Thiền sư Thích Nhất Hạnh: Mỗi chúng ta vẫn luôn "mang 1 đứa bé bị thương ở trong"

Cách đây hơn 20 năm, Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã nghe nỗi lòng của một con người tột cùng đau khổ. Người đó trở thành nạn nhân bị cha lạm dụng tình dục. Và đến nay vết thương đó vẫn còn nguyên...

Đỗ Thu Nga
06:00 30/12/2021 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Ngày 27/5/1998, trong một buổi vấn đáp của Thiền sư Thích Nhất Hạnh, người từng phải chịu nỗi đau thể xác, nỗi đau tâm hồn khi bị cha lạm dụng tình dục suốt 5 năm đã trải lòng như sau:

"Kính thưa Thầy, câu hỏi của con có liên quan đến khổ đau của con. Con không biết phải hỏi như thế nào.

Lúc con còn nhỏ, cha của con là một người nghiện rượu. Ông ta đã dạy con tất cả những gì về tình dục và đã lạm dụng con. Ông ta đã lạm dụng con trong suốt năm năm.

Con không thể nói với Ông ta về nỗi khổ lớn lao này và lúc lên hai mươi tuổi, con đã tự tử. Con đã bị hôn mê trong nhiều tháng và nằm bịnh viện khoảng một năm.

Chuyện này đã xảy ra cho con cách đây khoảng ba mươi năm. Con đã làm đủ cách để chữa trị vết thương trong con nhưng vẫn không thể chữa trị được. Và cuối cùng con mất hết niềm tin tưởng vào đời sống, nơi con người.

Con luôn luôn sống với tâm hành khổ đau của con, con không sống bằng trái tim. Trong khóa tu, mỗi khi sinh hoạt với một nhóm người con cứ muốn gào lên.

Thưa Thầy, làm thế nào để có thể chấp nhận tình thương trong cuộc sống? Làm sao để thiết lập lại đức tin trong cuộc sống?".

Moi-chung-ta-van-luon-mang-1-dua-be-bi-thuong-o-trong-0

Sau khi lắng nghe từng câu từng chữ của con người đau khổ này, Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã có lời đáp mà cho đến nay vẫn còn nguyên tính thời sự. 

Thiền sư Thích Nhất Hạnh từ tốn nói: Nhiều người trong chúng ta "mang 1 đứa bé bị thương ở trong". Nhưng vì chúng ta quá bận rộn, không có thời giờ để chăm sóc đứa bé bị thương tích trong ta và giúp cho đứa bé ấy được trị liệu. Khi ta đã bị thương tích sâu đậm như là một đứa bé, ta mất hết niềm tin và tình thương và càng khó tiếp nhận tình thương của người khác.

Tôi luôn luôn khuyến khích những người bạn của tôi sắp xếp đời sống hàng ngày của họ một cách khéo léo để có thì giờ dành cho chính mình, chăm sóc đứa bé bị thương tích của họ. Đây là sự thật tập hết sức quan trọng.

Nhiều người biết rằng, có một đứa bé bị thương ở trong lòng nhưng lại sợ trở về đối diện với đứa trẻ ấy. Khối sầu khổ trong ta quá lớn, nó bao trùm hết tâm tư và vì vậy ta thường muốn trốn chạy. Khi ta càng chốn chạy về hướng tiêu cực, rượu chè... 

Ta cần những sự hướng dẫn để khi thực tập, ta không bị tràn ngập bởi những niềm đau, nỗi khổ trong ta. Ta thực tập chế tác năng lượng chánh niệm trong cách đi, đứng, nằm, ngồi, thở, làm việc để có đủ sự vững chãi và thảnh thơi mà đối diện với niềm đau, nỗi khổ trong ta.

Với năng lượng của chánh niệm, ta có thể trở về và ôm ấp đứa bé bị thương tích trong ta. Đó là những pháp môn thực tập rất cụ thể. Đồng thời ta cũng được yểm trợ bởi năng lượng chánh niệm từ các bạn của ta.

Moi-chung-ta-van-luon-mang-1-dua-be-bi-thuong-o-trong-8

Có lẽ thời gian đầu về nhà ta cần có 1 hoặc hai người bạn - nhất là những người đã từng thực tập thành công - ngồi bên cạnh ta, yểm trợ cho ta năng lượng thực tập chánh niệm của họ. Khi có một người bạn ngồi bên cạnh và nắm tay ta, ta như được truyền năng lượng tích cực, và dám trở về ôm ấp thương tích của mình. 

Tôi có một số đệ tử đã từng bị thương tích khi còn là một đứa bé. Tôi dạy cho các đệ tử của tôi thực tập trở về nhận diện, ôm ấp và nói chuyện với đứa bé bị thương của mình với năng lượng của chánh niệm.

''Em bé dễ thương của tôi ơi, tôi đang có mặt đây cho em. Tôi sẽ chăm sóc em thật tốt. Tôi biết rằng em đau khổ quá nhiều. Tôi quá bận rộn và bỏ bê em. Bây giờ tôi đã học được cách trở về để chăm sóc em. Tôi hứa từ nay về sau, tôi sẽ không bỏ bê em nữa".

Quý vị phải nói chuyện với đứa trẻ của quý vị nhiều lần trong ngày. Chỉ có các thực tập đó mới đem lại trị liệu và chuyển hóa cho quý vị mà thôi. Ta đã bỏ rơi đứa bé trong ta quá lâu. Vậy nên quý vị phải lập tức trở về thực tập thiết lập lại truyền thống cho đứa bé. Hãy ôm đứa bé vào lòng với tất cả sự trìu mến và hứa rằng từ nay trở đi sẽ không bao giờ phụ bạc, bỏ rơi bé nữa.

Nếu quý vị có một Tăng thân dễ thương - người nào cũng thực tập đàng hoàng, vững chãi, thì sự thực tập của quý vị sẽ dễ dàng hơn. Nếu ta là người mới thực tập- lại tu tập một mình, không có sự yểm trợ của Tăng thân, thì sự thực tập của ta khó khăn gấp trăm ngàn lần.

Quay về nương tựa Tăng, cho phép các bạn tu hướng dẫn, khuyên bảo và nâng đỡ mình trong những lúc khó khăn là sự thực tập rất quan trọng.

Có lẽ đứa bé bị thương tích của ta là sự tiếp nối của nhiều thế hệ trong quá khứ. Có thể cha mẹ và ông bà nội, ông bà ngoại đã có những vấn đề tương tự; chính họ cũng có đứa bé bị thương tích trong lòng nhưng vì không biết cách chăm sóc, nên họ đã truyền lại đứa bé ấy lại cho ta.

Sự thực tập của ta là để chấm dứt sự luân hồi đồi bại ấy.

Nếu ta trị liệu được đứa bé trong ta thì ta sẽ giải phóng, tha thứ được người đã lạm dụng ta, đã làm ta điêu đứng, sầu khổ. Nếu ta biết chế tác năng lượng chánh niệm, hiểu biết và thương yếu đứa bé bị thương của ta thì sẽ bớt khổ thật nhiều...

Xem thêm: Thiền sư Thích Nhất Hạnh: "Phật nằm chính trong nghệ thuật sống chánh niệm từng giây của cuộc đời" 

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận