Bàn về chức năng "chữa lành" của văn chương qua nhận định của Nguyễn Ngọc Tư
Những câu chuyện, giá trị mà văn chương mang lại sẽ như một nguồn suối tưới mát tâm hồn cằn cỗi, góp phần thanh lọc, hoàn thiện và đưa con người chạm tay tới những giá trị Chân - Thiện - Mỹ một cách trọn vẹn nhất...
ĐỀ BÀI:
Nhận định của Nguyễn Ngọc Tư : “Người vẫn còn mang vết thương đã toan đi chữa vết thương cho người khác. Tôi nghĩ nghề viết và người viết cũng đơn giản như vậy, chữa lành, an ủi những vết thương của người đời để làm dịu vết thương của chính mình”
Anh/chị hiểu ý kiến trên như thế nào? Bằng những trải nghiệm văn học, hãy làm sáng tỏ ý kiến trên.
BÀI VIẾT GỢI Ý:
Một nữ sĩ từng nói “Thiên chức của nhà văn là mang ánh sáng vào trái tim người đọc”. Thật vậy, không chỉ là nhà văn hay nhà thơ mà bất cứ người cầm bút nào cũng đem đến sự soi chiếu, thanh lọc và làm nảy nở tâm hồn người đọc. Bởi sứ mệnh của những “nhà thư kí trung thành của thời đại” chính là chữa lành và hàn gắn những tổn thương mà theo Nguyễn Ngọc Tư, đó là “Người vẫn còn mang vết thương đã toan đi chữa vết thương cho người khác. Tôi nghĩ nghề viết và người viết cũng đơn giản vậy, chữa lành, an ủi những vết thương của người đời để làm dịu vết thương của chính mình”
Trong quá trình thâm nhập vào sự sống và trải nghiệm, đã là con người thì đều mang trong mình những đau đớn từ những vết thương không ngừng rỉ máu, và thi sĩ cũng không ngoại lệ. “Vết thương” đại diện cho những rạn vỡ, nỗi khổ đau, buồn bã, bất công mà con người phải gánh chịu khi đối diện với dòng chảy cuộc đời. Tuy nhiên, “vết thương” của người viết đau hơn, khổ sở hơn bởi “Thế giới chẻ làm đôi, vết nứt đi xuyên qua trái tim người viết” trong hành trình đào xới vào những tầng sâu của mảnh đất hiện thực. Văn chương có khả năng “chữa lành, an ủi những vết thương” là biểu tượng cho sự hàn gắn, vươn lên từ những tan vỡ trong quá khứ để từ đó xoa dịu những vết thương, giúp những con người đang chìm trong vũng lầy khổ đau một lần nữa lột xác trùng sinh với một tâm hồn lành lặn. Từ công việc chữa lành ấy, nghề viết và người viết không chỉ làm dịu vết thương của người đời mà còn làm dịu vết thương của chính mình. Nhận định của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư là lời tâm sự vô cùng chân thành và sâu sắc về sứ mệnh của người cầm bút và khả năng chữa lành, hàn gắn của văn chương.
“Con người đến với cuộc sống từ nhiều nẻo đường, trên muôn vàn cung bậc phong phú. Nhưng tiêu điểm mà con người hướng đến vẫn là con người” (Đặng Thai Mai). Mối quan tâm đầu tiên của những người cầm bút luôn là con người và sẽ mãi là con người với tất thảy sự biến hóa khôn lường trong cuộc sống. Con người hiện diện trong văn học với vô vàn dáng vẻ : vẻ hạnh phúc ngập tràn trong buổi sớm ngày xuân (Truyện Kiều- Cảnh ngày xuân) hay như vẻ tựa gối buông cần nhàn hạ nhưng tâm không nhàn (Thu điếu), dáng vẻ hòa mình vào non nước mênh mông, được đắm mình trong cảnh sắc đất trời chỉ riêng “ta với ta” (Qua Đèo Ngang). Văn học là hiện thân của cuộc sống, là chiếc máy ảnh bắt trọn những khoảnh khắc, dáng vẻ nồng nàn, da diết trong sự sống của con người. Trong đó không thể thiếu một tình yêu cháy bỏng đến vội vã được lồng trong chiếc y phục tân kì của Xuân Diệu (Vội vàng). Nhưng sau tất cả, dáng vẻ khổ đau với những vết thương vẫn là dễ chạm vào mảnh yếu đuối trong trái tim con người nhất. Văn học nghệ thuật giúp gắn kết những khối đời, làm cho chất cứng rắn nhất, lạnh lùng nhất của những con người vô cảm, hờ hững cũng trở nên ấm nóng và mềm mỏng đến lạ thường. Bởi người nghệ sĩ khi tìm đến nghề viết thì đã mang nặng trong mình nỗi đau da diết, thôi thúc họ cầm bút lên và sáng tạo nên “bài ca nỗi lòng” như sự giải tỏa uất ức, cam chịu của chính mình. “Nhà văn là người thư ký trung thành của thời đại”. Đồng thời, “Nhà văn cũng là người cho máu, là nhà nhân đạo từ trong cốt tủy” (Sê-khốp). Cho nên, từ nỗi đau của riêng mình, người nghệ sĩ vẫn luôn tìm trong tâm sự cá nhân ấy nỗi đau đại diện cho thời đại, cho một lớp người và cuối cùng cất lên tiếng nói mạnh mẽ đấu tranh với hy vọng cải tạo, hoàn thiện cho sự sống tươi đẹp hơn. Sự viết được hoàn thành trong nỗi niềm gửi gắm và kí thác tâm tư, vì thế nên bao giờ tác giả cũng tìm thấy sự an ủi chữa lành, dịu mát từ vết thương chính mình. Người nghệ sĩ đã dùng máu mình hiến dâng cho sự sống nhân loại, đau nỗi đau con người, hòa mình vào nhịp thở thời đại để hoàn thành sứ mệnh nghiệp viết như Nam Cao từng nói “nhà văn phải đứng trong lao khổ, mở hồn ra đón lấy tất cả những vang động của đời...” (Giăng sáng)
Là một nhà văn lãng mạn với sự góp mặt trong nhóm “Tự lực văn đoàn” song ngòi bút của Thạch Lam luôn hướng về hiện thực trần trụi của cuộc sống với phố huyện nghèo, tiêu sơ và những nỗi đau, vết thương của con người. Trong bể đời ngập ngụa sự khốn cùng ấy, ông đã phát hiện và nâng niu vẻ đẹp nhân phẩm tỏa sáng từ những ước mơ cháy bỏng của những con người huyện Cẩm Giàng. Đó là cả một hành trình sống và trải nghiệm trong chính tuổi thơ cơ cực của nhà văn. Chính điều đó đã khiến nhà văn đem đến những câu chuyện bình dị, đơn sơ, chân thật và sinh động nhất từ những tình cảm kết tinh từ hành trình dấn thân, trải nghiệm. Hình ảnh đoàn tàu cập bến trong đêm khuya chính là nguồn sáng, sự sưởi ấm, chữa lành và an ủi tâm hồn của chính mình và người đọc. Đoàn tàu tiến đến trong sự mong đợi từ chị em Liên, từ những người nghèo khổ cơ cực. Từ trong bóng tối, đoàn tàu mang ánh sáng chạy ra như gợi nhắc về quá khứ huy hoàng của hai đứa trẻ bởi nỗi đau của chúng là sâu thẳm nhất : đã từng có được hạnh phúc nhưng bị mất đi trong khắc khoải, nuối tiếc. Đoàn tàu ấy tiếp thêm hy vọng, ước mơ, soi sáng cho cả một phố huyện vốn chìm trong cái nghèo, cái đói. Thạch Lam đúng là nhà nhân đạo từ trong cốt tủy bởi ông đã tìm thấy vẻ đẹp của con người ở địa hạt tưởng chừng như khuất lấp, vẻ đẹp của nhân cách sáng ngời. Trong sự bình lặng của cuộc sống vốn có, luôn có những âm thanh, sự hiện thân từ những nỗi đau không phát ra “tiếng động”. Tuy nhiên, bằng góc nhìn, cách khám phá riêng, Thạch Lam nâng niu và mang đến cho phố huyện nghèo một món quà như một giải pháp kiến tạo tương lai với hạnh phúc mới. Từ sự chữa lành, an ủi đó, vết thương trong tuổi thơ tác giả như phần nào vơi đi, nhường chỗ cho sự sẻ chia, đồng cảm.
Văn học nghệ thuật là một điệu hồn đi tìm những hồn đồng điệu. Không chỉ các tác phẩm văn xuôi, truyện ngắn có khả năng hàn gắn, chữa lành mà ngay cả trong thơ ca vẫn luôn tồn tại sự tri âm mạnh mẽ. Đó là tiếng nói sâu thẳm của một tâm hồn lên tiếng cho những bất công, ngang trái trong xã hội phong kiến cho chính mình và những người phụ nữ :
“Xiên ngang mặt đất, rêu từng đám
Đâm toạc chân mây, đá mấy hòn
Ngán mỗi xuân đi xuân lại lại
Mảnh tình san sẻ tí con con”
Trong nỗi đau từ những trải nghiệm cuộc sống của mình, Hồ Xuân Hương đã cóp nhặt và đào xới trên nền hiện thực để cho ra những trang thơ sắc sảo mang dấu ấn, tiếng nói, giọng điệu riêng của mình. Đó là khoảnh khắc nữ sĩ đối mặt với thiên nhiên trong đêm tối vốn mang vẻ tĩnh lặng, là thời điểm con người tiến đến cái tôi bản ngã để bắt trọn những cảm xúc chân thành nhất. Tuy nhiên, sau cùng, đó lại là sự hiện thân của sức sống mới thể hiện qua động từ “xiên, đâm”. Thiên nhiên trong thơ xưa vốn là một không gian tĩnh lặng cho những tâm tình giấu kín lên ngôi. Nhưng trong thơ Hồ Xuân Hương đã xuất hiện sức sống mới như sự tái sinh chắp vá từ những khổ đau, bất mãn, ngao ngán khi phải chịu kiếp chồng chung, kiếp lẽ mọt. Vốn dĩ mảnh tình của nữ sĩ đã vô cùng nhỏ bé, ít ỏi song lại gặp phải bi kịch chia sẻ tình yêu- thứ không thể chia sẻ cho người khác. Từ nỗi đau thân phận của riêng mình, Hồ Xuân Hương đã giúp ta cảm nhận được nỗi đau của thời đại- thời điểm những số phận những người phụ nữ bị ghìm chặt trong khoảng trời chật hẹp ở thời kì trung đại. Nữ sĩ đã đem nỗi đau của mình hòa chung vào nỗi đau của một lớp người, một kiếp người. Từ đó ôm ấp hy vọng về niềm lạc quan, tích cực, về một sức sống tiềm tàng, mãnh liệt sẽ vươn lên và giúp những người phụ nữ chạm tay đến hai chữ “bình yên, hạnh phúc”
Cả Hồ Xuân Hương và Thạch Lam, dù ở hai thời đại khác nhau, sở trường ở hai thể loại khác nhau, song vẫn tìm thấy những vẻ đẹp khuất lấp ẩn sâu trong những thân phận đau khổ. Từ đó trân trọng, nâng niu và đấu tranh cho sự sống tươi đẹp hơn, bởi trong thời điểm nào đi chăng nữa thì những thế lực chà đạp lên quyền sống của con người vẫn luôn hiện diện, khiến con người mang trên mình những vết thương khó dứt. Người nghệ sĩ trước hết cũng là nạn nhân bị dày vò, quằn quại với những nỗi khổ, nhưng bằng tấm lòng và sự sẻ chia cao cả, họ đã vượt qua nỗi đau cá nhân để phất cao ngọn cờ đấu tranh cho những vấn đề chung của nhân loại. Mặc dù bị giới hạn trong một dung lượng nhất định song không vì thế mà làm mất đi khả năng chữa lành, hàn gắn từ những cảm xúc chân thành. Những tác phẩm văn chương sẽ sống mãi với thời gian và ghi tạc vào dòng chảy lịch sử một thời đại với những nỗi đau bám riết nó.
Nguyễn Văn Siêu từng nói “Văn chương có 2 loại : loại đáng thờ và loại không đáng thờ. Loại không đáng thờ chỉ chuyên chú ở văn chương, loại đáng thờ chuyên chú ở con người”. Bằng tiếng nói đại diện những sự thật không thể phai nhòa, những nỗi đau của người cầm bút sẽ luôn âm ỉ để rồi chảy máu theo sự biến thiên từ thời đại lịch sử. Vậy nên, người cầm bút phải biết sống sâu, biết để những cảm xúc va đập vào đại dương hiện thực, biết cần mẫn và khám phá trên cánh đồng văn chương, từ đó đồng cảm với nỗi đau nhân loại và cất tiếng đấu tranh đến cùng. Văn chương cuối cùng lấy mục đích “phục vụ cuộc sống làm cứu cánh”. Điều đó đòi hỏi người viết và nghề viết phải mang đến những giá trị tốt đẹp, nhân văn. Xa rời cuộc sống với những nỗi đau, văn chương sẽ chẳng còn là gì. Bạn đọc cần trau dồi tri thức để đồng sáng tạo với người nghệ sĩ, luôn mang trong mình dòng chảy ấm nóng của trái tim biết yêu thương để cảm thông, sẻ chia và hàn gắn những nỗi đau mà người nghệ sĩ chịu đựng. Một thời kì văn học rực rỡ là khi nó quy tụ những cuộc đối thoại từ độc giả và tác giả cho sự sống tươi đẹp hơn.
“Tác phẩm chân chính không kết thúc ở trang cuối cùng, không bao giờ hết khả năng kể chuyện khi câu chuyện về các nhân vật đã kết thúc. Tác phẩm nhập vào tâm hồn và ý thức của bạn đọc, tiếp tục sống và hành động như một lực lượng sống nội tâm, như sự dằn vặt và ánh sáng của lương tâm...” (Aimatop). Những câu chuyện, giá trị mà văn chương mang lại sẽ như một nguồn suối tưới mát tâm hồn cằn cỗi, góp phần thanh lọc, hoàn thiện và đưa con người chạm tay tới những giá trị Chân Thiện Mỹ một cách trọn vẹn nhất. Lịch sử khắc ghi vào thời gian bằng chất cứng rắn của một sự thật không thể thay đổi, nhưng những gì là văn, là thơ sẽ sống mãi bằng sự mềm dịu của cảm xúc chân thành, thanh mát, bằng sự sẻ chia, chữa lành.
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận