Khâm phục cô gái khiếm thị đạt học bổng toàn phần ngành trí tuệ nhân tạo
Học bổng trị giá 340 triệu ngành trí tuệ nhân tạo là phần thưởng rất xứng đáng dành cho cô nữ sinh khiếm thị lạc quan, học giỏi Lê Ngọc Thương (Q.10, TP.HCM).
7 tuổi phải chấp nhận cuộc sống mất đi ánh sáng
Bà Võ Tuyết Mai (47 tuổi, mẹ Thương), hiện sinh sống tại H.Củ Chi, TP.HCM, cho biết từ nhỏ con gái rất năng động, hoạt bát và có đôi mắt đẹp. Năm 7 tuổi, Thương không may mắc căn bệnh u mắt. Bà Mai cho biết đã bán hết ruộng đất để chạy chữa cho con. Hơn 2 năm ròng đi khắp các bệnh viện nhưng cuối cùng điều kỳ diệu đã không xảy đến, Thương mất hoàn toàn thị lực.
Trở về từ bệnh viện, Thương mất hơn 1 năm mới học được cách làm quen với bóng tối. Thời gian đó, bà Mai không khỏi xót xa khi trên người đứa con gái nhỏ thường xuyên xuất hiện vết bầm tím do va đập vào các vật dụng trong nhà. Cảm nhận được sự khổ tâm của cha mẹ, vì vậy Thương luôn lạc quan và mong muốn được đi học.
Năm 2011, Thương được gia đình gửi đi học nội trú tại Trường phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu (Q.10, TP.HCM). Thời gian đầu cho con đi học xa nhà, bà Mai không đêm nào ngon giấc vì lo con không thể tự chăm sóc tốt cho bản thân. Thấy mẹ lo lắng nên ngày nào Thương cũng gọi về trấn an và cố gắng làm quen với môi trường mới. Tại ngôi trường này, Thương được học môn định hướng di chuyển và sử dụng gậy dò đường nên đã có thể tự đi học một mình.
Hết bậc tiểu học, Thương theo học Trường THCS Hoàng Văn Thụ (Q.10), song vẫn ở nội trú trong trường trước đó. Đến năm 2020, hoàn thành bậc THCS, nữ sinh theo học tại Trường THPT Nguyễn An Ninh (Q.10) và dọn ra ở trọ. Thời gian đầu, Thương ở trọ cùng 2 người bạn, sau đó thì làm quen với cuộc sống một mình.
"Thời gian đầu dọn ra sống một mình rất là sợ. Mình quen được sự giúp đỡ của các chị nên khi ở một mình có phần lúng túng, thường xuyên vấp té, đôi khi làm rơi vỡ các vật dụng trong phòng. Sau đó mình học được cách tưởng tượng và ghi nhớ vị trí đặt các vật dụng trong nhà để tiện sinh hoạt", Thương nói.
Cô Phạm Thị Thu Hường, giáo viên Trường THPT Nguyễn An Ninh, cho biết: "Thật khâm phục sự cố gắng và nỗ lực của Thương. Trong quá trình học tập tại trường, Thương gặp rất nhiều khó khăn với việc di chuyển và tiếp thu kiến thức, nhưng bằng sự cố gắng và chăm chỉ, Thương luôn đạt thành tích học sinh khá, giỏi".
Cô Hường cho biết để thuận tiện cho việc học và thi, giáo viên thường xếp Thương ngồi chung với một học sinh giỏi và chép bài nhanh. Người bạn này sẽ hỗ trợ đọc nội dung bài học cho Thương ghi chép lại trên bộ chữ nổi. Khi thi, giáo viên sẽ gửi nội dung ôn tập qua máy tính cho Thương. Mất hoàn toàn thị lực nên Thương phải nhờ đến phần mềm đọc màn hình cho người khiếm thị trên máy tính và điện thoại. Phần mềm này hoạt động theo nguyên lý quét và giải mã các ký tự dạng chữ sang âm thanh.
Tích cực trong các hoạt động phong trào
Thương học giỏi môn tiếng Anh, yêu thích tin học và có năng khiếu nổi trội trong thể thao. Thương từng đoạt HCB môn điền kinh tại Hội thi thể thao người khuyết tật toàn quốc lần thứ 6 năm 2018, HCV tại giải vô địch điền kinh người khuyết tật toàn quốc năm 2019, giải nhì môn cờ vua tại Hội thao năng động người khuyết tật lần thứ 7 năm 2023…
Năm 2021, Thương tham gia làm cộng tác viên cho dự án MPVI (dạy kèm cho học sinh khiếm thị) ở môn toán và tin học. Ngoài việc dạy kèm, Thương còn phụ trách giúp đỡ những cộng tác viên mới tiếp cận với học sinh khiếm thị.
Anh Hoàng Minh Trí (32 tuổi, Q.Nam Từ Liêm, TP.Hà Nội), người thành lập dự án MPVI, cho biết: "Công việc này sẽ có phần khó khăn đối với người sáng mắt, nhưng với Thương thì là lợi thế vì em ấy sẽ biết người khiếm thị cần gì, học tốt nhất với phương pháp nào. Vì vậy, Thương đã giúp giải quyết khá nhiều khó khăn trong việc tìm hiểu nhu cầu của học sinh khiếm thị, cũng như trang bị kỹ năng cho cộng tác viên giảng dạy tại dự án".
Nhờ thành tích học tập tốt và sôi nổi trong các hoạt động phong trào nên tháng 6.2023 Thương nhận được học bổng toàn phần trị giá 340 triệu đồng ngành trí tuệ nhân tạo của Trường ĐH FPT TP.HCM. Thương đang sống ở nhà người thân tại TP.Thủ Đức để tiện đi học.
"Nhờ sự phát triển của công nghệ nên mình có thể sử dụng được các thiết bị như điện thoại, máy tính…, một điều tưởng chừng như không thể đối với người khiếm thị. Vì vậy mình muốn theo đuổi ngành trí tuệ nhân tạo để góp phần phát triển các sản phẩm nhằm phục vụ, nâng cao chất lượng đời sống cho những người khiếm thị. Mình đang cố gắng nâng cao trình độ tiếng Anh, vì tài liệu của ngành học chủ yếu từ nước ngoài", Thương chia sẻ.
(Theo Thanh Niên)
Xem thêm: Nghị lực phi thường của người đàn ông liệt 2 chân đan chiếu trúc xây nhà báo hiếu bố mẹ
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận