Trắc nghiệm yêu văn học: Dế Mèn là con thứ mấy trong nhà?

Dế Mèn là nhân vật chính trong tác phẩm "Dế Mèn phiêu lưu ký". Thông qua cuộc hành trình của Dế Mèn, tác giả muốn gửi gắm thông điệp về tình yêu, khát vọng sống và ước mơ cao đẹp.

Đỗ Thu Nga
09:50 21/07/2022 Đỗ Thu Nga
Sống Đẹp
Nguồn: Internet

Dế Mèn là con thứ mấy trong nhà?

A. Con cả trong nhà

B. Con thứ hai

C. Con út

ĐÁP ÁN: C - CON ÚT

"Dế Mèn phiêu lưu ký" là tác phẩm văn xuôi đặc sắc và nổi tiếng nhất của nhà văn Tô Hoài về loài vật, dành cho lứa tuổi thiếu nhi. Ban đầu tác phẩm có tên "Con dế mèn" (chính là 3 chương đầu của truyện) do Nhà xuất bản Tân Dân (Hà Nội) phát hành năm 1941. Sau đó, được sự ủng hộ nhiệt tình của nhân dân, Tô Hoài viết thêm truyện "Dế Mèn phiêu lưu ký" (là bảy chương cuối của truyện). 

De-Men-la-con-thu-may-trong-nha-0

Đến năm 1945, tác giả gộp hai chuyện vào với nhau để thành truyện "Dế mèn phiêu lưu ký" như ngày nay. Truyện đã được đưa vào chương trình học lớp 6 học kỳ 2 môn Ngữ Văn của Việt Nam.

"Dế Mèn phiêu lưu ký" có thể tạm dịch là "Ghi chép về cuộc đời trôi dạt của Dế Mèn" ("phiêu lưu" ở đây có nghĩa là "trôi dạt", không phải là "mạo hiểm" theo cách dùng từ của người Việt Nam). Truyện gắn liền với bao thế hệ thiếu nhi Việt Nam, được xuất bản liên tục và dịch ra gần 20 thứ tiếng.

Năm 2020, nhà xuất bản Kim Đồng vừa cho ra mắt ấn bản đặc biệt "Dế mèn phiêu lưu ký" kỉ niệm 100 năm ngày sinh của nhà văn Tô Hoài (27/09/1920 - 27/09/2020) với hơn 100 bức tranh minh họa màu nước của họa sĩ trẻ Đậu Đũa.

Tác phẩm này có 10 chương, kể về cuộc phiêu lưu của Dế Mèn qua thế giới muôn màu muôn vẻ của những nhân vật nhỏ bé: 

- Chương 1: Kể về bài học đường đời đầu tiên của Dế Mèn.

- Chương 2 tới chương 9: Kể về những cuộc phiêu lưu của Dế Mèn, cùng người bạn đường là Dế Trũi.

- Chương 10: Kể về việc Dế Mèn và Dế Trũi về nhà và nghỉ ngơi, dự tính cuộc phiêu lưu mới.

De-Men-la-con-thu-may-trong-nha

Thông qua câu chuyện đầy hấp dẫn này, tác giả muốn gửi gắm thông điệp ý nghĩa: Bài học về thái độ sống; Bài học về lòng tốt với những người xung quanh; Bài học về cách đánh giá người khác; Bài học về tình bạn chân thành; Bài học về ý thức kỷ luật và sự đoàn kết.

Nói về nội dung câu hỏi "Dế Mèn là con thứ mấy trong nhà?", tác giả Tô Hoài có giới thiệu: Dế Mèn là con út trong nhà.

"Tôi sống độc lập từ thủa bé. Ấy là tục lệ lâu đời trong họ nhà dế chúng tôi. Vả lại, mẹ thường bảo chúng tôi rằng: "Phải như thế để các con biết kiếm ăn một mình cho quen đi. Con cái mà cứ nhong nhong ăn bám vào bố mẹ thì chỉ sinh ra tính ỷ lại, xấu lắm, rồi ra đời không làm nên trò trống gì đâu". Bởi thế, lứa sinh nào cũng vậy, đẻ xong là bố mẹ thu xếp cho con cái ra ở riêng.

Lứa sinh ấy, chúng tôi có cả thảy ba anh em. Ba anh em chúng tôi chỉ ở với mẹ ba hôm. Tới hôm thứ ba, mẹ đi trước, ba đứa tôi tấp tểnh, khấp khởi, nửa lo nửa vui theo sau. Mẹ dẫn chúng tôi đi và mẹ đem đặt mỗi đứa vào một cái hang đất ở bờ ruộng phía bên kia, chỗ trông ra đầm nước mà không biết mẹ đã chịu khó đào bới, be đắp tinh tươm thành hang, thành nhà cho chúng tôi từ bao giờ. Tôi là em út, bé nhất nên được mẹ tôi sau khi dắt vào hang, lại bỏ theo một ít ngọn cỏ non trước cửa, để tôi nếu có bỡ ngỡ, thì đã có ít thức ăn sẵn trong vài ngày".

Nhà văn Tô Hoài (tên khai sinh là Nguyễn Sen, 1920 - 2014), sinh ra tại quê nội ở thôn Cát Động (Thị trấn Kim Bài, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Đông cũ trong gia đình thợ thủ công. Tuy nhiên, ông lớn lên ở quê ngoại là làng Nghĩa Đô, huyện Từ Liêm, phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Đông (nay thuộc phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, Hà Nội, Việt Nam). Bút danh Tô Hoài gắn với hai địa danh: sông Tô Lịch và phủ Hoài Đức.

Bước vào tuổi thanh niên, ông làm nhiều công việc để kiếm sống như dạy trẻ, bán hàng, kế toán, hiệu buôn... nhưng có những lúc rơi vào cảnh thất nghiệp. Khi đến với văn chương, ông nhanh chóng được bạn đọc chú ý, nhất là qua truyện Dế Mèn phiêu lưu ký. Năm 1943, Tô Hoài gia nhập Hội Văn hóa cứu quốc. Trong chiến tranh Đông Dương, ông chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực báo chí, nhưng vẫn có một số thành tựu quan trọng như Truyện Tây Bắc.

Từ năm 1954 trở đi, ông có điều kiện tập trung vào sáng tác. Tính đến nay, sau hơn sáu mươi năm lao động nghệ thuật, ông đã có hơn 100 tác phẩm thuộc nhiều thể loại khác nhau: truyện ngắn, truyện dài kỳ, hồi ký, kịch bản phim, tiểu luận và kinh nghiệm sáng tác.

Ông được nhà nước Việt Nam trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học – Nghệ thuật Đợt 1 (1996) cho các tác phẩm: Xóm giếng, Nhà nghèo, O chuột, Dế mèn phiêu lưu ký, Núi Cứu quốc, Truyện Tây Bắc, Mười năm, Xuống làng, Vỡ tỉnh, Tào lường, Họ Giàng ở Phìn Sa, Miền Tây, Vợ chồng A Phủ, Tuổi trẻ Hoàng Văn Thụ.

Ông mất ngày 6 tháng 7 năm 2014 tại Hà Nội, hưởng thọ 94 tuổi.

Xem thêm: Trắc nghiệm yêu văn học: "Nhà văn của những người cùng khổ" là ai?

songdep.com.vn

5 chủ đề bạn cần biết mỗi tuần

Mỗi thứ Tư, bạn sẽ nhận được email tổng hợp những chủ đề nổi bật tuần qua một cách súc tích, dễ hiểu, và hoàn toàn miễn phí!

Bài Mới

Bình luận