Nguyễn Khắc Chung: “Khuyết tật chỉ là bất tiện, không phải là bất hạnh”

“Khuyết tật chỉ là bất tiện, không phải là bất hạnh” - đây là phương châm sống của anh Nguyễn Khắc Chung, một người khuyết tật vận động đang học thạc sĩ tại Úc.

Đỗ Thu Nga
17:00 10/01/2024 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Nguyễn Khắc Chung, sinh năm 1988 tại Tây Ninh. Ước mơ bồi đắp kiến thức, phát triển kỹ năng để có thể hoạt động hiệu quả trong lĩnh vực hỗ trợ người khuyết tật đã thôi thúc anh nỗ lực giành học bổng của chính phủ Úc.

Vốn là biên tập viên truyền hình, nhưng lại đam mê nghề dạy học, anh Chung chuyển hẳn sang ngành giáo dục và đã có thời gian 7 năm giảng dạy tại một trường phổ thông liên cấp. Ngoài những giờ lên lớp, anh có cái thú chu du, khám phá những miền đất mới. Với anh, đó là cơ hội để tìm hiểu văn hóa các địa phương, làm giàu thêm cho mình vốn sống.

Mơ ước được khám phá, trải nghiệm, tích lũy được nhiều hơn từ những nền giáo dục tiên tiến, anh đã tìm đến học bổng chính phủ Úc. Nhưng hành trình chinh phục học bổng của chính phủ Úc của anh Chung là cả chặng đường dài 5 năm với rất nhiều nỗ lực. Nào trau dồi tiếng Anh, nào tham gia các công tác xã hội, làm tình nguyện ở nhiều tổ chức để tích lũy kinh nghiệm…Anh cho rằng đó chính là điểm cộng để anh có được học bổng mơ ước.

nguyen-khac-chung-khuyet-tat-chi-la-bat-tien-khong-phai-la-bat-hanh

“Học bổng của Chính phủ Úc đã đưa Chung đến với một thế giới mới, tại đây mình được sinh sống, học tập và trải nghiệm những khoảnh khắc có thể nói là không thể nào quên trong cuộc đời, được sống và học tập trong môi trường giáo dục nhân văn theo đúng nghĩa của từ này” – anh Chung chia sẻ.

Sinh viên là người khuyết tật được hỗ trợ tối đa. Đầu tiên, trường khảo sát, đánh giá tình trạng khuyết tật để cung cấp trang thiết bị hỗ trợ phù hợp.

Anh Chung được cấp 1 xe scooter và 1 xe lăn. Tại ĐH La Trobe, các khu vực chung như cửa phòng học, thang máy đều được thiết kế tiêu chuẩn để xe scooter có thể di chuyển dễ dàng. Đặc biệt, trường có nhiều nhà vệ sinh dành cho người khuyết tật, bố trí khắp trong khuôn viên trường với không gian rộng rãi và tiện nghi.

Anh Chung cũng như những người khuyết tật khác không gặp khó khăn về chương trình học và phát triển kỹ năng ở Úc, bởi chương trình học được xây dựng đảm bảo hòa nhập cho tất cả mọi người. Vì thế, là người khuyết tật vận động sinh sống và học tập tại Úc gần nửa năm nay, anh Chung không cảm thấy bị lẻ loi, cô lập trong môi trường học tập hay trong không gian sống của mình.

Ý thức rõ rằng, kiến thức có được từ giảng đường, các kỹ năng, kinh nghiệm có được sẽ giúp ích rất nhiều cho công việc sau này, cho nên, vừa tập trung cho học tập, nghiên cứu, anh Chung vừa tìm hiểu và apply các vị trí như thực tập sinh tại các cơ sở giáo dục của Úc hay Đại diện sinh viên của Trường ĐH La Trobe, dành thời gian tham gia các hoạt động cộng đồng như Chương trình Lãnh đạo La Trobe…

nguyen-khac-chung-khuyet-tat-chi-la-bat-tien-khong-phai-la-bat-hanh-0

Hoạt động trong lĩnh vực hỗ trợ sinh viên, đặc biệt là sinh viên khuyết tật ở trường đại học là mơ ước của anh Chung khi trở về nước. Anh khát khao được áp dụng kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng đã tích lũy được để góp phần phát triển trường học, đặc biệt là truyền cảm hứng cho các bạn trẻ.

Xây dựng dự án “Tiếng anh online dành cho người khuyết tật” để có thể nói xóa bỏ rào cản “tiếng Anh” đối với không ít người khuyết tật, giúp họ có cơ hội phát triển bản thân, vươn ra thế giới cũng là một trong những mục tiêu anh Chung nhắm đến khi trở về Việt Nam.

“Dù làm gì, ở đâu chăng nữa thì tham gia các hoạt động thiện nguyện, hỗ trợ người khuyết tật, tạo cơ hội cho họ tiếp cận với giáo dục, việc làm phù hợp vẫn là ưu tiên hàng đầu của tôi” - Anh Chung trải lòng.

“Khuyết tật chỉ là bất tiện, không phải là bất hạnh” – anh đồng thời mong muốn truyền cảm hứng, hình thành và phát triển tư duy tích cực này ở những người có cùng hoàn cảnh như mình.

Học bổng Chính phủ Australia là một phần quan trọng trong hỗ trợ của Australia dành cho sự phát triển kinh tế – xã hội hòa nhập của Việt Nam. Chương trình góp phần thúc đẩy sự tham gia và tiếp cận bình đẳng cho mọi đối tượng, bao gồm phụ nữ, người khuyết tật, và người đến từ những vùng nông thôn khó khăn. Niên khóa tiếp theo sẽ bắt đầu nhận hồ sơ từ ngày 1/2 đến hết ngày 30/4/2024.

(Theo Giáo dục và Thời đại)

Xem thêm: Lão tướng thể thao khuyết tật và lớp học miễn phí dành cho những học trò đặc biệt

songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận