Những cái chết lạ lùng trong sử Việt [Kỳ 1]: Quả dưa hấu giải nước, bước sang nơi cửu tuyền
Trong sử Việt, từ bậc vua chúa cho đến bậc công khanh, dù quyền cao đến đâu đi chăng nữa cũng không thoát khỏi quy luật "sinh - tử". Nhưng có những cái chết thật lạ lùng, chẳng giống ai. Ví như cái chết vì miếng dưa hấu của Nguyễn Kim.
Sử chép, nhà Lê Trung Hưng được lập lại năm Quý Tỵ (1533) với vị vua đầu tiên là Lê Trang Tông - Lê Ninh. Nhưng công đầu trong việc khôi phục triều đại lại thuộc về công thần họ Nguyễn, ông là An Thành hầu Nguyễn Kim.
Theo Đại Nam thực lục (bộ sử của nhà Nguyễn soạn), tổ tiên của họ Nguyễn trước là một họ danh gia vọng tộc ở xứ Thanh. Cha của Nguyễn Kim là Trừng Quốc công Nguyễn Hoằng Dụ. Ông nội của Nguyễn Kim là Nghĩa Quận công Nguyễn Văn Lang. Nguyễn Kim là con trưởng, làm quan triều Lê, chức Hữu vệ điện tiền tướng quân, tước An Thanh hầu.
Nguyễn Kim là một nhà chính trị và quân sự giai đoạn Lê trung hưng trong lịch sử Việt Nam. Ông được xem là người lãnh đạo trên thực tế của chính quyền và quân đội Lê trung hưng.
Sử chép, khi Mạc Đăng Dung cướp ngôi của Lê Cung Hoàng năm Đinh Hợi (1527), dứt nhà Lê sơ mà lập nên triều Mạc (1527 - 1592), nhân gian khắp nơi xáo xác, công thần dù hoài Lê mà chưa đủ sức đứng ra cự lại được, thì Nguyễn Kim đã sai người dò tìm được Lê Ninh, là con của vua Lê Chiêu Tông, cháu xa đời của Lê Thánh Tông, đón sang Ai Lao (nước Lào) để đưa lên ngôi vua. Việc này, được Khâm định Việt sử thông giám cương mục ghi lại:
Trước kia, khi Đăng Dung thí nghịch và tiếm ngôi, Triệu Tổ Tĩnh hoàng đế ta (chỉ Nguyễn Kim – người dẫn) lánh nạn sang ở tại châu Sầm Nưa thuộc Ai Lao, chiêu tập những người trung dũng, đầu tiên dựng lá cờ nghĩa, quyết chí diệt Mạc để khôi phục nhà Lê, bèn tìm khắp mọi nơi kiếm lấy cho cháu họ Lê, thì được con nhỏ của Chiêu Tông là Ninh, lập làm vua, lên ngôi ở Ai Lao, đặt niên hiệu là Nguyên Hòa. Từ đó, hội gió mây lôi cuốn, tiếng chính nghĩa lẫy lừng, quân trẩy đến đâu chẳng ai là không hưởng ứng. Công nghiệp trung hưng nhà Lê thực bắt đầu từ đấy”.
Vua Trang Tông nhớ ơn ấy, phong cho vị tướng họ Nguyễn làm Thượng phụ Thái sư Hưng quốc công trưởng nội ngoại sự để phòng giúp việc diệt Mạc, lấy lại nước. Nhưng công cuộc "phò Lê diệt Mạc" chưa thành thì thân đã bị lụy.
Theo Đại Nam thực lục: "Ngày Tân Tỵ, tháng 5, mùa hạ, năm Ất Tỵ (1545) ông bị hàng tướng Mạc (tên Trung) đầu độc. Triệu Tổ băng, thọ 78 tuổi. (Trước là nhà Mạc thấy quân nhà vua hoạt động mạnh, rất lo, ngầm sai hoạn quan là Trung (không rõ họ) trá hàng, để đầu độc vua Lê; việc không thành, nó liền ngầm cho thuốc độc vào quả dưa hấu rồi đón dâng Triệu Tổ). Vua Lê thương tiếc mãi, tặng tước Chiêu huân tĩnh công, dùng lễ hậu đem táng ở núi Thiên Tôn (thuộc huyện Tống Sơn). Tương truyền huyệt đào trúng hàm rồng, khi đặt quan tài xuống thì cửa huyệt ngậm lại, bỗng trời đổ mưa, gió sấm sét, mọi người sợ chạy. Đến lúc tạnh trở lại tìm thì đá núi liên tiếp, cỏ cây xanh tốt, không nhận được là táng nơi nào nữa. Đến nay có việc (cúng tế) thì chỉ trông núi tế vọng thôi”.
Trong Khâm định Việt sử thông giám cương mục, tên hàng tướng ấy chính là Dương Chấp Nhất: "Bấy giờ đại quân tiến đóng Yên Mô (thuộc Ninh Bình – người dẫn), hàng tướng nhà Mạc là Dương Chấp Nhất đón mời Triệu Tổ Tĩnh hoàng đế ta đến chơi quân doanh của hắn. Nhân đương nắng nóng, Chấp Nhất mời Triệu Tổ ăn dưa; trúng độc, khi trở về quân doanh, Triệu Tổ thấy người bải hoải khó chịu, rồi mất”.
Vậy là xông pha hòn tên, mũi đạn, trải qua bao phen giáo gãy, gươm rơi không chết, vì quả dưa hấu có độc, vị khai quốc công thần nhà Lê Trung hưng phải bỏ mình bởi hèn kế của kẻ thù.
Vua Lê Trang Tông vô cùng thương tiếc, truy tặng là Chiêu Huân Tĩnh công, đặt tên thụy là Trung Hiến, sai quan đem về quê ở Tống Sơn mai táng.
Đến thời chúa Tiên Nguyễn Hoàng, tôn thụy hiệu là Huệ Triết Hiển Hựu Hoành Hưu Tế Thế Vĩ Tích Chiêu Huân Tĩnh vương.
Đến đời Chúa Vũ Nguyễn Phúc Khoát thì cải thụy thành Di Mưu Thùy Dụ Khâm Cung Huệ Triết Hiển Hựu Hoành Hưu Tế Thế Vĩ Tích Chiêu Huân Tĩnh vương, và truy tôn phi là Từ Tín Chiêu Ý Đức phi.
Đời vua Gia Long năm thứ 5 lại truy tôn là Di Mưu Thùy Dụ Khâm Cung Huệ Triết Hiển Hựu Hoành Hưu Tế Thế Khải Vận Nhân Thánh Tĩnh Hoàng đế, miếu hiệu là Triệu Tổ, lăng gọi là Trường Nguyên, và truy tôn phi là Từ Tín Chiêu Ý Hoằng Nhân Thục Đức Tĩnh Hoàng hậu.
Lăng Triệu Tường, tên lăng chính thức là Trường Nguyên. Lăng tọa lạc tại vùng núi Triệu Tường nên thường gọi là lăng Triệu Tường, nơi hợp táng Nguyễn Kim và vợ. Từ sau ngày nhà Nguyễn cáo chung (1945) rồi chiến tranh liên miên, khu vực lăng Trường Nguyên không được chăm sóc, dân Mường được dồn về đây lập nghiệp, thiếu ý thức tôn trọng di tích nên các kiến trúc xưa bị vi phạm hầu như không còn gì. Vào hai năm 2006–2007, dòng họ Nguyễn Phúc ở Huế đã đích thân về đây trùng tu khôi phục lại nơi thờ vọng, bia và nhà bia ở chân núi Triệu Tường. Khu vực lăng Triệu Tường mở ra một địa điểm du lịch sinh thái tâm linh.
Không gian bên trong thành Triệu Tường chia làm 3 khu vực: Khu vực chính ở giữa xây Miếu Triệu Tường thờ Nguyễn Kim và Nguyễn Hoàng. Khu vực phía đông dựng miếu thờ Trừng Quốc công (Nguyễn Văn Lưu – thân phụ của Nguyễn Kim), khu vực phía tây dành làm nơi trú ngụ của các quan và gia đình hộ lăng và trại lính canh lăng.
Xem thêm:
5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần
Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!
Bình luận