7 năm sau thảm kịch chìm phà Sewol và những dòng tin nhắn giữa lằn ranh sinh tử
Vụ chìm phà Sewol là thảm kịch hàng hải kinh hoàng nhất trong lịch sử Hàn Quốc. Những người qua đời đều đang trong độ tuổi thanh xuân đẹp nhất.
Đúng vào ngày 16/4 của 7 năm về trước, đất nước Hàn Quốc bàng hoàng trước thảm kịch chìm phà Sewol gây ra cái chết của 304 người và 9 người mất tích. Nạn nhân hầu hết là học sinh của trường trung học Danwon. Đây là thảm kịch hàng hải kinh khủng nhất trong lịch sử xứ kim chi.
Tính đến thời điểm hiện tại, đã tròn 7 năm (2014) vụ tai nạn xảy ra nhưng nỗi đau vẫn không bao giờ nguôi ngoai đối với gia đình các nạn nhân. Đối với những ngày may mắn thoát khỏi cửa tử cũng trải qua những năm tháng ám ảnh bởi tận mắt phải chứng kiến bạn bè và thầy cô qua đời.
Nhiều năm đã trôi qua nhưng các bậc phụ huynh vẫn giữ nguyên phòng ngủ của các con mà không nỡ bỏ đi bất kỳ kỷ vật hay đồ dùng hằng ngày nào. Thú nhồi bông, sách vở và quần áo vẫn ngổn ngang trong phòng của nhiều nạn nhân.
Một trong những tình tiết đau lòng nhất của vụ tai nạn hàng hải này chính là những tin nhắn được các nạn nhân gửi đi cho gia đình, bạn bè... Dường như họ linh cảm được đó là lần cuối cùng họ được nhìn thấy ánh mặt trời, được giao tiếp với những người thân yêu.
Cụ thể, vào ngày 16/4/2014, tờ Topstarnews đưa tin, mạng xã hội Hàn Quốc lan truyền một đoạn tin nhắn với tiêu đề "Tin nhắn cuối cùng trên phà Sewol".
Tin nhắn này được cho là thuộc về một học sinh đi trên phà. Học sinh này nhắn với bố rằng: "Bố ơi, con yêu bố" và lặp lại điều đó 1 lần nữa. Tin nhắn được gửi đi lúc 8h59. 7-8 phút sau người bố mới trả lời nhưng ông không ngờ rằng mình đã chậm trễ mất rồi.
Người bố nhắn lại cho con trai lúc 9h07 với nội dung: "Sao tự nhiên con lại nói vậy? Bố cũng yêu con. Trời hôm nay khá đẹp đấy. Con đi chơi vui rồi về. Khi nào đến nơi thì nhắn tin cho mẹ nhé".
Khoảng 20 phút sau, người bố gọi lại nhưng không thấy con bắt máy: "Con trai, hãy gọi về cho bố đi". Rồi lại một lúc sau nữa: "Bố yêu con. Con trai à, làm ơn chỉ cần con bình yên trở về là được". Người bố lo lắng cứ nhắn tin nhưng không bao giờ nhận lại được một tin nhắn nào của con nữa.
Theo ghi chép, phà Sewol chìm vào khoảng 8h58 và đó cũng là thời điểm cậu con trai gửi tin nhắn cuối cùng cho bố của mình.
Ngoài câu chuyện trên thì còn rất nhiều tin nhắn khác được gửi đi trước khi còn phà bị nhấn chìm dưới đại dương rộng lớn. Một nam sinh đã nhắn cho mẹ lúc phà chìm xuống: "Mẹ ơi, con sợ mình không còn cơ hội để nói điều này nữa nên con giờ con sẽ nói điều này. Con yêu mẹ".
Một nam sinh khác gửi tin cho chị gái: "Chị ơi, chiếc phà đang kì lạ lắm. Em yêu chị nhiều. Thời gian qua đã không thể nói điều này, em xin lỗi. Hãy nói với mẹ rằng em yêu mẹ hộ em nữa nhé. Em đến với bố đây".
Có rất nhiều tin nhắn cuối cùng của các nạn nhân được báo chí Hàn Quốc và quốc tế đăng tải sau vụ chìm tàu. CNN từng trích dẫn một tin nhắn của nạn nhân: "Không có sóng điện thoại và cũng không có kết nối Internet. Chỉ có thể nhắn tin. Vẫn còn có người trên phà. Không thể nhìn thấy gì vì xung quanh tối om. Có một số người đàn ông và phụ nữ, những phụ nữ đang la hét".
Hay:"Vẫn còn có người trên tàu", một học sinh nhắn cho mẹ, "và chúng con chưa chết, do đó, làm ơn hãy gửi tin nhắn này đi".
Một người bố khác khuyên con mình rời khỏi nơi trú ẩn và ra ngoài để lực lượng cứu hộ tìm thấy: "Không, con không thể di chuyển bởi phà quá nghiêng. Di chuyển còn nguy hiểm hơn", học sinh này trả lời.
"Có cứu hộ đấy, con cố trèo ra ngoài đi", người bố viết.
"Không, bố ơi, con không thể đi được. Không có ai ở ngoài hành lang cả. Phà nghiêng quá".
Một tin nhắn khác của học sinh gửi mẹ được báo chí Hàn Quốc đăng tải: "Mẹ, bởi con sợ là sau này không thể nói với mẹ nên gửi tin nhắn này. Con yêu mẹ". Người mẹ, dường như chưa rõ điều gì đang xảy ra, trả lời: "Con sao vậy? Sao con lại không đọc tin nhắn? Mẹ cũng yêu con, con trai".
Cách đây khoảng 3 năm, đài EBS đã phát sóng một bức hình cảm động của những người đàn ông là bố của 5 nam sinh có mặt trên phà Sewol và tử nạn gây xúc động mạnh. 5 nam sinh là nhóm bạn thân và để tưởng niệm con, các ông bố đã tập hợp lại và chụp chung một bức ảnh mô phỏng lại bức ảnh của 5 đứa trẻ với lời nhắn: "Bố tin rằng con sẽ luôn ở bên cạnh bố mẹ. Con hãy chơi vui cùng các bạn nhé. Bố yêu con".
Theo báo chí Hàn Quốc, phà Sewol vào ngày 16/4/2014 đã chở hơn 400 hành khách, gửi tín hiệu cấp cứu vào lúc 8h58 sáng ở vùng biển cách đảo Byungpoong 20 km. Trong số đó có 340 người là học sinh và giáo viên thuộc trường trung học Danwon, gần thủ đô Seoul, đang tới đảo Jeju theo một chuyến dã ngoại của trường.
Theo Reuters, lực lượng cứu hộ đã cứu được 179 hành khách, xác nhận có 6 người chết và còn khoảng 290 người mất tích. Gia đình các nạn nhân mất tích đã tập trung tạo đảo Jindo nhiều ngày để đợi tin tức của người thân.
Park Yung-suk - một phụ huynh từng nói rằng, bà đã nhìn thấy thi thể cô giáo dạy con gái được đưa lên bờ. Và nếu có thể lặn, bà sẽ nhảy xuống để tìm con gái.
Vụ chìm tàu thảm khốc này từng dẫn đến làn sóng phản đối chính phủ gay gắt tại Hàn Quốc vì Tổng thống Park Geun-hye được cho là "biến mất" nhiều giờ khi vụ việc xảy ra. Bà Park vừa bị phế truất theo phán quyết của Tòa án Hiến pháp Hàn Quốc với cáo buộc lạm dụng quyền lực.
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận