Cái nhìn văn hóa của Kim Lân trong tác phẩm "Vợ nhặt"

Vợ nhặt không chỉ là tác phẩm mô tả tình cảnh của con người vào nạn đói mà còn là nơi để Kim Lân thể hiện cái nhìn văn hóa của mình. 

Đỗ Thu Nga
15:00 26/08/2023 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Kim Lân được mệnh danh là “Nhà văn của làng quê, của thú phong lưu đồng ruộng”. Sinh ra ở mảnh đất Kinh Bắc dạt dào truyền thống - mang nét đẹp của làng quê Việt Nam với những lễ hội, phong tục tập quán lâu đời đã hình thành trong tác giả vốn văn hóa phong phú, đặc sắc. Phảng phất trong các tác phẩm thuộc thể loại truyện ngắn phong tục hay ở chính “Vợ nhặt” là vẻ đẹp hào hoa Kinh Bắc, vẻ đẹp con người Việt Nam, dân tộc Việt Nam sáng bừng trong trang giấy.

Tiếp cận truyện ngắn “Vợ nhặt” trong cái nhìn văn hóa sẽ đem đến một cách cảm nhận mới mẻ nơi độc giả, đồng thời sâu sắc hơn tri thức về phong cách tác giả Kim Lân - tấm lòng nhà văn vốn là “con đẻ” của đồng ruộng.

01 - Cái nhìn văn hóa trong cốt truyện văn hóa

Lấy bối cảnh nạn đói năm Ất Dậu, nhà văn đã xây dựng một câu chuyện tình yêu “lạ lùng” bậc nhất trong nền văn học Việt Nam. Giữa lúc “người chết như ngả rạ”, “cả xóm chợ xác xơ, heo hút”, cái thời mà ranh giới giữa người và ma, sự sống và cái chết chỉ mong manh như sợi tóc, cõi âm nhòa vào cõi dương, trần gian mấp mé miệng vực âm phủ thì Kim Lân đã đặt giữa không gian “một mối tình táo bạo” - “một đám cưới nhỏ giữa một đám ma khổng lồ”.

cai-nhin-van-hoa-cua-kim-lan-trong-tac-pham-vo-nhat

Giữa một phông nền hiện thực “nhàu nát”, ảm đạm có phần nghiệt ngã, chất thơ trong tâm hồn - văn hóa con người Việt Nam vẫn sáng bừng sức sống mãnh liệt, niềm lạc quan tin tưởng, vẫn vươn lên để giành lấy quyền sống “cho ra một con Người”.

02 - Cái nhìn văn hóa trong cách ứng xử của nhân vật

Không gò bò, bóng bẩy hướng đến những hình mẫu lý tưởng, nhân vật trong “Vợ nhặt” được khắc họa tự nhiên, chân thật, gần gũi. Đơn giản mà sâu sắc, bình dị mà lắng đọng, Kim Lân đã xây dựng những “con người văn hóa” trong từng lời nói, cử chỉ, hành động ở những người nông dân “quê kiểng”, chân chất, thật thà

Truyền thống tương thân tương ái, “lá lành đùm lá rách”, tình người ấm nồng như “bàng bạc” khắp thiên truyện. Giữa “cái cảnh tối sầm lại vì đói khát ấy”, khi cái ăn cho bản thân còn chưa biết cầm cự được bao lâu nay lại “đèo bồng” thêm “cái nợ đời” về, Tràng cũng thấy “chợn” nhưng sau cùng vẫn tặc lưỡi: “Chậc, kệ!”, đánh đổi tất cả để cưu mang một phận người, để xây đắp một mái ấm gia đình. Hơn nữa, trong cái nhìn thấu trải qua bao năm tháng, dẫu bà cụ Tứ đã hiểu ra “bao nhiêu là cơ sự”, dẫu biết người con gái rách rưới kia gặp cảnh khốn cùng mới “nên duyên” với con trai mình mà vẫn lặng lẽ chấp nhận, “lòng đầy thương xót”. Đó là tấm lòng yêu thương vô hạn của trái tim nhân hậu giữa cái cảnh đời éo le muốn trù dập phẩm giá con người, những tình cảm thiêng liêng ấy vẫn kiên trì neo đậu bến tâm hồn, quyết không “bèo bọt”, tầm pháo. Đó là văn hóa ngàn đời, là chất kết tinh của tâm hồn người Việt, càng trong gian khó, hoạn nạn càng yêu thương, san sẻ, đùm bọc lẫn nhau mà vượt qua bão tố.

(Theo Linh Phương - THPT Chuyên Hạ Long)

Xem thêm: Tóm tắt “Vợ nhặt” bằng thơ lục bát 

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận