Nghệ thuật trào phúng trong "Hạnh phúc của một tang gia"

Đề bài: Phân tích nghệ thuật trào phúng trong tác phẩm "Hạnh phúc của một tang gia".

Đỗ Thu Nga
12:00 03/02/2024 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

“Rong chơi” trên cõi trần thế chỉ hai mươi bảy năm ít ỏi, đã hơn tám mươi năm sau ngày ông rời xa cõi tạm, nhà văn Vũ Trọng Phụng vẫn kịp cho hậu thế những nhân vật thật đặc biệt, thật ấn tượng qua những trang văn đậm màu sắc trào phúng sâu sắc. Được mệnh danh là “ông vua phóng sự đất Bắc”, Vũ Trọng Phụng đã gắn tâm huyết cả cuộc đời mình vào tình yêu với nghề, với nghệ, ông đã mang những đóng góp thật to lớn vào nền văn xuôi Việt Nam, đặc biệt là những tác phẩm trào phúng đả kích sâu cay vào cái xã hội tư sản Việt Nam nhố nhăng, đồi bại, thối nát mà tác giả gọi là xã hội “chó đểu”, xã hội qua “Số đỏ” thấu đến “Hạnh phúc của một tang gia”.

Vũ Trọng Phụng được biết đến là một nhà văn và nhà báo nổi tiếng của Việt Nam vào đầu thế kỉ XX. Những tác phẩm văn học của ông đã góp phần cho văn học Việt Nam trước cách mạng tháng Tám một diện mạo mới. Trong toàn bộ những tác phẩm của ông, chúng ta đều có thể thấy rất rõ ý thức bênh vực con người lao động. Chính ngòi bút trào phúng sắc sảo của ông đã vạch trần bản chất của những cái xấu xa, cái ác, bẩn thỉu của một xã hội cũ. Đồng nghĩa với đó là sự tất yếu phải xây dựng một xã hội mới của nhân dân. Có thể nói nhà văn Vũ Trọng Phụng đã thấu hiểu tận cùng cái đáy của xã hội thời ấy ở một góc nhìn không phải là ở trên xuống, từ ngoài nhìn vào là chính là người trong cuộc mới nhìn thấu được con người, xã hội và đưa vào từng trang viết. Những tác phẩm của nhà văn Vũ Trọng Phụng, đúng là được coi là những tác phẩm vượt thời gian. Trong quan điểm của ông, con người nếu không hiện ra những kẻ như những kẻ vô nghĩa lý, sống một cách máy móc , trái với quy luật tự nhiên thì cũng là những kẻ mang tính vô luân: dâm- đểu- bịp, vậy là lại toàn gặp may. Trong các sáng tác của Vũ Trọng Phụng, yếu tố trào phúng như là một đặc điểm nổi bật, đó cũng là sở trường của ông tạo nên sức mạnh nghệ thuật về ngôn từ cũng như nội dung. Tiêu biểu cho phong cách nghệ thuật của ông phải kể đến tác phẩm “Hạnh phúc của một tang gia” - được trích thuộc chương XV của tiểu thuyết “Số đỏ”, được viết và đăng báo năm 1936 và in thành sách năm 1938.

Nghệ thuật trào phúng là nghệ thuật gây cười nhằm đả kích, mỉa mai, châm biếm những hiện tượng xấu xa trong đời sống. Nó được biểu hiện qua tình huống, chân dung các nhân vật biếm họa, nghệ thuật phóng đại, ngôn ngữ, giọng điệu đầy tính mỉa mai. Hạnh phúc của một tang gia tạo nên sự mâu thuẫn bởi nhắc đến tang gia là nhắc đến gia đình có người mất. Lẽ ra, không khí bao trùm phải là sự ảm đạm, nỗi buồn thương trước sự ra đi của người đã khuất, nhưng ở đây, tác giả lại sử dụng từ hạnh phúc. Hạnh phúc mang một ý nghĩa vui vẻ, sung sướng, là thỏa nguyện được nỗi mong muốn bấy lâu nay chính vì thế mà nó ngụ ý đầy mỉa mai, trách móc. Chính nhan đề đã lột tả tính châm biếm, mỉa mai của một gia đình trước sự ra đi của một ai đó. Tưởng chừng như một đám tang đầy nỗi đau buồn, xót xa, cảnh nước mắt chảy đầm đìa nhưng trong tác phẩm này, ta lại thấy một đám tang hoàn toàn trái ngược. Chính cái chết của cụ tổ mà ta thấy được một hiện thực của xã hội lúc bấy giờ, một đám tang vừa đáng cười, vừa đáng khóc, đáng trách. Khóc vì một bộ phận tuổi trẻ với đạo đức của con người thay đổi đến mức tệ hại. Cụ Tổ mất đi, không có một sự đau buồn, một sự thương xót mà trái lại tất cả thành viên trong gia đình đều vui mừng, hạnh phúc vì ước nguyện của mọi người được thực hiện. Đây là lúc họ được thực hiện chúc thư của cụ: được chia nhau cái gia sản kếch xù của cụ Tổ. Vậy nên “cái chết kia đã làm nhiều người sung sướng lắm”. Vũ Trọng Phụng đã tinh tế nắm bắt ở mỗi gương mặt một tính cách, một nét điển hình để khắc họa các chân dung trào phúng vô cùng độc đáo. Hoà vào “niềm vui chung” của gia đình có tang lễ là “niềm vui riêng” của từng thành viên trong gia đình “ hiếu thuận ”. Họ coi cái chết của cụ Tổ như một sự kiện mang lại niềm hạnh phúc cho gia đình mình. Nhà có người chết nhưng trên gương mặt của mỗi người lại đầy vẻ mặt hạnh phúc, vui sướng, không xem như đây là một chuyện buồn. Qua chi tiết này cho ta thấy được mâu thuẫn trào phúng, đặt ngay ở nhan đề đã phản ánh đúng sự thật mỉa mai, hài hước và đau xót. Các con cháu đều hạnh phúc trước đám tang của cụ Tổ bởi chúng đã đợi rất lâu để được hưởng tụ gia tài mà ông để lại.

nghe-thuat-trao-phung-trong-hanh-phuc-cua-mot-tang-gia

Cụ cố Hồng là con trai trưởng của người quá cố. Khi bố “chết thật”, cụ cố Hồng chia ngay cho Phán mọc sừng vài ngàn đồng. Số tiền to tát đó là khoản đền bù những nỗi đau tinh thần mà ông Phán phải chịu do bị vợ cắm sừng hay là khoản khen thưởng cho con rể vì đã gián tiếp gây ra cái chết của cụ Tổ? Dù là lí do gì thì tiền cũng là điều đầu tiên cụ cố Hồng nghĩ tới khi bố vừa nằm xuống. Sau đó, cụ “nhắm nghiền mắt lại để mơ màng”, tưởng tượng ra lời khen ngợi của mọi người dành cho mình: “Úi kìa, con giai nhớn đã già đến thế kia kìa”. Tuy cụ mới 50 tuổi nhưng vô cùng sung sướng khi được thiên hạ khen là đã già và đám tang bố là một cơ hội hiếm hoi để cụ có dịp trở thành diễn viên chính, được mọi người quan tâm, chú ý. Cụ tin chắc rằng “Ai cũng phải ngợi khen một cái đám ma như thế, một cái gậy như thế”. Trong suốt tang lễ, là con trai trưởng nhưng cụ chỉ làm có hai việc là gắt hơn 1.700 lần câu “Biết rồi, khổ lắm, nói mãi” – dù cụ chẳng biết gì – và ôm bàn đèn hút thuốc phiện. Thủ pháp tương phản, phóng đại của nhà văn đã tạo nên một bức hí họa đặc sắc về một kẻ háo danh, ngu dốt và vô dụng. Ông Văn Minh, cháu đích tôn của cụ Tổ, thì luôn “băn khoăn”, lo lắng. Vẻ mặt của ông rất phù hợp với hình ảnh người cháu đích tôn đang tất bật, bận rộn lo hậu sự cho cụ Tổ. Nhưng thật mỉa mai, điều khiến ông Văn Minh suy tư là làm thế nào để cái chúc thư kia “đi vào thực hành chứ không còn là lý thuyết viễn vông nữa”. Cũng như cụ cố Hồng, thứ đầu tiên Văn Minh nghĩ đến là tiền. Nhưng Văn Minh thực tế và khôn ranh hơn bố khi “mời luật sư đến chứng kiến cái chết của ông nội”. Vì chỉ khi đó, chúc thư của người quá cố mới có hiệu lực. Điều thứ hai khiến vị cháu đích tôn đầy quyền lực của gia đình “phân vân, vò đầu bứt tóc, lúc nào mặt cũng đăm đăm chiêu chiêu” là không biết phải xử trí với Xuân tóc đỏ ra sao khi hắn có “hai cái tội nhỏ, một cái ơn to”. Thật nực cười khi đứa cháu đích tôn coi kẻ giết ông nội là đại ân nhân. Đối với Văn Minh, tiền trở thành thước đo giá trị các mối quan hệ xã hội. Kẻ nào giúp ông có nhiều lợi lộc thì kẻ đó đáng kính, đáng trọng, là ân nhân của ông. Chỉ trong một câu văn ngắn gọn, Vũ Trọng Phụng đã vạch trần bản chất một kẻ Tây học rởm đời, vô nhân tính, coi trọng tiền bạc hơn mọi tình thân trên đời. Bà Văn Minh thì “sốt cả ruột” khi mãi mà chưa làm lễ phát phục. Nhưng chẳng phải vì bà quan tâm đến người đang nằm trong quan tài mà vì “mãi không được mặc những đồ xô gai tân thời”. Bà đã phải đợi rất lâu cụ Tổ mới “chết thật”, tiệm may u hóa của bà mới có cơ hội lăng xê những mốt thời trang mới dành cho đám tang, những mốt thời trang mà bà và ông TYPN đã thiết kế, chuẩn bị công phu ngay từ khi cụ Tổ bị ốm lần trước. Với bà Văn Minh, đám tang người thân là dịp phô trương danh tiếng của hiệu may. Vì thế nên bà đã phải tận dụng triệt để cơ hội kinh doanh béo bở, hiếm có này. Những nghịch lý trong việc may tang phục đã vẽ nên bức chân dung một kẻ vẻ bề ngoài là tân thời, sang trọng nhưng bên trong thì vô lương tâm, chỉ biết trục lợi vô đạo đức. Cậu Tú Tân cũng là cháu nội của cụ Tổ. Đợi mãi không thấy phát phục, cậu “điên người lên”, bực bội vì đã sẵn sàng mấy cái máy ảnh mà “mãi không được dùng đến”. Cậu đã chuẩn bị chu đáo, lau chùi cẩn thận mấy cái máy ảnh này khi ông nội vừa bị ốm. Và cũng như anh chị của mình, cậu chẳng mảy may quan tâm gì đến người đã khuất. Khoảnh khắc sinh li tử biệt chỉ là cơ hội để cậu được phô trương sự giàu có, sang trọng và phô diễn tài nghệ chụp ảnh của mình mà thôi. Qua Tú Tân, Vũ Trọng Phụng châm biếm những kẻ đề cao cái tôi cá nhân nhưng thực chất là kẻ vô cảm, ích kỉ, không quan tâm đến điều gì khác ngoài bản thân mình. Cô Tuyết, cháu gái của cụ Tổ, “đau khổ một cách rất chính đáng”. Sự đau khổ của Tuyết rất hợp với cảnh đám tang đang diễn ra. Nhưng nguồn cơn của nỗi đau đó là vì tìm mãi mà không gặp được Xuân, “bạn giai”. Bên cạnh đó, Tuyết tìm thấy ở đám tang ông nội cơ hội để lấy lại thanh danh của mình, để cho “thiên hạ phải biết rằng mình chưa đánh mất cả chữ trinh”. Vì thế, giữa đông đảo khách đến viếng đám tang, cô mặc bộ y phục “Ngây thơ” và nhanh nhẹn đi mời trầu khắp lượt quan khách với vẻ mặt “buồn lãng mạn rất đúng mốt của một nhà có đám”. Với cụm từ “rất đúng mốt”, tài nghệ dùng từ, châm biếm của Vũ Trọng Phụng đã đạt đến trình độ tinh vi. Sự vô cảm, giả dối của Tuyết không phải là trường hợp cá biệt mà là “mốt”, hiện tượng phổ biến và được ưa chuộng trong xã hội thượng lưu ở thành thị Hà Nội lúc bấy giờ. Bức chân dung lẳng lơ, giả dối, của Tuyết được dựng nổi trên một phông nền là hình bóng của rất nhiều các cô gái được coi là tân thời trong xã hội bấy giờ. Ông Phán mọc sừng, cháu rể, sung sướng vì sau cái chết của cụ Tổ, ông ta được bố vợ hứa chia thêm “vài nghìn đồng”. Tình huống nghịch lí này đã khiến ông Phán bộc lộ ngay bản chất hám tiền của mình. Ông hãnh diện vì “giá trị đôi sừng hươu vô hình trên đầu ông ta” và nhận ra “Xuân có tài quảng cáo lắm”. Ông chỉ bỏ ra có 10 đồng để thuê Xuân quảng cáo cho đôi sừng vô hình mà giờ đây ông đã thu về vài nghìn đồng. Quả là lợi nhuận kếch xù. Cùng với việc quảng cáo đôi sừng hươu vô hình, ông đã đem bán cả danh dự của vợ lẫn của bản thân. Nhưng ông không quan tâm đến điều đó. Hơn thế, ông muốn tiếp tục nhờ Xuân quảng cáo thêm cho đôi sừng hươu vô hình trên đầu mình, tiếp tục mang nhân phẩm của cả hai vợ chồng rao bán. Phán mọc sừng chính là chân dung đầy hài hước của một kẻ trục lợi không biết liêm sỉ. Trong đó, không thể không nhắc đến niềm vui của những kẻ xung quanh. Cảnh sát Min Đơ và Min Toa đúng lúc “buồn như nhà buôn vỡ nợ” vì chưa kiếm đủ số tiền phạt nộp cho cấp trên thì được thuê giữ trật tự cho đám tang. Vì thế, cái chết của cụ Tổ đã khiến cho họ “vui sướng đến cực điểm”. Qua niềm vui tột độ của 2 viên cảnh sát khi đến đám tang, ta thấy được chân dung của những kẻ bị công việc biến thành một cái máy, trở nên vô cảm với những mất mát của người khác. Ông TYPN cũng như bà Văn Minh, ông TYPN đã chờ mong cái chết của cụ Tổ từ lâu vì cụ Tổ chưa chết thì bộ sưu tập thời trang do ông thiết kế chưa có dịp “ra mắt công chúng”. Với ông, đám tang cụ Tổ là sân khấu để ông trình diễn những thiết kế mới của mình. Đây là chân dung của kẻ vô lương tâm, tàn nhẫn kiếm chác lợi ích, danh tiếng trên cái chết của đồng loại. Nhà sư Tăng Phú xuất hiện đột ngột, khoa trương trong đám tang để mọi người đều phải chú ý đến sự hiện diện của ông. Ngồi trên xe, ông “sung sướng và vênh váo” vì cho rằng tiếng tăm “đánh đổ được hội Phật giáo” của mình đã được nhiều người biết đến. Với bút pháp tương phản, sư cụ chùa Bà Banh hiện nguyên hình là kẻ giả danh, đội lốt tu hành trong xã hội đương thời. Đặc biệt Xuân Tóc Đỏ nhờ cái chết của cụ Tổ khiến danh giá và uy tín của Xuân được tăng thêm. Vì Xuân đã vô tình gây ra cái chết cho cụ Tổ nên thái độ của mọi người trong gia đình này đối với Xuân đã thay đổi. Văn Minh coi Xuân là đại ân nhân, bà cố Hồng thêm phần kính trọng ngưỡng mộ “Xuân đốc tờ” còn Tuyết thì thêm yêu Xuân bội phần. Mâu thuẫn trào phúng này khiến cho tính châm biếm, đả kích của tác phẩm thêm sắc bén. Qua việc Xuân không xuất hiện trong phần đầu của chương mà đến lúc đưa tang mới xuất hiện, nhà văn muốn người đọc nhận ra Xuân là người biết quảng cáo đúng chỗ, xuất hiện đúng lúc và đáp ứng đúng ý thích của những người mà hắn cần lấy lòng để thăng tiến. Đây là chân dung của một kẻ cơ hội, hãnh tiến. Trong khung cảnh “hạnh phúc" ấy, làm sao thiếu niềm vui của những nhân vật không tên, họ là bạn thân của cụ cố Hồng, họ sung sướng đến dự đám tang vì được dịp khoe địa vị, chiến tích của mình. Ống kính cận cảnh của Vũ Trọng Phụng đã thu hình những “Bắc Đẩu bội tinh, Long bội tinh, Cao Mên bội tinh, Vạn Tượng bội tinh…”. Thật danh giá và cao quý. Ngòi bút châm biếm của Vũ còn đặc tả những bộ râu muôn hình vạn trạng của những người được coi là chính nhân quân tử này. Vậy nhưng sự cảm động khi trông thấy “làn da trắng thập thò trong làn áo voan trên cánh tay và ngực Tuyết” đã bóc trần bản chất của họ. Đây là chân dung tập thể của những kẻ được coi là anh hùng dân tộc, chính nhân quân tử nhưng thực chất là những người háo sắc đến mức vô liêm sỉ. Trước cái chết của cụ Tổ, trong khung cảnh tang lễ đáng ra phải ưu thương, đau đớn, buồn rầu, nhưng lại tồn tại những niềm vui không tưởng, là niềm vui của đám con cháu đại bất hiếu, niềm vui của những kẻ có tên và cả không tên. Mỗi người đều mang một trạng thái hạnh phúc khác nhau, thể hiện rõ trên từng nét mặt, cử chỉ, hành động, thái độ khác nhau, không ai giống ai. Một đám tang như một trò đùa đã biến ước mơ của những kẻ mục nát thành hiện thực. Cảnh hạ huyệt được đánh giá là cảnh trào phúng xuất thần nhất, thể hiện sự bi hài của đám tang và sự giả dối, bất lương của lũ con cháu đại bất hiếu. Trong khung cảnh ấy, trong khung cảnh đầy “ưu thương', hiện lên hình ảnh của những kẻ thối nát của xã hội lúc bấy giờ. Cậu Tú Tân đóng vai trò như là một nhà đạo diễn trong tấn bi hài kịch này. Để thỏa mãn sở thích chụp hình nghệ thuật, cậu đã “bắt bẻ từng người một, hoặc chống gậy, hoặc gục đầu, hoặc cong lưng hoặc lau nước mắt như thế này thế nọ”. Thậm chí bạn bè của cậu còn “rầm rộ” nhảy lên những ngôi mộ xung quanh, nhiệt tình tìm những góc chụp đẹp cho khỏi giống nhau. Thật lố bịch và nhẫn tâm. Họ đã biến nơi hạ huyệt thành sàn diễn. Tình cảm tiếc thương người chết chỉ còn là trò diễn chứ chẳng xuất phát từ tình cảm xót thương nơi con tim. Cụ cố Hồng thì “ho khạc mếu máo và ngất đi”. Khi bố vừa mất, ông chỉ nghĩ đến tiền và danh dự của bản thân thì việc khóc lóc, ngất xỉu của ông trong giờ khắc cuối cùng tiễn đưa người quá cố này cũng chỉ là một trò diễn mà thôi. Ông đã diễn xuất thật tuyệt vời trong đám tang của bố để đánh bóng bản thân. Chi tiết này góp phần tô đậm sự bất hiếu, giả dối người đứng đầu cái gia đình được coi là danh giá của Hà thành này. Ông Phán mọc sừng cũng không phải là ngoại lệ khi tỏ ra vô cùng đau đớn, ông “oặt người đi, khóc mãi không thôi”. Ông chính là người gián tiếp gây ra cái chết của cụ Tổ và tiếng khóc “hứt, hứt” đặc biệt của ông khiến mọi người phải chú ý. Thấy ông khóc đến oặt cả người, đứng không vững, Xuân phải đỡ cho ông ta khỏi ngã. Hành động của Xuân diễn ra theo đúng sự tính toán của ông Phán. Ông đang muốn thanh toán nốt cho Xuân năm đồng còn lại để “giữ chữ tín” trước khi tiếp tục nhờ Xuân quảng cáo cho đôi sừng hươu vô hình trên đầu của ông. Vì thế, trong khi Xuân chật vật đỡ ông đứng lên thì ông “dúi vào tay nó một cái giấy bạc năm đồng gấp tư”. Tiếng “hứt, hứt” của ông Phán thì ra chẳng phải tiếng khóc đau đớn cho một cuộc đời vừa chấm dứt mà là tiếng cười hạnh phúc đang cố gắng kìm nén. Một hành động đầy sự giả dối và tàn ác. Kẻ chủ mưu giết người đang vui mừng thanh toán tiền công cho kẻ giết người ngay cạnh nấm mồ của nạn nhân. Ngòi bút miêu tả cận cảnh của Vũ Trọng Phụng soi vào góc khuất phía sau cái áo thụng trắng, phơi bày toàn bộ sự lừa lọc, nhẫn tâm, vô nhân tính. Đám tang cụ Tổ được Vũ Trọng Phụng miêu tả như một tấn hài kịch mà mỗi nhân vật là một vai hề vừa lố lăng giả dối, vừa tàn nhẫn. Cách tạo dựng tình huống của tác giả rất ngược đời, trái với đạo lý, phong tục. Một đám tang đầy với sự hạnh phúc, vui sướng mà không hề có chút cảm xúc xót xa, mất mát, đau thương của các thành viên trong gia đình. Qua đó, tác giả đã thể hiện một giọng nói đầy mạnh mẽ để tố cáo một xã hội lố lăng, bịp bợm, bản chất của sự thật ẩn nấp sau vẻ bề ngoài xấu xa đến xót thương, đau buồn.

Bước qua những trang cổ tích nhẹ nhàng êm ái của Thạch Lam, đắm chìm trong nỗi bi thương khuất tất của cuộc đời như những tấm vải rách chẳng chút vẹn nguyên trong những trang truyện của Nam Cao, ta quay trở về với hiện thực lố lăng của xã hội Việt Nam những năm 1930-1940. Một xã hội vặn mình trong lớp vỏ văn minh “ u – hóa “bao trùm lên những trò đời kệch cỡm, dị hợm, nhảm nhí. Trong cái xã hội nhiễu phương, Tây – Ta lẫn lộn ấy, bằng ngòi bút trào phúng sắc sảo của mình, Vũ Trọng Phụng đã tung ra hàng loạt những tiếng cười mang đậm sắc thái phê phán giấu sau những tình huống đầy mâu thuẫn của “Số đỏ” mà điển hình là tác phẩm “Hạnh phúc của một tang gia”. 

Xem thêm: 5 công thức kết bài nhanh cho bài văn NLXH

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận