NLXH: Khát vọng lên đường
Có rất nhiều khát vọng đẹp, nhưng tôi thích nhất ở những người bạn trẻ tuổi là khát vọng lên đường, khát vọng đi tìm những miền đất mới, những lĩnh vực mới.
ĐỀ BÀI:
rả lời phỏng vấn báo “Sinh viên Việt Nam” về khát vọng đáng được biểu dương nhất của người trẻ, Lê Đạt đã chia sẻ: Có rất nhiều khát vọng đẹp, nhưng tôi thích nhất ở những người bạn trẻ tuổi là khát vọng lên đường, khát vọng đi tìm những miền đất mới, những lĩnh vực mới.
Anh/chị hãy bày tỏ suy nghĩ của mình về “khát vọng lên đường” mà nhà thơ Lê Đạt nhắc tới.
BÀI LÀM:
Trả lời phỏng vấn báo “Sinh viên Việt Nam” về khát vọng đáng được biểu dương nhất của người trẻ, Lê Đạt đã có một câu trả lời khiến tôi vô cùng tâm đắc: đó là khát vọng lên đường.
Khát vọng lên đường ở đây có thể hiểu trước hết là khát vọng được đi, được bắt đầu một cuộc hành trình đến những vùng đất mới. Những bạn trẻ có khát vọng lên đường tức là những bạn trẻ luôn sẵn sàng xách ba lô lên và đi. Tôi cho rằng đây là một khát vọng rất đáng được trân trọng, bởi tuổi trẻ là tuổi để trải nghiệm. Ta có sức khỏe, thời gian, có khả năng lao động để tạo ra tiền bạc - đó chẳng phải những điều kiện lí tưởng nhất để bắt đầu một chuyến đi hay sao? Đi để tích lũy tri thức và những trải nghiệm quý báu mà trang sách hay màn hình tivi không bao giờ mang lại. Các cụ ta xưa có câu “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn” là vì thế. Tri thức của cuộc đời là vô hạn, nếu mãi quẩn quanh trong nếp nhà quen thì nếp nghĩ không bao giờ rộng mở. Đường làng ngõ xóm cũng chỉ hữu hạn thôi, đi hết rồi thì phải dám bước ra đường lớn, thoát khỏi lũy tre làng để khám phá những miền đất lạ. Đi để biết thêm phong tục tập quán của các dân tộc xung quanh, thậm chí là của các quốc gia bên kia đại dương rộng lớn. Đi để bỏ vào ba lô những vấp ngã, những kinh nghiệm riêng mình. Nếu chỉ đi trong đường làng rất quen thì khó mà vấp được. Chỉ có bước lên những con đường lạ thênh thang, thì vấp ngã mới cho ta bài học. Có khát vọng lên đường không chỉ để nhìn ra thế giới, mà còn là để nhìn lại quê hương. Đứng trong lũy tre làng thì không thấy làng có dáng hình ra sao, có gì khác biệt. Chỉ có đi xa, hiểu rộng, ta mới nhìn rõ dáng vẻ quê hương mình, mới có thể đặt quê hương trong thế đối sánh với những miền đất khác. Một người suốt đời không ra thế giới thì khó lòng nhận thức đúng vị thế của Việt Nam. Những bạn trẻ ngày nay thường thích đi du học là vì thế. Không chỉ để hưởng một nền giáo dục tiên tiến, mà còn để biết cuộc sống nơi nước bạn đang diễn ra thế nào, cuộc sống nơi nước mình đang diễn tiến ra sao. Đi thật xa, nhìn thật rõ, định vị và giữ thật chặt những giá trị cốt lõi của mình. Tất cả những điều ấy sẽ tạo nên một chiếc ba lô với đầy đủ tri thức, trải nghiệm, góc nhìn,... quý giá giúp mỗi người trẻ tự tin bước vào tương lai. Giới trẻ Việt Nam hôm nay đã bắt đầu nhận ra ý nghĩa và giá trị của sự đi, đã có cho mình khát vọng lên đường. Điều đó không chỉ thể hiện qua việc đi du học, mà còn là những “gap year” (năm trống) sau đại học các bạn dành ra để không làm gì cả, nhưng cũng để làm rất nhiều. Các bạn mang theo hành lí nhẹ nhàng, một mình đến với những vùng đất mới, vừa làm việc để kiếm sống vừa thăm thú, trải nghiệm cuộc sống cùng người dân bản địa. Có một, hai năm như thế, các bạn đã hiểu biết về phong tục tập quán nhiều nơi, có sự thông minh đường phố, có khả năng tự xử lí các tình huống một cách độc lập. Và nhất là các bạn đã định vị được bản thân, biết mình thực sự muốn gì và cần gì, sẵn sàng để làm chủ tương lai.
Nhưng có lẽ khát vọng lên đường mà Lê Đạt đề cập đến ở đây không chỉ là khát vọng “đi” thuần túy. Đó còn là khát vọng khởi động cuộc đời, khát vọng bước lên con đường đi đến tương lai. Thế hệ trẻ hôm nay không thể chỉ mãi nghĩ và làm theo những con đường mòn cũ. Chúng ta phải bước lên con đường của chính mình, tức là khát vọng khởi nghiệp. Nếu thế hệ trẻ chỉ muốn ngồi yên thừa hưởng những gì cha ông để lại mà không chịu kiến tạo những giá trị riêng, thì ai sẽ là người làm nên tương lai đất nước? Khát vọng lên đường do đó còn là khát vọng bước lên con đường xây dựng sự nghiệp cho riêng mình. Thế hệ trẻ của Việt Nam hôm nay không thể là thế hệ đi “xin việc” mãi. Ở những quốc gia phát triển như Nhật Bản hay khu vực Trung Đông, họ luôn giáo dục thế hệ trẻ của mình trở nên những người đi “cho việc”, tức là tự tạo cho mình một con đường riêng, và thuê người khác để cùng thực hiện giấc mơ đó. Chúng ta cũng cần phải có khát vọng lên đường như vậy, lên đường tạo dựng những giá trị riêng, thế giới riêng, sự nghiệp riêng. Một thế hệ những người dám lên đường như thế sẽ làm nên một Việt Nam trong thế “lên đường”. Không có khát vọng này, trước mắt người trẻ không chỉ là tương lai mờ nhạt với những công việc văn phòng, những ngày làm tám tiếng chán nản, mà còn là tương lai một dân tộc không thể cất cánh bay lên.
Nhưng chỉ có khát vọng thôi là chưa đủ. Ta không thể lên đường với hai bàn tay trắng. Hai bàn tay trắng ở đây không phải nói về sự thiếu thốn vật chất, mà nói về một vốn hiểu biết hẹp, một sức khỏe yếu, một quyết tâm không đủ vững vàng. Mọi chuyến đi đều cần hành lí. Đó là trí lực, thể lực, là quyết tâm tha thiết muốn khám phá những chân trời mới lạ. Hơn thế, trước khi bước ra khỏi lũy tre làng thì cần có gốc rễ sâu sắc trong lũy tre làng trước đã. Mọi con diều có thể bay cao đều do có một đầu gắn chặt vào mặt đất. Mất đi sự gắn kết ấy, diều sẽ rụng. Bước ra thế giới, ta không chỉ là những giá trị của riêng ta, mà còn mang những giá trị của quê hương, nguồn cội. Ta bước ra thế giới không chỉ với tên tuổi của mình, mà còn với tư cách của một công dân Việt Nam. Những người mẫu Á châu nổi tiếng trên thế giới đều mang những gương mặt rất Á châu, chứ không phải những người có gương mặt “Tây” là vì vậy. Có khát vọng lên đường, người trẻ còn cần có khát vọng trở về quê hương nữa. Lên đường để kiến thân lập nghiệp, nhưng đạt được thành tựu mà quên mất quê hương thì khác nào con tàu lớn mãi lênh đênh giữa biển, dù to lớn, mà chẳng có một bến bờ. “Học vấn không có quê hương nhưng người có học vấn phải có tổ quốc”. Có nhiều người thời trẻ rời khỏi quê hương để đến những thành phố lớn, những quốc gia phát triển học tập, rồi lại cố xin một công việc để bám trụ lại kiếm sống, bon chen với những người cũng giống như mình, khiến cho các siêu đô thị cứ mãi phình to lên, mà các làng quê lại bị cái nghèo đeo bám. Tôi tự hỏi vì sao chúng ta không dũng cảm trở về, góp sức mình xây dựng quê hương, để một mai kia phía sau lũy tre làng cũng trở thành một nơi đáng sống? Có khát vọng lên đường là rất đẹp, nhưng một sự chuẩn bị hành lí kĩ càng và một khát vọng trở về sau chuyến đi xa mới thực sự là quý giá.
Trong thời đại thế giới phẳng hôm nay, người ta không còn hỏi một công dân toàn cầu rằng anh đến từ đâu, xuất phát điểm của anh là gì nữa. Họ hỏi rằng anh đã đi đến những đâu, giá trị của anh là gì. Bởi vậy khát vọng lên đường lại càng trở nên đáng quý. Song dù đi đến đâu, dù không ai hỏi quê hương anh tên gì, thì anh vẫn phải tự hỏi mình, để khắc ghi câu trả lời trong tim như cái gốc để con diều bay lên cao mãi.
Xem thêm: NLXH: Trân trọng những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận