Đôi dòng tâm sự về Bác Hồ của cô con gái nuôi ở Pháp : "Tôi nhớ đến Người mỗi ngày trong cuộc đời của tôi"

Bà Elisabeth Helfer Aubrac chính là người con gái nuôi của Bác Hồ tại Pháp. Trong mắt bà, Bác Hồ vĩ đại bởi những điều giản dị và thấm đẫm nhân văn.

Đỗ Thu Nga
10:00 01/05/2022 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Ông Lê Tấn Xuân - một trong số những tay máy chụp ảnh chính của Hội người Việt Nam tại Pháp cho biết: Mùa hè năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Cộng hòa Pháp theo lời mời và là thượng khách của Chính phủ Pháp. Đây là chuyến thăm ngoại giao đầu tiên của Người trên cương vị nguyên thủ quốc gia Việt Nam độc lập, thống nhất, bắt đầu một thời kỳ đối ngoại Việt Nam hòa bình, nhân văn và cùng phát triển.

Vào thời điểm này, đồng chí Phạm Văn Đồng dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam sang Pháp tham dự Hội nghị Fontainebleau. 

Ông Xuân là người được Hội phân công đi theo chụp ảnh đoàn ngoại giao. Sau này, ông mới biết, trong thời gian ở Pháp, Bác Hồ và các thành viên trong đoàn đã có những ngày sống trong ngôi nhà của ông bà Raymond Aubrac. Họ đã trở thành những người bạn thân thiết.

Nguoi-con-gai-nuoi-cua-Bac-Ho-o-Phap-la-ai
Hình ảnh Bác Hồ và con gái đỡ đầu tại Pháp năm 1946 do ông Lê Tấn Xuân chụp và xử lý lại

Bác Hồ đã nhận lời làm cha đỡ đầu cho cô con gái nhỏ mới sinh của cặp vợ chồng này. Cũng chính thời gian đó, rất nhiều hình ảnh của Bác trong sinh hoạt đời thường được ông Raymond Aubrac ghi lại, kể cả những khoảnh khắc Người ngả lưng nghỉ mệt cho đến cưng nựng cô con gái của vợ chồng ông Raymond Aubrac.

Theo VOV, căn hộ nhỏ nằm ở quận 9 Paris của vợ chồng bà Elisabeth Helfer Aubrac (con nuôi Bác Hồ) vẫn đầy ắp những hiện vật về Việt Nam. Trong mắt bà "con người Bác Hồ vĩ đại bởi chính những điều rất giản dị và thẫm đẫm nhân văn. Và tôi nhớ đến Người mỗi ngày trong cuộc đời của tôi".

Người phụ nữ ấy từng kể lại: "Tôi đọc lại cuốn sách cha tôi viết và nghe ông kể lại, vì khi đó, tôi mới sinh ra. Năm 1946, khi sang Pháp tham dự Hội nghị Fontainebleau, Bác Hồ đã gặp cha tôi, cựu ủy viên cộng hòa ở Marseille, nghị sĩ Quốc hội Pháp.

Cha tôi đã ngỏ ý mời Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm gia đình mình và nhận lời mời của cha tôi, Bác Hồ đã chuyển về ở trong căn nhà và khu vườn của chúng tôi từ đầu tháng 8 đến giữa tháng 9/1946. Ngày 15/8 năm đó, mẹ tôi đã sinh tôi, đặt tên là Elisabeth. Bác Hồ đã đến nhà hộ sinh Port - Royal ở Paris thăm hai mẹ con, tặng quà và nhận làm cha đỡ đầu của tôi. Bác gọi tôi theo cái tên thân mật Babette".

Nguoi-con-gai-nuoi-cua-Bac-Ho-o-Phap-la-ai-8
Bà Elisabeth Helfer Aubrac với quả cầu nhỏ được Bác Hồ tặng nhân ngày sinh nhật (Ảnh: VOV)

Bà Elisabeth tỏ ra vô cùng hãnh diện khi lật giở những món quà nhỏ là quả cầu hình tròn tượng trưng cho sự bất tử, có khắc hình hoa rất đẹp mà Bác Hồ tặng nhân ngày sinh nhật của bà. Món quà - dù đã bị vỡ một vài cạnh chạm khắc nhỏ khi cô bé Babette chơi ngày nhỏ - nhưng đến nay vẫn luôn được giữ gìn cẩn thận trong tủ kính lưu niệm trong phòng khách.

Có lẽ, cũng chính ấn tượng về quả cầu đặc biệt ấy từ nhỏ mà bà Elisabeth có niềm đam mê với những đồ vật hình tròn, đặc biệt bằng đá, tượng trưng cho sự bất tử, cho tương lai.

Những năm tháng tuổi thơ, cô bé Babette thường xuyên vẽ tranh, viết thư gửi cha nuôi. Dù bận bịu và trong hoàn cảnh chiến tranh khốc liệt, Bác Hồ luôn trả lời. Có khi là một bức thư ngắn, khi là một bức ảnh có dòng nhắn gửi tình cảm và chữ ký của Người. Đôi khi là những lời thăm hỏi, nhắn nhủ qua những người bạn của gia đình Aubrac có dịp gặp Bác tại Hà Nội.

Người cũng gửi tặng cô con gái nuôi Babette một chú bé cưỡi trâu bằng ngà, mà bà giữ gìn như một kỷ vật quý giá trong cuộc đời mình.

Nguoi-con-gai-nuoi-cua-Bac-Ho-o-Phap-la-ai-7
Những món quà của Chủ tịch Hồ Chí Minh được Elisabeth Helfer Aubrac giữ gìn cẩn thận trong tủ kính

Bà Elisabeth Helfer Aubrac xúc động khi mở cho phóng viên VOV xem món quà đặc biệt nhất là Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi tặng trong lần gặp cuối cùng giữa cha bà với Bác khoảng năm 1967 là một tấm lụa màu ngà để may áo cưới khi nào cô con gái nuôi lập gia đình. 

Tấm vải vẫn giữ nguyên màu vàng ngà cùng độ mềm mại của vải lụa Hà Đông, bên trong kẹp một mẩu giấy nhỏ viết "Làng lụa Vạn Phúc, Hà Đông, Hà Nội".

Bà Elisabeth nói: "Chủ tịch Hồ Chí Minh thực sự vĩ đại của cách sống thấm đẫm nhân văn, với những điều giản dị, rất "con người". Người có sự gần gũi và thuyết phục được mọi người đối diện. Không giống phong cách của một nhà lãnh đạo hay chính trị gia hay nhà ngoại giao, Chủ tịch Hồ Chí Minh gần gũi với mọi tầng lớp từ người công nhân hay người nông dân.

Tôi luôn nhớ về Người mỗi ngày và tôi cảm thấy có sợi dây liên lạc gần gũi với nhân dân và đất nước của vị cha đỡ đầu đáng kính của tôi. Tôi đã cùng cha đẻ Raymond Aubrac đến Việt Nam vài lần. Hai vợ chồng tôi là giáo viên và thật trùng hợp khi chồng tôi mỗi năm hai lần đến Việt Nam giảng dạy tại Trung tâm Pháp – Việt đào tạo về Quản lý CFVG tại Hà nội. Chúng tôi rất vui và hạnh phúc khi có nhiều học sinh và sinh viên Việt Nam đến thăm và coi đây như một ngôi nhà Việt Nam".

Nguoi-con-gai-nuoi-cua-Bac-Ho-o-Phap-la-ai-5
Bà Elisabeth Helfer Aubrac vẫn ghi nhớ và tự hào về mối cơ duyên đã kết nối bà với Bác

Bà Elisabeth Helfer Aubrac cũng rất tự hào kể lại sự gắn kết của cha bà, nhà cách mạng Raymond Aubrac – người bạn thân thiết luôn sát cánh cùng nhân dân Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến chống Thực dân Pháp và Đế quốc Mỹ.

Nhà cách mạng Raymond Aubrac đã có nhiều đóng góp tích cực vào sự nghiệp đổi mới của Việt Nam và vun đắp tình hữu nghị, hợp tác Việt - Pháp. Ông là người đã giúp đỡ ký kết Bản thỏa thuận thương mại đầu tiên giữa Việt Nam và Pháp (năm 1955); trao đổi thông điệp giữa Hà Nội và Washington để xác định chấm dứt vô điều kiện việc Mỹ ném bom xuống Việt Nam (1967); kêu gọi chấm dứt việc ném bom xuống các đê sông Hồng (1972); đại diện Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc thực hiện chương trình trợ giúp của Liên Hiệp Quốc cho Việt Nam thống nhất (1976); yêu cầu Mc Namara chấp thuận chuyển giao cho Việt Nam sơ đồ các bãi mìn ở vĩ tuyến 17 (1979) và thực hiện nhiều chương trình hợp tác kỹ thuật giúp Việt Nam của Liên Hiệp Quốc, FAO và Pháp từ 1976…

Nhà cách mạng Raymond Aubrac mất năm 2012 và để ghi nhớ công lao của ông, Chủ tịch nước đã truy tặng ông Huân chương Hồ Chí Minh vào năm đó.

(Theo CAND, VOV)

Xem thêm: Chuyện chưa kể về lá thư chuyển tiền của Bác Hồ gửi Tổng cục Chính trị để mua thêm nước uống cho bộ đội

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận