Quán cơm chay 0 đồng nói không với tiền quyên góp, chỉ cần "khách" ăn ngon là được
Vừa nhận khay cơm chay 0 đồng xong, ông Triệu Cữu (59 tuổi) liền lấy điện thoại ra chụp hình rồi gửi cho những người bạn tài xế xe ôm của mình, rủ họ đến ăn.
Một số người ngồi trong quán cũng gật gù khen cơm ngon. Ăn xong, ai cũng được tặng thêm chai nước sâm mát lạnh, ríu rít cám ơn rồi rời đi.
Đây là những hình ảnh quen thuộc ở quán cơm chay Hạnh Phúc 1 trên đường Tân Hương (Q.Tân Phú, TP.HCM) do anh Đinh Ly Na (35 tuổi) lập ra tháng trước. Quán có thêm một chi nhánh nằm trên đường số 8, Q.Bình Tân, hai cơ sở phục vụ miễn phí hơn 300 suất cơm chay cho người lao động từ 10 giờ đến 13 giờ 30 mỗi ngày.
Chú xe ôm chụp hình giới thiệu cho bạn
Quán Hạnh Phúc 1 rộng gần 50 m2. Tủ cơm đựng thức ăn chay được đặt trước cửa, cạnh biển hiệu bắt mắt, để những người bán hàng rong, vé số, xe ôm… dễ nhìn thấy. Bên trong quán đặt những bộ bàn ghế mới toanh, ngăn nắp. Đằng sau có khu vực bếp nấu và nhà vệ sinh. Từ khoảng 11 giờ, người đến ăn cơm đông dần. 6 nhân viên của anh Na người bới cơm, người gắp đồ ăn, múc canh… tay làm liên tục.
Ông Triệu Cữu có mặt gần như đủ 30 buổi trưa, từ lúc quán khai trương đến nay. Khi ông bước vào quán, vừa ngồi xuống lấy xong đũa, muỗng thì khay cơm cũng được mang đến. Chưa vội ăn, ông lấy điện thoại chụp vài kiểu hình.
"Tôi phải gửi cho những người bạn cùng chạy xe để giới thiệu, rủ họ đến đây ăn. Cơm ngon lắm. Từ ngày có quán này, tôi tiết kiệm được gần 30.000 đồng ăn trưa", người đàn ông (ngụ H.Hóc Môn) có thu nhập mỗi ngày chưa đến 200.000 đồng, chia sẻ.
Tiếp lời ông, bà Trương Thị Anh (63 tuổi ở Q.Tân Phú) cũng tấm tắc khen. Người phụ nữ bán vé số ăn chay trường đã hơn 30 năm cảm thấy thật may mắn vì biết được quán 0 đồng của anh Na.
"Tui ăn chay nên tìm quán ăn khó hơn những người khác. Giờ có quán này, tôi cứ canh giờ là đạp xe về ăn, đỡ mất công và cũng đỡ tốn tiền. Các chú ở đây tốt lắm", bà cười tươi nói.
Những vị khách quen như ông Cữu, bà Anh ăn xong chủ động cầm khay đi thẳng ra bếp cho vào thau. Sau khi họ rời đi, ông Nguyễn Văn Hoàng (65 tuổi ở Q.Tân Phú) phụ các nhân viên sắp xếp lại bàn ghế, chai nước tương trên bàn cho ngay ngắn. Ông là người vô gia cư, tình cờ biết đến quán cơm 0 đồng hơn nửa tháng trước. Đến ăn được ít hôm, anh Na biết hoàn cảnh nên nhận ông vào phụ việc. Anh còn ngỏ ý rủ ông về ở hẳn quán cơm để khỏi phải ngủ ngoài đường.
"Chắc tuần sau tui sẽ dọn vào ở luôn", ông Hoàng chia sẻ.
Tuyên bố không nhận quyên góp
Anh Ly Na cho biết, riêng mặt bằng quán chay Hạnh Phúc 1 này thuê 7,5 triệu/tháng. Mỗi ngày phục vụ khoảng 150 phần cơm chay. Nhân viên phục phụ, đầu bếp đều là người của công ty anh Na. Họ thay nhau phụ việc khi rảnh. Buổi chiều, sau khi tặng cơm xong, anh thuê người dọn dẹp, rửa chén.
Anh Vĩnh Lộc (30 tuổi), nhân viên của anh Na đồng thời đảm nhiệm công việc đầu bếp ở quán cho biết dù là món chay nhưng thực đơn được thay đổi thường xuyên. Mỗi ngày anh cùng mọi người nấu khoảng 5 món. Có hôm thì nấu bún, mì xào… để khách ăn không bị ngán.
"Lúc bí quá thì tôi lên mạng tham khảo thực đơn. Có hôm bày ra làm món lá lốt cuộn nấm nướng, mọi người xúm nhau làm, cực hơn chút mà vui", anh nói.
Quán là tâm huyết anh ấp ủ thực hiện từ hơn nửa năm trước, với một mục đích duy nhất là giúp đỡ người khó khăn có bữa cơm no. Anh Na quyết định nấu cơm chay một phần do cá nhân cũng thích những món thanh đạm. Anh còn bật mí thêm, nếu nấu món mặn thì những người ăn chay trường sẽ không dùng được.
Ngược lại, nếu nấu món chay, thì tất cả mọi người đều có thể đến thưởng thức. Hầu như trưa nào xong việc, ông chủ trẻ cũng ghé quán ăn cơm cùng những vị khách đặc biệt của mình. Anh quan niệm, mình ăn cảm thấy ngon thì quán mới nấu tặng mọi người.
Ngoài người lao động nghèo, đến nhận cơm còn có những người đi xe tay ga, ăn mặc sang trọng. Anh Na dặn nhân viên không từ chối bất kỳ ai. Bởi, anh nghĩ có thể hôm đó, đơn giản họ thích ăn chay nên phải vui vẻ phục vụ.
Từ khi quyết định mở quán, ông chủ đã tuyên bố và chia sẻ rõ thông điệp "không nhận quyên góp" bằng một tấm bảng dán trên tường. Anh Na chỉ muốn duy trì quán bằng khả năng của mình, sợ một số người lợi dụng hình ảnh quán kêu gọi, để trục lợi cá nhân.
Duy chỉ có những trường hợp ngoại lệ như người thân quen, bạn bè ủng hộ gạo, rau củ thì anh mới nhận. Đặc biệt, anh luôn dặn thêm mọi người rằng "phải cho gạo ngon tui mới lấy".
"Ngày xưa khi ra đời làm ăn, có lúc tui khó khăn dữ lắm, cũng từng đi bụi đời, chứng kiến nhiều người khổ. Giờ có điều kiện nên muốn giúp đỡ. Tôi sẽ tiếp tục duy trì quán, chưa có ý định khi nào sẽ dừng lại", anh Na chia sẻ.
(Theo Thanh Niên)
Xem thêm: Gian hàng quần áo 0 đồng "xịn" như hàng hiệu: "Hãy lấy đủ dùng, nếu bạn ổn xin nhường người khác"
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận