"Yêu nữ hàng hiệu" Lý Nhã Kỳ: Mùa dịch ở Sài Gòn kinh doanh và làm từ nguyện thay vì "trốn" ở nông trại sống chậm như trước
Lý Nhã Kỳ chia sẻ, cô mang ơn Sài Gòn và thương mảnh đất này, nên lúc "quê hương thứ hai" hoạn nạn thì bản thân không thể ngồi yên.
Tuổi thơ cơ cực của "yêu nữ hàng hiệu"
Lý Nhã Kỳ sinh năm 1982 là diễn viên, doanh nhân. Cô ghi dấu ấn qua vai diễn Diễm Kiều trong phim "Kiều nữ và Đại gia" (2008). Đến năm 2011, cô được bổ nhiệm làm Đại sứ Du lịch đầu tiên của Việt Nam.
Năm 2016, cô được nhận tước vị Công chúa Châu Á do hoàng đế tối cao Mangacop Unipa Saud Al Hadj đại diện cho Chính quyền Bộ tộc Mindanao của Vương quốc Hồi giáo nhân dân thống nhất Bangsamoro Philippines phong tặng. Sau đó, Tổng thống Philippines Rodrigo Roa Duterte chính thức gửi thư chúc mừng Hoàng gia Mindanao và Lý Nhã Kỳ nhân dịp được sắc phong tước vị này.
Trong showbiz Việt, Lý Nhã Kỳ nổi tiếng với biệt danh "yêu nữ hàng hiệu" bởi cô sở hữu khối tài sản lớn, cuộc sống xa xỉ. Thế nhưng ít ai biết được, Lý Nhã Kỳ từng có một tuổi thơ cơ cực, nghèo khó.
Lý Nhã Kỳ từng chia sẻ: "Bố tôi là bộ đội đặc công rừng Sác (nay thuộc huyện Cần Giờ, Thành phố Hồ Chí Minh), từng là một thương binh, bị mất một chân, mang 93% thương tích, nằm liệt 17 năm trên giường bệnh và mọi thứ điều nhờ vào sự chăm sóc của người thân.
Khoảng thời gian đó gia đình tôi vô cùng khó khăn. Năm bố bị liệt tôi mới lên 7. Một mình mẹ khi đó còn rất trẻ đã phải cáng đáng lo lắng cho cả gia đình với 3 con thơ. Cảnh thiếu ăn là chuyện hàng ngày”.
Biến cố gia đình ập đến khi mẹ Lý Nhã Kỳ kiệt sức, phải nằm tĩnh dưỡng. Lúc đó, ba chị em không ai bảo ai mỗi người phải tự làm những công việc khác nhau để lo cho gia đình.
Chị cả năm đó 13 tuổi phải bươn trải buôn bán, trong khi chị thứ hai lo việc chăm sóc cha, còn Lý Nhã Kỳ vừa đi học vừa chăm mẹ. Có thời gian còn đi lọt điều, bán điều kiếm sống phụ gia đình.
“Những tháng ngày khó khăn ấy, trong ký ức của tôi là chuỗi ngày ăn khoai luộc. Đến bữa, 3 chị em phải xới lên để bát cơm trông đầy đặn, nhìn thấy nhiều hơn để khi ăn có cảm giác no. Chính sự khó khăn lúc nhỏ đã tôi luyện cho tôi sự kiên cường trước mọi gian khó", Lý Nhã Kỳ hồi tưởng lại ký ức về tuổi thơ khốn khó của mình.
Bố Lý Nhã Kỳ mất năm cô 23 tuổi. Cho đến tận bây giờ, cô vẫn không thể quên được mất mát này. Và cô đã đặt nghệ danh cho mình là Lý Nhã Kỳ vì muốn cha sống mãi (tên thật của Lý Nhã Kỳ là Trần Thị Thanh Nhàn): Lý là tên của cha, Nhã tức là nhàn nhã, còn Kỳ với mong muốn đó là mãi mãi.
Cũng vì lớn lên trong gia đình khó khăn, Lý Nhã Kỳ luôn ý thức làm từ thiện, chia sẻ với những người kém may mắn hơn.
Cả mùa dịch ở Sài Gòn kinh doanh, làm thiện nguyện
Có thể nói, ở tuổi ngoài 40, Lý Nhã Kỳ đã có tất cả: danh tiếng, sự nghiệp và sự giàu có. Lý Nhã Kỳ không ngại chia sẻ cuộc sống sang chảnh hiếm có sao Việt nào địch nổi.
Trong thời gian nghỉ dịch kéo dài của vài tháng trước, để “lan tỏa năng lượng tích cực”, Lý Nhã Kỳ thường xuyên chia sẻ những hình ảnh thường nhật của cô, trong đó bao gồm những bữa ăn được trình bày cầu kỳ và các góc sống ảo được chăm chút tỉ mỉ trong căn hộ mới xây.
Và cũng vì cô hay chia sẻ cuộc sống giàu sang của mình mà nhiều người thắc mắc: Sao Lý Nhã Kỳ không làm từ thiện? Lý Nhã Kỳ sau đó đã lên tiếng cho biết, trong thực tế cô đã âm thầm làm từ thiện, ủng hộ việc chống dịch và được các cơ quan chức năng ghi nhận từ lâu nhưng không chia sẻ điều này.
Với tư cách đại diện Lãnh sự quán Rumani tại TP.HCM, cô được Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc phường 10, quận 3 tặng giấy khen gương Người tốt - Việc tốt vì có nhiều thành tích xuất sắc trong việc hỗ trợ lương thực, thực phẩm cho người dân trong đợt dịch thứ tư.
“Khi nghệ sĩ làm từ thiện và chia sẻ những hành động ấy thì khán giả bảo là khoe khoang, lợi dụng từ thiện để xây dựng hình ảnh. Tôi không khoe, tôi giấu đi thì lại dạy tôi phải đi làm từ thiện đi chứ”, nữ nghệ sĩ chia sẻ.
Theo báo Tiền phong, cả mùa dịch, Lý Nhã Kỳ chọn sống ở Sài Gòn để điều hành công việc kinh doanh và làm thiện nguyện thay vì "trốn" ở nông trại sống chậm như trước kia. Cô nói: “Tôi thương Sài Gòn bởi vì tôi mang ơn mảnh đất này, mang ơn quê hương thứ hai. Trong hoạn nạn, tôi nghĩ là không ai ngồi yên mà sẽ góp sức mình theo những cách khác nhau cùng biến sự đau thương này thành sức mạnh, hỗ trợ Sài Gòn mạnh mẽ như ngày xưa”.
Vì đại dịch COVID-19, Lý Nhã Kỳ cũng đã từ chối lời mời trở lại thảm đỏ LHP Cannes tại Pháp hồi tháng 7. "Tình hình dịch bệnh nước mình chưa được kiểm soát và cuộc sống nhiều người bị ảnh hưởng. Vì thế, tôi thấy mình không thể ích kỷ váy áo vui mừng bên đó mà không chia sẻ với những khó khăn trong nước. Tôi nghĩ không đi được Cannes năm nay thì sẽ đi năm sau và đi với tâm thế vui hơn. Lúc này, tôi chỉ mong đất nước, người dân Việt Nam có thể vượt qua khó khăn và sớm quay lại cuộc sống bình thường", nữ diễn viên chia sẻ.
Xem thêm: Hành trình thiện nguyện giúp đời của diễn viên Khả Như: "Sống là để cho đi"
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận