Cách áp dụng lý luận văn học vào bài viết sao cho hấp dẫn nhất
Với công thức dưới đây, bạn có thể áp dụng linh hoạt và mang đến hiệu quả cao trong quá trình viết bài.
1. Áp dụng vào mở bài
CÔNG THỨC:
Nêu nhận định – Nêu khái quát câu nói – Đi đến vấn đề nghị luận
VÍ DỤ: Bàn về thơ, Chế Lan Viên cho rằng: “Thơ cần có hình cho người ta thấy, có ý cho người ta nghĩ và cần có tình để rung động trái tim”. Hãy chứng minh qua bài thơ “Đoàn thuyền đánh cá” của Huy Cận
“Thơ là thơ, đồng thời là hoạ, là nhạc, là chạm khắc theo một cách riêng”. (Sóng Hồng). Đúng vậy, qua mỗi trang thơ độc giả thấy được cái hay, cái độc đáo trong tư tưởng, tình cảm của người nghệ sĩ được gửi gắm trong bài thơ. Cùng bàn về thơ, Chế Lan Viên cho rằng: “Thơ cần có hình cho người ta thấy, có ý cho người ta nghĩ và cần có tình để rung động trái tim”. “Đoàn thuyền đánh cá” cũng tồn tại trong dòng văn học như một chân lí về vẻ đẹp của cái hình, cái tình, cái ý chạm đến lòng bạn đọc.
2. Áp dụng vào khái quát tác giả, tác phẩm
CÔNG THỨC:
Nêu ra vấn đề liên quan - Liên hệ với vấn đề Lí luận văn học – Nêu tác giả, tác phẩm
VÍ DỤ:
Đề bài: Cảm nhận của em về chất lãng mạn trong Văn học Việt Nam giai đoạn 1945 - 1975 qua “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” (Phạm Tiến Duật)
Chất lãng mạn tựa như một chút đường hòa vào trong cốc nước đã mặn mòi chất muối của hiện thực, để người đọc càng uống lại càng say. Các nhà văn, nhà thơ đều tập trung nhiều hơn vào chất lãng mạn thay vì hiện thực. Đó là vẻ đẹp của người lính lái mang tư thế hiên ngang, ung dung, đường hoàng, tự tin, ở hoàn cảnh khắc nghiệt đó tâm hồn họ vẫn lãng mạn, lạc quan, yêu đời được thể hiện rõ nét qua “Bài thơ về tiểu đội xe không kính”. Cái nhìn củangười lính trong tiểu đội xe không kính là cái nhìn ung dung, bình thản, tập trung cao độ. Mặc dù xe không kính nhưng người lính vẫn bình tĩnh, tự tin để ra tiền tuyến, vẫn có cái nhìn ngạo mạn trước hiểm nguy. Người lái xe không kính thật bản lĩnh. Lòng căm thù giặc đã giúp họ vững vàng tay lái để đưa tiểu đội ra tiền tuyến bởi tình yêu Tổ quốc đã làm người chiến sĩ bất chấp mọi điều kiện, gian khổ của cuộc chiến tranh.
3. Áp dụng vào khái quát luận điểm
CÔNG THỨC:
Dẫn dắt bằng Lí luận văn học – Liên kết vấn đề lí luận với tác phẩm – Nêu vấn đề nghị luận
VÍ DỤ:
Đề bài: Bàn về thơ, Xuân Diệu cho rằng: “Thơ hay là hay cả hồn lẫn xác, hay cả bài”. Hãy chứng minh ý kiến trên qua bài thơ “Sang Thu” của Hữu Thỉnh.
Về nội dung:
Mỗi bài thơ ra đời là sự kết tinh của xúc cảm, của tâm hồn, của con người trước cuộc đời và tiếng hát thời đại. Cái “hồn” của một áng thơ là cái hay của nội dung sâu sắc, của những “điều chưa nói”. Thơ bộc bạch cái “tôi” của thi nhân qua hình ảnh thời đại là thế. Và có lẽ nhà thơ Hữu Thỉnh đã làm được điều đó. Sức hấp dẫn từ nội dung mới mẻ của bài thơ “Sang Thu” đã tác động sâu sắc đến người đọc bao thế hệ, khơi gợi những suy ngẫm, chiêm nghiệm về đời sống. Vì thế với “Sang thu”, ta không thể chỉ đọc một lần, không chỉ đọc bằng lí trí hay tình cảm mà phải đọc bằng cả tâm hồn.
Về nghệ thuật:
Nhà phê bình văn học Nguyễn Đình Thi từng thổ lộ: “Một bài thơ hay không bao giờ ta đọc qua một lần mà bỏ xuống được”. Có chăng “Sang Thu’ của Hữu Thỉnh là một kiệt tác như thế? Càng đọc càng thấy hay, càng đọc càng yêu cuộc sống, yêu tự do hoà bình hơn. Có lẽ nhà thơ đã thành công khi dẫn dắt người đọc “khám phá nội dung” bằng những “phát minh hình thức” để mang đến cho khó tàng thi ca dân tộc một áng thơ “hay cả hồn lẫn xác, hay cả bài” như thế.
4. Áp dụng khi phân tích
CÔNG THỨC:
Dẫn dắt bằng Lí luận văn học – Liên kết vấn đề lí luận với tác phẩm – Nêu vấn đề nghị luận
VÍ DỤ:
Đề bài: Cảm nhận về số phận người phụ nữ trong xã hội phong kiến qua nhân vật Vũ Nương trong “Chuyện người con gái Nam Xương” của Nguyễn Dữ.
Thần thoại xưa kể rằng mỗi người phụ nữ sinh ra đều là con gái của Thần tình yêu và là em gái của Thần trăm hoa. Có thể nói, người phụ nữ là biểu tượng của cái đẹp. Nhưng trong thời đại phong kiến trọng nam khinh nữ, đầy rẫy những sự bốt công oan trái, người phụ nữ phải chịu nhiều đắng cay, oan trái nhất. Trong xã hội phong kiến, dường như tất cả mọi thứ đều bất công với người phụ nữ. Tình yêu không, hạnh phúc không, tiếng nói cũng không. Nhưng, chính những áp bức đó đã làm sáng ngời lên những đức tính, phẩm hạnh đáng quý, đáng trân quý của người phụ nữ. Người phụ nữ ngày xưa xuất hiện trong văn học thường là những người phụ nữ đẹp. Từ vẻ đẹp ngoại hình cho đến tính cách. Vũ Nương chính là “khuôn vàng thước ngọc” của những chuẩn mực ấy. Không như Nguyễn Du miêu tả thật tinh tế nét đẹp “nghiêng nước nghiêng thành” của Thúy Kiều, Nguyễn Dữ chỉ điểm qua nhẹ nét đẹp của Vũ Nương: “tư dung tốt đẹp”. Nhưng chỉ bằng một chi tiết nhỏ ấy, tác giả đã phần nào khắc họa được hình ảnh một cô gái có nhan sắc xinh đẹp. Cũng bởi “mến vì dung hạnh” nên chàng Trương đã lấy nàng làm vợ. Nhưng chữ “dung” ấy, vẻ đẹp hình thức ấy, chẳng thể nào tỏa sáng ngàn đời như vẻ đẹp tâm hồn nàng. Vũ Nương “vốn con kẻ khó”, song rất mực tuân theo “tam tòng tứ đức”, giữ trọn lề lối gia phong và phẩm hạnh của chính mình. Thế nên, nàng rất “thùy mị, nết na”. là chuẩn mực của người phụ nữ Việt Nam.
5. Áp dụng vào kết bài
CÔNG THỨC:
Nêu nhận định – Nêu khái quát câu nói – Đi đến vấn đề nghị luận
VÍ DỤ:
Đề bài: An-đéc-xen có câu nói nổi tiếng: "Không có câu chuyện cổ tích nào đẹp bằng câu chuyện do chính cuộc sống viết ra". Hãy chứng minh điều đó qua “Chiếc lược ngà” của Nguyễn Quang Sáng.
“Một tác phẩm nghệ thuật phải là kết quả của tình yêu. Tình yêu con người, ước mơ cháy bỏng vì một xã hội công bằng, bình đẳng bái ái luôn luôn thôi thúc các nhà văn sống và viết, vắt cạn kiệt những dòng suy nghĩ, hiến dâng bầu máu nóng của mình cho nhân loại.” (L. Tôn-xtôi). “Chiếc lược ngà” ra đời là kết tinh từ tình phụ tử cao đẹp cứ truyền qua lồng ngực những người cha như một dòng máu bất tận. Và tình cha con cũng dào dạt muôn đời bất diệt trong lòng những đứa con. “Chiếc lược ngà” quả thực là một “câu chuyện cổ tích” tuyệt đẹp.
(Nguồn: Ngôi nhà văn học)
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận