Muốn có bài văn hay, trước hết phải biết mở bằng lý luận văn học

Mở bài là một đoạn văn ngắn chiếm 1/8 bài văn (0,5 - 1 điểm) nhưng lại là phần quan trọng, là điểm nhấn đầu tiên cho cả người viết lẫn giám khảo chấm bài. 

Đỗ Thu Nga
10:00 03/12/2023 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Với người làm bài là tạo “đà” cảm xúc để viết tốt, viết hay; còn đối với người chấm bài là sự cảm tình với bài văn, với thí sinh mà không có sự hiện diện, vì “văn là người” như ai đó đã nói. 

Muốn viết bài văn hay, trước tiên phải biết cách mở bài bằng lý luận văn học:

ĐỀ 1: Anh (chị) hãy phân tích bài thơ “Mùa xuân chín” của Hàn Mặc Tử (Đề thi học sinh giỏi toàn quốc, lớp 12 năm 1988 – 1989).

MỞ BÀI: “Thời gian vẫn trôi đi và bốn mùa luôn luôn chuyển. Con người chỉ xuất hiện một lần trong đời và cũng chỉ một lần ra đi mãi mãi vào cõi vĩnh hằng. Nhưng những gì là thơ, là văn, là nghệ thuật đích thực...thì vẫn còn mãi với thời gian. Trước khi chết có lần vua Phổ cầm tay Mô-da mà nói: “Ta tiêu biểu cho trật tự, người tiêu biểu cho cái đẹp. Biết đâu hậu thế sẽ quên ta và nhắc nhở đến người”. Có lẽ mãi mãi về sau, chúng ta vẫn gặp lại một “mùa thu vàng” trong tranh Lêvitan, một mùa thu thôn quê Việt Nam trong thơ Nguyễn Khuyến và một “mùa xuân chín” trong thơ Hàn Mặc Tử, một mùa xuân tràn đầy sức sống, vui tươi mà không ồn ào, thắm đượm sắc màu mà không sặc sỡ, một mùa xuân duyên dáng rất Việt Nam.

(Trích bài thơ “Mùa xuân chín”)

(Bài của Nguyễn Thị Thu Cúc – HS trường PTTH Quốc học Huế)

ĐẾ 2: Bình luận mối quan hệ giữa văn học nghệ thuật và hiện thực cuộc sống. Chứng minh bằng một số tác phẩm.

MỞ BÀI: “Có ai đó đã ví sáng tạo nghệ thuật như việc thả diều. Con diều dù có bay bổng bao nhiêu vẫn phải gắn với mặt đất bằng một sợi dây vững chắc. Ý tưởng ấy gợi cho ta nhiều suy nghĩ sâu sắc về mối quan hệ giữa văn học và hiện thực cuộc sống. Nhìn vào một số tác phẩm văn học lớn, chúng ta thấy rõ mối quan hệ máu thịt này.”

(Muốn viết được bài văn hay – Chủ biên: Nguyễn Đăng Mạnh)

ĐẾ 3: Phân tích bài thơ “Tình ca ban mai” của Chế Lan Viên.

MỞ BÀI: “Làm sao được tan ra

Thành trăm con sóng nhỏ

Giữa biển lớn tình yêu

Để ngàn năm còn vỗ.”

(Xuân Quỳnh, Sóng)

Sinh ra ở trên đời, không ai lại không có một lần nguyện ước cho riêng mình điều chân thành như thế. Lạc vào thế giới huyền diệu trăm màu trăm sắc ấy, ta như ngợp đi giữa những yêu thương, giữa niềm khát khao hạnh phúc, giữa biết bao nỗi nhớ ngập tràn. “Tình ca ban mai” của Chế Lan Viên là bản nhạc lòng luôn tấu lên giai điệu ngọt ngào giữa muôn vàn thanh điệu của tình yêu.”

(Tài liệu chuyên văn, Tập ba – Đỗ Ngọc Thống)

muon-co-bai-van-hay-truoc-het-phai-biet-mo-bang-ly-luan-van-hoc-7

ĐẾ 4: Cảm nhận về chất anh hùng qua hai nhân vật Tnú (Rừng xà nu – Nguyễn Trung Thành) và Việt (Những đứa con trong gia đình – Nguyễn Thi).

MỞ BÀI: “Trong bài “Nhận đường”, Nguyễn Đình Thi có viết: “Văn nghệ phụng sự kháng chiến nhưng chính kháng chiến đem đến cho văn nghệ một sức sống mới. Sắt lửa mặt trận đang đúc nên văn nghệ mới của chúng ta”. Từ chiến trường đầy ác liệt, từ những nỗi đau chiến tranh chất chứa đầy máu và cả sự hy sinh , những áng văn bất hủ đã được tạo nên. “Rừng xà nu” của Nguyễn Trung Thành và “ Những đứa con trong gia đình” của Nguyễn Thi đã ra đời trong hoàn cảnh ấy. Dẫu hai tác phẩm ấy được viết theo hai phong cách khác nhau nhưng cả hai nhà văn đã gặp nhau ở nơi hội tụ của mọi ánh sáng văn chương chân chính mọi thời, đó là chủ nghĩa anh hùng cách mạng lớn lao, cao cả, hào hùng. Vẻ đẹp ấy được thể hiện rõ nét nhất qua nhân vật Tnú và nhân vật Việt.”

ĐẾ 5: Anh (chị) phân tích quá trình diễn biến tâm trạng người mẹ nghèo bất ngờ trước hạnh phúc của con, thông qua nhân vật bà cụ Tứ, để làm sáng tỏ hình ảnh “Đằng sau tấm áo vá của người mẹ nghèo là một tấm lòng vàng”.

MỞ BÀI: “Lòng mẹ bao la như biển Thái Bình dạt dào

Tình mẹ tha thiết như dòng suối hiền ngọt ngào”.

(Trích “Lòng Mẹ” – Y Vân)

Mẹ! mãi mãi là tiếng gọi thiêng liêng trong tiềm thức của mỗi con người. Mẹ là dòng sữa ngọt ngào, lời ru ấm áp, là bầu trời sưởi ấm hơi thở cho con. “Mất mẹ là mất cả bầu trời”. Hôm nay để tìm thấy tấm lòng người mẹ, tấm lòng cao quý, kính yêu đưa chúng ta nhớ đến truyện ngắn “Vợ nhặt” của nhà văn Kim Lân, in trong tập “Con chó xấu xí” xuất bản năm 1962. Nhà văn khắc họa hình ảnh người mẹ nghèo thông qua nhân vật bà cụ Tứ cũng thật đẹp. Chúng ta cần phân tích để làm sáng tỏ hình ảnh: “Đằng sau tấm áo vá của người mẹ nghèo là một tấm lòng vàng”.

ĐẾ 6: Cảm nhận về hình tượng người đàn bà hàng chài trong “Chiếc thuyền ngoài xa” của Nguyễn Minh Châu.

MỞ BÀI: “Thời gian qua kẽ tay

Làm khô những chiếc lá

...Riêng những câu thơ còn xanh

Riêng những bài hát còn xanh”

(Thời gian – Văn Cao)

Nghệ thuật là lĩnh vực của cái độc đáo. Những tác phẩm nghệ thuật đạt đến chuẩn mực của cái hay, cái đẹp đẽ sẽ “vượt qua mọi sự băng hoại của thời gian và chỉ mình nó không thừa nhận cái chết”. Cũng như dù thời gian có trôi qua nhưng những giá trị của tác phẩm “Chiếc thuyền ngoài xa” của Nguyễn Minh Châu vẫn vẹn nguyên và tỏa sáng. Đến với tác phẩm này bên cạnh những nhân vật Phùng, Đẩu, lão đàn ông..., chúng ta hẳn là không thể quên được nhân vật người đàn bà hàng chài. Đây chính là hình tượng tiêu biểu cho quan niệm nghệ thuật của nhà văn Nguyễn Minh Châu về cách nhìn cuộc sống và con người, để lại nhiều ấn tượng sâu đậm trong lòng độc giả.

Tóm lại, các em có nhiều cách viết cho phần MỞ BÀI. Những cách mở bài được trích dẫn ở trên (Đề 1,2,3,4,5,6) là HAY, là SÁNG TẠO (Theo Đáp án của Bộ GD phần MỞ BÀI là giới thiệu tác giả, tác phẩm). Phương pháp viết MỞ BÀI độc đáo đó là theo lối TƯƠNG LIÊN (tương đồng) – tức là nêu lên một ý giống như ý trong đề bài rồi bắc sang vấn đề cần nghị luận (Ý được nêu ra trước thường là câu tục ngữ, ca dao, thơ, nhạc, danh ngôn hoặc những chân lí phổ biến, những sự kiện nổi tiếng).

LƯU Ý:

- Đối với cách mở bài này, điều đầu tiên là các em phải biết sưu tầm và ghi vào sổ tay (thuộc lòng) những câu thơ hay và những lời nhạc, những câu danh ngôn giàu ý nghĩa mang tính triết lý....có liên quan đến những TÁC PHẨM VĂN HỌC trong Chương trình thi Tốt nghiệp.

Ví dụ: Đối với tác phẩm “Chiếc thuyền ngoài xa” (Nguyễn Minh Châu) nói riêng và những tác phẩm khác nói chung, ta có thể sưu tầm những câu sau đây:

+ “Nhà văn không có quyền nhìn sự vật một cách đơn giản và nhà văn cần phấn đấu để đào xới bản chất con người vào các tầng sâu lịch sử” (Nguyễn Minh Châu)

+ “Nghệ thuật không phải là sự mô tả thực tại có thực mà là sự tìm tòi chân lí, lí tưởng” (G. Xăng)

+ “Nghệ thuật không cần phải là ánh trăng lừa dối, không nên là ánh trăng lừa dối, nghệ thuật có thể chỉ là tiếng đau khổ kia, thoát ra từ những kiếp lầm than” (Nam Cao)

+ “Văn học là cuộc đời. Văn học sẽ không là gì cả nếu không vì cuộc đời mà có. Cuộc đời là nơi xuất phát, cũng là nơi đi tới của văn học” (Tố Hữu)

+ “Không có gì cao cả hơn một sự hi sinh thầm lặng” (Lời nhận định)

+ “Tình thương là thước đo giá trị nhân cách của con người” (Lời nhận định)

+ Nhạc phẩm “Lòng mẹ” của cố nhạc sĩ Y Vân có ghi: “Lòng mẹ bao la như biển Thái Bình dạt dào. Tình mẹ tha thiết như dòng suối hiền ngọt ngào”. (Trích “Lòng Mẹ” – Y Vân)

.........

- Sau đó, các em phải biết ứng dụng vào trong BÀI VĂN ở phần, tình huống nào cho hợp lý, cho hay có tác dụng nâng cao TÍNH LÍ LUẬN CỦA BÀI VĂN (Dĩ nhiên viết văn là phải có cảm xúc). Ở đây, Thầy chỉ giới hạn ở phần MỞ BÀI: Cách viết phần mở bài của kiểu/dạng này nhìn chung cũng giống như những dạng mở bài khác là viết 1 đoạn văn hoàn chỉnh có 3 phần: mở đầu đoạn là trích dẫn những câu thơ, lời nhạc hay câu danh ngôn có ý giống như ý trong đề bài và viết những câu dẫn dắt để bắc sang vấn đề cần nghị luận (phần giữa đoạn) và cuối cùng là phần kết đoạn (nêu phương thức nghị luận và phạm vi tư liệu sẽ trình bày...). Ví dụ:

ĐẾ 7: Anh (chị) phân tích quá trình diễn biến tâm trạng người mẹ nghèo bất ngờ trước hạnh phúc của con, thông qua nhân vật bà cụ Tứ, để làm sáng tỏ hình ảnh “Đằng sau tấm áo vá của người mẹ nghèo là một tấm lòng vàng”.

MỞ BÀI: “Lòng mẹ bao la như biển Thái Bình dạt dào

Tình mẹ tha thiết như dòng suối hiền ngọt ngào”.

(Trích “Lòng Mẹ” – Y Vân)

Mẹ! mãi mãi là tiếng gọi thiêng liêng trong tiềm thức của mỗi con người. Mẹ là dòng sữa ngọt ngào, lời ru ấm áp, là bầu trời sưởi ấm hơi thở cho con. “Mất mẹ là mất cả bầu trời” (Mở đầu đoạn). Hôm nay để tìm thấy tấm lòng người mẹ, tấm lòng cao quý, kính yêu đưa chúng ta nhớ đến truyện ngắn “Vợ nhặt” của nhà văn Kim Lân, in trong tập “Con chó xấu xí” xuất bản năm 1962. Nhà văn khắc họa hình ảnh người mẹ nghèo thông qua nhân vật bà cụ Tứ cũng thật đẹp (Phần giữa đoạn). Chúng ta cần phân tích để làm sáng tỏ hình ảnh: “Đằng sau tấm áo vá của người mẹ nghèo là một tấm lòng vàng” (Phần kết đoạn).

(Thầy Nguyễn Đăng Phùng)

Xem thêm: Cách áp dụng lý luận văn học vào bài viết sao cho hấp dẫn nhất

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận