Mạch ngầm triết lý trong "Bến quê" của Nguyễn Minh Châu

Đọc "Bến quê" cứ ngỡ như đó là bản di chúc nghệ thuật mà Nguyễn Minh Châu gửi lại cho đời...

Đỗ Thu Nga
12:00 11/08/2023 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Sống là hành trình vượt thoát khỏi những “vòng vèo, chùng chình” của đời người

Nguyễn Minh Châu đã đặt nhân vật vào tình thế ẩn chứa đầy những nghịch lí để qua đó nhân vật tự thức nhận và bộc lộ những chiêm nghiệm về đời mình. Nhân vật chính - anh Nhĩ từng đi khắp mọi nơi trên Trái Đất sau cùng lại bị cột chặt vào giường bởi một căn bệnh hiểm nghèo đến nỗi không thể tự mình dịch chuyển lấy vài mươi phân trên phản hẹp kê bên cửa sổ. Nhưng cũng chính vào một buổi sáng trong những ngày cuối của cuộc đời mình, từ cửa sổ căn gác, Nhĩ đã nhận ra được ở vùng đất bãi bồi bên kia sông, nơi bến quê quen thuộc, một vẻ đẹp bình dị mà hết sức quyến rũ: “Những tia nắng sớm đang từ từ di chuyển từ mặt nước lên những khoảng bờ bãi bên kia sông, và cả một vùng phù sa lâu đời của bãi bồi bên kia sông Hồng lúc này đang phô ra trước khuôn cửa sổ của gian giác nhà Nhĩ một thứ màu vàng thau xen lẫn với màu xanh non - những màu sắc thân thuộc quá như da thịt, hơi thở của đất màu mỡ”. Suốt những năm tháng dài rộng của cuộc đời, khi bước chân đi bôn tẩu khắp xứ nhưng bãi bồi bên kia sông Hồng đối với Nhĩ là “một chân trời gần gũi mà xa lại xa lắc”.

Trong buổi sáng có lẽ là cuối cùng của đời mình, Nhĩ vô cùng khát khao được một lần được đặt chân đến bãi bồi bên kia sông - miền đất thật gần gũi nhưng đã trở nên xa vời đối với anh. Điều ước muốn ấy chính là sự thức tỉnh về những giá trị bền vững, bình thường và sâu xa của cuộc sống - những giá trị thường bị người ta bỏ quên, nhất là khi còn trẻ, khi những ham muốn xa vời đang lôi cuốn con người tìm đến. Khi không thể nào làm được cái điều mình khao khát, Nhĩ đã nhờ đứa con thay mình đi sang bên kia sông , đặt chân lên bãi cát phù sa màu mỡ. Nhưng ở đây anh gặp một nghịch lí nữa: đứa con không hiểu được ước muốn của cha, nên làm một cách miễn cưỡng và rồi bị cuốn hút vào trò chơi hấp dẫn mà anh ta bắt gặp trên đường đi để rồi lỡ chuyến đò sang ngang duy nhất trong ngày.

mach-ngam-triet-ly-trong-ben-que-cua-nguyen-minh-chau

Từ sự việc ấy, Nhĩ đã nghiệm ra được quy luật phổ biến của đời người: “Con người ta trên đường đời thật khó tránh được những cái điều vòng vèo hoặc chùng chình”.Ở đoạn kết, khi thấy con đò ngang vừa chạm mũi vào bờ đất bên này sông, Nhĩ đã làm một cử chỉ có vẻ kì quặc, nhưng với anh dường như là điều vô cùng hệ trọng và khẩn cấp : “Anh đang cố thu nhặt hết mọi chút sức lực cuối cùng còn sót lại để đu mình nhô người ra ngoài giơ một cánh tay gầy guộc ra phía ngoài cửa sổ khoát khoát - y như  đang khẩn thiết ra hiệu cho một người nào đó”. Hành động cuối cùng này của Nhĩ có thể hiểu là anh đang nôn nóng thúc giục cậu con trai hãy mau kẻo lỡ chuyến đò duy nhất trong ngày. Những hình ảnh này con mang ý nghĩa khái quát hơn. Đó là ý muốn thức tỉnh mọi người về những cái vòng vèo, chùng chình mà chúng ta đang sa vào trên đường đời, để dứt ra khỏi nó, để hướng tới những giá trị đích thực, vốn rất giản dị, gần gũi và bền vững.

Gia đình là điều tồn tại duy nhất và luôn trở thành điểm tựa bền vững cho mỗi con người

Cũng trong những ngày này, khi nằm liệt giường, nhận sự quan tâm chăm sóc nhiệt tình của vợ (Liên), Nhĩ mới cảm nhận hết nỗi vất vả, sự tần tảo, tình yêu và đức hi sinh thầm lặng của vợ mình. Cũng như nhiều nhân vật phụ nữ khác của Nguyễn Minh Châu, Liên - chính là hiện thân của vẻ đẹp tâm hồn, lòng vị tha và đức hi sinh thầm lặng, khiêm nhường. Những cử chỉ dịu dàng, sự chăm sóc tỉ mỉ, ân cần, những lời động viên và sự thấu hiểu tâm trạng của chồng, rồi tấm áo vá và những bước đi rất nhẹ trên những bậc cầu thang gỗ đã mòn lõm - bấy nhiêu chi tiết đã đủ để nhân vật Liên, dù chỉ hiện ra trong chốc lát ở phần đầu của truyện, cũng để lại ấn tượng cho người đọc về một hình tượng đẹp giản dị mà sâu xa. 

Cả đời, Nhĩ dành thời gian cho những chuyến phiêu du, đến lúc này, Nhĩ mới thấy và hiểu được nơi bến đậu bình yên, điểm tựa cho chính cuộc đời anh là gia đình, là người vợ suốt đời thầm lặng. Nhĩ nới với Liên bằng cả tấm lòng biết ơn xen lẫn niềm ân hận: “suốt đời anh chỉ làm em khổ tâm...mà em vẫn nín thinh”. Và Liên đã trả lời: “có hề sao đâu... miễn là anh sống, luôn luôn có mặt anh, tiếng nói của anh trong gian nhà này”.

Xem thêm: Những ý nghĩa triết lý về cuộc sống trong “Chiếc thuyền ngoài xa”

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận