Hành trình 5 năm bán cơm 2.000 đồng cho người nghèo của "bộ đội Tài"
Những bữa cơm trưa 2.000 đồng của "bộ đội Tài" trước cửa đồn Mang Cá (Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Thừa Thiên Huế) đã giúp rất nhiều người dân nghèo có bữa ăn ấm lòng.
Phần lớn trong số họ là dân lao động nghèo, người nhặt ve chai và có cả những người khoác áo bệnh nhân của Bệnh viện Quân y 268 ở gần đó. Trên tay mỗi người đều cầm 2.000 đồng hướng về một bữa cơm ngon.
Bữa cơm trưa đầy đặn của "bộ đội Tài"
Đúng 10h sáng, chiếc ô tô chở những suất cơm thiện nguyện rẽ lối đỗ xịch ngay trước cây đa già. Mọi người reo lên: "Bộ đội Tài tới rồi, cơm tới rồi" khi thấy những người trên xe bước xuống bưng theo từng túi cơm hộp được xếp gọn gàng.
"Bộ đội Tài" là thượng úy Trương Văn Tài (phòng hậu cần Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Thừa Thiên Huế). Đều đặn trưa chủ nhật hằng tuần trong suốt 5 năm qua, bất kể nắng mưa, anh Tài cùng nhóm thiện nguyện của mình lại nấu cơm trưa rồi đến bán cho bà con nghèo.
"Cơm trưa hôm nay vẫn như mọi hôm, có đầy đủ rau củ, món mặn, canh và kèm một trái chuối để bà con tráng miệng. Hôm nay các nhà hảo tâm còn có thêm một phần quà tặng bà con là khẩu trang y tế và một phần trái bầu non. Bà con xếp hàng gọn gàng nhận cơm và quà nhé", anh Tài vừa chuẩn bị vừa nói.
Cầm hộp cơm đầy đặn món ăn trên tay, ông Trần Văn Thiện (trú phường Hương Sơ, TP Huế) xúc động. Ông Thiện mắc bệnh về máu, phải điều trị tại Bệnh viện Quân y 268 nhiều năm trời mà không làm được việc gì. Bệnh tật khiến gia đình ông Thiện khánh kiệt.
"Tui ăn cơm của 'bộ đội Tài' hơn 5 năm nay. Thi thoảng "bộ đội Tài" cùng các nhà hảo tâm còn cho chúng tôi quà, tiền nên tui quý lắm", ông Thiện nói.

Tình thương được cộng hưởng, lan tỏa
5 năm trước, anh Tài từng tham gia nấu cơm thiện nguyện tại một quán cơm 2.000 đồng ở đường Hai Bà Trưng (TP Huế). Quán cơm này đã giúp nhiều bà con nghèo vượt qua cơn khó khăn, đặc biệt là những bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Trung ương Huế. Thế nhưng hoạt động được một thời gian thì nhà tài trợ của quán gặp khó khăn nên quán đành đóng cửa.
"Rồi một hôm trên đường đi làm về, tôi bắt gặp cảnh những bệnh nhân của Bệnh viện Quân y 268 đứng trước cổng viện chờ cơm từ thiện. Thấy những bệnh nhân tay còn gắn ống kim truyền nước khiến tôi không cầm lòng nổi. Thế rồi hình ảnh quán cơm 2.000 đồng bất ngờ hiện lên trong đầu tôi", anh Tài kể.
Nghĩ là làm, anh Tài về đơn vị vận động anh em mở quán cơm thiện nguyện để phục vụ bà con nghèo. Để không thụ động trong kinh phí, anh đề xuất mỗi người hằng tháng đóng 150.000 đồng làm quỹ nấu cơm và được mọi người đồng ý.
Bữa cơm đầu tiên, anh Tài cùng anh em đơn vị nấu hơn 40 suất rồi đem bán cho bà con với giá 2.000 đồng. Để có thêm trái chuối, trái mận cho mọi người ăn đủ chất, anh Tài lên mạng kêu gọi thêm các nhà hảo tâm cùng tham gia đem lại bữa ăn dinh dưỡng hơn cho bà con nghèo.
Thế rồi số suất cơm cứ tăng dần lên, từ vài chục đến vài trăm suất mỗi tuần. Thấy việc làm có ý nghĩa, nhiều người đi đường dù chẳng quen biết cũng ghé lại ủng hộ. Có người ủng hộ vài triệu đồng, người ủng hộ trái chuối, quả cam... thì nhóm anh Tài đều nhận và phát cho bà con cả.
Chị Bùi Thị Kim Khuyên, phó chủ tịch UBND phường Hương Sơ (TP Huế), chia sẻ trong một lần đi ngang qua khu vực đồn Mang Cá thì bắt gặp hình ảnh các cô, chú bộ đội đang bán cơm từ thiện cho bà con nghèo. Thấy hình ảnh đẹp quá nên chị Khuyên dừng xe ghé vào xem. Khi biết chuyện, chị Khuyên đăng ký tham gia cùng nhóm của anh Tài và đến nay là vừa tròn 5 năm vị nữ phó chủ tịch phường cùng đi bán cơm từ thiện.
"Không chỉ tôi mà nhiều thành viên của nhóm khác không phải là bộ đội cũng xin cùng chung tay tham gia để giúp đỡ cho bà con nghèo. Số tiền 2.000 đồng mỗi suất này thực ra chúng tôi bỏ riêng ra, cuối năm sẽ lấy mua quà Tết cho bà con hay đến nhận cơm", chị Khuyên nói.
Cách làm hay
Thượng tá Phan Thắng, chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Thừa Thiên Huế, cho biết việc làm của thượng úy Trương Văn Tài đã được Quân khu 4 biểu dương, đánh giá rất cao vì tinh thần thiện nguyện, giúp đỡ bà con khó khăn. "Mô hình bữa cơm 2.000 đồng của thượng úy Tài được anh em trong bộ chỉ huy hưởng ứng rất nhiệt tình bởi tính nhân văn, nêu cao tấm gương bộ đội Cụ Hồ hết lòng vì nhân dân trong thời bình", thượng tá Thắng nói.
(Theo Tuổi trẻ)
Xem thêm: Mỗi ngày một việc tốt: Sài Gòn hào sảng và những tiệm cơm 0 đồng ấm lòng người nghèo
Đọc thêm
Khi công việc kinh doanh đạt được thành tựu nhất định, ông Long liền mở quán cơm 0 đồng để san sẻ yêu thương đến những người khó khăn...
Chẳng ai có thể tránh được quy luật "sinh - lão - bệnh - tử", nhưng yêu thương thì sẽ còn mãi khi chúng ta cho đi.
Nhiều năm qua, bs Lê Thanh Nga và nhóm thiện nguyện "Vì người nghèo" đã hỗ trợ những bữa cơm 0 đồng cho bệnh nhân nghèo.
Bài mới

Với nam sinh Trần Xuân Đam, thành công không phải là đích đến mà là hành trình. Hoàn cảnh khó khăn đã tạo động lực, giúp em xuất sắc trở thành thủ khoa toàn quốc kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025.

Chỉ trong vòng 3 năm (1963-1970) ở mặt trận Trị Thiên, “vua mìn” Trịnh Tố Tâm đã chỉ huy đơn vị đánh 58 trận, diệt 1.500 tên địch, phá hủy 61 xe quân sự, đánh bật 19 đoàn tàu hỏa... Riêng ông đã tiêu diệt được 272 tên địch, bắn rơi và phá hủy 3 máy bay và cực kỳ nổi tiếng với câu nói: "Tất cả chúng mày đã bị một mình tao bao vây!"

Trong bảng xếp hạng tỷ phú của Bloomberg được công bố mới đây, Bill Gates lần đầu tiên sau nhiều năm rơi khỏi top 10 người giàu nhất thế giới. Giá trị tài sản ròng của ông giảm 30%, tương đương 52 tỷ USD, sau khi Bloomberg điều chỉnh cách tính để phản ánh chính xác hơn các khoản quyên góp từ thiện khổng lồ của vị đồng sáng lập Microsoft.

Chồng hy sinh trong kháng chiến chống Pháp, con trai thứ hai 18 tuổi lén mẹ đăng ký đi kháng chiến chống Mỹ và không trở về. Hơn 60 năm nay, mẹ Việt Nam Anh hùng Ngô Thị Lang (Hội An, Quảng Nam cũ) vẫn ôm ấp niềm hy vọng một ngày nào đó có thể tìm được hài cốt con trai thay vào ngôi mộ gió được lập nhiều năm nay.

Giữa những trang giấy đã úa màu thời gian, 109 bức thư mà bà Vũ Thị Lui nâng niu gìn giữ chính là những mảnh hồn xưa còn sót lại của một thời đạn lửa. Mỗi con chữ đều thấm đẫm tình yêu thương, nỗi mong nhớ và cả tinh thần bất khuất của một thế hệ đã sống, đã yêu và sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc. Những bức thư ấy đã theo chân người lính qua rừng sâu, suối cạn, qua những năm tháng hành quân gian khổ và hôm nay, chúng vẫn còn đó như những nhân chứng thầm lặng kể lại bản anh hùng ca của một thời không thể nào quên.