Viết văn uyên bác hơn với tư duy phản biện trong NLXH
"Tư duy phản biện trong NLXH" là nội dung kiến thức hay, hữu ích với các bạn học sinh đang muốn sáng tạo ra một bài, đoạn văn nghị luận xã hội hay.
Khái niệm "tư duy phản biện"
Tư duy phản biện (hay còn được biết đến là Critical Thinking) là quá trình phân tích, đánh giá, chất vấn các giả thiết, giả định từ đó hình thành cách suy nghĩ và đưa ra quan điểm đúng đắn khi đứng trước 1 vấn đề nào đó. Nói cách khác, kỹ năng tư duy phản biện là kỹ năng đưa ra quan điểm về 1 vấn đề và chứng minh rằng quan điểm đó là đúng, hợp tình hợp lý, đồng thời phản bác những ý kiến trái chiều với quan điểm trên.
Cách rèn luyện tư duy phản biện
Tích cực trau dồi kiến thức: Để có hệ thống lập luận tốt, bạn cần trau dồi kiến thức tổng quát về mọi khía cạnh của đời sống, nắm vững kiến thức cốt lõi về những vấn đề liên quan mật thiết tới cuộc sống bản thân, đồng thời tích cực học hỏi thêm nhiều thông tin, xu hướng, trào lưu xã hội mới.
Có 1 góc nhìn khách quan: Đứng trước 1 vấn đề bất kì, bạn không thể tự suy xét, giải quyết vấn đề ấy theo linh tính mách bảo, theo số đông hay mang “cái tôi” quá cao ra để nhìn nhận chúng. Ngược lại, bạn cần mở rộng thế giới quan, suy xét vấn đề theo nhiều chiều hướng khác nhau để kết luận cuối cùng đưa ra được chính xác nhất.
Tập thói quen đặt câu hỏi: Việc đặt câu hỏi “Vì sao?”/ “Như thế nào?”... trước mọi ý kiến, quan điểm… không chỉ giúp bạn thông hiểu bản chất vấn đề mà còn giúp bạn định hình tư duy logic, hệ thống lập luận thêm chặt chẽ, chỉn chu, hạn chế những sai sót không đáng có.
Cách áp dụng tư duy phản biện vào 1 bài văn NLXH hoàn chỉnh
VD: Chúng ta khóc cho những sinh thể bị bạo hành, chúng ta đau cho nỗi ám ảnh tinh thần lẫn thể xác của những con người mang đầy thương tích… Vậy chúng ta đã 1 lần “đứng về phía” những kẻ bạo hành chưa? Những con người rất đỗi tử tế bỗng chốc ưa bạo lực ấy? Có phải sự nghèo túng, lầm than của cuộc sống đã tha hóa họ không? Hay chính sự áp bức, đè nén, bóc lột của đối phương khiến họ đứng lên “đấu tranh” một cách đầy tiêu cực? Hãy thay đổi góc nhìn mà xem, để chứng kiến đớn đau, khổ hạnh trước đây của những “gã” ấy, để phần nào cảm thông trước những hành động tàn nhẫn bồng bột… Tôi không dung túng cho cái ác, tôi không đổ lỗi cho nạn nhân, ý kiến của tôi cũng không hoàn toàn chính xác với mọi trường hợp. Nhưng tôi chọn cách tìm hiểu ngọn ngành của vấn đề trước khi trở thành một “chủ tọa" kết tội cá nhân dù là ai đi chăng nữa.
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận