Bàn về ngôn ngữ đối thoại của các nhân vật trong "Vợ nhặt"
Vợ nhặt không dài, chỉ vẻn vẹn gần 11 trang sách, nhưng xen giữa lời dẫn truyện là 78 lượt đối thoại của các nhân vật với nhau...
1. Từ điển thuật ngữ văn học nêu khái niệm: "Ngôn ngữ nhân vật là lời nói của nhân vật trong các tác phẩm thuộc loại hình tự sự và kịch (…) Ngôn ngữ nhân vật là một trong các phương tiện quan trọng được nhà văn sử dụng nhằm thể hiện cuộc sống và cá tính nhân vật". Nhà nghiên cứu Nguyễn Thái Hòa cũng cho rằng, trong các tác phẩm tự sự, "lời thoại là hình thức kể bằng lời nhân vật. Nó còn được gọi là lời trực tiếp của nhân vật trong văn học, là “hình thức kể chuyện cá thể hoá triệt để tính cách và tình huống đối thoại” (Nguyễn Thái Hoà (2000), Những vấn đề thi pháp của truyện, NXB Giáo dục, Hà Nội).
Lời thoại của nhân vật trong tác phẩm văn học là hình thức giao tiếp thường xuyên, phổ biến nhất của ngôn ngữ, đồng thời cũng là hình thức căn bản của mọi hoạt động ngôn ngữ khác. Hội thoại thường là cuộc trò chuyện, đối đáp giữa hai nhân vật, dạng phổ biến nhất của hội thoại là song thoại. Đơn vị cơ sở của hội thoại là cuộc thoại. Cuộc thoại bao gồm toàn bộ sự tương tác qua lại giữa người nói và người nghe kết hợp với sự luân phiên lượt lời và thay đổi vai trò trong suốt quá trình giao tiếp. Những phát ngôn không có lời hồi đáp thì không được xem là đối thoại.
(Ví dụ:
- A, a, a … Anh Tràng! Anh Tràng đã về chúng mày ơi!
- Anh Tràng ơi bế em mấy…)
Lời thoại của nhân vật trong tác phẩm tự sự là một công cụ hữu hiệu giúp nhà văn khắc họa tính cách nhân vật, tạo nên "lời ăn tiếng nói riêng" của mỗi nhân vật, truyền tải ý đồ nghệ thuật mà nhà văn gửi gắm vào trong cốt truyện. Vì thế, có thể nói rằng, ngôn ngữ đối thoại của các nhân vật trong "Vợ nhặt" là một trường hợp độc đáo, tạo nên giọng điệu riêng của Kim Lân.
2. Kim Lân, đúng như nhà văn Nguyên Hồng nhận xét, là nhà văn một lòng đi về với "đất", với "người", với "thuần hậu nguyên thủy" của cuộc sống nông thôn. Nhận xét này dường như rất đúng với Vợ nhặt. Tác phẩm được Kim Lân viết sau khi hòa bình lập lại, dựa vào trí nhớ của mình từ tiểu thuyết Xóm ngụ cư đã bị mất bản thảo trước đó, in trong tập "Con chó xấu xí" (1962).
Vợ nhặt không dài, chỉ vẻn vẹn gần 11 trang sách, nhưng xen giữa lời dẫn truyện là 78 lượt đối thoại của các nhân vật với nhau.
Trong tác phẩm, Kim Lân chỉ miêu tả ba không gian nghệ thuật: Ở chợ huyện - nơi gặp gỡ của Tràng và người "vợ nhặt", trên đường Tràng đi về qua xóm ngụ cư và cảnh nhà của anh Tràng. Tác giả thật khéo léo khi dồn nén không gian ấy vào trong hành trình đi tìm hạnh phúc của đôi vợ chồng Tràng-thị. Trên cái nền khung cảnh ấy, Kim Lân đã vô cùng tinh tế khi xây dựng tình huống để nhân vật đối thoại với nhau, từ đó, người đọc tự phát hiện ra nét đẹp trong tính cách của các nhân vật trong cái nạn đói khủng khiếp năm đó.
Kim Lân từng viết: "Những người đói, họ không nghĩ đến cái chết mà nghĩ đến sự sống", vì thế ông đã dành cho anh Tràng và thị hơn nửa số lượt lời đối thoại trong tác phẩm (40/78 lượt lời đối thoại) chỉ để hai nhân vật "phải duyên với nhau", tìm hiểu nhau và quyết định đến với nhau. Anh Tràng gặp thị hai lần mà nên duyên vợ chồng. Lần thứ nhất, anh Tràng hò vu vơ mấy câu "Muốn ăn cơm trắng mấy giò này/ Lại đây mà đẩy xe bò với anh, nì!", thị đã "lon ton" chạy ra đẩy xe cho anh Tràng. Lần thứ hai, Tràng gặp lại thị, thị đã thay đổi nhiều quá, thị gầy sọp hẳn đi nhưng vẫn với cái vẻ cong cớn đó. Ngay từ câu chào đầu tiên, thị đã tỏ vẻ trách móc như một sự gợi ý về cái ăn "Hôm ấy leo lẻo cái mồm hẹn xuống, thế mà mất mặt" và "ăn gì thì ăn chả ăn giầu". Với thị, kiếm cái gì bỏ vào cái bụng đang kêu réo kia lúc này là quan trọng hơn cái xã giao "miếng trầu là đầu câu chuyện". Khi anh Tràng hào phóng "muốn ăn gì thì ăn", "hai con mắt trũng hoáy của thị tức thì sáng lên". Thái độ xỉa xói, chao chát của thị biến mất nhường chỗ cho sự đon đả "Ăn thật nhá! Ừ thì ăn sợ gì".
Không phải ngẫu nhiên mà thị lại có quyết định đi theo anh Tràng về làm "vợ nhặt" nhanh chóng như vậy. Trong lần gặp lại lần thứ hai, thị là người cố tình tìm hiểu, khai thác thông tin - những thông tin vô cùng quan trọng và cần thiết để thị có quyết định về làm vợ anh Tràng hay không. Thứ nhất, anh Tràng là người đàn ông hào phóng, tốt bụng và có thể nói là giàu có "rích bố cu" , là một chỗ dựa chắc chắn cho thị trước cái đói đến mức "cái ngực gầy lép nhô hẳn lên". Chưa quen thân lắm nhưng anh đã mời thị ăn bánh đúc, mà thị ăn một chặp bốn bát bánh đúc, anh chẳng than phiền gì. Thứ hai, một thông tin quan trọng là anh Tràng chưa có vợ. Thị vô cùng khéo léo khi chủ động hỏi một cách đưa đẩy, nửa đùa, nửa thật "về chị ấy thấy hụt tiền thì bỏ bố". Nào ngờ, anh Tràng lại khai thật "Làm đếch gì có vợ". Rồi anh Tràng lại đùa "có về với tớ thì ra khuân hàng lên xe rồi cùng về". Ai ngờ thị theo anh Tràng về thật. Có thể nói rằng trong đoạn đối thoại này, thị là người chủ động khai thác thông tin để đưa ra quyết định đi theo anh Tràng một cách chủ động; anh Tràng thì đùa cho vui, hoàn toàn không nghĩ đến những toan tính trong suy nghĩ của thị nên khi thị "đi về" thật, Tràng lo sợ "thóc gạo này đến cái thân mình biết có nuôi nổi không, lại còn đèo bòng", nhưng rồi anh cũng "chặc, kệ!". Khi thị quyết định làm vợ nhặt, thị đã nuôi một hi vọng sẽ tìm thấy một chỗ dựa để thoát khỏi cái đói khủng khiếp kia, có được một mái ấm gia đình. Nhưng khi nhìn thấy nhà anh Tràng rắp cổng bằng một cành dong, thị đã "nén một tiếng thở dài". Rõ ràng hiện thực ấy khác xa so với suy nghĩ và hi vọng của thị trước đó.
Trước mỗi cặp thoại ở buổi gặp gỡ giữa Tràng và thị là những lời dẫn thoại của tác giả miêu tả thái độ của thị: lúc cong cớn, xỉa xói, khi đon đả, ngọt ngào. Lời thoại là những phát ngôn có nội dung thông báo trọn vẹn, đầy rẫy tính từ "nói thật hay nói khoác", "người thế mà điêu", "leo lẻo cái mồm", cách xưng hô đưa đẩy thân mật "nhà tôi", "đằng ấy", "tớ". Hình thức lời thoại đa dạng: khi là câu hỏi, khi mặc cả, lúc là lời mắng, lúc lại là lời cảm thán.
Những lời đối thoại trong buổi rước dâu lại cụt lủn, buồn tẻ, thiếu vắng từ xưng hô. Hình thức lời thoại cũng đơn điệu: một câu hỏi và một câu trả lời. Người dọc cũng không còn bắt gặp lời dẫn thoại miêu tả thái độ cong cớn, xỉa xói, đon đả của nhân vật như ở buổi đầu gặp gỡ nữa. Những lời đối thoại cụt lủn, tẻ nhạt này chính là tâm trạng ngượng ngùng, e thẹn, âu lo của cả hai nhân vật. Hai kẻ xa lạ gặp nhau, một kẻ đói quay quắt, "quần áo rách như tổ đỉa", một kẻ có tiền "rích bố cu" chiêu đãi bốn bát bánh đúc, đánh một bữa cơm no nê, mua hai hào dầu, một cái thúng con con thế mà nên duyên chồng vợ thì làm sao mà không ngượng ngùng được. Nào họ có cơ hội để tìm hiểu nhau đâu. Khi đùa vui thì mạnh bạo gọi "nhà tôi ơi", "đằng ấy", nay theo nhau về thì vấn đề trở nên quan trọng, biết xưng hô với nhau ra sao? "Kim Lân rất tài khi viết những lời đối thoại giữa hai vợ chồng Tràng. Nó thật lửng lơ với toàn là câu nói trống không, nó nhấm nhẳng, dấm dẳn đến hay. Đó là cái lửng lơ, nhấm nhẳng của hai kẻ "chân đất" cùng khốn, bất ngờ trở thành vợ chồng nhanh quá, nên tới tận lúc đi bên nhau vẫn còn chưa hết lạ, chưa hết ngượng với nhau. Nhưng đó cũng là cái dấm dẳn của hai người biết rằng họ đã có nhau" (Đỗ Kim Hồi, Giảng văn văn học Việt Nam, NXB GD, 2000).
Trong truyện, sau đêm tân hôn, vợ chồng Tràng đối thoại với nhau đúng một lần:
- Việt Minh phải không?
- Ừ, sao nhà biết?
Vẫn là một câu hỏi, một câu trả lời nhưng không còn tủn mủn, cộc lốc nữa. Tuyệt vời nhất là xuất hiện từ xưng hô "nhà", một từ xưng hô đơn giản vậy thôi nhưng nó biểu thị cho nghĩa vợ chồng của hai nhân vật. Có thể thấy rằng, chỉ sau một đêm mà sự vận động, biến đổi trong tâm trạng nhân vật thị đã rõ ràng. Nếu lần gặp đầu, thị "chao chát, chỏng lỏn" gọi anh Tràng "đằng ấy", "nhà tôi ơi" bởi quan hệ còn lỏng lẻo, giả tạo, đùa cợt thì trên đường đi về cùng anh Tràng, thị trở nên e thẹn, lo lắng nên xưng hô toàn những lời trống không, cụt lủn. Sau đêm tân hôn, họ đã xưng hô một cách thân mật, âu yếm, biểu thị đúng quan hệ vợ chồng. Nhà nghiên cứu Đỗ Kim Hồi cho rằng "Kim Lân rất giỏi khi tả người vợ của anh Tràng có cong cớn, rất cong cớn nữa nhưng không nanh nọc, có trơ trẽn, rất trơ trẽn nhưng không đĩ thõa. Và cái cong cớn, sưng sỉa, đanh đá, trơ trẽn kia, nó có thể sinh ra từ dốt nát, đói nghèo, tăm tối chứ tuyệt không sinh ra từ cái ác, cái xấu xa" . Kim Lân đã trả lại cho thị cái bản tính của người phụ nữ Việt Nam. Thế mới thấy tấm lòng nhân đạo của Kim Lân sâu sắc đến nhường nào.
Nhân vật bà cụ Tứ xuất hiện trong phần cuối của câu chuyện. Kim Lân cho bà xuất hiện trong 13 lượt lời đối thoại với con trai và con dâu, trung bình 23,5 chữ/lượt lời. Người mẹ già, mặt bủng beo, gần đất xa trời, nhưng khi hiểu ra cơ sự, bà lại là người nói nhiều nhất trong truyện. Đoạn con dâu ra mắt, bà khuyên nàng dâu "vợ chồng chúng mày liệu mà bảo nhau làm ăn. Rồi may ra ông trời cho khá…", rồi bà dặn con trai "Hôm nào nghỉ ở nhà kiếm lấy ít nứa về đan cái phên mà ngăn ra mày ạ" để Tràng và thị có không gian riêng. Trong bữa ăn sáng, bà toàn nói chuyện vui, chuyện tương lai. Bà bảo vợ chồng Tràng nuôi lấy đôi gà, "chả mấy mà có ngay đàn gà", lại còn khoe món chè khoán "ngon đáo để", "xóm ta khối nhà còn chả có cám mà ăn". Bà cụ Tứ nói nhiều mới đúng lẽ. Những lời của bà là lời của một người từng trải, nhìn thấy và hiểu tất cả những cơ sự. Bà cần phải là người bình tĩnh, xua tan những lo lắng, ngượng ngùng của đôi vợ chồng trẻ, lại là người cần lạc quan hơn ai hết để động viên vợ chồng Tràng. Người mẹ ấy sống vì con, hi vọng cho lớp cháu con, tìm thấy ý nghĩa đời mình trong sự chăm lo, vun vén cho con, ước mơ cho con. Nhờ đó mà đến những năm tháng cuối cùng của đời mình, niềm hi vọng của bà vẫn không bị tàn theo cái đói và tuổi tác.
Ở phần đầu tác phẩm, Kim Lân chỉ xây dựng hai cuộc thoại giữa Tràng và người dân xóm ngụ cư. Những đứa trẻ cũng sớm hiểu ra mối quan hệ giữa Tràng và thị nên đã chọc "chông vợ hài", Tràng đáp lại trong sự sung sướng "Bố ranh!". Có một cái "đầu trọc thò ra gọi giật giọng" và mời anh Tràng vào chơi, cũng chỉ để dò hỏi xem người đàn bà đi bên cạnh là ai thôi. Nhìn chung những lượt lời đối thoại này không được Kim Lân xây dựng gì nhiều. Đó là thái độ của người dân xóm ngụ cư trước việc anh Tràng có vợ. Nhưng cũng không thể thiếu những lượt thoại này, bởi đó là thái độ của mọi người xung quanh. Họ vừa tò mò, vừa ngạc nhiên, vừa lo lắng cho Tràng "giời đất này còn rước cái của nợ đời về". Và điều đó cũng dễ hiểu khi màn ra mắt nàng dâu với mẹ chồng, Tràng đã vô cùng lo lắng. Sau khi bà cụ tứ bảo "U cũng mừng lòng", Tràng đã "thở đánh phào một cái, ngực nhẹ hẳn đi".
3. Nếu trong hoạt động giao tiếp, đối thoại là hoạt động giao tiếp căn bản nhất của con người, nhằm đáp ứng nhu cầu giao tiếp và tình huống đối thoại thường tản mạn, tự nhiên, bao gồm các nhân tố tham gia vào hoạt động giao tiếp, loại trừ ngôn bản thì trong truyện, đối thoại là đối thoại nghệ thuật đảm nhiệm chức năng thẩm mĩ, được tổ chức trong văn bản nằm trong ý định nghệ thuật của người kể làm thành một nhân tố cấu trúc tác phẩm và tình huống đối thoại có tính mạch lạc, là lời thuyết minh trong văn bản mang dấu ấn của nhà văn tạo nên khung cảnh cho cuộc thoại giữa các nhân vật. Tình huống đối thoại được tạo nên bằng ngôn ngữ truyện thể hiện một thế giới dù rất hữu hạn của nhân vật cũng có khi thể hiện tâm tư nhân vật hoặc ngược lại, tâm tư làm thay đổi cách nhìn của nhân vật. Điều đó được khẳng định khi các nhà văn đã phát hiện và dùng chúng như chìa khoá nghệ thuật để khám phá các mối quan hệ của con người. Nhà văn Kim Lân vô cùng tinh tế khi đưa ngôn ngữ sinh hoạt đời thường vào tác phẩm của mình một cách xuất sắc. Ngôn ngữ đối thoại của các nhân vật trong Vợ nhặt đã trở thành những tín hiệu thẩm mĩ quan trọng, thông qua đó, người đọc khám phá được chiều sâu tâm lí của con người, tình người trong nạn đói khủng khiếp năm 1945. Đó cũng chính là biệt tài của Kim Lân, nhà văn nông thôn.
(Cre: YeuthichVanhoc)
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận