Sứ mệnh gieo yêu thương: Bánh mì tình thương của cụ bà 87 tuổi
Cụ Nguyễn Thị Ngang, 87 tuổi, hằng ngày vẫn thức khuya, dậy sớm với gánh bánh mì giá rẻ và miễn phí cho người lao động khó khăn ở Bình Dương.
Vào khoảng 3 giờ sáng mỗi ngày, cụ Nguyễn Thị Ngang (87 tuổi, ngụ phường Tân An, thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương) đã dậy chuẩn bị mọi thực phẩm cần thiết cho gần 100 ổ bánh mì. Đúng 4 giờ 30, cụ bà đã rời khỏi nhà với gánh bánh mì nặng trĩu trên vai. Chỗ bán trên đường Nguyễn Chí Thanh cách nhà cụ chừng vài cây số.
Tại một góc đường Nguyễn Chí Thanh, nơi cụ Ngang đặt gánh bánh mì đã có những khách hàng chờ sẵn. Hầu hết trong số đó là công nhân lao động nghèo và học sinh, sinh viên đang sinh sống, làm việc tại tỉnh Bình Dương.
Ổ bánh mì đủ thứ nhân, thơm ngon mà giá bán chỉ 5 nghìn đồng mỗi ổ thì có lãi không? Cụ Ngang cho biết cụ chỉ lấy tiền vốn để mua thực phẩm, duy trì bữa ăn sáng cho người lao động nghèo. Cụ chia sẻ: “Bà già rồi, ăn uống được mấy mà đi lấy tiền lời của người khó khăn”.
“Thời gian qua, các tổ chức, đoàn thể địa phương triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ người lao động khó khăn. Bên cạnh đó có không ít người dân âm thầm giúp đỡ người khó khăn bằng nhiều hình thức khác nhau, lan tỏa tinh thần “lá lành đùm lá rách”. Trường hợp cụ Nguyễn Thị Ngang với gánh bánh mì giá rẻ và miễn phí cho người nghèo, rất đáng kính nể”, Phó chủ tịch UBND thành phố Thủ Dầu Một Trần Bảo Lâm.
Nhiều người trìu mến gọi cụ Ngang là “bà tiên” giữa đời thường, bởi ở tuổi xưa nay hiếm, cụ bà vẫn minh mẫn, ngày ngày đem những ổ bánh mì giá “không thể nào rẻ hơn” đến với những người khó khăn.
“Kiếm tiền để giúp ích cho xã hội, cho những người xung quanh thì cuộc đời mình mới thực sự có ý nghĩa chứ chỉ vì bản thân thì vô nghĩa lắm" - cụ Ngang nói.
“Má nuôi” của người khó khăn
Cầm trên tay ổ bánh mì của cụ Ngang, anh Nguyễn Văn Lâm (quê tỉnh Thái Bình, đang làm công nhân Cty gỗ ở thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương) vừa ăn vừa khen ngon. Anh kể: “Tôi biết gánh bánh mì của cụ từ vài tháng trước. Mới đầu, tôi trả tiền nhưng sau này biết hoàn cảnh tôi đang gặp khó khăn, cụ không lấy tiền nữa. Dù cụ cho ăn miễn phí nhưng tôi luôn ghi nợ trong lòng. Mỗi khi nhận lương, người tôi nhớ đến đầu tiên là cụ. Hôm sau ghé mua bánh mì, tôi xin trả luôn nợ cũ”.
Chị Nguyễn Thị Mai (quê Sóc Trăng, công nhân Cty may mặc, ở trọ tại thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương) cho biết: “Nhà tôi có tới 5 người, nếu mua bánh mì nơi khác 15 nghìn đồng/ổ, mỗi sáng mất 75 nghìn đồng. Tuy nhiên khi mua bánh mì của cụ Ngang, tôi chỉ tốn 25 nghìn đồng/buổi sáng. Nhiều khi cụ còn không lấy tiền. Thấy cụ tuổi cao còn làm việc thiện, giúp người nghèo, tôi thương lắm, xem cụ như mẹ mình”.
Cụ Ngang chia sẻ, đã có những lúc mệt mỏi, cụ muốn dẹp gánh bánh mì để nghỉ ngơi nhưng vì còn nặng lòng với những người lao động nghèo đang cần bữa ăn của mình, cụ lại cố gắng. Thấy cụ vất vả, những người con của cụ khuyên mẹ nghỉ ngơi nhưng cụ nhất quyết không chịu.
“Còn sức thì giúp người, sau này nằm xuống muốn giúp ai cũng không được” - cụ Ngang nói.
(Theo Tiền Phong)
Xem thêm: Sứ mệnh gieo yêu thương: Nhà văn nữ lai 2 dòng máu và Loan - Quỹ từ thiện mang tên người mẹ Việt
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận