Những cái chết lạ lùng trong sử Việt [Kỳ 2]: Ham ăn chỉ một đĩa lòng, hồn bay phách lạc tuyệt dòng vua Đinh

Cho đến nay, cái chết của vua Đinh Tiên Hoàng vẫn là câu chuyện gây nhiều tranh cãi. Các nhà sử học vẫn chưa có lời giải chính xác cho câu hỏi: Hai là kẻ hại vua?

Đỗ Thu Nga
10:00 11/04/2022 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Đinh Tiên Hoàng (Đinh Bộ Lĩnh) sinh ngày rằm tháng 2 năm Giáp Thân (tức ngày 22/3/924). Ông là con của Thứ sử Đinh Công Trứ tại thôn Kim Lư, làng Đại Hữu, châu Đại Hoàng, nay là thôn Vân Bồng, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình.

Ông là người có công dẹp loạn 12 sứ quân, thống nhất đất nước, mở ra cơ nghiệp nhà Đinh trong lịch sử Việt Nam. Ông chỉ trị vì được 11 năm thì bị giết hại. Xoay quanh cái chết của ông cho đến nay vẫn còn nhiều bí ẩn chưa sáng tỏ.

Ham-an-chi-1-dia-long-hon-bay-phach-lac-tan-dong-vua-Dinh
Hình ảnh Đinh Bộ Lĩnh thời nhỏ

Chép về cái chết của cha con vua Đinh, Đại Việt sử ký toàn thư có đoạn: "Nhân lúc vua ăn yến ban đêm, say rượu nằm trong sân, Thích bèn giết chết, lại giết luôn cả Nam Việt Vương Liễn”. Việc ấy nhằm năm Kỷ Mão (979). Theo Việt sử diễn âm, chính là nhằm ngày Tết thượng nguyên: 

Tiết vừa chính nguyệt thượng nguyên,

Vua cùng Thái tử mở đêm chơi bời.

Tiệc thôi say rượu nằm ngơi,

Trùng môn để vắng chẳng ai giữ cầm.

Xẩy có gian thần bạn tâm,

Tên là Đỗ Thích ở cùng chân tay.

Vua cùng Thái tử cơn say, 

Đỗ Thích giết cả hòa hai chẳng vì. 

Ngoài dữ liệu trên thì tại đất Hoa Lư, sự tuyệt mệnh của cha con Đinh Tiên Hoàng cũng được biết đến với do hết sức đặc biệt. Hiện nay, cứ nhằm ngày giỗ vua Đinh, khi làm cỗ tam sinh, trâu, bò, dê, lợn lục giết mổ để làm lễ cúng, lục phủ ngũ tạng đều phải bỏ đi không được giữ lại làm cỗ dâng vua. Điều này có căn nguyên của nó, bởi theo dân gian, tục kỵ này nhắc đến món lòng tẩm thuốc độc đã hại chết vua Đinh.

Theo dã sử và giai thoại ở Hoa Lư, trước đây Đỗ Thích vốn thân phận hèn kém nhưng trong thời loạn thập nhị sứ quân, hắn có công cứu vua thoát nạn trong một trận đánh nên sau khi lên ngôi, nhớ cái ơn cứu mạng ấy, vua Đinh Tiên Hoàng đã cho Đỗ Thích làm Chi hậu nội nhân lo việc phục vụ ăn nghỉ của vua.

Ham-an-chi-1-dia-long-hon-bay-phach-lac-tan-dong-vua-Dinh-9
Tượng Đinh Tiên Hoàng tại đền vua Đinh (làng Trường Yên Thượng, xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình)

Trong quá trình này, Đỗ Thích biết tất cả những thói quen ăn uống, tính cách của đấng quân vương. Trong việc ngự lãm, hắn biết vua Đinh ngay từ thời còn chăn trâu với chúng bạn, đã từng được mẹ làm thịt lợn khao lũ mục đồng. Ngay từ dạo ấy, Đinh Tiên Hoàng đã thích ăn lòng lợn. 

Nhân có đêm mơ thấy sao sa vào miệng, tưởng sắp được làm vua, nên hắn cho rằng thời cơ cướp ngôi đã đến. Trong tiệc ngự thiện đêm tháng 10, Đỗ Thích liền tẩm độc vào đĩa lòng lợn đã chuẩn bị sẵn. Đúng món khoái khẩu nên cha con họ Đinh ăn ngon miệng và trúng độc mà mất.

Chính vì đĩa lòng lợn tẩm thuốc độc của Đỗ Thích mà cha con Đinh Tiên Hoàng tuyệt mệnh, còn nhà Đinh rơi vào cảnh tuyệt dòng đế vương mãi mãi. Sự thể đau đớn đó dẫn tới tục kỵ không dùng bộ lòng dâng cúng trong mỗi dịp giỗ vua Đinh.

Nhiều năm trở lại đây, các nhà sử học không ngừng nghiên cứu về cái chết của cha con vua đinh. Nhiều nhà sử học đưa ra giả thuyết Đỗ Thích không phải thủ phạm giết vua.

Ham-an-chi-1-dia-long-hon-bay-phach-lac-tan-dong-vua-Dinh-0
Đỗ Thích lúc sắp bị hành hình (Tranh minh họa)

Tác giả Lê Văn Siêu trong sách Việt Nam văn minh sử nêu giả thiết: “Trong cuộc chiến cung đình giữa các hoàng hậu, bà mẹ Hạng Lang (Hạng Lang là con trai thứ ba của Bộ Lĩnh) đã chọn Nguyễn Bặc làm vây cánh. Khi Hạng Lang bị giết mà thủ phạm Đinh Liễn không bị trừng trị, bà nảy ý định trả hận và đã cùng Nguyễn Bặc dùng Đỗ Thích ra tay. Sau đó, Nguyễn Bặc theo lệnh của bà bắt giết Thích để diệt khẩu”.

Nhà giáo Hoàng Đạo Thúy và một số nhà nghiên cứu cho rằng Đỗ Thích không thể giết vua để giành ngôi báu bởi y chỉ là viên hoạn quan, chức nhỏ, sức mọn, không hề có uy tín hay vây cánh.

Trong khi đó, triều đình còn vô số người giỏi, nắm trọng quyền. Vậy cớ gì để Thích có thể mơ tưởng sẽ khuất phục được các đại thần nhà Đinh để ngồi lên ngai vàng.

Sau khi mất, Đinh Bộ Lĩnh được triều thần tôn là Đinh Tiên Hoàng đế. Linh cữu Đinh Tiên Hoàng được táng ở Sơn Lăng trên núi Mã Yên thuộc Trường Yên, Hoa Lư. Hiện nay, dưới chân núi Mã Yên, đền thờ của ông được dựng trên nền cung điện cũ.

Xem thêm: Những cái chết lạ lùng trong sử Việt [Kỳ 1]: Quả dưa hấu giải nước, bước sang nơi cửu tuyền

Sống Đẹp
songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận