Những ý nghĩa triết lý về cuộc sống trong “Chiếc thuyền ngoài xa”

Ở "Chiếc thuyền ngoài xa", Nguyễn Minh Châu đã gửi gắm rất nhiều thông điệp ý nghĩa về văn chương và cuộc đời...

Đỗ Thu Nga
10:25 16/06/2023 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Năm 1971, trong Trang sổ tay viết văn, Nguyễn Minh Châu đã nhận ra nhiều vấn đề khi “văn xuôi và thơ ca tráng lên một lớp men “trữ tình” hơi dày cho nên ngắm nó thấy mỏng manh, bé bỏng và óng chuốt quá khiến người ta phải ngờ vực”. Chính sự ngờ vực ấy đã thôi thúc nhà văn “mở rộng và đạt tới những chiều sâu mới”, “không còn bị khuôn vào trong những đường hướng, những khuôn khổ sẵn có mà mở ra để khám phá toàn bộ đời sống xã hội và con người trong tính “đa sự, đa đoan” của nó”. Vì thế, với “Chiếc thuyền ngoài xa”, nhà văn đã gửi gắm nhiều thông điệp ý nghĩa về văn chương và cuộc đời với bao nghịch lý và vỡ lẽ không chỉ trong nhận thức của Phùng, mà còn trong mỗi chúng ta. 

Phát hiện đối lập nhau của người nhiếp ảnh Phùng

Chiếc thuyền ngoài xa là tác phẩm chứa nhiều tình huống truyện bất ngờ, độc đáo. Mỗi một tình huống truyện lại đưa bạn đọc đến với những ý nghĩa ẩn giấu đằng sau. Dưới con mắt nhìn của người nghệ sĩ nhiếp ảnh “Phùng”, các tình huống lần lượt diễn ra đầy bất ngờ, mang đến những bước ngoặt mới cho nhận thức của “Phùng” cũng như bạn đọc.

Hình ảnh hoàn mỹ của một buổi sáng bình minh trên biển:

Mở đầu tác phẩm là hình ảnh Phùng đang cố gắng tìm kiếm cho mình bức ảnh đẹp nhất tại bờ biển. Trên bờ biển là lác đác những cỗ xe hư hỏng trải qua chiến tranh bị bỏ lại. Sau một quãng thời gian phục kích, cuối cùng Phùng cũng đã bắt được một cảnh đẹp trời cho.

Dưới những hạt mưa phùn lác đác và từng lớp sương mù đan xen vào nhau, Phùng đã kịp ghi lại cho mình hình ảnh “có một không hai” trên biển. Hình ảnh chiếc thuyền lưới vó ẩn hiện trong bầu sương mờ ảo, lấp ló đằng sau đó còn có vài bóng người,…

Hình ảnh vô cùng chân thực, giản dị nhưng lại toát lên một vẻ đẹp cuốn hút đến kỳ lạ. Nhân vật Phùng liên tục bấm máy để có thể lưu lại toàn bộ vẻ đẹp hoàn mỹ của thiên nhiên. Chỉ với vài ngôn từ miêu tả nhẹ nhàng, Nguyễn Minh Châu như đã đưa độc giả trực tiếp đứng trên bờ biển để chiêm ngưỡng vẻ đẹp độc nhất vô nhị này.

Tuy nhiên, khi Phùng và các độc giả đang mải mê chiêm ngưỡng vẻ đẹp hiếm có thì câu chuyện lại đang chuẩn bị chuyển sang tình huống mới. Đó là hiện thực đầy nghịch lý đằng sau vẻ đẹp đắt giá trời cho kia.

nhung-y-nghia-triet-ly-ve-cuoc-song-trong-chiec-thuyen-ngoai-xa

Hình ảnh cuộc sống hiện thực phũ phàng, nghịch lý: 

Khi đang đắm mình vào  hình ảnh sở hữu vẻ đẹp trời ban thì Phùng lại bất ngờ phát hiện ra được nghịch lý của cuộc sống. Phùng bước gần hơn tới bãi biển và thấy được hình ảnh rõ ràng của “những bóng người mờ ẩn sau làn sương”. Đó là người phụ nữ trạc 40 tuổi, thô kệch và mang vẻ mặt mệt mỏi sau một đêm dài thức trắng. Theo đằng sau là một người đàn ông có tấm lưng rộng, chân đi chữ bát,…

Khi lên đến bờ, người đàn ông lập tức rút thắt lưng và đánh tới tấp vào người đàn bà. Vừa đánh lão ta vừa chửi rủa vô cùng thậm tệ. Tuy nhiên, trái ngược lại là hình ảnh người đàn bà cam chịu, nhẫn nhịn từng cái vung dây nịt mà không hề phản kháng.

Hình ảnh đầy bạo lực kia đã khiến Phùng vô cùng sững sờ và quên mất vẻ đẹp hoàn hảo lúc trước. Khi chưa kịp ngăn cản thì có một bóng nhỏ vụt qua và giành được chiếc thắt lưng từ tay người đàn ông. Đó là Phác – con trai lớn của đôi vợ chồng kia.

Thông qua những chi tiết ngắn gọn, ta có thể thấy được Phùng không chỉ là một người yêu cái đẹp, anh còn là người sẵn sàng đứng lên chống lại cái xấu, cái ác. Với hai tình huống truyện bất ngờ của tác phẩm, ta nhận ra đằng sau vẻ đẹp hoàn mỹ không phải lúc nào cũng là điều tốt đẹp. Chúng có thể là những điều bất công, xấu xa, ẩn chứa bao nghịch lý đầy đau đớn.  Cuộc sống luôn chứa đựng vô vàn điều trái khoáy, ẩn nấp đằng sau những vẻ đẹp tưởng như hoàn hảo mà ta thường trầm trồ, thích thú. Những điều oan trái, những khổ đau của con người vẫn luôn khuất lấp trong những hối hả, những kì vĩ, diễm lệ được thể hiện ra ngoài. Vì thế, khi đánh giá cuộc sống, ta không thể vội vàng nhìn nhận sự việc chỉ bằng hình thức bên ngoài mà nó thể hiện, ta cần học cách nhìn sâu vào bên trong, lắng nghe và thấu hiểu từ chính những ngóc ngách nhỏ bé; ta cần kiên nhẫn với muôn điều chảy trôi trong cuộc đời. 

Câu chuyện đầy triết lý của người đàn bà hàng chài trên tòa án huyện

Hình ảnh người đàn bà không chỉ dừng lại ở những chi tiết được tác giả miêu tả ngoài bờ biển mà sự khó khăn, nhọc nhằn của người đàn bà còn được đẩy lên cao trào tại tòa án huyện.

Phùng gặp lại người đàn bà trên tòa án huyện. Nhưng lần này, người đàn bà lại tiếp tục mang đến cho anh và “Đẩu” – người bảo vệ công lý những bài học mới về cuộc sống. Mặc dù suốt ngày bị chống bạo hành nhưng chị vẫn luôn nhẫn nhịn. Hình ảnh chị co rúm, ngồi nép vào một góc khiến cho sự thê lương, nhọc nhằn lại càng hiện rõ hơn bao giờ hết.

Những lời van xin, vái lạy để “tòa đừng bắt con bỏ nó” đã khơi dậy tính tò mò của Phùng và Đẩu. Người đàn bà là một người yêu chồng, thương con vô điều kiện. Chị hiểu được nỗi vất vả, gánh nặng chồng đang chịu đựng nên mới đánh vợ để giải tỏa áp lực chứ bản chất ông ấy hiền lành lắm.

Đặc biệt, để các con được ăn no thì chúng cần có đầy đủ cả cha lẫn mẹ. Một người đàn ông dù vũ phu nhưng có thể cùng chị nuôi sống 10 đứa con và chống chịu vào những hôm biển động.

nhung-y-nghia-triet-ly-ve-cuoc-song-trong-chiec-thuyen-ngoai-xa-5

Tác giả gọi “người đàn bà” mà không phải là một cái tên nào, bởi lẽ, chị không phải là người duy nhất sống trong hoàn cảnh như vậy. Trong xã hội còn biết bao người đàn bà cũng đang hy sinh mình như thế. Đôi khi ta thầm hỏi, liệu điều gì đã khiến những người phụ nữ sẵn sàng chấp nhận hi sinh tự do và khao khát của riêng mà hết lòng che chở cho con cái trên mọi hành trình mà đứa con đi qua. Dù có lúc, cuộc sống ấy thật khắc nghiệt và đau đớn, khi những hi sinh không được nhìn nhận, không được trân trọng, không được thấu hiểu; khi những vun đắp lặng lẽ, âm thầm lại trở thành điều hiển nhiên ít được trân trọng; khi giọt nước mắt rơi đã trở thành chuyện thường tình trong mắt người bên cạnh, mặc nó hoá đá, mặc nó chìm trong tổn thương chất chồng. Những người phụ ấy - những người phụ bên đời ta, mấy ai được đi trọn vẹn con đường hạnh phúc viên mãn mà không phải hi sinh một điều gì đó? Họ, trong một khía cạnh nào đó, cũng giống như người đàn bà hàng chài khi hết lòng yêu thương con và sẵn sàng chịu đựng mọi khốn khổ để đổi lấy sự trọn vẹn một gia đình, đổi lấy những tháng này đủ đầy cho con cái. Trong xã hội ngoài kia, có biết bao người đàn bà đang sống trong hoàn cảnh cam chịu, sống trong nghèo khó bủa vây và chạy ăn từng bữa. Họ vẫn ánh lên vẻ đẹp của tình thương con vô bờ, nhưng cuộc đời họ, liệu có khổ tận cam lai?

Bức ảnh đẹp được chọn để trưng bày

Kết thúc của tác phẩm là những diễn biến trong cuộc sống của Phùng sau chuyến công tác. Sau những thấu hiểu của nhân vật Phùng về cuộc sống của người đàn bà làng chài thì anh cũng trở về thành phố. Đúng như dự đoán bức tranh nhận được sự đánh giá rất cao của mọi người. Bức ảnh được đóng khung và treo ở nhiều nơi. Thậm chí là trong các gia đình giàu có yêu nghệ thuật.

Càng nhìn vào bức tranh, nhân vật Phùng lại như thấy được màu hồng hồng của sương mai, vẻ đẹp tuyệt vời của thiên nhiên. Nhưng cũng đan xen vào đó là hình ảnh người đàn bà lam lũ bước ra từ tấm ảnh.

Trong cuộc sống hiện thực, ẩn đằng sau vẻ đẹp “màu hồng” chính là những sự thật khốc liệt, tàn ác. Chúng ta không biết được những uẩn khúc chứa đựng trong vẻ đẹp hoàn mỹ đó. Đi cùng với nghệ thuật chân chính là hiện thực cuộc sống trần trụi. Một số ý đúc rút:

+ Số phận bất hạnh của người phụ nữ khi đất nước đã giành được độc lập nhưng vẫn còn trong giai đoạn khó khăn. Đây là câu chuyện buồn về cuộc đời của người phụ nữ làng chài, nhà đông con, suốt ngày bị chồng vũ phu hành hạ nhưng vẫn cam chịu, nhẫn nhịn vì tình yêu với các con, muốn đảm bảo cho tương lai của các con được tốt hơn. Qua đó nhà văn đã bày tỏ niềm tin yêu và trân trọng đối với vẻ đẹp tâm hồn nổi lên từ sự đau khổ ấy.

+ Nghịch lý giữa vẻ đẹp nghệ thuật mà nhân vật Phùng luôn theo đuổi với thực tế cuộc sống đầy đau đớn, nhẫn tâm. Với tư cách là nghệ sĩ săn tìm cái đẹp, Phùng đã có giây phút “hạnh phúc ngập tràn tâm hồn” bởi anh đã có được “cái đẹp tuyệt đỉnh của ngoại cảnh” mà anh hằng ao ước. Nhưng anh hoàn toàn bất ngờ. Vì bức ảnh chụp rất đẹp nhưng đằng sau bức ảnh đó anh nhận ra 1 sự thật trần trụi, đầy đau đớn khi con thuyền anh vừa chup cập bến và xuất hiện hình ảnh người chồng đánh đập vợ mình tàn nhẫn, bất nhân.

+ Nghịch lý trong cách nhìn nhận giải quyết vấn đề của nhân vật Đẩu với thực tế hoàn cảnh của người đàn bà hàng chài.

+ Cần phải đưa ra cách giải quyết vấn đề bạo lực gia đình để đảm bảo cho cuộc sống vật chất và tinh thần của người phụ nữ được đầy đủ, tốt đẹp và hạnh phúc hơn (giải quyết tình trạng đói kém kéo dài thường xuyên, nâng cao nhận thức của người dân…).

+ Mối quan hệ giữa nghệ thuật và cuộc đời - phải là hai vòng tròn đồng tâm. Nghệ thuật phải phản ánh được cuộc sống, không được tách rời mà luôn gắn chặt với cuộc sống. Nghệ thuật phải vừa tố cáo vừa phản ánh hiện thực, bắt độc giả không thể làm ngơ trước hiện thực đen tối phũ phàng của mọi kiếp người lầm than. Trong đó, người nghệ sĩ phải dũng cảm nhìn thằng vào hiện thực, phải nhìn nhận đầy đủ số phận con người.

+ Qua nhân vật Đẩu, ta rút ra 1 bài học là không thể nhìn cuộc đời đơn giản 1 chiều, phải đi sâu vào hiện thực với nhiều khía cạnh của nó để thấy rõ hiện thực chứ không chỉ dừng trên sách vở lý thuyết, là không thể nhìn cuộc đời qua mắt lưới.

Cuộc đời vốn dĩ là nơi sản sinh ra cái đẹp của nghệ thuật nhưng không phải bao giờ cuộc đời cũng là nghệ thuật, và rằng con người ta cần có một khoảng cách để chiêm ngưỡng vẻ đẹp của nghệ thuật nhưng nếu muốn khám phá những bí ẩn bên trong thân phận con người và cuộc đời thì phải tiếp cận với cuộc đời, đi vào bên trong cuộc đời và sống cùng cuộc đời (Lê Ngọc Chương - “Chiếc thuyền ngoài xa”, một ẩn dụ của Nguyễn Minh Châu). Với kết cấu truyện độc đáo, cách triển khai cốt truyện sáng tạo, khắc hoạ nhân vật sắc sảo,... Chiếc thuyền ngoài xa là minh chứng cho vẻ đẹp của văn xuôi Nguyễn Minh Châu - “vẻ đẹp toát ra từ tình yêu tha thiết đối với con người, vẻ đẹp của một cốt cách nghệ sĩ mẫn cảm, đôn hậu, điềm đạm chiêm nghiệm lẽ đời để rút ra những triết lý nhân sinh sâu sắc”.

(Nguồn: Thưởng thức sách)

Xem thêm: So sánh chi tiết "A Sử trói Mị" (Vợ chồng A Phủ) và "gã đàn ông đánh vợ" (Chiếc thuyền ngoài xa)

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận