ý chí của mình. Đứng trước một lời khen, ta dễ trở nên vui vẻ, bản năng thôi thúc ta tin vào những lời khen ấy và yêu mến người đã khen ngợi ta. Đứng trước sự xúc phạm của người khác, ta trở nên phẫn nộ, bản năng thôi thúc ta phản ứng lại một cách gay gắt để bộc phát cảm xúc bên trong. Trước những khả năng lựa chọn, bản năng thôi thúc ta lựa chọn điều dễ chịu, an toàn. Nhưng một người có tự do tinh thần chính là người có thể tỉnh táo trước những lời khen, là người có thể kiềm chế sự tức giận và thậm chí sẵn sàng lựa chọn khó khăn, thử thách khi biết nó là cần thiết. Những biểu hiện kể trên tưởng chừng là biểu hiện của sự kiềm chế, kiểm soát bản thân, đi ngược lại những quan niệm về tự do thông thường. Nhưng tôi cho rằng, khi ta có đủ ý chí tinh thần để kiểm soát suy nghĩ và hành động của mình, để có thể chống lại ngay cả những ham muốn mãnh liệt nhất của bản năng mới chính là khi ta có được tự do thực sự.
Nhận định của Simon Soloveichik đặt ra nhiều suy nghĩ về tự do thực sự. Tuy nhiên, để hiểu đến cùng nhận định này, có lẽ ta nên đặt ra một cách hiểu đối với “mọi áp bức, cưỡng ép từ bên ngoài”. Liệu “mọi áp bức, cưỡng ép từ bên ngoài” có bao gồm pháp luật và đạo đức xã hội hay không? Mọi thứ đều có giới hạn và tự do cũng vậy. Tôi nghĩ rằng tự do thực sự của con người chỉ đến khi tự do của chúng ta không xâm phạm đến tự do của người khác. Khi tất cả mọi người đều có ý thức tôn trọng quyền tự do của người khác, chúng ta mới có thể tạo ra một không gian xã hội thuận lợi nhất để bảo vệ quyền tự do của mỗi người vậy.
Nhận định của Simon về tự do bên ngoài và tự do bên trong của con người thực sự đặt ra những suy nghiệm sâu sắc. Tự do là khả năng chống lại áp bức, cưỡng ép từ bên ngoài nhưng cũng chính là chống lại những uy hiếp từ bên trong. Và đi cùng với tự do là trách nhiệm.
Xem thêm: NLXH: "Trên đời này... có một thứ ta phải quỳ gối tôn trọng, đó là lòng tốt"
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận