Cao tay như Ngô Thì Nhậm: Dùng "nước cờ Tam Điệp" giúp Quang Trung diệt gọn 29 vạn quân Thanh
Ngô Thì Nhậm là vị mưu sĩ tài ba, nhà ngoại giao xuất sắc. Nhờ "nước cờ Tam Điệp" của ông mà vua Quang Trung dễ dàng đại phá 29 vận quân Thanh.
Thân thế của Ngô Thì Nhậm
Ngô Thì Nhậm (hay còn gọi là Ngô Thời Nhiệm, 25/10/1746 - 1803) tự là Hy Doãn, hiệu Đạt Hiên. Về Phật học lại có đạo hiệu Hải Lượng, là một danh sĩ, nhà văn đời Hậu Lê và Tây Sơn, người có công lớn trong việc giúp triều Tây Sơn đánh lui quân Thanh.
Sử sách có ghép, ông vốn là người thông minh, học giỏi, sớm có những công trình về lịch sử. Ông xuất thân trong gia đình vọng tộc ở Bắc Hà, là con của Ngô Thì Sĩ, người làng Tả Thanh Oai (nay là huyện Thanh Trì, Hà Nội).
Nhờ truyền thống gia đình văn học và tư chất thông minh mà Ngô Thì Nhậm thành công từ khá sớm. Năm 16 tuổi, ông đã viết cuốn "Nhị thập tứ sử toát yếu". Mười chín tuổi đỗ đầu kỳ thi Hương. Hai mươi tuổi viết "Tứ gia thuyết phả".
Năm 1768, 23 tuổi, ông thi đỗ giải Nguyên, được bổ Hiến sát phó sứ Hải Dương. Năm 1771, 26 tuổi, ông dự khảo thí ở Quốc tử giám, đỗ ưu hạng đồng thời hoàn thành "Hải đông chí lược", một tập địa phương chí của Hải Dương.
Đến năm 1775, ông thi đỗ thứ năm hàng Tiến sĩ tam giáp, cùng khoa với Phan Huy Ích. Ðạt được học vị cao nhất của thang giá trị học vấn thời đó. Được chúa Trịnh Sâm rất quý mến và nhận xét là "Tài học không ở dưới người". Sau khi đỗ đạt, ông được bổ làm quan Hộ khoa cấp sự trung ở bộ Hộ dưới triều Lê – Trịnh.
Năm 1776, ông được bổ làm Giám sát Ngự sử đài đạo Sơn Nam, sau đó thăng Ðốc đồng trấn Kinh Bắc. Năm 1778, ông vẫn giữ chức Ðốc đồng Kinh Bắc nhưng kiêm thêm chức Ðốc đồng Thái Nguyên. Khi đó cha ông làm Đốc đồng Lạng Sơn. Cha con đồng triều, nổi tiếng văn chương trong thiên hạ.
Không phụ lòng tin của vương thượng, ông dâng nhiều kế sách hay trong đạo trị nước, trong đó có các bài biểu nổi tiếng như Giáo nghị, Pháp nghị và Chính nghị. Tuy nhiên, do triều đại Lê – Trịnh đang ở vào thời suy vi, nên dù rất khen kế sách của ông, Trịnh Sâm cũng không thể áp dụng nó vào thực tế.
Sau vụ án năm Canh Tý (1780), Ngô Thì Nhậm được thăng làm Công bộ Hữu thị lang. Vụ này khiến cho giới sĩ phu Bắc Hà nghi ngờ Ngô Thì Nhậm là người tố giác Trịnh Khải, nên phải bỏ trốn về quê vợ ở Bách Tính, Nam Định (nay là Bách Tính, xã Nam Hồng, huyện Nam Trực, Nam Định) lánh nạn.
Cha ông mất cùng năm sau vụ án Canh Tý. Do đó, Ngô Thì Nhậm mới bị cái tiếng "sát tứ phụ nhi thị lang" (giết bốn cha để được chức Thị lang. Bốn cha ý chỉ Ngô Thì Sĩ và ba người bạn vong niên của ông Sĩ là Nguyễn Khản, Nguyễn Phương Ðĩnh và Nguyễn Khắc Tuân).
Với tư tưởng lấy trung làm đầu, khi Nguyễn Huệ mang quân ra đất Bắc lần thứ nhất, Ngô Thì Nhậm đã từng gọi Nguyễn Huệ là giặc, từ bỏ đất kinh kỳ đi "lánh nạn", hưởng thú vui "nhắm rượu với cua bèo". Nhưng đến năm 1788, Nguyễn Huệ ra Bắc lần 2, xuống lệnh "cầu hiền" tìm kiếm quan lại triều cũ. Danh sĩ Bắc Hà đã đầu quân cho nhà Tây Sơn, từ trước đó mới chỉ có Trần Văn Kị, Ngô Văn Sở và Đặng Tiến Đông. Tuy vậy, tới thời điểm này thì cả vua Lê lẫn chúa Trịnh đều đã đổ.
Ngô Thì Nhậm và một số thân sĩ Bắc Hà khác như Phan Huy Ích, Bùi Dương Lịch; các tiến sĩ Ninh Tốn, Nguyễn Thế Lịch, Nguyễn Bá Lan; Đoàn Nguyễn Tuấn (anh rể Nguyễn Du); Vũ Huy Tấn; Nguyễn Huy Lượng (tác giả "Tụng Tây Hồ phú")... lần lượt ra làm quan cho nhà Tây Sơn. Ngô Thì Nhậm là người đầu tiên trong đám nhân sĩ Bắc Hà tới trình diện ở Bộ Lễ. Sau đó, ông nhận được lòng tin của Nguyễn Huệ.
Nước cờ Tam Điệp" của Ngô Thì Nhậm
Sử Việt có chép, cuối năm 1788, lợi dụng vua Lê Chiêu Thống "rước voi về rày mả tổ", nhà Thanh phái tổng đốc Lưỡng Quảng Tôn Sĩ Nghị đem 29 vạn quân sang xâm lược nước ta. Đội quân xâm lược đông đảo, hừng hực khí thế đó nhanh chóng bị vua Quang Trung đánh bại. Trong chiến thắng lịch sử đó không thể không nhắc đến "nước cờ Tam Điệp" của Ngô Thì Nhậm. Kế sách này của ông đã đi vào lịch sử với câu nói nổi tiếng: "Cho giặc ngủ trọ một đêm rồi ta đuổi nó đi".
Sách Hoàng lê nhất thống chí chép: Cuối tháng 10/1788, 29 vạn quân Thanh áp sát biên giới phía Bắc, vượt biên vào nước ta. Nhận được tin, quân Tây Sơn ở Thăng Long họp bàn khẩn cấp, tìm đối sách chống giặc.
Trong cuộc họp này, đa số thủ lĩnh muốn dùng quân mai phục đánh úp dọc đường. Song Ngô Thì Nhậm phản đối kế sách này. Ông cho rằng, Tây Sơn bây giờ đang rơi vào cảnh bất lợi. Cựu thần nhà Lê sẵn sàng chỉ điểm cho quân xâm lược tiêu diệt quân Tây Sơn. Ngoài ra, binh pháp dạy: "Khéo mai phục thì thắng, lầm mai phục là thua".
"Nay, ta giữ quân mà rút về chỗ hiểm Tam Điệp, không bị mất một mũi tên. Cho giặc vào Thăng Long ngủ trọ một đêm, rồi tung quân ra đánh, đuổi chúng đi, có mất gì đâu?”, Ngô Thì Nhậm nói. Nước cờ Tam Điệp được lập như thế. Thực hiện kế sách của Ngô Thì Nhậm, quân Tây Sơn rút về phòng tuyến Tam Điệp, đợi vua Quang Trung tiến quan.
Lúc này, phía quân Thanh nghe tin Thăng Long bỏ trống, Lê Chiêu Thống vội đem đám tay chân nhập đô, thăm thú tình hình, rước quân Thanh tràn vào nước ta. Trong khi đó, Tôn Sĩ Nghị chủ quan với nhận định ngông cuồng: "Năm đã gần hết, việc gì phải vội vàng? Không cần đánh gấp! Giặc còn gày, ta nên nuôi nó béo, để nó tự dẫn xác đến làm thịt".
Nhưng Tôn Sĩ Nghị không kịp ăn Tết xong thì bị vua Quang Trung đưa quân ra đánh cho đại bại trong 1 chiến dịch chớp nhoáng. Cụ thể, sau khi tiến quân ra Bắc Hà, trong vòng 5 ngày đêm ngắn ngủi, từ đêm 30 đến trưa mồng 5 tết Kỷ Dậu 1789, vua Quang Trung đã đánh tan 29 vạn quân Thanh. Theo ghi chép của các giáo sĩ phương Tây, chỉ còn vài trăm tên lính Thanh cùng chủ tướng Tôn Sĩ Nghị chạy thoát sang biên giới.
Chiến thắng của vua Quang Trung là 1 trong những chiến công hiển hách trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Chiến thắng ấy thể hiện tài thao lược của Quang Trung rất rõ ràng. Song cũng phải thừa nhận, chiến công ấy có vai trò quan trọng của mưu kế lui binh về Tam Điệp của Ngô Thì Nhậm.
Giáo sư Lê Văn Lan trong cuốn sách Lời trong việc quân do Nxb Quân đội nhân dân ấn hành đã có đánh giá: “Vậy là “nước cờ Tam Điệp” đã được ấn định. Trong thực tế lịch sử cuối năm 1788 – đầu năm 1789, đó là “nước đi trước” tạo tiền đề và cơ sở cho “nước cờ sau”: Chiến dịch giải phóng Thăng Long, từ đêm 30 Tết đến mồng 5 tháng Giêng đầu xuân năm Kỷ Dậu (1789), do Quang Trung Nguyễn Huệ làm Hoàng soái, quét sạch 29 vạn quân Thanh xâm lược khỏi cõi bờ!”.
Chính vua Quang Trung – vị thiên tài quân sự bách chiến bách thắng cũng đã thừa nhận và đánh giá rất cao “nước cờ Tam Điệp” của Ngô Thì Nhậm. Theo Hoàng Lê nhất thống chí, vua Quang Trung khi ra đến Tam Điệp đã nói: “Chịu nhịn để tránh sức mạnh ban đầu của giặc, đành hãy chỉnh đốn đội ngũ, rút về giữ chỗ hiểm yếu, trong thì khiến cho lòng quân phấn khích, ngoài thì khiến cho giặc kiêu căng, đó là một kế rất hay. Khi mới nghe việc, ta đã đoán là Ngô Thì Nhậm chủ trương. Lúc hỏi đến Nguyễn Văn Tuyết thì quả đúng như vậy”.
Tài ngoại giao khiến vua Càn Long kính nể
Không chỉ hiểu rõ binh pháp đánh giặc trong lòng bàn tay, Ngô Thì Nhậm còn được các sử gia ca ngợi là nhà ngoại giao xuất sắc. Ông đã góp công lao to lớn vào thắng lợi bang giao của nhà Tây Sơn. Được biết, phần lớn các thư từ bang giao giữ nhà Tây Sơn và nhà Thanh đều do chính tay Ngô Thì Nhậm soạn thảo.
Những văn kiện ngoại giao của Ngô Thì Nhậm thể hiện rõ nguyên tắc chủ quyền lãnh thổ, danh dự quốc gia với các chính sách mềm dẻo, linh hoạt nhưng cũng không kém phần cứng rắn. Bên cạnh đó, ông cũng đã có 2 lần đi sứ sang nhà Thanh vào những dịp rất quan trọng, khoảng các năm 1790, 1792 - 1793.
Sử sách nhà Tây Sơn có chép, ngay sau khi quét sạch quân Thanh xâm lược, vua Quang Trung đã đưa ra nhận định rất sáng suốt: "Nước lớn gấp 10 lần nước ta, thua một trận ắt lấy làm nhục mà báo thù. Đến lúc ấy chỉ có người khéo đường từ lệnh mới dập tắt được lửa chiến tranh. Ngoài Ngô Thì Nhậm, không ai làm nổi".
Sau khi nhận định được tình hình, Quang Trung nói với Ngô Thì Nhậm: "Nước lớn gấp 10 lần nước ta, thua một trận ắt lấy làm nhục mà báo thù. Đến lúc ấy chỉ có người khéo đường từ lệnh mới dập tắt được lửa chiến tranh. Ngoài Ngô Thì Nhậm, không ai làm nổi".
Nhận lệnh, Ngô Thì Nhậm đã tận lực vì sứ mệnh lớn lao đó. Chỉ trong khoảng 1 năm, ông đã 3 lần lên ải Nam Quang, thảo hàng chục thư biểu, công văn với lời lẽ vừa cứng rắn, vừa mềm dẻo, để biến cuộc đối đầu gươm súng giữa Tây Sơn và nhà Thanh thành cuộc bang giao hữu hảo.
Các tư liệu lịch sử cho thấy, trong cả 2 lần đi sứ sang Trung Quốc, Ngô Thì Nhậm đều được vua Càn Long và triều thần nhà Thanh nể phục, hết lời khen ngợi, ban thưởng cho nhiều vật phẩm có giá trị.
Xem thêm: Nhà Tây Sơn: Nguyễn Huệ quá nổi bật, vậy Nguyễn Nhạc ở vị trí nào, có công trạng gì?
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận