Phạm Văn Dũng: Từ chàng trai 17 tuổi 'không đọc được số, viết sai chính tả' đến ông chủ giàu có

"Khi còn nghèo tiền bạc, kinh nghiệm... hãy làm những việc người khác không chịu làm. Khi đã có kinh nghiệm... hãy làm những việc người khác không làm được và làm bằng tất cả đam mê" - Phạm Văn Dũng.

Đỗ Thu Nga
10:14 14/09/2021 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Mấy tháng nay dịch COVID-19 hoành hành khiến việc sản xuất và kinh doanh của anh Phạm Văn Dũng (47 tuổi) ở quận 8 (TP HCM) bị ngưng trệ. Thú vui hàng ngày của ông chủ Công ty sản xuất túi xách là làm vườn sân thượng, uống trà, đọc sách, học tiếng anh và viết lách.

Anh Dũng tâm sự, ngày xưa chỉ học hết cấp 1 nên viết sai chính tả rất nhiều. Giờ chăm chỉ viết để mọi người sửa lỗi giùm. Những bài viết "luyện chính tả" của vị giám đốc này thường là câu chuyện về những ngày đầu "Nam tiến" lập nghiệp.

Theo VnExpress, 30 năm trước, anh Dũng theo bố vào Nam làm việc tại 1 công ty vận tải. Khi đó, chàng trai 17 tuổi "không đọc được con số, còn viết thì thường xuyên sai chính tả" nên chỉ xin được vào làm bốc vác. Một năm sau, cha ra Bắc còn anh vẫn kiên trì ở lại. 

hanh-trinh-lam-giau-cua-vi-giam-doc-tung-khong-doc-thong-viet-thao
Anh Dũng (ngoài cùng bên phải) trong màu áo xanh công nhân, khi đi làm tại Sa Đéc, Đồng Tháp, năm 1995

Trong thời gian làm việc ở miền Nam, anh Dũng quen 1 người bạn cùng tuổi, người Hà Tây cũ (nay là TP Hà Nội). Hàng ngày, bạn đạp xe đi học còn anh Dũng đi bốc vác. Nhìn thấy tương lai chỉ có thể bán sức kiếm tiền nên anh Dũng đã trích tiền công ra đi mua sách về tự học. Hàng ngày, cứ hết giờ làm là ngồi vào bàn tập viết, tập đọc và học cả bảng cửu chương.

Anh Bùi Đức Hiền - bạn cùng tuổi với anh Dũng kể lại: "Buổi tối chúng tôi hay lên sân thượng tám chuyện, rồi cùng nói về ước mơ của mình. Dũng bảo không muốn làm mãi công việc không có tương lai nữa. Cậu ấy trẻ nhưng từng trải nên khi đọc sách mở mang rất nhiều".

Kiên trì đọc sách mỗi tối đã giúp anh Dũng nhớ được mặt chữ, đọc tốt hơn. Sau đó anh chuyển qua đọc báo, quan tâm nhiều đến tình hình kinh tế, giá nhà. Anh Dũng nhẩm tính, sau 2 năm đi làm, không ăn tiêu gì tiết kiệm được 20 chỉ vàng, trong khi giá nhà đã là hơn 30 cây. 

"Tôi nghĩ muốn giàu phải làm chủ và muốn làm chủ thì phải làm thuê. Tôi tìm nghề để học", anh nói. Quen một gia đình gốc Bắc làm nghề sản xuất túi xách, thấy hai năm lập nghiệp ở TP HCM họ đã mua được hai ngôi nhà, Dũng đến xin học việc.

Song quyết định này của anh gặp phải sự phản đối gay gắt từ bố. Ông không muốn con trai mình bỏ "công việc ổn định". Thế nhưng quyết thay đổi tương lai, anh Dũng nộp đơn xin nghỉ thì lại gặp trở ngại từ giám đốc. Người này nói, khi nào bố anh đồng ý thì mới ký quyết định.

Chàng trai gốc Đông Anh (Hà Nội) khi đó hừng hực sức trẻ, quyết tâm thu dọn đồ đạc, rời đi. Sự việc này đã khiến bố anh rất phẫn nộ. Trong điện thoại, giọng cha tức giận: "nếu mày làm thế, đừng nhìn mặt bố mày nữa". Anh đáp: "Nếu không thành công, con sẽ không về gặp bố đâu", rồi bật khóc.

Ở xưởng sản xuất túi, với tâm lý người học nghề, anh Dũng háo hức với tất cả công việc được giao. Ban đầu anh đúng chuẩn là "chân sai vặt", công việc khá vất vả, lương thấp. Thấy người ta ngồi may một chỗ, lương cao, giờ nghỉ trưa, anh Dũng liền lấy bìa vụn tập may. Sau khoảng 1 tháng thì chuyển lên chân may phụ.

Khi đã thành thạo việc may, anh hứa làm tặng chị bạn thân một chiếc túi xách. Lúc sản phẩm đầu tay hoàn thành, một người trong gia đình chủ xưởng thấy đẹp liền bảo: "Để tạo mang ra chợ chào hàng thử". Và thật không thể ngờ được, các mối ở chợ đều lần lượt đặt hàng.

Anh Nguyễn Mạnh Lâm (48 tuổi, trú tại Bình Chánh) chính là người mang mẫu túi đầu tay của anh Dũng ra chợ chào hàng kể lại: "Dũng dành hầu hết thời gian để học nghề, khi tôi may túi, cậu ta lân la ngồi kế bên, hỏi rất nhiều. Khi bắt đầu vào nghề, tôi mất một năm mới may được mẫu, nhưng cậu ý chỉ mất vài tháng".

hanh-trinh-lam-giau-cua-vi-giam-doc-tung-khong-doc-thong-viet-thao-0
Năm 1998, anh Dũng bắt đầu xin đi học nghề tại xưởng may túi xách

Có lẽ tinh thần ham học hỏi, sự kiên tri và tư duy nhạy bén đã giúp anh Dũng thăng tiến nhanh chóng chỉ sau 2 năm làm nghề. Từ chân sai vặt đến thợ phụ, thiết kế, người mua nguyên liệu cho đến quản lý tổ hợp. 

Một lần nọ, anh họ tên Dương đưa cho anh Dũng mẫu túi, nhờ may. Anh từ chối vì cho rằng mẫu này quá khó. Người anh động viên: "Em làm được, cứ thử, cần gì anh hỗ trợ". Lần đầu mang sản phẩm đến, anh Dương khen: "OK rồi, chỉ cần sửa chút". Sửa xong mang đến, anh họ lại nói: "Ổn rồi, em điều chỉnh chi tiết này là được". Cứ như vậy, đến lần thứ 8 Dũng mới may được cái túi đạt yêu cầu.

Sau đó, anh Dương đặt anh Dũng chỉ đạo công nhân sản xuất thêm 800 chiếc. Chàng quản lý trẻ lại không dám nhận bởi nghĩ "công nhân của em không làm được". Nhưng cuối cùng, Dũng vẫn hoàn tất đơn hàng đúng thời hạn và được đặt hàng thêm 1.000 sản phẩm.

"Lúc này anh Dương mới bảo tôi: Khi chưa thử, em đừng nghĩ mình không làm được. Em cũng đừng nghĩ việc mình được, người khác không làm được", anh Dũng nhớ lại bài học vào năm 24 tuổi mà anh Dương đã chỉ cho mình.

Sau khi lập gia đình, vợ chồng anh Dũng mở một xưởng may nhỏ chỉ có 5 người, chuyên may túi xách nữ. Sau 1 năm khởi nghiệp, anh mua được căn nhà với giá 20 cây vàng. 

Song khi đó thị trường của anh là ở các chợ, sản phẩm không nhãn mác, không số địa thoại, không địa chỉ sản xuất. Anh Dũng từng đến 1 doanh nghiệp có tiếng về túi xách chào hàng năm lần, nhưng đều bị từ chối. 

Lúc này, ông chủ xưởng may nhỏ nhận ra, người ta hơn mình không phải vì chất lượng mà do họ có thương hiệu, có tên tuổi. Sau đó, anh Dũng về nghiên cứu, vẽ logo, thành lập công ty, chuyển từ sản xuất túi xách, ví nữ sang balo, cặp học sinh.

hanh-trinh-lam-giau-cua-vi-giam-doc-tung-khong-doc-thong-viet-thao-9
Đến giờ, anh Dũng đã trở thành ông chủ sản xuất túi xách lớn

Sản phẩm thay đổi song công nhân, kỹ thuật và quy trình vẫn y nguyên. Mỗi chiếc balo bán ra thị trường lộ đến 20.000 đồng, trong khi lương công nhân không thể trả thấp, lại thêm chi phí khiến anh Dũng lao dốc. Khi đó, anh phải bán oto, nợ ngân hàng gần tỷ, mỗi tháng trả lãi đến 20 triệu đồng. Đó là thời điểm làm ăn khủng hoảng nhất trong sự nghiệp của anh.

Thế nhưng, giữa lúc nguy nan này, anh Dũng lại nhận được sự giúp đỡ từ những người bạn trên đất Sài Gòn. Anh nhớ, gần ngày cưới để vực dậy kinh tế gia đình trước mắt, vợ chồng anh đã mở một cửa hàng văn phòng phẩm cho học sinh trước cửa nhà. Đồng thời bán thêm trà sữa, bỏng ngô...

Trong những ngày tăm tối đó, một người bạn dạy anh cách lên kế hoạch, tính toán giá thành, cách tìm ra điểm hòa vốn bằng công cụ Excel. Anh Dũng mừng rơn, tiến hành tái tổ chức lại việc sản xuất. 

Anh Dũng mạnh dạn vay thêm tiền, tuyển thêm nhân công, mở rộng dây truyền sản xuất, nâng giá sản phẩm, mở rộng thị trường. Sản phẩm của công ty cũng vì thế mà xuất hiện trong các siêu thị, nhà sách, cửa hàng văn phòng phẩm...

Anh Dũng nhận thế thị trường ở các chợ cũng rất lớn nên không thể để mất. Vấn đề là phải bán hàng ở các chợ lớn mà vẫn giữ logo sản phẩm, địa chỉ và số điện thoại nhà sản xuất. Trước đó, hàng ở chợ thường không được ghi thông tin nơi sản xuất, do người bán lẻ sợ người mua đến thẳng xưởng thay vì lấy hàng của họ.

Anh Dũng ôm một lô hàng lớn ra chợ, lân la tám chuyện, thuyết phục mãi mới có 1 mối đồng ý nhập hàng vẫn giữ nguyên logo, số điện thoại. Hàng bán chạy mà không mất khách nên các tiểu thương khác dần tin tưởng, liên tục đặt hàng của anh Dũng.

Từ năm 2012 trở đi, doanh số của anh Dũng cứ năm sau tăng gấp đôi năm trước. Công ty làm ăn ổn định, công nhân có thu nhập ổn định, việc kinh doanh của anh Dũng ngày càng tốt hơn.

Ở thời điểm COVID-19 hoành hành, công ty của anh Dũng cũng bị đình trị. Mỗi tháng, phải chi khoảng 200 triệu để duy trì doanh nghiệp, hỗ trợ công nhân. Song anh Dũng tin bản thân có thể cầm cự được. Bởi ngày xưa anh đã vượt qua rất nhiều khó khăn mà người thường ít ai làm được. 

 "Con người hơn nhau ở ý chí. Tôi tin khi dịch bệnh kết thúc mình sẽ lại mạnh mẽ như trước", anh nói.

Xem thêm: Nhân viên đài truyền hình về quê khởi nghiệp với loại cây không ai lấy, mỗi năm thu về 4 tỷ đồng

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận