NLXH 200 chữ: Điều mà cậu sợ hãi nhất...
“Điều mà cậu thấy sợ hãi không phải bạo lực, mà là năng lượng tiêu cực phát ra từ những kẻ ghét mình. Từ trước đến nay, cậu chưa từng tưởng tượng lại tồn tại ác ý đến mức đấy trên thế giới này".
ĐỀ BÀI:
“Điều mà cậu thấy sợ hãi không phải bạo lực, mà là năng lượng tiêu cực phát ra từ những kẻ ghét mình. Từ trước đến nay, cậu chưa từng tưởng tượng lại tồn tại ác ý đến mức đấy trên thế giới này". (Ác ý - Higashino Keigo)
Từ đoạn trích trên, anh/chị hãy viết đoạn văn khoảng 200 chữ trình bày suy nghĩ của anh/chị về ác ý trong thời đại số hiện nay.
BÀI VIẾT:
Monila Lewinsky đã từng nói rằng: “Độc ác với người khác không phải là cái gì mới. Nhưng trên mạng, với công nghệ hỗ trợ, sự lăng nhục được phóng đại lên, không bị kiềm chế và ở đó mãi mãi”. Quả thật, chưa bao giờ người ta có thể dễ dàng bắt gặp những lời thóa mạ, ác ý nhiều và dễ dàng như trên mạng xã hội. Chính vì thế mà Higashino Keigo trong tác phẩm “Ác ý” đã viết rằng: “Điều mà cậu thấy sợ hãi không phải bạo lực, mà là năng lượng tiêu cực phát ra từ những kẻ ghét mình. Từ trước đến nay, cậu chưa từng tưởng tượng lại tồn tại ác ý đến mức đấy trên thế giới này.” “Ác ý” nói đơn giản là ý muốn gây tổn thương cho người khác. “Ác ý” thường bắt đầu từ “ác cảm” (nghĩa là cảm giác ghét một ai đó), qua thời gian, “ác cảm” này vì nhiều nguyên nhân khác nhau, chủ quan có, khách quan có, đơn giản có, phức tạp cũng có, dần phát triển thành “ác ý”. Như nhận xét của nhà văn Natsuo Kirino, “ác ý” là một dòng chảy ngầm, là thứ mà ta không thể nhìn thấy bằng mắt, mà chỉ có thể cảm nhận khi đã ý thức được sự tồn tại của nó.
Thời nay, khi lao vào trận chiến căm ghét ai đó, người ta đơn giản cần một chiếc máy tính gọn nhẹ, một tài khoản thu hút dư luận và tất nhiên, kho tàng từ ngữ có khả năng sát thương cao nhất để áp đảo tinh thần đối thủ, không cho đối phương cơ hội đánh trả. Như vậy, trong thời đại số, ác ý được thể hiện trong những bình luận, trong những cuộc trò chuyện của những “anh hùng bàn phím”. Thế giới mà người ta công kích nhau đó, có thể chỉ là những thế giới ảo nhưng hậu quả để lại trong đời nhau lại rất thật. Thử nhớ lại mà xem, nhóm nhạc đình đám một thời T-ara đã đánh mất sự nghiệp của mình như thế nào? Nữ ca sĩ trẻ Sulli đã chọn từ biệt thế giới này là do đâu? Điều gì đã tước đi thành công, sinh mạng họ nếu không phải là những công kích, phỉ báng đến từ dư luận, đến từ những người đã ghét bỏ họ rồi đem đến nguồn năng lực tiêu cực, những ác ý khiến họ suy sụp, trượt dài trong sự tuyệt vọng? Con người đối xử với nhau cũng giống như tiếng vọng của ngọn núi, nếu bạn có thể đối xử tốt với người khác, thì người khác cũng nhất định đối xử tốt với bạn; nếu như bạn dùng lời ác ý với người khác, thì người ta cũng sẽ dùng lời ác ý với bạn. Vì thế, chúng ta hãy học cách yêu thương và sẻ chia nhiều hơn, đó cũng là cách chúng ta yêu quý chính bản thân mình.
Cách viết đoạn văn nghị luận xã hội 200 chữ
1: Nêu vấn đề (câu mở đoạn)
- Dẫn dắt - giới thiệu vấn đề: Dẫn dắt từ câu nói hoặc trực tiếp nêu ngay vào đề tài yêu cầu. (thông thường là vấn đề đã cho trong nội dung phần Đọc hiểu).
- Đánh giá khái quát vấn đề (tích cực, tiêu cực, ....)
2: Triển khai vấn đề (đưa ra suy nghĩ - cách hiểu của em về đề tài nghị luận)
- Giải thích các khái niệm liên quan.
- Bàn luận về vấn đề: biểu hiện; tác dụng, ý nghĩa; phản đề hoặc mở rộng vấn đề dựa trên quan điểm cá nhân.
+ Đặt ra các câu hỏi vì sao, tại sao. Sau đó bình luận, chứng minh từng ý lớn, ý nhỏ, sắp xếp luận cứ một cách rõ ràng.
+ Lựa chọn dẫn chứng phù hợp, tiêu biểu, ngắn gọn, chính xác.
- Rút ra bài học cho bản thân hoặc liên hệ tới các hiện tượng tác động trực tiếp hoặc tương tự với đề tài.
3: Kết thúc vấn đề (tổng kết lại vấn đề)
+ Khẳng định ý nghĩa và tính thời sự của hiện tượng.
Xem thêm: NLXH 200 chữ: “Không có áp lực, không có kim cương!”
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận