Sứ mệnh gieo yêu thương: Nhà văn nữ lai 2 dòng máu và Loan - Quỹ từ thiện mang tên người mẹ Việt
Quỹ LOAN (LOAN Stiftung) do nữ nhà văn Isabelle Müller thành lập năm 2016 đã và dang mang đến tương lai tươi sáng hơn cho trẻ nhỏ vùng khó khăn.
Isabelle Müller, một nữ nhà văn người Pháp mang trong mình nửa dòng máu Việt rất nổi tiếng với 2 tác phẩm LOAN - Phượng Hoàng Tái Sinh (NXB Trẻ, 2018) và Con Gái Của Chim Phượng Hoàng - Hy Vọng Là Con Đường Của Tôi (NXB Tổng Hợp TP.HCM, 2022) khiến trái tim bao người thổn thức vì cuộc đời, số phận của những người phụ nữ.
Và hai nhân vật chính trong hai tác phẩm, không ai khác chính là nữ nhà văn và người mẹ Việt của mình - bà Đậu Thị Cúc (tự là Loan). Hai người phụ nữ, với hai số phận, cuộc đời tưởng chừng khác nhau nhưng lại có rất nhiều điểm tương đồng. Rằng dù trải qua bao nhiêu đau khổ, dù từng bao lần tưởng chừng bị ''thiêu rụi'' bởi hiện thực tàn khốc của cuộc sống nhưng họ vẫn “tái sinh” kỳ diệu. Để rồi sống một cuộc đời đẹp, một cuộc đời rực rỡ nhất tựa loài chim phượng hoàng trong truyền thuyết.
Không chỉ đẹp cho mình mà họ còn mang đến những điều đẹp nhất cho đời. Năm 2016, nữ nhà văn Isabelle Müller đã thành lập quỹ LOAN (LOAN Stiftung) - một quỹ từ thiện mang tên người mẹ Việt của mình - nhằm mang đến một tương lai tươi sáng hơn cho những hoàn cảnh còn gặp nhiều khó khăn tại Việt Nam, một xứ sở dù xa xôi nhưng lại luôn hiện lên thật rõ ràng trong tâm thức của bà qua lời kể của mẹ từ thời tấm bé.
Người phụ nữ Tây trèo đèo lội suối đến với trẻ em Việt vùng sâu vùng xa
Câu chuyện quay trở lại một giai đoạn lịch sử đã rất xa, vào những năm 30 của thế kỷ trước, khi còn ở Việt Nam, bà Đậu Thị Cúc không được phép đến trường vì là con gái trong nhà, bị những người đàn ông trong nhà bạo hành. Năm 12 tuổi, bà từng bị chính cha và anh ruột của mình bán đi chỉ để đổi lấy một mảnh đất và hai con lợn. Từng bị cô ruột bán vào nhà thổ rồi lưu lạc khắp nơi…
Vào Nam ra Bắc giữa thời khói lửa chiến tranh nhưng người phụ nữ Việt kiên cường mạnh mẽ là bà Đậu Thị Cúc, chưa từng dừng bước trên con đường tìm kiếm tự do và hạnh phúc của riêng mình. Lấy tự là Loan, đoạn tuyệt với cái tên Cúc bị cuộc đời vùi dập với ngụ ý loài chim phượng hoàng kiêu hãnh bay lên từ đống tro tàn. Bà đã mạo hiểm bằng cả mạng sống để được tiếp cận với giáo dục. Năm 1955, bà Loan đã theo chồng sang Pháp, bắt đầu một cuộc sống mới.
Dù phải đối diện với đói nghèo, nạn phân biệt chủng tộc… nhưng bà Loan vẫn nuôi nấng năm người con của mình trưởng thành. Và trong những năm tháng u ám ấy cuộc đời của bà và các con đã được soi sáng bởi tình thương, lòng vị tha của những người hoàn toàn xa lạ. Sự ấm áp đó đã từng chút từng chút bồi đắp thêm niềm tin của gia đình bà Loan vào sự tử tế của con người. Và từ đó cũng nuôi dưỡng niềm hy vọng rằng một ngày nào đó mẹ Loan và các con sẽ có thể đáp lại lòng tốt ấy bằng cách cho đi và giúp đỡ những người khác.
Từ ý nghĩa đó, nhà văn Isabelle Müller - cũng là con gái út của bà Loan đã thành lập Quỹ LOAN (LOAN Stiftung) với 100% các hoạt động để giúp đỡ trẻ em nghèo nhất tại Việt Nam có cuộc sống tốt đẹp hơn bằng con đường giáo dục.
Với nữ nhà văn, đây chính là cách bà đưa mẹ Loan trở về Việt Nam sau khi mẹ đã qua đời tại Pháp vào năm 2003 và cũng là một cách muốn thay mẹ tri ân tới quê hương của mình bằng con đường hỗ trợ giáo dục. Và điểm bắt đầu của chuyến hành trình này là Hà Giang vào năm 2016.
''Việc làm của tôi hiện tại trước hết là để thực hiện lời hứa với mẹ Loan. Bà đã không ngừng nỗ lực, mong muốn làm được điều gì đó có ích cho quê hương Việt Nam, đặc biệt là giúp đỡ những trẻ em nghèo đồng bào dân tộc thiểu số.
Tôi không biết việc thành lập quỹ LOAN có thể bù đắp điều gì, nhưng tôi muốn chữa lành vết thương của mẹ ngày ấy. Dù tôi biết điều này có lẽ chỉ trên phương diện lý thuyết nhưng chắc chắn rằng: 'Mong ước chân thành của mẹ đã được thực hiện và tôi tin rằng bà đã rất vui vì điều đó''' - Đây là những lời chia sẻ chân thành từ nữ nhà văn mang trong mình nửa dòng máu Việt.
Bên cạnh đó, một nguồn cảm hứng mạnh mẽ cũng không kém phần quan trọng thôi thúc bà Isabelle thành lập Quỹ LOAN xuất phát từ câu chuyện cuộc đời của chính mình. Từ nghèo khó, cô đơn và thậm chí bị lạm dụng, bạo hành từ chính người cha ruột trong suốt những năm tháng thiếu niên.
Điều đó đã khiến cho bà Isabelle đã từng hai lần muốn kết thúc cuộc sống của mình vì bế tắc. Nhưng bà vẫn may mắn được mẹ Loan cho đến trường bằng mọi giá. Bởi mẹ Loan cho rằng "Giáo dục chính là một đặc ân". Bằng sức mạnh của giáo dục được truyền cảm hứng từ mẹ Loan, bà Isabelle giờ đây đã vượt lên số phận, thành công và làm chủ cuộc đời của mình và có một cuộc sống vững chắc.
Và suốt hơn 7 năm qua, những trẻ em miền núi phía Bắc Việt Nam đã quen với hình ảnh bà Isabelle tận tụy, đi bộ, trèo đèo, lội suối, đi đến những vùng cheo leo, xa xôi nhất để giúp đỡ các em. Bà muốn trực tiếp đến từng địa điểm, lắng nghe chia sẻ của từng gia đình, giáo viên và cả chính quyền địa phương để biết được nơi nào cần giúp đỡ nhất.
Bà Isabelle tâm sự về ý định của mình từ khi bắt đầu: ''Thực ra ý nghĩ đầu tiên của tôi là xây một trường học ở tỉnh Hà Tĩnh. Nhưng để tôn trọng ước vọng lớn nhất của mẹ, rằng: 'Dự án giáo dục phải dành cho trẻ em nghèo nhất ở Việt Nam'. Vì vậy tôi đã cùng đại sứ quán Việt Nam tại Berlin đánh giá tình hình thực tế.
Kết quả, các tỉnh miền núi phía Bắc, đặc biệt Hà Giang là nơi giáo dục khó tiếp cận nhất. Tôi muốn thực hiện thử thách này và chắc hẳn mẹ cũng sẽ làm như vậy''.
Sau khi đánh giá một cách khách quan tình hình thực tế và có ấn tượng cá nhân trong chuyến thăm Việt Nam vào năm 2015, nữ nhà văn nhận ra rằng bản thân đủ sức mạnh và khả năng để giúp đỡ những trẻ em nơi đây một cách bền vững.
''Sau hành trình đến Xín Cái (Hà Giang), tôi nhận thấy còn có thể làm được nhiều điều hơn nữa cho nơi đây nếu có ý chí và sự chung tay góp sức của mọi người. Nhưng để có được kết quả tốt nhất, cần phải tiếp cận càng nhiều người càng tốt. Và tôi nghĩ đến Đức, nơi mình đang sinh sống và lập một quỹ từ thiện tại đó''.
Quỹ LOAN thường tập trung vào các vùng núi xa xôi, nghèo nhất phía Bắc Việt Nam (những nơi rất ít hoặc chưa có cá nhân/tổ chức nào đặt chân tới giúp đỡ), cụ thể là 8 tỉnh: Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Sơn La, Điện Biên, Lào Cai, Yên Bái và Hà Tĩnh.
Với mong muốn phát triển giáo dục một cách bền vững, Quỹ triển khai các hoạt động chính như:
+ Xây dựng nhà trẻ (trường mầm non)
+ Xây trường học tiểu học
+ Xây nhà nội trú kiên cố
+ Xây nhà bếp trong các trường học
+ Xây thư viện
+ Trang bị đầy đủ các trang thiết bị sinh hoạt như (Bể chứa nước sạch, vòi hoa sen, giường, tủ, kệ sách...) cũng như cung cấp dụng cụ học tập, sách vở và hỗ trợ trong việc chăm sóc các em
+ Trao tặng các học bổng "Học bổng giáo dục LOAN Stiftung" nhằm đồng hành cùng các em học sinh tiềm năng có thể thực hiện ước mơ nghề nghiệp của mình. Quỹ LOAN sẽ đồng hành, hỗ trợ các em cho đến khi tốt nghiệp cao đẳng – đại học.
+ Tích cực tìm các nhà tài trợ tại Đức để bảo trợ tài chính (Chăm sóc) các bé mồ côi tại Hà Giang tới khi trưởng thành.
+ Khuyến khích các công dân người Đức gốc Việt đang sinh sống và làm việc tại Đức đóng góp ít nhất 1 Euro cho Quỹ LOAN qua đó lan tỏa tình yêu quê hương đất nước, tình đoàn kết dân tộc với quê hương cội nguồn của những người Việt tại nước ngoài.
+ Cứu trợ các nơi bị ảnh hưởng do thiên tai hoặc trong các trường hợp khẩn cấp và nhiều hoạt động hỗ trợ thiết thực khác tùy vào trường hợp cụ thể.
"Trái tim tôi đập ở Việt Nam"
Đây chính là khát khao của nữ nhà văn cũng như mẹ của bà đối với quỹ LOAN. Bà Isabelle đã nói, bản thân mình không thể dừng lại việc giúp đỡ những nơi nghèo khó và trẻ em thực sự cần đến sự giúp đỡ này:
''Nếu hỏi đâu là điều đã dẫn dắt chúng tôi làm những việc này thì câu trả lời rất đơn giản - đó là nhìn vào những thành quả đã đạt được. Có thể thấy niềm vui, hạnh phúc trong mắt các em nhỏ và gia đình nơi đây là động lực chính để quỹ LOAN tiếp tục sứ mệnh của mình, mang lại niềm hy vọng, sức mạnh và đảm bảo một thế hệ Việt Nam mạnh mẽ hơn nhờ giáo dục''.
Một trong những khoảnh khắc ấn tượng nhất với nữ nhà văn Isabelle là sau khi nhận bàn giao trường mầm non ở Bản Trang (Xín Cái, Dự án số 2). Khi người bà âu yếm bế đứa cháu trên tay và đến bên, rưng rưng trong làn nước mắt nghẹn ngào nói với Isabelle:
''Cảm ơn cô đã xây dựng ngôi trường mẫu giáo này cho các cháu, để các cháu có thể học ở đây và có một tương lai tốt đẹp hơn''.
Hay đó cũng có thể là câu chuyện về một cô gái trẻ rất muốn theo học tại trường đại học Hà Nội và làm mọi cách để thuyết phục bố mẹ. Em ấy đã bí mật rời làng quê nghèo của mình để đến Hà Nội, một mình và không có tiền. Cuối cùng bố mẹ đã đồng ý và học bổng của bà Isabelle đã giúp đỡ cô bé ngay từ những ngày đầu. Điều đáng ngạc nhiên cũng như khâm phục là sau một năm, nữ sinh viên ấy muốn chuyển tiếp học bổng của mình cho một bạn khác vì bản thân đã có thể tự xoay xở được.
Rõ ràng có thể thấy, ở một khía cạnh khác, câu chuyện của người sáng lập - nhà văn Isabelle Muller cũng là tấm gương để những người có hoàn cảnh khó khăn có thể học tập, noi theo và đạt được thành công tương tự. Những người được Quỹ LOAN giúp đỡ sẽ tiếp tục giúp đỡ những người khác cũng đang gặp khó khăn như họ đã từng. Trên thực tế, trong những năm qua, các em học sinh - sinh viên, những người đang được nhận sự hỗ trợ của Quỹ LOAN cũng đã và đang quay lại để hỗ trợ và giúp đỡ Quỹ LOAN theo cách của mình.
Bà Isabelle cũng chia sẻ thêm câu chuyện đầy cảm xúc và ấn tượng về cô gái mồ côi Đàm Thị Hương Giang:
''Cô bé lần lượt mấy đi cha mẹ. Những người thân khác trong gia đình cũng chỉ có thể giúp em học hết cấp 3 vì hoàn cảnh khó khăn. Hương Giang đã nhận được học bổng của chúng tôi trong 4 năm học ở Hà Nội, thậm chí còn dạy kèm cho các bạn khác và nhận bằng loại giỏi vào năm nay (tháng 6/2023).
Biết được câu chuyện của em ấy, những khó khăn đã trải qua. Hiện tại có thể thấy Hương Giang vững vàng mỉm cười hạnh phúc là khoảnh khắc tôi không thể quên''.
Từng câu chuyện nhỏ được chứng kiến nơi mảnh đất hình chữ S, với những con người dũng cảm vượt qua mọi nghịch cảnh để vươn tới một cuộc sống tốt đẹp hơn cũng đã trở thành một phần động lực để nữ nhà văn kiên trì với sứ mệnh của mình.
Theo bà Isabelle, việc thành lập quỹ không phải là điều gì quá khó khăn, miễn là kiên trì với mục tiêu đã xác định trước đó. Nếu có, chính là việc mạng lưới giao thông tại những vùng cần giúp đỡ thực sự rất khó khăn:
''Chúng tôi nhiều lần vượt qua những con đường nguy hiểm để đến được với trẻ em và các xã. Tuy nhiên đặc biệt trong 2 năm gần đây, tình hình giao thông đã được cải thiện rõ rệt. Trong chuyến đi thực tế vào tháng 9/2023, tôi thấy được hệ thống đường bộ đã phát triển một cách tích cực'' - bà Isabelle vui mừng khi nói về những thay đổi mới tại những địa phương còn nhiều khó khăn khu vực miền núi phía Bắc.
''Một khó khăn khác, phải nói rõ rằng chúng tôi thực sự muốn giúp đỡ, nhưng chỉ bền vững khi có sự phối hợp của các lực lượng. Một số người cho rằng tôi chỉ là một 'người đàn bà giàu có đến từ phương Tây' đến để phân phát tiền nên có thể họ đã quen với cách ứng xử trong hoàn cảnh như vậy''.
Quỹ LOAN chủ trương thông qua các hoạt động thiện nguyện để lan tỏa tình yêu thương đến cộng đồng bằng cách khuyến khích chính người dân địa phương, chính quyền địa phương, các ban giám hiệu nhà trường tại chính nơi mà Quỹ thực hiện dự án cùng chung tay hoàn thành các dự án.
Chi phí hoạt động của Quỹ đến từ hai nguồn chính: Một là hỗ trợ từ các nhà tài trợ, nhà hảo tâm trong và ngoài nước (Chủ yếu là ở CHLB Đức, Pháp, Mỹ, Thụy Sĩ, Việt Nam); hai là toàn bộ số tiền từ việc xuất bản sách của người sáng lập Quỹ LOAN (Bà Isabelle). Tổng chi phí cho 39 dự án tính tới hiện tại là: 1.530.384,39 USD.
Toàn bộ chi phí sinh sinh hoạt, ăn uống, di chuyển của Quỹ LOAN do các thành viên tự chi trả, đảm bảo nguyên tắc 100% số tiền đóng góp của các mạnh thường quân được đầu tư trực tiếp và toàn bộ cho người thụ hưởng.
Các hoạt động của Quỹ LOAN cũng khơi dậy tinh thần đoàn kết quốc tế khi kêu gọi, vận động, khuyến khích các nhà tài trợ, các nhà bảo trợ, các công ty lớn ở Đức cùng chung tay giúp đỡ các trẻ em Việt Nam thông qua các hoạt động như: bảo trợ tài chính cho các trẻ mồ côi, tặng học bổng giáo dục cho các em học sinh sinh viên học giỏi. Từ đây, các tổ chức quốc tế, công dân quốc tế sẽ hiểu hơn về Việt Nam và sẵn sàng chung tay giúp đỡ trẻ em nghèo Việt Nam.
Hoạt động của quỹ cũng khơi dậy tình yêu quê hương đất nước của những người con Việt xa xứ, thôi thúc họ cùng sát cánh với Quỹ để giúp đỡ các trẻ em nghèo Việt Nam như một cách tri ân và nhớ về quê hương cội nguồn.
Dù sinh ra và lớn lên ở Pháp cũng như đã sống hạnh phúc gần 40 năm cùng chồng và các con tại Đức nhưng bà Isabelle vẫn luôn đau đáu một nỗi niềm về hai tiếng thân thương - Việt Nam:
''Tôi vẫn luôn coi Việt Nam là quê hương thực sự của mình. Trái tim tôi đập ở Việt Nam. Đó là lý do tôi sẵn sàng đáp lại lời kêu gọi phải làm điều gì đó tốt đẹp cho quê hương một cách vô điều kiện.
Chỉ cần có cơ hội để làm điều gì đó tốt đẹp và chỉ cần nơi đó cần đến sự giúp đỡ của mình, tôi sẽ quyết tâm hiện thực hoá tất cả. Cũng nhờ có sự ủng hộ từ gia đình nên tôi có thể thoải mái đi lại giữa Đức và Việt Nam. Tất cả chúng tôi đều rất hạnh phúc''.
Nói về những thay đổi của Việt Nam thời điểm hiện tại so với xứ sở xa xôi trong những câu chuyện xưa cũ của mẹ Loan, nữ nhà văn chia sẻ:
''Càng đặt chân đến nhiều nơi ở Việt Nam, tôi càng hiểu thêm về nền văn hóa vốn chỉ được nghe qua những câu chuyện của mẹ. Lần nào tôi cũng học được rất nhiều điều mới, về cả phong tục và con người nơi đây.
Có một điều chắc chắn rằng, tình yêu Việt Nam của tôi ngày càng sâu đậm và hình ảnh mẹ trong suy nghĩ của tôi càng tuyệt vời hơn trước. Vì tôi đã tận mắt chứng kiến cuộc sống thời trẻ của bà khó khăn đến nhường nào và tôi tự hào về mẹ''.
Khi nhắc đến một điều muốn kể cùng mẹ Loan sau bao năm tháng qua về đất nước, con người Việt Nam, bà Isabelle chân thành:
''Tôi sẽ nói với mẹ rằng, dù ở những vùng xa xôi vẫn chưa thể hoàn toàn thoát khỏi những tục lệ xưa cũ nhưng đất nước vẫn đang ngày càng phát triển. Rằng mọi người vẫn mỉm cười và thân thiện, ngay cả khi cuộc sống đầy rẫy khó khăn. Rằng tôi ngày càng yêu Việt Nam hơn và cũng tự hào về dòng máu Việt đang chảy trong huyết quản của mình''.
Giải thưởng Hành động vì cộng đồng - Human Act Prize là Giải thưởng thường niên tôn vinh các cá nhân, tổ chức có những đóng góp tích cực cho xã hội thông qua những dự án xã hội uy tín, tận tụy và bền vững.
Với sự đồng hành tích cực của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp như ngân hàng quân đội MBBank; hãng hàng không quốc gia Vietnam Airline; khách sạn Intercontinental Hanoi Westlake …. trong quá trình truyền thông và tổ chức sự kiện; Human Act Prize sẽ tiếp sức tinh thần và những giá trị tri thức để mọi hoạt động cộng đồng tại Việt Nam được kiến tạo minh bạch, khoa học, hữu hiệu và nhân văn.
Rất mong nhận được sự quan tâm và ủng hộ của cộng đồng!
Website chính thức: https://humanactprize.org
Fanpage: https://www.facebook.com/HumanActPrize
(Theo Phụ nữ mới)
Xem thêm: Người phụ nữ vượt bệnh tật làm từ thiện: "Làm việc thiện chính là đang tích đức"
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận