Kiến thức văn học [P14]: Chất thơ trong tác phẩm văn học quan trọng thế nào?

Chất thơ được xem như một đặc tính quan trọng đem lại sự lôi cuốn kỳ diệu cho hình tượng nghệ thuật và tác phẩm. Chất thơ biểu hiện ở cái đẹp ngôn từ, cái đẹp ý tưởng, cảm xúc...

Đỗ Thu Nga
15:00 17/03/2023 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Chất thơ là gì?

Chất thơ hay chất trữ tình (hoặc thi vị) tức là có tính chất gợi cảm, gây hứng thú trong thơ. Chất thơ có thể hiểu là một khía cạnh của cảm hứng thẩm mỹ nhân văn, phải gắn với cái đẹp. Cái đẹp có thể là do tự nhiên mang lại như cảnh mây trắng nhởn nhơ bay trên bầu trời xanh, tạo cảm giác dễ chịu cho người ngắm nhìn. Hoặc cũng có thể tạo ra từ tình cảm, hành động của con người như: Sự nhớ nhung, sự uyển chuyển của điệu múa...

Kien-thuc-van-hoc-P13-Chat-tho-trong-tac-pham-van-hoc

Hiểu một cách đơn giản, chất thơ chính là sự khám phá cuộc sống bằng nghệ thuật đa dạng, độc đáo đem lại vẻ đẹp và cảm xúc tâm hồn cho người đọc. Thông thường, người ta cho rằng, chất thơ là một thuộc tính chỉ có riêng ở thơ. Nhưng thực ra, chất thơ có thể tìm thấy ở các thể loại văn học khác như văn xuôi (tiểu thuyết, truyện ngắn, tản văn...), kịch...

Chất thơ được tạo ra từ những hình ảnh đẹp, giàu sức biểu cảm, từ những ngôn từ giàu nhạc điệu, bay bổng thanh thoát... Vậy là “cái chất trữ tình bay bổng, diệu kì của hình ảnh, âm điệu, ngôn ngữ…vốn là của thơ ca, đến một lúc nào đó lại có thể tìm thấy trong hầu hết các thể loại”.

Một vài biểu hiện của chất thơ trong tác phẩm văn học

Tác phẩm văn chương chính là sự thẩm thấu của nhà văn về cái đẹp trong cuộc sống và nghệ thuật. Người ta thường nói đến chất thơ trong tác phẩm văn học và trong đời sống. Khi nói đến chất thơ là nói đến nhân tố thuộc nội dung, chất thơ có thể nằm đây đó trong cuộc sống ở những mặt kết tinh tiêu biểu, hoặc ở trong văn xuôi. 

Nói đến tác phẩm văn xuôi có chất thơ tức là những ý văn, câu văn, đoạn văn tạo nên sự rung cảm trước cái đẹp của thiên nhiên, cuộc sống con người và nó có khả năng truyền những rung cảm ấy đến bạn đọc. Ở văn xuôi, chất thơ có trong nhiều cấp độ, như từ ngữ, bức tranh thiên nhiên, hình tượng nhân vật...

Trong đời sống thường nhật, khi nói đến chất thơ thường có thói quen nghĩ đến cái gì đẹp đẽ, thơ mộng, lý tưởng bay bổng như một khung cảnh thiên nhiên mộng mơ, sơn thủy hữu tình, một con gái đẹp, một tâm hồn lãng mạn. Người ta thường ít nghĩ đến chất thơ trong những cảnh đời lam lũ, mệt nhọc hay những cảnh tượng bộn bề, tăm tối.

Kien-thuc-van-hoc-P13-Chat-tho-trong-tac-pham-van-hoc-6

Quan niệm trên dường như đã trở thành một thói quen trong cảm nghĩ của nhiều người, có phần đúng nhưng chưa đủ.  Cần thấy rằng, có đối tượng nên thơ, đối tượng không nên thơ, biết phát hiện ở đối tượng khách quan phần nên thơ của nó, cung cấp cho nó một dáng hình, một cách giải thích, một lý tưởng đẹp. Đó là nhiệm vụ chung của nghệ thuật và trực tiếp là của thi ca.

Chất thơ trong đời sống nghệ thuật bao gồm sự thống nhất giữa những phẩm chất của đối tượng khách quan với cảm hứng sáng tạo chủ quan của nhà thơ. Thực tế khách quan được chọn lọc ở những mặt kết tinh tiêu biểu, ở những chi tiết, hình ảnh chân thực là tiền đề trực tiếp để tạo nên chất thơ, chính hiện thực phong phú đó có tác dụng gây cảm xúc và góp phần biểu hiện thành cảm xúc thẩm mỹ. Nhưng nhân tố quan trọng hơn cả để tạo nên chất thơ chính là phần cảm xúc và suy nghĩ chủ quan của nghệ sĩ.

Những hình tượng thơ ca chân chính đều chứa đựng một lý tưởng đpej, một sức tưởng tượng phong phú và những cảm xúc lắng đọng sâu sắc. Chất thơ là một phẩm chất tổng hợp được tạo nên từ nhiều nhân tố. Những nhân tố này cũng có thể có trong nội dung cấu tạo của các thể loại, nhưng ở thơ biểu hiện tập trung hơn và được hòa hợp, liên kết một cách chắc chắn tạo nên những phẩm chất mới.

Việc xác định chất thơ là một vấn đề rất khó. Đúng như Nguyễn Tuân từng nói: "Định nghĩa về chất thơ cho thật chính xác và toàn thập, tôi thấy nó cũng khó như định nghĩa cho chất uymua” (humour). Nhưng khi chúng ta quan niệm “thơ không phải là cái gì thần bí, siêu việt, thơ gắn liền với cuộc sống, với tâm hồn con người và năng lực sáng tạo của người nghệ sĩ thì việc tìm hiểu chất thơ lại là cần thiết và quan trọng để làm cơ sở lí luận đi vào địa hạt thơ ca.

Chất thơ trong tác phẩm văn học, trước hết gắn với sự rung động và cảm xúc trực tiếp. Nếu xem bản chất giàu cảm xúc là một năng lực tinh thần thuộc về bản chất của người nghệ sĩ thì điều đó trước hết phải có ở người thi sĩ. Xuân Diệu từng viết:

“Là thi sĩ nghĩa là ru với gió.Mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mâyĐể linh hồn ràng buộc với muôn dây”

Cảm xúc cũng là nhân tố tạo nên hình tượng. Có nhiều cách để tạo nên cảm xúc như qua miêu tả hình ảnh, tưởng tượng, so sánh hoặc qua nghệ thuật sửu dụng ngôn từ.

Chất thơ trước hết là tấm lòng nhưng chất thơ cũng bắt nguồn từ hiện thực cuộc sống muôn màu. Một bức tranh thiên nhiên, một khung cảnh lao động của con người, hay một đời lam lũ... Cũng là tiền đề để làm nên vẻ đẹp nên thơ của tác phẩm văn học. 

Nói tóm lại, chất thơ luôn gắn liền với trí tưởng tượng, gắn liền với cái đẹp. Nhưng chất thơ của mỗi nhà thơ được hình thành với những đặc điểm riêng do trình độ và năng lực tinh thần, do hoàn cảnh từng cá nhân quy định. Có thể thông qua thành phần cấu tạo của chất thơ mà tìm hiểu những mặt nahats định trong phong cách thơ của tác giả...

Xem thêm: Kiến thức văn học [P13]: Cấu trúc tương phản, đối lập trong tác phẩm văn học là gì?

songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận