Quán cơm chay 0 đồng của người phụ nữ U70: "Tôi không đồng ý để thùng quyên góp"

Không đành lòng nhìn thấy người lao động nghèo ôm bụng đói, bà Trần Thị Dung (70 tuổi, Hậu Giang) đã mở quán cơm chay 0 đồng để khách có thể ăn bao nhiêu tùy thích.

Đỗ Thu Nga
08:55 04/01/2024 Đỗ Thu Nga

Ngon, bổ dưỡng

Hơn 3 tháng nay, nhiều người lao động nghèo dường như đã quen với quán cơm chay 0 đồng Phước Thiện nằm trên đường 30.4 (thuộc ấp Thị Tứ, TT.Một Ngàn, H.Châu Thành A, Hậu Giang). Quán mở cửa từ 6 giờ sáng đến 3 giờ chiều, phục vụ nhiều món. Thực đơn thay đổi liên tục nên ngày càng có nhiều người đến quán.

Chủ quán là bà Trần Thị Dung, người có hơn 18 năm làm công tác thiện nguyện. Bà Dung cho biết, phần việc bà gắn bó lâu nhất là tham gia các tổ nấu cơm, cháo, nước sôi tại Trung tâm y tế H.Châu Thành A và H.Vị Thủy (Hậu Giang). Lúc chưa có điều kiện, bà nấu cơm chay tại nhà mỗi tháng 2 lần để tặng cho bà con mang đi. Sau này, có quán xá rộng rãi, bà mua bàn ghế để bà con dùng cơm tại chỗ.

Ngay từ lúc mới thành lập, quán đã nhận được nhiều sự ủng hộ. Mỗi ngày có từ 10 - 15 cô, dì tham gia nấu ăn. Bà Dung bỏ tiền túi mua gạo nấu cơm, nguyên vật liệu chế biến. Hiện nông dân địa phương hay cho gạo, rau củ, vật dụng nhà bếp. Dù vậy, bà Dung vẫn xuất tiền từ việc bán dừa của gia đình để nấu những món ăn ngon hơn, đầy đủ thành phần dinh dưỡng hơn. "Quán phục vụ món chay hết tuần, kể cả thứ bảy và chủ nhật. Mỗi ngày, tôi nấu hơn 40 kg gạo với 3 - 4 món ăn. Ngày rằm, quán không chỉ có cơm chay mà còn tặng bún, bánh mì chay", bà Dung chia sẻ.

Từ 6 giờ sáng, quán đã có khách. Theo bà Dung, ngoài những người lao động nghèo còn có nhiều khách hàng là công nhân. Họ tranh thủ đến quán nhận cơm để ăn sáng rồi đến công ty làm việc. Nhiều người biết ơn vì nhờ những phần cơm này mà họ tiết kiệm 15.000 - 20.000 đồng mỗi ngày.

quan-com-chay-0-dong-cua-
quan-com-chay-0-dong-cua-

Mệt nhưng vui vì giúp được người khó

Bà Trần Thị Hải Vân (60 tuổi) là 1 trong 2 đầu bếp chính của quán. Theo bà Vân, để có những suất cơm nóng kịp sáng sớm, mọi người phải thức lúc 4 giờ sáng để nấu. Còn những loại rau, củ được làm sạch, sơ chế từ chiều hôm trước. "Mỗi ngày có hàng trăm người đến quán. Có người xin hộp mang về, người ăn tại chỗ thì ăn bao nhiêu tùy ý. Tính chị Dung chu đáo, muốn ai cũng đủ phần nhưng một mình chị thì làm không xuể. Thấy vậy nên chị em trong xóm đến phụ giúp. Vất vả là có nhưng ai cũng thấy vui vì công việc này có ích cho cộng đồng", bà Vân chia sẻ.

Ông Trần Minh Châu (65 tuổi) làm nghề thu mua phế liệu. Hơn 2 tháng nay, mỗi buổi trưa ông đều ghé quán cơm của bà Dung tự chọn những món ăn ưa thích trong thực đơn. "Quán miễn phí nhưng ăn rất vừa miệng. Mọi người tiếp tôi niềm nở và vui vẻ lắm. Lúc tôi ăn cũng hay thấy nhà hảo tâm đến cho rau củ. Tôi cũng ra khiêng, chở tiếp mọi người như một cách để cảm ơn, giúp sức những tấm lòng tử tế đã nấu cơm cho mình", ông Châu bộc bạch.

Bà Dung có 5 người con, tất cả đều ủng hộ nên bà rất có động lực để duy trì hoạt động của quán. Con gái út của bà cũng là người yêu thích hoạt động thiện nguyện, thường lái xe chuyển viện miễn phí cho những người có hoàn cảnh ngặt nghèo tại địa phương. Trước khi quán thành lập, bà Dung đã thông tin đến Hội Chữ thập đỏ TT.Một Ngàn. "Có người bảo tôi nên để thùng quyên góp ở bên ngoài để nuôi quán hoạt động nhưng tôi không đồng ý. Tôi muốn mọi người đến ăn cơm với sự thoải mái, tự nhiên nhất. Với tôi, một lời cảm ơn hay nụ cười hài lòng của họ là đủ rồi. Tôi sẽ cố gắng để quán luôn mở cửa giúp những hoàn cảnh khó khăn", bà Dung tâm sự. 

(Theo Thanh Niên)

Xem thêm: Gian hàng quần áo 0 đồng và cô chủ quán lương thiện: Người nghèo cứ "shopping" thả ga

songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận