Kiến thức văn học [P13]: Cấu trúc tương phản, đối lập trong tác phẩm văn học là gì?

Tác phẩm văn học tồn tại cụ thể qua văn bản ngôn từ - một cấu trúc vô cùng chặt chẽ, sinh động gồm nhiều yếu tố với nhiều cấp độ và nhiều quan hệ khác nhau.

Đỗ Thu Nga
15:00 14/03/2023 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Cấu trúc tương phản, đối lập trong tác phẩm văn học là gì?

Theo Roman Ingarden: “Đặc trưng cấu trúc cơ bản của tác phẩm văn học là nó được xây dựng từ nhiều lớp không thuần nhất (lớp ngôn ngữ, lớp nghĩa, lớp các sự kiện được mô tả, lớp cảnh tượng sơ lược). Giữa các lớp có quan hệ gắn bó với nhau, mỗi lớp mang những chất lượng giá trị đặc biệt theo cách của nó, và trong tổng thể của chúng hình thành chất lượng thẩm mĩ chung cho tác phẩm. Đó là sự đa thanh hài hòa”. Ở phương diện này, người ta chú ý nghiên cứu các mối quan hệ: giữa yếu tố với chỉnh thể, giữa lựa chọn và kết hợp, giữa bổ sung và đối lập, giữa nội dung và hình thức.

Quan hệ bổ sung và đối lập là quan hệ phản ánh rõ nét nhất bản chất của đời sống nên cũng rất phổ biến trong tác phẩm văn học. Quan hệ bổ sung và đối lập được biểu hiện rất đa dạng. Bổ sung có hai dạng cơ bản là song hành và trùng điệp. Còn quan hệ đối lập thì thể hiện ở nhiều cấp độ khác nhau: Đối lập trong hình tượng toàn tác phẩm; đối lập trong hình tượng nhân vật; đối lập trong câu, trong cách dùng từ ngữ...

Cau-truc-tuong-phan-doi-lap-trong-tac-pham-van-hoc-la-gi-867
Người lái đò sông Đà sử dụng cấu trúc đối lập

Trong bản chất của cuộc sống, mọi thứ đều tồn tại trong mối quan hệ đối lập và bổ sung. Đó là quy luật của triết học. Vận dụng triết học vào nghiên cứu văn học, dựa vào lý thuyết mô hình hóa, người ta xem văn học như là một loại mô hình về hiện thực, có những quy luật trong cấu trúc hình tượng. Trong đó, cấu trúc đối lập trở nên rất phổ biến.

Trong thơ, đối lập trở thành cấu trúc cơ bản của toàn bài thơ, của tứ thơ: “Sóng” (Xuân Quỳnh), “Qua nhà” (Nguyễn Bính), “Vi mô và vĩ mô” (Trần Mạnh Hảo), “Có gì đâu” (Trần Ninh Hồ), Thời gian (Văn Cao),…

Trong truyện, đối lập cũng là cấu trúc cơ bản tạo nên mâu thuẫn, xung đột ở mọi phạm vi của tác phẩm, từ cốt truyện đến nhân vật, tính cách,… Chẳng hạn như trong:

– “Chí Phèo” (Nam Cao): có sự đối lập giữa khát vọng chính đáng với thực tế xã hội vô nhân đạo, giữa nhân tính với thú tính, giữa ý thức và vô thức, giữa say và tỉnh.

– “Dưới bóng hoàng lan” (Thạch Lam): có sự đối lập giữa thành thị và nông thôn, giữa bên trong và bên ngoài cánh cổng gỗ của khu vườn êm ả. Phía ngoài cánh cổng là một thế giới ồn ào, phồn tạp, nắng nôi; bên trong là bầu không khí mát rượi thoảng mùi hương để ta lắng nghe những rung động tinh vi của tâm hồn và sự sống.

– “Bước qua lời nguyền” (Tạ Duy Anh) có sự đối lập giữa quá khứ và hiện tại, giữa hận thù và tình yêu, giữa lí trí và tình cảm,…

Cấu trúc đối lập trong tác phẩm "Hai đứa trẻ" của Thạch Lam

Đối lập giữa ánh sáng và bóng tối

Không phải ngẫu nhiên mà nhà văn miêu tả cuộc sống phố huyện trong Hai đứa trẻ gắn với ba thời điểm nối tiếp: chiều buông- đêm xuống- khuya về. Có thể thấy rõ ở đây có sự xung đột giữa bóng tối và ánh sáng: bóng tối hay nghèo nàn và cô đơn- ánh sáng chỉ là ước mơ thoáng qua. Mở đầu truyện, ánh sáng tắt dần; kết thúc truyện, bóng tối tràn ngập phố huyện, hay tràn ngập thế giới. Thế giới Hai đứa trẻ là thế giới “yên tĩnh”, “tịch mịch”, hai chị em ngủ “một giấc ngủ yên tĩnh, cũng yên tĩnh như đêm ở trong phố, tịch mịch và đầy bóng tối”. Ở cái phố huyện nhỏ này, đến cả tiếng trống cầm canh khô, ngắn cũng chìm ngay vào bóng tối; ga im lặng và tối đen; đêm của đất quê, mênh mang và yên lặng.

Bóng tối càng dày đặc bao nhiêu thì khát vọng hướng về ánh sáng càng khắc khoải bấy nhiêu. Ánh đỏ rực của buổi hoàng hôn “Phương tây đỏ rực như lửa cháy và những đám mây ánh hồng như hòn than sắp tàn” dẫu đẹp nhưng lại gieo vào lòng cô bé Liên nỗi buồn man mác vì cuộc sống của hai đứa trẻ trong một gia đình sa sút đã mang sẵn dư vị của bóng tối. Trong không gian “bóng tối ngập đầy dần”, Liên đã chứng kiến những con người “đi lần vào bóng tối”, “từ từ đi vào bóng đêm”. Và rồi từ bóng tối mênh mông lại hiện lên những bóng đời chập chờn ánh sáng lay lắt với ngọn đèn, bếp lửa.

Đêm xuống, cả phố huyện chìm trong bóng tối: “đường phố và các ngõ con dần dần chứa đầy bóng tối”. Càng về khuya, bóng tối càng đậm đặc hơn: “Tối hết cả, con đường thăm thẳm ra sông, con đường qua chợ về nhà, các ngõ vào làng lại càng sẫm đen hơn nữa”. Bóng tối càng dày đặc, cảnh sống của con người càng thê lương, gợi cho ta hình dung bóng tối đang đổ ập về phía số phận những con người bé bỏng đang hắt hiu như ngọn đèn trước gió. Cái nhìn lo âu của Thạch Lam luôn xoáy sâu vào những khía cạnh còn khuất lấp của hiện thực. Không gian sinh hoạt của đời sống phố huyện tù đọng, giam hãm con người. Bóng tối trải dài trên quãng đường mấp mô chân trâu, trên đường phố huyện le lói ánh đèn dầu.

Trong bóng tối tràn lan, dày đặc ấy, ánh sáng thật nhỏ nhoi, leo lét. Đó là cái ánh sáng yếu ớt hắt ra từ khe cửa; đó là cái quầng sáng từ chiếc đèn con của chị Tí và lò lửa của bác Siêu; đó là “ngọn đèn của Liên, ngọn đèn vặn nhỏ, thưa thớt từng hột sáng lọt qua phên nứa”; đó là cái ánh sáng nhợt nhạt của “những con đom đóm bay là là trên mặt đất”; đó là ánh sáng xa vời vợi của các vì sao trên giải ngân hà. Ánh sáng được miêu tả bằng những danh từ định lượng rất nhỏ: khe sáng, hột sáng, vệt sáng, quầng sáng, chấm lửa nhỏ. Bấy nhiêu thứ ánh sáng ít ỏi ấy như đối lập với bóng tối mênh mông, dày đặc. Chính trên cái nền tối ấy, tồn tại chông chênh những thân phận con người. Sự đối lập giữa bóng tối mênh mông và ánh sáng leo lét, ít ỏi đã làm nổi bật lên hiện thực cuộc sống nơi phố huyện: lay lắt, lụi tàn, tối tăm, tù đọng.

Cau-truc-tuong-phan-doi-lap-trong-tac-pham-van-hoc-la-gi-8

Bóng tối và ánh sáng ở đây vừa mang ý nghĩa tả thực, vừa mang ý nghĩa tượng trưng. Phải chăng cuộc sống nghèo nàn, tù túng ở phố huyện cũng là một thứ bóng tối. Những đứa trẻ con nhà nghèo nhặt nhạnh bất cứ thứ gì còn dùng được trong ngôi chợ vãn. Hai mẹ con chị Tí ban ngày mò cua bắt ốc, ban đêm dọn hàng nước dưới gốc cây bàng, buôn bán ế ẩm. Bóng bác Siêu bán phở mênh mang ngả xuống đất, kéo dài đến tận hàng rào; món hàng của bác là một thứ quà xa xỉ nên cũng chẳng mấy người mua. Bà cụ Thi điên với tiếng cười khanh khách đi lần vào bóng tối. Gia đình bác xẩm trên manh chiếu rách với mấy tiếng đàn bầu bật trong yên lặng, thằng con bò ra đất nhặt rác bẩn. Và hai đứa trẻ với cửa hàng tạp hóa nhỏ xíu, lời lãi chẳng là bao, ngồi nhìn cảnh chiều xuống, đêm về với những nỗi buồn mơ hồ, thấm thía. Không phải ngẫu nhiên mà hình ảnh ngọn đèn con của chị Tí cứ trở đi trở lại như một biểu tượng cho những kiếp sống mù tối, lay lắt trong bóng đêm mênh mang của cuộc đời.

Con người luôn hướng về phía ánh sáng nhưng vẫn không xua tan được những ám ảnh bóng tối. Đó là thực tế đáng buồn mà Thạch Lam đã nhận ra từ cuộc sống của những người dân nghèo. Nhưng dường như ông không muốn để cho những cảm giác bi kịch đè nặng lên số phận những con người nghèo khổ. Bằng thái độ trân trọng, ông đã nâng đỡ cho các nhân vật của mình, vực dậy những khát khao đổi đời ngay trong những khoảnh khắc mong manh nhất: “Chừng ấy người trong bóng tối mong đợi một cái gì tươi sáng cho sự sống nghèo khổ hằng ngày của họ”. Dù đấy là niềm mong đợi hết sức mơ hồ và cũng không biết bao giờ mới trở thành hiện thực.

Không gian chứa đầy bóng tối xuất hiện hầu hết trong các truyện của Thạch Lam. Nhưng đối lập với bóng tối là ánh sáng, không chỉ là ánh sáng le lói của những ngọn đèn mà quan trọng hơn là ánh sáng của những tâm hồn luôn muốn vươn tới một thế giới tinh thần lành mạnh, giàu tính thiện.

Đối lập giữa hình ảnh đoàn toàn với cuộc sống phố huyện; giữa tĩnh và động; giữa quá khứ và hiện tại; giữa thực tại và ước mơ

Hình ảnh đoàn tàu với “các toa đèn sáng trưng, chiếu ánh cả xuống đường…những toa hạng trên sang trọng lố nhố những người, đồng và kền lấp lánh, và các cửa kính sáng”. “Con tàu như đã đem một chút thế giới khác đi qua. Một thế giới khác hẳn, đối với Liên, khác hẳn cái vầng sáng ngọn đèn của chị Tí và ánh lửa của bác Siêu”. Hình ảnh rực rỡ của đoàn tàu đối lập với cuộc sống lặng lẽ, tối tăm nơi phố huyện. 

Đoàn tàu mang đến một thứ ánh sáng khác lạ, rực rỡ và cuộc sống sôi động nhưng chỉ vụt qua trong thoáng chốc, chỉ đủ sức khuấy động không gian yên tĩnh của phố huyện trong một khoảnh khắc ngắn ngủi. Con tàu như mang đến một thế giới khác, thế giới của hồi ức tuổi thơ đẹp đẽ, thế giới của lí tưởng và ước mơ đối lập với cái thế giới hắt hiu, tĩnh lặng của phố huyện, khơi dậy những nỗi niềm mơ tưởng của chị em Liên. Kỉ niệm là “một vùng sáng rực và lấp lánh. Hà Nội nhiều đèn quá…Hà Nội xa xăm, Hà Nội sáng rực vui vẻ và huyên náo”. Nó đánh thức tuổi thơ hạnh phúc khi gia đình Liên còn sống ở Hà Nội, hai đứa trẻ được đi chơi bờ hồ, được uống những cốc nước lạnh xanh đỏ, được hưởng những thức quà ngon lạ. Hà Nội sáng rực và lấp lánh trong kỉ niệm càng tương phản với cuộc sống hiện tại nơi phố huyện khiến hai đứa trẻ cứ nôn nao, thấp thỏm một niềm mong đợi mơ hồ.

Như vậy, hai đứa trẻ chờ tàu vừa để sống lại thế giới tuổi thơ đã mất, vừa để thoát khỏi cuộc sống tối tăm, vắng lặng, xơ xác, nhàm chán của phố huyện nghèo, hướng đến một cuộc sống tươi đẹp hơn. Thế giới mà Liên mơ tưởng là một thế giới vừa đã qua, lại vừa chưa tới. Đã qua vì nó gợi nhớ đến tuổi thơ êm đềm, hạnh phúc; nhưng chưa tới vì nó gợi mở, hướng đến một cái gì tươi đẹp hơn ở tương lại. Nguyễn Tuân có nhận xét: “Truyện Hai đứa trẻ có hương vị man mác. Nó gợi một nỗi niềm thuộc về quá vãng, đồng thời cũng dóng lên một cái gì còn ở tương lai”.

Sự đối lập đó đã cho người đọc thấy được tâm hồn trong sáng, chan chứa ước mơ, đau đáu khát vọng nhưng đang chìm trong những kiếp sống mòn. Ở trên, ta nói ánh sáng và bóng tối vừa mang nghĩa thực, vừa mang nghĩa tượng trưng. Nếu cuộc sống tối tăm, lay lắt, tù đọng nơi phố huyện cũng là một thứ bóng tối thì những ước mơ, khát vọng trong tâm hồn con người lại là một thứ ánh sáng. Ánh sáng đó dẫu nhỏ bé, mong manh nhưng nó lại là nguồn sáng đẹp nhất, bền bỉ nhất. Hy vọng của những kiếp người nghèo dẫu mong manh, mơ hồ nhưng nó sống mãi. Phố huyện tối tăm, đêm tối đậm đặc, ánh sáng le lói, hy vọng mơ hồ nhưng vẫn gieo vào lòng người đọc một niềm tin về tình thương, ước mơ và sức sống bất diệt của con người.

Với nghệ thuật đối lập, Thạch Lam đã khắc họa đậm nét cuộc sống tối tăm, lay lắt, tàn lụi của những con người nơi phố huyện; cho ta cảm nhận về ước mơ, khát vọng của những con người bé nhỏ. Dù chỉ là niềm hi vọng mong manh, mơ hồ nhưng rất đáng nâng niu, trân trọng. Đó chính là tấm lòng thương cảm sâu xa của Thạch Lam đối với những kiếp sống mỏi mòn. Cấu trúc đối lập còn tạo nên sự hấp dẫn, độc đáo cho câu chuyện.

Xem thêm: Bi hài chuyện các nhà thơ đông con: Lưu Trọng Lư tên con là Nu, Na, Nông cho... dễ nhớ

songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận