Ôn thi tốt nghiệp THPT: Giải mã lệnh phụ của các tác phẩm Ngữ văn 12 [P1]

Dưới đây là các lệnh phụ của 6 tác phẩm văn học trong chương trình Ngữ văn 12 kỳ 2. Các bạn học sinh lưu lại để ôn tập hiệu quả hơn.

Đỗ Thu Nga
15:00 05/05/2024 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

LỆNH PHỤ TRONG TÁC PHẨM VỢ CHỒNG A PHỦ

1. Nhận xét về giá trị nhân đạo của tác phẩm

Qua tác phẩm "Vợ chồng A Phủ", ta thấy được lòng cảm thương sâu sắc của Tô Hoài dành cho số phận những người lao động miền núi, đặc biệt là người phụ nữ, những kiếp đời bi kịch đang chết dần, chết mòn. Nhà văn hướng ngòi bút vào sự ảm đạm, đen tối nhưng để làm nổi bật vẻ đẹp phía sự sống và ánh sáng tâm hồn của con người, ca ngợi phẩm chất và sức mạnh tinh thần của họ.

Từ thương cảm, nhà văn đã lên tiếng tố cáo chế độ phong kiến miền núi tàn ác, những hủ tục lạc hậu đã đẩy con người vào tình cảnh khốn khổ. Đồng thời, con người giàu yêu thương ấy cũng thể hiện niềm tin, sự trân trọng đối với khát vọng sống trong sạch, lương thiện, giàu tình người của những con người bị đoạ đày, lăng nhục, khát khao tìm đến ánh sáng của cuộc đời mới.

Một trong số những điều ý nghĩa nhất trong ngòi bút nhân đạo của Tô Hoài cần được nhấn mạnh chính là, tác giả đã vô cùng tiến bộ khi dẫn lối chỉ đường đến ánh sáng cho nhân vật của mình. Ông không chỉ nhìn ra được hiện thực đen tối, thống khổ mà nhân vật đang phải chịu đựng, đồng thời nhà nhân đạo chủ nghĩa này còn mang ước mơ tự do của họ đến với bến bờ sự thật, để họ được giác ngộ lí tưởng cách mạng và làm chủ cuộc đời.

2. Nhận xét về giá trị hiện thực của tác phẩm

Qua tác phẩm "Vợ chồng A Phủ", Tô Hoài làm nổi bật số phận cùng khổ của người nông dân nghèo dưới ách thống trị của các thế lực thần quyền và cường quyền. Giá trị hiện thực được Tô Hoài cất tiếng qua lời tố cáo tội ác của bọn thực dân phong kiến miền núi phía Bắc. Chính gia đình thống lý Pá Tra đã “mượn tay” thần quyền và cường quyền để bóc lột, đày đọa những người dân thấp cổ bé họng. Lợi dụng hủ tục lạc hậu, chúng hù dọa người dân phải cúng trình ma, từ đó chà đạp lên hạnh phúc, tình yêu và sự tự do của họ.

Mối quan hệ giữa tầng lớp thống trị và bị trị trong xã hội cũ là nội dung đã được nhiều nhà văn nhắc đến trong tác phẩm của mình. Tuy nhiên, với sự am hiểu sâu sắc về cuộc sống của những con người dân tộc thiểu số nơi miền núi cao Tây Bắc, hiện thực bị thần quyền trói buộc của họ là một phát hiện đầy mới mẻ của Tô Hoài.

Qua tác phẩm, ngòi bút của nhà văn “Vợ chồng A Phủ” cũng đã lên tiếng phản ánh hiện thực đau đớn về số phận con người và sự tàn nhẫn của bọn thực dân phong kiến. Chính nhờ tài năng quan sát, sự hiểu biết sâu rộng về các vùng văn hóa cùng lòng yêu thương người sâu sắc đã tiếp thêm dũng khí cho Tô Hoài cất lên tiếng nói về hiện thực đầy ngang trái.

giai-ma-lenh-phu-cua-cac-tac-pham-ngu-van-12-p1-u

3. Nhận xét cái nhìn về người nông dân của nhà văn Tô Hoài

Nhà văn nhìn người nông dân Tây Bắc dưới ách thống trị của bọn chúa đất miền núi đã bị chà đạp tàn nhẫn từ thể xác đến tinh thần. Nhưng trong chiều sâu tâm hồn của họ vẫn có sức sống tiềm tàng mãnh liệt với khát vọng sống, khát vọng hạnh phúc, tình yêu và khát vọng tự do. Tuy sống trong thân phận trâu ngựa, bị đọa đày giữa địa ngục trần gian nhưng họ không bao giờ chịu đầu hàng số phận, mà vẫn tìm cách vượt ngục tinh thần. Đó còn là cái nhìn lạc quan, tin tưởng vào sức mạnh của người nông dân trong tư tưởng tiến bộ của nhà văn cách mạng Tô Hoài.

Bên cạnh đó, Tô Hoài là người hiểu biết sâu sắc về những cùng khổ mà người nông dân phải gánh chịu, từ đó đồng cảm, xót thương cho những số phận bất hạnh ấy. Ông không chỉ là người mô tả những đau đớn của những kiếp người nhỏ bé mà qua đó ông ghi nhận, trân trọng vẻ đẹp của những con người miền núi. Đó chính là cái nhìn thể hiện chiều sâu nhân đạo của Tô Hoài trong tác phẩm.

Cách nhìn mới mẻ, tin yêu về người nông dân cho thấy tài năng quan sát, miêu tả thiên nhiên, phong tục tập quán, đặc biệt khả năng diễn tả quá trình phát triển tính cách nhân vật hợp lí, tự nhiên, phong phú, phức tạp mà sâu sắc, phù hợp với quy luật phép biện chứng tâm hồn của nhà văn Tô Hoài - người có duyên nợ với mảnh đất và con người Tây Bắc.

4. Nhận xét diễn biến tâm lý của Mị trong đêm tình mùa xuân

Diễn biến tâm lý của Mị trong trong “đêm tình mùa xuân” thực chất là quá trình sống dậy của sức sống thanh xuân và khát vọng tự do, hạnh phúc. Quá trình ấy được Tô Hoài khám phá, miêu tả một cách tự nhiên, sinh động rất hợp với quy luật tâm lý, quy luật đời sống tình cảm của con người. Đặc biệt, nhà văn đã sử dụng ba tác nhân hỗ trợ việc miêu tả tâm lý rất thành công: không khí mùa xuân, hơi rượu và tiếng sáo.

Qua đó ta mới thấy, trái tim của người con gái tràn đầy sức sống ấy chưa hoàn toàn nguội lạnh, đâu đó trong những góc khuất của tâm hồn Mị vẫn vùng lên phản kháng, cháy lên những ngọn lửa âm ỉ của khát vọng hạnh phúc, của khát khao sống, khát khao tự do đến mãnh liệt. Mặc dù chưa có sự phát triển vượt bậc về mặt hành động nhưng những nét tâm lí đó của Mị cũng là những “đốm lửa nhỏ” để báo hiệu cho “đám cháy lớn” như Lỗ Tấn đã từng nói “một tia lửa hôm nay, báo hiệu một đám cháy lớn ngày mai”.

Quá trình sống dậy của sức sống thanh xuân và khát vọng tự do, hạnh phúc của Mị là bằng chứng về sức sống tiềm tàng nhưng mãnh liệt của nhân vật này. Tô Hoài miêu tả và khám phá nó không chỉ bằng cảm quan nghệ sĩ mà còn bằng cả tấm lòng mình.

5. Nhận xét sự tinh tế khi diễn tả sự hồi sinh trong tâm hồn nhân vật Mị trong đêm mùa đông của nhà văn Tô Hoài

Diễn biến tâm lý phức tạp nhưng hợp lôgic, mang tính tất yếu, thể hiện được quá trình chuyển biến nhận thức của Mị: từ những nhận thức sâu sắc về cuộc đời, số phận mình, số phận A Phủ; về tội ác của cha con thống lí Pá Tra…Hơn thế là từ sự đồng cảm giai cấp của Mị đối với A Phủ. Mị nhận thấy thân phận mình cũng như A Phủ, sao mà khổ đến thế. Nếu cứ quyết định nhẫn nhịn và chịu đựng thì họ nhận lại được gì? Cuối cùng, sau nhiều mâu thuẫn giằng xé trong nội tâm, Mị đi đến quyết định cởi trói cho A Phủ, tiếp đó là giải thoát cho chính mình. Hành động được coi như “liều mạng” ấy biểu hiện cho sức sống tiềm tàng trong Mị. Lúc này, bản thân Mị ý thức mình nên làm gì, ngọn lửa của niềm ham sống mãnh liệt trong Mị bùng lên, nó không ngừng thôi thúc Mị hành động. Mị đã tự giải phóng cho mình, cùng lúc vượt qua ngục tù của phong kiến và nhà tù vô hình của thần quyền. Qua suy nghĩ, hành động của Mị, nhà văn Tô Hoài đã phản ánh quá trình chuyển biến từ nhận thức đi đến hành động vùng lên giải phóng cuộc đời khỏi thân phận nô lệ của người dân lao động bị áp bức trước Cách mạng tháng Tám. Giá trị của tác phẩm “Vợ chồng A Phủ” luôn là một điều không thể thay thế cũng như phủ định. Theo dòng thời gian, tác phẩm sẽ càng là một áng văn toả sáng của nền văn học Việt Nam. 

LỆNH PHỤ TRONG TÁC PHẨM VỢ NHẶT

1. Nhận xét xét tấm lòng của nhà văn Kim Lân dành cho người nông dân

Tấm lòng của nhà văn Kim Lân dành cho người nông dân được thể hiện ở tình thương, nỗi xót xa và đồng cảm với số phận của một người mẹ nghèo khổ trong nạn đói khủng khiếp năm Ất Dậu 1945. Tác giả gửi gắm tình cảm trân trọng, ca ngợi những phẩm chất tốt đẹp của người mẹ: tuy nghèo nhưng rất thương con, nhân hậu, bao dung và giàu lòng vị tha, đặc biệt bà là người rất lạc quan, có niềm tin vào tương lai, hạnh phúc tươi sáng.

Tấm lòng đó còn thể hiện qua nghệ thuật diễn tả tâm trạng của nhân vật với chiều sâu bên trong tâm hồn vừa phức tạp, vừa sâu sắc, hiểu và cảm được tận cùng nỗi niềm của người mẹ nghèo. Tấm lòng của nhà văn Kim Lân đã làm cho truyện ngắn "Vợ nhặt" có giá trị phản ánh chân thực hiện thực xã hội Việt Nam, thấm đẫm tinh thần nhân đạo, đem lại niềm tin vào sự đổi đời của người nông dân và sự hướng về cách mạng của họ.

2. Nhận xét tình huống truyện trong tác phẩm

Tác phẩm Vợ nhặt đã xây dựng được tình huống truyện độc đáo có những nét khác thường, bộc lộ được nhiều vấn đề khiến độc giả phải chú ý tìm hiểu và suy nghĩ. Tình huống truyện được thể hiện ngay ở nhan đề tác phẩm: vợ được nhặt như người ta nhặt một cái rơm cái rác bên đường. Tiếp đến là Tràng: Nghèo, xấu xí, thô kệch lại là dân xóm ngụ cư có vợ trong nạn đói khiến cho xóm ngụ cư và cả bà cụ Tứ, mẹ Tràng ngạc nhiên và ngay cả Tràng cũng không tin đó là sự thật.

Tình huống này đã làm cho tác phẩm có nhiều mặt giá trị: Giá trị hiện thực của tác phẩm là tố cáo tội ác của bọn thực dân, phát xít và tay sai gây nên nạn đói khủng khiếp năm 1945 với trên hai triệu đồng bào bị chết đói. Trong hoàn cảnh ấy, giá trị của con người thật rẻ rúng. Giá trị nhân đạo sâu sắc của tác phẩm: Tình người và lòng ham sống, bản chất lạc quan của người lao động trong hoàn cảnh khốn cùng.

3.Nhận xét về giá trị nhân đạo trong tác phẩm

+ Kim Lân có cái nhìn sâu sắc và tấm lòng nhân hậu trước khát vọng của con người: Tràng, bà cụ Tứ, thị.

+ Tố cáo tội ác tày trời của bọn thực dân Pháp, phát xít Nhật đã gây ra nạn đói khiến dân ta rơi vào tình cảnh khốn cùng.

+ Niềm tin tình yêu cuộc sống sẽ thắng được chết chóc sẽ thay đổi được cuộc sống.

+ Kết thúc mở hướng dẫn đường cho con người tìm thấy cái đích của hạnh phúc và thôi thúc họ hành động.

giai-ma-lenh-phu-cua-cac-tac-pham-ngu-van-12-p1-5

4. Nhận xét về vẻ đẹp/ vẻ đẹp tiềm tàng/khuất lấp của người phụ nữ Việt Nam.

Kim Lân viết một câu chuyện phản ánh nạn đói, người đói, nhưng đi qua toàn bộ thiên truyện, điều thấm thía lòng người đọc nhất lại là những vẻ đẹp con người, và một trong những vẻ đẹp rất người ấy chính là nét nữ tính nơi nhân vật người vợ nhặt. Từ một người đàn bà chanh chua, chỏng lỏn, lăn xả vào miếng ăn vẻ đẹp tiềm tàng của nhân vật này dần được phơi mở. Nếu nhìn người đàn bà, ta chỉ thấy một vẻ ngoài xấu xí, một thái độ bất chấp tất cả để có được miếng ăn, thì thật phiến diện. Người đọc biết khám phá cần nhìn ra vẻ đẹp khuất lấp của nhân vật trên hành trình nhọc nhằn kiếm tìm hi vọng, giá trị sống. Người phụ nữ ấy mang trong mình một khát vọng sống mãnh liệt, chính vì muốn sống tiếp nên phải chạy trốn cái đói, bám vào nơi có thể bám, dù phải bán đi cả danh dự của mình. Thế nhưng sau đó thiên tính nữ đã được thể hiện khi trên đường về nhà, về đến nhà, biết lo lắng cho sự hoang phí của chồng, biết để tất cả những niềm thất vọng trong lòng khi nhìn thấy gia cảnh chồng. Đây cũng là một người phụ nữ lễ phép, đúng mực khi chào hỏi mẹ, lắng nghe mẹ dặn dò; sáng hôm sau cùng mẹ dậy sớm quét dọn nhà cửa -> khát vọng hạnh phúc dường như nảy nở từ đây.

=> Bao nhiêu vẻ đẹp ấy, cũng chính là những vẻ đẹp tâm hồn của người phụ nữ Việt Nam bao thế hệ -> Nhà văn đã thành công khi góp thêm một tiếng nói nữa cho biểu hiện thứ tư của chủ nghĩa nhân đạo trong văn học Việt Nam: đó chính là niềm tin yêu vào con người, tin vào vẻ đẹp người còn khuất lấp sâu trong lớp vỏ ngoài xấu xí. Đó cũng là cách nhà văn làm cho nhân vật hiện lên chân thực sống động như cuộc sống vốn có, cũng là cách thể hiện lòng yêu mến gắn bó với cõi nhân sinh, của Kim Lân, và cũng là của rất nhiều nhà văn về sau.

5. Nhận xét về khát vọng của con người trong nạn đói.

Khi người ta khổ nhất, người ta vẫn còn khát vọng. Khát vọng đơn thuần của người ta lúc ấy là được sống cho đúng ý nghĩa của một con người, thậm chí còn là khát vọng hạnh phúc tưởng như xa vời vợi. Và đúng với điều ấy, những nhân vật trong “Vợ nhặt” của nhà văn Kim Lân đã thêm một lần nữa cho chúng ta thấy được những khát vọng chưa bao giờ lụi tắt trong họ dù trong hoàn cảnh nạn đói “ngàn cân treo sợi tóc”.

Giữa cái đói, cái khổ, cái chết bủa vây, họ vẫn mang trong mình một lòng ham sống mãnh liệt, tìm mọi cách để sống, có thể phải bán đi cả danh dự của mình thế nhưng việc bán đi danh dự ấy lại khiến cho chúng ta hiểu rằng “con người dù thế nào vẫn cứ là con người”, “họ vẫn luôn khao khát vun vén hạnh phúc, quyết không làm bèo bọt mà vẫn kiên nhẫn, kiêu hãnh làm Người.” Tràng, Thị, hay bà cụ Tứ, cả những người dân trong xóm ngụ cư tồi tàn ấy nữa, họ đang sống trong những ngày đói quay, đói quắt thế nhưng họ vẫn dành cho nhau những tình cảm thương mến thương. Thị quyết định bỏ đi tự trọng theo không Tràng để được sống, hiện thực hoá khát vọng sống của mình. Còn Tràng, Tràng lại có cho mình khát vọng hạnh phúc, hai khát vọng ấy đã gặp gỡ nhau để có một cuộc hôn nhân thiếu tất cả nhưng lại đầy đủ tất cả.

=> Khát vọng của những con người trong nạn đói là những khát vọng căn bản nhất, thế nhưng ở giai đoạn nào nó cũng đáng quý, đáng trân trọng. Kim Lân đã bộc lộ khát vọng ấy nơi nhân dân lao động và gửi gắm niềm tin vững chắc của mình vào việc họ sẽ có thể hiện thực hoá được những khát vọng đó của chính mình dựa vào chính bản thân.

LỆNH PHỤ TRONG TÁC PHẨM RỪNG XÀ NU

1. Nhận xét về biểu tượng rừng xà nu trong tác phẩm

- Rừng xà nu là biểu tượng của đau thương: ngay từ những dòng đầu tiên, xà nu đã được đặt trong cảnh liên quan đến sự huỷ diệt dữ dội, tàn bạo. Đây là thử thách lớn, nghiệt ngã với rừng xà nu. Hàng vạn cây không có cây nào không bị thương như khi giặc kéo đến làng Xô Man, ngọn roi của chúng không trừ một ai… tả ba cái chết của xà nu, hình ảnh những cây non bị huỷ diệt tạo cảm giác xa xót.

- Rừng xà nu là biểu tượng của vẻ đẹp nên thơ và sức sống bất diệt: Ở chỗ vết thương: nhựa ứa ra, thơm ngào ngạt, long lanh nắng hè gay gắt, tác giả đã huy động ấn tượng khứu giác (thơm ngào ngạt) và ấn tượng thị giác (long lanh) để miêu tả chất nhựa xà nu với vẻ đẹp thi vị. Trong rừng ít loại cây sinh sôi nảy nở khoẻ như vậy- so sánh làm nổi bật sức sống hiếm có của xà nu.

-Rừng xà nu là biểu tượng cho sự nối tiếp các thế hệ: Cạnh một cây xà nu mới ngã gục, đã có bốn năm cây con mọc lên, ngọn xanh rờn, hình nhọn mũi tên lao thẳng lên bầu trời- nguồn sống bền bỉ, ngạo nghễ, ngang tàng, như cỏ dại, như suối nguồn ào ạt.

- Rừng xà nu là biểu tượng cho niềm khao khát tự do, sức mạnh kiên cường bất khuất: Ham ánh sáng măt trời, phóng lên rất nhanh để đón lấy ánh nắng, thứ ánh nắng trong rừng rọi từ trên cao xuống từng luồng thẳng tắp, long lanh vô số hạt bụi vàng từ nhựa cây bay ra, thơm mỡ màng. Câu văn có sự thăng hoa của hai vẻ đẹp: vẻ nên thơ và sức mạnh cường tráng, bất khuất, sự khao khát tự do. Ham ánh sáng mặt trời là bản năng tồn sinh dẻo dai, luôn hướng về phía ánh sáng, hướng về sự sống. Những động từ mạnh: ham, phóng, đón- tư thế chủ động chiếm lĩnh- khao khát sống, khả năng sống tiềm tàng mãnh liệt. Hương thơm của nhựa cây tiếp tục được đan chiếu ánh xạ trong hai chiều cảm nhận: thị giác, khứu giác. Hạt bụi vàng: những hạt bụi dưới ánh sáng mặt trời từ trên cao rọi xuống giống như những hạt bụi long lanh- tác giả đã thơ hoá một hình ảnh bình thường. Thơm mỡ màng: không phải “thơm ngào ngạt” (cùng sắc độ đậm đặc, mạnh), không phải “thơm dìu dịu” (sắc độ nhẹ) mà là thơm mỡ màng là mùi hương như ngậm một nguồn sống dồi dào. Có những cây: vượt lên được, cao hơn đầu người, cành lá sum sê như những con chim đã đủ lông mao, lông vũ. Đạn đại bác không giết nổi chúng, những vết thương của chúng chóng lành như trên một thân thể cường tráng. Chúng vượt lên rất nhanh, thay thế những cây đã ngã…

Rừng xà nu là biểu tượng cho vẻ đẹp của tinh thần hào hiệp, khảng khái, giàu chịu đựng và biết hi sinh: Cứ thế hai ba năm nay, rừng xà nu đã ưỡn tấm ngực lớn ra, che chở cho làng- rào chắn, điểm tựa, áo giáp che chở cho cuộc sống dân làng Tây Nguyên => thái độ trân trọng, hàm ơn.

2. Nhận xét về cách trần thuật và ngôn ngữ kể chuyện trong tác phẩm.

Câu chuyện được kể lại như một hồi tưởng qua lời kể của cụ Mết – một già làng trong nhà ưng trước đông đảo dân làng, cách kể trang trọng như muốn truyền lại cho cháu con những trang sử bi thương và chói lọi, hào hùng của cộng đồng: Người già chưa quên, người chết đi rồi thì để lại cái nhớ cho người sống “Người Strá ai có cái tai, ai có cái bụng thương núi, thương nước, hãy lắng tai mà nghe, mà nhớ. Sau này tao chết rồi, chúng mày phải kể lại cho con cháu nghe...”. Để tạo không khí trang trọng, nhà văn đặt lời kể trong không gian đặc biệt: ngoài rừng xa im ắng, chỉ có mưa rơi dìu dịu, trong nhà mọi người lắng nghe một cách ngưỡng mộ, giọng cụ Mết trầm trầm vang lên như tiếng phán truyền của lịch sử. Dù là câu chuyện của thời hiện tại, nhưng đã được kể như một câu chuyện lịch sử với giọng điệu và ngôn ngữ trang trọng sử thi, với thái độ “chiêm ngưỡng” qua một “khoảng cách sử thi”.

Cách kể như vậy gợi nhớ cách kể khan của nhiều dân tộc ở Tây Nguyên. Bên bếp lửa chung của làng, các bài khan được kể như hát suốt đêm này qua đêm khác, những thiên trường ca đậm chất sử thi kể về lịch sử mang màu sắc huyền thoại của bộ tộc, về những người anh hùng tiêu biểu cho sức mạnh và khát vọng của cộng đồng.

3. Nhận xét bút pháp miêu tả thiên nhiên của nhà văn Nguyễn Trung Thành:

Tác giả đã sử dụng bút pháp miêu tả giàu chất sử thi và cũng rất lãng mạn, bay bổng:

- Đối lập giữa sự tàn khốc của chiến tranh với sức sống của cây xà nu

- Tạo dựng được một bức tranh hoành tráng và đầy lãng mạn về cây xà nu, rừng xà nu (không gian ngút ngàn và hình tượng cây xà nu khoẻ khoắn, mạnh mẽ, ham ánh sáng, khí trời, tràn đầy sinh lực, căng đầy nhựa sống,...).

- Ngôn ngữ miêu tả trong đoạn trích khi mạnh mẽ, hùng tráng khi tha thiết, tự hào; vừa lãng mạn bay bổng vừa trữ tình sâu lắng... Mạnh mẽ, hùng tráng khi miêu tả, nhấn mạnh sự khốc liệt của chiến tranh; tha thiết, tự hào khi miêu tả sức sống kì diệu của cây xà nu.

Điểm nhìn mang tính sử thi và cảm hứng lãng mạn: đó là một cái nhìn thể hiện sự khâm phục, trân trọng và ngưỡng vọng đối với cái cao cả; đó là cảm hứng ngợi ca, tôn vinh cái hùng, cái đẹp của thiên nhiên và con người. 

(Còn tiếp)

Xem thêm: 

songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận