Điểm lại những vụ "hoài thai" với thánh thần nổi tiếng nhất lịch sử Việt Nam

Sự ra đời của một số nhân vật trong lịch sử Việt Nam gắn liền với những giai thoại vô cùng kỳ bí. Ví dụ như cha đẻ của Đinh Bộ Lĩnh là... "rái cá".

Đỗ Thu Nga
09:00 25/10/2021 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Thánh Gióng - người trời đầu thai giúp dân đánh giặc

Phù Đổng Thiên Vương cũng gọi Sóc Thiên vương nhưng hay được gọi là Thánh Gióng. Ông là một nhân vật trong truyền thuyết Việt Nam, một trong 4 vị thánh mà người Việt gọi là Tứ bất tử trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam. Ông được xem là tượng trưng cho tinh thần chống giặc ngoại xâm và sức mạnh tuổi trẻ. 

Triều đại nhà Lý, Thái Tổ Lý Công Uẩn đã truy tặng ông là Xung Thiên Thần Vương. Có ý kiến cho rằng, Phù Đổng Thiên vương hay Thánh Gióng là một biến thể của Tỳ Sa Môn từ Ấn Độ.

Về mặt lịch sử, Thánh Gióng là người có công dẹp giặc Ân, đem lại thái bình cho đất nước. Còn trong truyền thuyết, Thánh Gióng sinh ra tại làng Phù Đổng (huyện Gia Lâm, Hà Nội), thời vua Hùng thứ 6. Ông là người trời đầu thai làm đứa trẻ, lên ba tuổi mà không biết nói cười, đi đứng.

nhung-vu-hoai-thai-voi-than-thanh-noi-tieng-nhat-lich-su-viet-nam-0

Thế nhưng khi giặc Ân tràn sang bờ cõi nước ta, Thánh Gióng lại cất tiếng gọi mẹ. Đồng thời ông nhờ mẹ vời sứ giả của nhà vua vào nhà nói chuyện. Và bỗng chốc ông vươn vai trở thành một thanh niên cường tráng nhận nhiệm vụ đi dẹp giặc Ân. 

Thánh Gióng cưỡi ngựa sắt, nhổ trên ven đường làm vũ khí để đánh giặc Ân. Sau khi đánh cho giặc xâm lược tan tác, ông bay về trời, Nơi ông hóa chính là núi Sóc thuộc huyện Sóc Sơn, Hà Nội.

Trong Đại Việt sử ký toàn thư Ngoại kỷ toàn thư, kỷ Hồng Bàng Thị ghi chép lại về Thánh Gióng như sau:

"Đời Hùng Vương thứ 6, ở hương Phù Đổng, bộ Vũ Ninh có người nhà giàu, sinh một con trai, đến năm hơn ba tuổi ăn uống béo lớn nhưng không biết nói cười. Gặp lúc trong nước có tin nguy cấp, vua sai người đi tìm người có thể đánh lui được giặc (Toàn thư không ghi đây là giặc Ân như Lĩnh Nam chích quái).

Ngày hôm ấy, đứa trẻ bỗng nói được, bảo mẹ ra mời sứ giả vào, nói: "Xin cho một thanh gươm, một áo giáp sắt và một con ngựa, vua không phải lo gì". Vua ban cho gươm và ngựa, đứa trẻ liền phi ngựa vung gươm tiến lên trước, quan quân theo sau, đánh tan quân giặc ở chân núi Trâu. Bọn giặc giẫm đạp lên nhau mà chạy. Thánh Gióng đuổi theo, tới chân núi Sóc thì dừng. Đứa trẻ cởi áo giáp, phi ngựa lên trời mà đi. Vua sai sửa sang chỗ vườn nhà của đứa trẻ để lập đền thờ, tuế thời cúng tế.

Về sau, Lý Thái Tổ phong là Xung Thiên Thần vương. (Đền thờ ở cạnh chùa Kiến Sơ, hương Phù Đổng)".

Giai thoại về cha đẻ của Đinh Bộ Lĩnh là "rái cá"

Đinh Tiên Hoàng (22 tháng 3 năm 924 - tháng 10 năm 979), tên húy là Đinh Bộ Lĩnh. Ông là vị hoàng đế sáng lập triều nhà Đinh, nước Đại Cồ Việt. Ông có công dẹp loạn 12 sứ quân, thống nhất giang sơn, trở thành hoàng đến đầu tiên của Việt Nam sau thời Bắc thuộc.

Nói về cuộc đời của Đinh Tiên Hoàng, điều bí ẩn nhất chính là thân thế và cái chết của ông. Các sử sách để lại đều có những lý giải không thể đơn giản hơn về nguồn gốc và cái chết của Đinh Tiên Hoàng. Đến mức nhiều người không thể tin được một vị Vua văn võ toàn tài, hội đủ mọi phẩm chất Trung, Hiếu, Dũng, Chí, Tín lại được ghi nhận sơ sài đến thế…

Các tài liệu lịch sử, kể cả lịch sử Việt Nam và sử Tàu, nói về nguồn gốc của Đinh Bộ Lĩnh có đôi nét khác nhau, cộng thêm với hàng loạt truyền thuyết, những câu chuyện dân gian lưu truyền, kể cả những truyền thuyết hoang đường, làm cho việc xác định nguồn gốc nhân vật gặp không ít khó khăn...

Theo một sự tích lưu truyền trong dân gian, ở làng Đàm Gia (châu Đại Hoàng) có một người tên Đinh Công Trứ, làm tướng cho vị hào trưởng Dương Đình Nghệ. Sau khi thắng quân Nam Hán thì được cử làm thái sứ  đất Hoan Châu. Về già, Đinh Công Trứ về quê cùng vợ trẻ là Đàm Thị.

Một hôm nọ, Đàm Thị đi tắm một mình ở dòng suối gần nhà, để quần áo ở bụi cây trên bờ, toan bước xuống nước bỗng thấy một con rái cá to xuất hiện bơi gần về phía mình. Đàm Thị sợ hãi ngất đi, đến lúc tỉnh lại thì thấy mình nằm trên cỏ, bên cạnh có con rái cá đang kiếm tay một cách vô cùng âu yếm. Đàm Thị sợ hãi vội vàng mặc quần áo chạy về nhà, giấu chồng chuyện đã xảy ra. Bà nghĩ con rái cá kia là Thần Nước hiện ra tình tự với mình.

nhung-vu-hoai-thai-voi-than-thanh-noi-tieng-nhat-lich-su-viet-nam-8
Tranh vẽ Đinh Bộ Lĩnh thời nhỏ

Không lâu sau đó, Đàm Thị có mang, ngờ là "kết quả" với con rái cá kia. Đến ngày, bà sinh ra được một cậu con trai kháu khỉnh, đặt tên là Đinh Bộ Lĩnh. Vài năm sau, Đinh Công Trứ mất mà không mảy may nghi ngờ về thân thế của đứa trẻ này.

Đinh Bộ Lĩnh lớn lên rất thông minh, có sức khỏe lại bơi lội giỏi hơn người, có thể ở dưới nước hàng giờ như rái cá. Trẻ con trong vùng đều nể sợ, bầu làm tướng. Lĩnh thường cùng trẻ con trong làng bày trận giả. Lĩnh sai bọn nhỏ bẻ hoa cờ lau làm cờ, chặt che làm khí giới, rồi làm kiệu khênh Lĩnh đi đánh nhau với trẻ con làng khác. Về sau ông dấy binh ở Hoa Lư, dẹp loạn 12 sứ quân, xưng là Vạn Thắng Vương. Ông lên ngôi, gọi là Đinh Tiên Hoàng, lập ra nước Đại Cồ Việt, mở ra thời kỳ độc lập tự chủ cho các triều đại phong kiến Việt Nam.

Theo sách An Nam chí lược: Đinh Bộ Lĩnh, người động Hoa Lư, Giao Châu. Cha là Công Trứ, làm nha-tướng của Dương Đình Nghệ. Cuối thời Ngũ Đại, Dương Đình Nghệ đi trấn Giao Châu, lấy Công Trứ quyền Thứ sử Hoan Châu. Trước đây, Ngô Quyền giết Kiều Công Tiễn, cha con Bộ Lĩnh về với Ngô Quyền, Quyền nhân khiến Công Trứ về nhiệm chức cũ. Khi Công Trứ mất, Bộ Lĩnh kế tập chức cha.

Theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư chép: "Vua mồ côi cha từ bé, mẹ họ Đàm đưa gia thuộc vào ở cạnh đền sơn thần trong động. Vào tuổi nhi đồng, vua thường cùng bọn trẻ con chăn trâu ngoài đồng. Bọn trẻ tự hiểu kiến thức không bằng vua, cùng nhau suy tôn ông làm trưởng. Phàm khi chơi đùa, thường bắt bọn chúng chéo tay làm kiệu khiêng và cầm hoa lau đi hai bên để rước như nghi trượng thiên tử. Ngày rỗi, thường kéo nhau đi đánh trẻ con thôn khác, đến đâu bọn trẻ đều sợ phục, hàng ngày rủ nhau đến phục dịch kiếm củi, thổi cơm. Bà mẹ thấy vậy mừng lắm, mổ lợn nhà cho bọn chúng ăn. Phụ lão các sách bảo nhau: "Đứa bé này khí lượng như thế ắt làm nên sự nghiệp, Chúng ta nếu không theo về, ngày sau hối thì đã muộn". Bèn dẫn con em đến theo, rồi lập làm trưởng ở sách Đào Áo. Người chú của vua giữ sách Bông chống đánh với vua. Bấy giờ, vua còn ít tuổi, thế quân chưa mạnh, phải thua chạy. Khi qua cầu ở Đàm Gia Nương Loan, cầu gãy, vua rơi xuống bùn, người chú toan đâm, bỗng thấy hai con rồng vàng hộ vệ vua, nên sợ mà lui. Vua thu nhặt quân còn sót, quay lại đánh, người chú phải hàng. Từ đấy ai cũng sợ phục, phàm đi đánh đến đâu đều dễ như chẻ tre, gọi là Vạn Thắng Vương".

Lý Công Uẩn - mẹ giao hợp với thần rồi chửa, sinh vua

Lý Thái Tổ (8 tháng 3 năm 974 – 31 tháng 3 năm 1028) tên thật là Lý Công Uẩn. Ông là vị hoàng đế sáng lập ra triều Lý, trị vì từ năm 1009 đến khi qua đời vào năm 1028.

Ông xuất thân là quan võ cao cấp dưới triều Nhà Tiền Lê, năm 1009, nhân khi vị vua cuối cùng của nhà Tiền Lê là Lê Long Đĩnh qua đời, con trai còn nhỏ, Lý Công Uẩn được lực lượng của Đào Cam Mộc và thiền sư Vạn Hạnh tôn làm hoàng đế. Trong thời kỳ trị vì của mình, ông dành nhiều thời gian để đánh dẹp các nơi phản loạn, vì cơ bản nước Đại Cồ Việt vẫn chưa thu phục được lòng tin của các tộc người vùng biên cương. Triều đình trung ương dần được củng cố, các thế lực phiến quân bị đánh dẹp, kinh đô được dời từ Hoa Lư về thành Đại La vào tháng 7 năm 1010 và thành này được đổi tên thành Thăng Long, mở đầu cho sự phát triển lâu dài của nhà Lý tồn tại 216 năm.

Theo ghi chép, Lý Công Uẩn quê ở hương Diên Uẩn, châu Cổ Pháp (nay là thị xã Từ Sơn, Bắc Ninh). Việc ông ra đời được ghi chép trong sử sách nhuốm đầy màu huyền bí. Phần lớn các bộ sử mô tả Lý Công Uẩn là con của thần nhân.

Sách Đại Việt sử ký toàn thư có giai thoại: "Vua họ Lý, húy Công Uẩn, người châu Cổ Pháp, Bắc Ninh. Mẹ họ Phạm, đi chơi chùa Tiêu Sơn cùng với người thần giao hợp rồi có chửa, sinh vào ngày 12 tháng 2 năm Giáp Tuất, niên hiệu Thái Bình năm thứ năm (974), thời Đinh".

Lúc 3 tuổi, mẹ của Lý Công Uẩn ẵm ông đến nhà Lý Khánh Văn, Khánh Văn bèn nhận làm con nuôi. Ông từ nhỏ đã thông minh, vẻ người tuấn tú khác thường. Lúc còn nhỏ đi học, nhà sư ở chùa Lục Tổ là Vạn Hạnh thấy, khen rằng: Đứa bé này không phải người thường, sau này lớn lên ắt có thể giải nguy gỡ rối, làm bậc minh chủ trong thiên hạ. Lớn lên, không chăm việc sản nghiệp, chỉ học kinh sử qua loa, khẳng khái có chí lớn.

nhung-vu-hoai-thai-voi-than-thanh-noi-tieng-nhat-lich-su-viet-nam-4
Tượng đài Lý Thái Tổ

Sách Việt sử thông giám cương mục chép rằng: "Mẹ ngài là Phạm Thị, đi chùa Tiêu Sơn, gặp thần nhân giao cấu, do đấy có thai, sinh ngài năm Giap Tuất, Thái Bình thứ năm (974), thời Đinh".

Theo sách Việt sử tiêu án: "Mẹ Lý Công Uẩn năm 20 tuổi nghèo hèn không có chồng, nương tựa người lão Sa môn ở chùa Ứng Thiên, làm việc thổi nấu, khi lửa tắt và bà đương ngủ lơ mơ, lão Sa môn ngẫu nhiên chạm phải, giật mình trở dậy rồi có thai mà sinh ra. Về sau, Lý Công Uẩn nương nhờ cửa Phật, Khánh Văn nuôi lớn, Vạn Hạnh dạy dỗ".

Tài liệu thần tích Ngọc phả cổ lục ở xã Tam Tảo, tổng Ân Phú, huyện Yên Phong (Bắc Ninh) thì cho rằng, mẹ Lý Công Uẩn là Phạm Thị Trinh, đến làm việc ở chùa Tiêu Sơn, đêm nằm mộng thấy thần Thạch Khuyển, rồi có mang, sinh ra Lý Công Uẩn.

Cũng có giai thoại cho rằng, cha thân sinh của Lý Công Uẩn là người trần mắt thịt, vì nhà nghèo đi làm ruộng thuê. Chàng phải lòng 1 tiểu thư rồi làm cô có mang, khiến cả hai bị đuổi, phải dẫn nhau bỏ làng mà đi.

Xem thêm: Quỷ Môn Quan "10 người đi, chỉ 1 người về" nổi tiếng trong sử Việt thuộc tỉnh nào?

songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận