Phiên bản "tàng hình" của Omicron có gì khác biệt so với biến chủng tiêu chuẩn?

Các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng, phiên bản"tàng hình" có khác biệt về mặt di truyền và do đó có thể hoạt động khác.

Đỗ Thu Nga
10:00 08/12/2021 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Biến chủng Omicron mới được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chính thức đặt tên là Omicron và xếp vào nhóm "biến chủng đáng lo ngại" hôm 26/11. Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh Châu Âu (ECDC) cũng xếp biến Omicron vào nhóm "biến chủng đáng lo ngại", bên cạnh các biến chủng được phát hiện từ trước gồm Beta, Gamma và Delta.

Biến chủng này có tên ban đầu là B.1.1.529, xuất hiện đầu tiên ở Nam Phi và Botswana, hiện đã xuất hiện ở nhiều nước như Israel, Anh, Italy và một số nước châu Âu. Biến chủng này gây lo ngại bởi vì có chứa khoảng 50 đột biến, trong đó có 32 đột biến trên protein gai. Với lượng đột biến bất thường này, giới chuyên gia cảnh báo biến chủng mới của SARS-CoV-2 có thể dễ lây lan hơn hoặc dễ kháng vaccine và miễn dịch tự nhiên.

Các nhà nghiên cứu trên toàn cầu đang nỗ lực giải mã biến chủng này. Trong một diễn biến mới nhất, các nhà khoa học cho biết, họ vừa xác định được phiên bản "tàng hình" của biến chủng Omicron. 

Phien-ban-tang-hinh-cua-Omicron-co-gi-khac-so-voi-chung-tieu-chuan-5

Phát hiện này được các nhà khoa học ở Anh đưa ra trong khi biến chủng Omicron mới chỉ được phát hiện vài tuần và giới chức y tế công cộng trên thế giới ban đầu triển khai các xét nghiệm PCR để có thể xây dựng nhanh chóng bức tranh toàn cảnh về sự lây lan của biến chủng mới, theo Guardian.

Nó được gọi là phiên bản của biến chủng Omicron vì có nhiều đột biến giống với biến thể mới. Song phiên bản này thiếu một biến đổi di truyền khiến nó không thể được phát hiện bằng xét nghiệm PCR trong phòng thí nghiệm.

Các nhà nghiên cứu nói rằng, còn quá sớm để xác định liệu phiên bản mới này có lây lan theo cách giống như phiên bản Omicron tiêu chuẩn hay không. Nhưng do có sự khác biệt về mặt di truyền nên phiên bản này có thể hoạt động khác.

Các nhà khoa học chia biến chủng Omicron thành 2 dòng, gồm phiên bản tiêu chuẩn gọi là BA.1 và phiên bản "tàng hình" BA.2. Phiên bản biến chủng tàng hình lần đầu tiên được phát hiện trong số các bộ gene của virus được gửi từ Nam Phi, Australia và Canada vào những ngày gần đây, nhưng nó có thể đã lây lan rộng rãi hơn. Trong số 7 trường hợp được xác định cho đến nay, không có trường hợp nào ở Anh.

Giáo sư Francois Balloux, giám đốc Viện di truyền Đại học London (Anh), nói phiên bản mới chiếm khoảng 6% trong các mẫu gene của biến thể Omicron gửi lên hệ thống dữ liệu gene Gisaid.

Hiện tại vẫn chưa rõ vì sao phiên bản này xuất hiện. Song đặc tính "tàng hình" khiến các nhà khoa học lo ngại nó có thể âm thầm lây lan ở những nơi chỉ tập trung xét nghiệm PCR.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm 3/12 cho biết chưa nơi nào trên thế giới báo cáo có người tử vong vì nhiễm biến chủng Omicron. Những người được xác định dương tính với biến chủng này cho tới nay đều chỉ có triệu chứng nhẹ.

Nhiều quốc gia đã siết chặt các quy định về đi lại nhằm ngăn chặn biến thể Omicron. Nhưng giám đốc phụ trách khu vực châu Âu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ông Han Kluge, ngày 7/12 cho rằng việc cấm các chuyến bay sẽ không có tác dụng vì "Omicron đã có ở khắp nơi".

Ông Kluge nhấn mạnh các giải pháp quan trọng để ngăn biến thể là vaccine, khẩu trang, giữ thông thoáng khí và điều trị, thay vì hạn chế đi lại.

Xem thêm: Có thể phát hiện biến chủng omicron thông qua xét nghiệm PCR không?

songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận