Con người với khát vọng nhân văn trong truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư [P2]: Về hạnh phúc gia đình
Truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư ẩn chứa khát vọng nhân văn về cuộc sống hạnh phúc gia đình. Tất cả được thể hiện qua tác phẩm: Cánh đồng bất tận, Núi lở, Gió lẻ.
Gia đình là một trong những hình thức tổ chức cơ bản trong đời sống cộng đồng của con người, một thiết chế văn hoá - xã hội đặc thù, được hình thành, tồn tại và phát triển trên cơ sở của quan hệ hôn nhân, quan hệ huyết thống, quan hệ nuôi dưỡng và giáo dục... giữa các thành viên. Gia đình là bước phát triển của xã hội loài người từ tạp hôn chuyển sang hôn nhân một vợ một chồng. Gia đình là một hình thức cộng đồng, tổ chức đời sống xã hội. Gia đình được hình thành từ rất sớm và đã trải qua một quá trình phát triển lâu dài. Xuất phát nhu cầu bảo tồn và duy trì nòi giống, từ sự cần thiết phải nương tựa vào nhau để sinh tồn, các hình thức quần tụ giữa nam giới và nữ giới, những hình thức cộng đồng tổ chức đời sống gia đình đã xuất hiện. Theo Phan Ngọc, Bản sắc văn hóa Việt Nam, “Nói đến gia đình Việt Nam thì phải nói đến làng xã Việt Nam, họ hàng, thân tộc, việc thờ cúng tổ tiên, chế độ hiếu hỉ. Tất cả làm thành một tổng thể khiến cho gia đình Việt Nam rất khác gia đình của xã hội khác”. Gia đình là tế bào của xã hội, là sự gắn kết tình cảm huyết thống của ông bà, tình cha con, chồng vợ, anh em, là hình thái của văn hóa xã hội. Những mối dây ràng buộc vô hình này đã liên kết các thành viên với nhau trong cuộc sống.
Nguyễn Ngọc Tư không thuyết giảng đạo đức, không triết lý về khái niệm gia đình. Bằng những hình tượng nhân vật, nhà văn đã cảnh báo sự đổ vỡ hạnh phúc gia đình là nguyên nhân bất hạnh của những đứa trẻ. Không một mái ấm gia đình, đứa trẻ trở nên bơ vơ, lạc lõng. Ấu thơ tươi đẹp là tấn bi hài kịch, khi những người lớn cứ mãi chăm lo hạnh phúc của riêng tư thì tâm hồn những đứa trẻ bị thương tổn là điều tất yếu. Những tâm hồn non nớt thơ dại bị mất điểm tựa để hình thành nhân cách, nó trở nên hoang dã, hằn học. Nhân vật Nhiên, nhân vật thằng Sói là những nạn nhân của cuộc ly hôn, của hạnh phúc gia đình tan nát đã để lại vết hằn trong lòng trẻ thơ: “Thằng nhỏ Sói này giống hệt em, hồi trước. Dù nhà của cha em không có chó, nhưng mỗi lần về là thêm một người phụ nữ bước lại vuốt tóc em, hỏi, “Nhiên phải hôn nè? Nhiên năm nay bao nhiêu tuổi? Nhiên thích ăn gì cô chở đi”. Em nhìn chằm chằm vào cái miệng nũng nịu âu yếm của cô ta, tỉnh bơ, “muốn ăn thịt cô quá hà”. Cô nào xấu số nói thêm “con thích gì cô cũng chiều” sẽ nhận được một câu trả lời không chờ đợi, “cô uống thuốc chuột chết đi, con thích vậy”. Người phụ nữ khựng lại, lùi hai ba bước, gượng gạo cười, kêu cha em “anh ơi anh, bé Nhiên nói chuyện dễ thương ghê”. Sau đó, cô bỏ giọng thẻ thọt, ra vẻ lo lắng, “coi bộ bên đó không quan tâm con gái lắm, anh à”. Cha em cười, chuyện của bên đó, mình xen vô làm gì.” [5, trang 65].
Trong truyện ngắn Cánh đồng bất tận, “Hai đứa trẻ lạc lõng chính trong gia đình - chúng chỉ như những cái bóng lập loè, dường như không dùng "tiếng người" để giao tiếp. Rồi ông bố - sống lầm lũi và hoang dại với những thù hằn. Ngay cả đến những người đàn bà đĩ điếm hay khao khát sự đụng chạm thể xác với người đàn ông hoang dại cũng trôi nổi vô định như những kiếp bèo bọt” (Nguyễn Thu Thủy). Một người mẹ lạc lòng, một người chồng căm hận, trả thù đàn bà. Hai đứa trẻ phải sống vạ vật với đầy tàn tích trong tâm hồn. Một thằng con trai tự huỷ hoại bản năng đàn ông của mình, một cô con gái bị đám trai làng hãm hiếp ngay trước mặt người cha tội lỗi. Đó là kết thúc của một bi kịch gia đình tan vỡ.
Truyện ngắn Núi lở là một cảnh phim về đề tài gia đình, khi sức mạnh đồng tiền làm thay đổi giá trị huyết thống đã gây tổn thương tâm hồn ngây thơ của đứa trẻ. Yến Nhi nhận định: “Một cảnh núi lở làm tan hoang một vùng dân cư và bao nhiêu ngang trái, thô kệch ngẫu nhiên phơi ra. Cuộc sống lang chạ ê chề một cách tự nhiên hiện lên bất khả kháng trong đổ nát, hỗn độn làm ngơ ngác cả những tâm hồn bé dại.”.
Và phải đền với Gió lẻ, hình ảnh một cô bé ngây thơ trong sáng bị bi kịch gia đình đẩy vào đời: “Hồi sáu tuổi có lần em lén lấy dao cạo râu của cha để tỉa cho con chó Lu Lu, không ngờ vì chuyện đó mà cha mẹ cãi nhau, cha chỉ vào em, hỏi mẹ, từng từ khít như máu rỉ qua kẻ răng, “cô lấy thằng nào mà đẻ ra cái thứ này?”. Mẹ em không trả lời, lặng lẽ vào phòng, khóa cửa trong. Ba giờ sau cha tìm thấy mẹ em treo mình dung đưa trên sàn nhà. Lưỡi trả lại cho cuộc đời, bởi người không chấp nhận sự vô dụng của nó, nói mà chẳng người nghe” [5, trang 138, 139]. Rồi em bé từ giã tiếng nói của loài người, rồi trôi dạt, rồi bị lừa lọc hãm hại. “Thông điệp mà thiên truyện gửi đi : Xin đừng đẩy những con người bé nhỏ vào nơi vô định. Hãy xót thương và tin tưởng cái tốt có ở khắp mọi nơi dù le lói hay bừng sáng” (Yến Nhi).
Theo tác giả Phan Ngọc, “gia đình Việt Nam đang đứng trước những thử thách nghiêm trọng. Một thứ văn hóa kỳ quặc chỉ thâu tóm trong hai nguyên lý là xác thịt và đồng tiền đang đầu độc tâm hồn”. Một gia đình ly tán sẽ làm tổn thương tâm hồn những đứa trẻ. Và những tâm hồn thương tổn ấy liệu có trở thành những con người hoàn thiện trong cuộc đời?
(Theo Thạc sĩ Nguyễn Văn Thành - Trường THPT Vĩnh Viễn)
[1]. Huỳnh Như Phương tuyển chọn (1986), Mùa xuân chim én bay về, Nxb Cửu Long.
[2]. Nguyễn Ngọc Tư (2000), Ngọn đèn không tắt, Nxb Trẻ.
[3]. Nguyễn Ngọc Tư (2005), Cánh đồng bất tận, những truyện hay và mới nhất, Nxb Trẻ.
[4]. Nguyễn Ngọc Tư (2003), Giao thừa, Nxb Trẻ.
[5]. Nguyễn Ngọc Tư (2008), Gió lẻ và 9 câu chuyện khác, Nxb Trẻ
[6]. Nguyễn Ngọc Tư (2009), Yêu người ngóng núi, tản văn, Nxb Trẻ.
[7]. Nguyễn Ngọc Tư (2005), Truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư, Nxb Văn hóa Sài Gòn.
Xem thêm: NLXH: Chân lý thuộc về mọi người, không chịu sống đời nhỏ nhoi!
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận